Chƣơng 3 : NHẬN XÉT VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM CHỦ YẾU
3.2. Một số kinh nghiệm chủ yếu
3.2.4. Chú trọng xây dựng lực lượng dân quân, du kích trong quá trình
trình xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân
Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Hưng Yên ra đời khá sớm, đó là các đội tự vệ ở làng, xã và các chiến khu trong thời kỳ tiền khởi nghĩa.Sau khi giành được chính quyền, các Đảng bộ đều chú ý xây dựng củng cố để làm công cụ chuyên chính của chính quyền. Trong những năm đầu kháng chiến, Đảng bộ Hưng Yên đề ra chủ trương xây dựng, lực lượng vũ trang phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương. Đầu năm 1947, thực hiện Thông tư của Bộ Quộc phòng, Tỉnh ủy Hưng Yên đã khẩn trương chấn chỉnh dân quân, phát triển du kích và xây dựng lực lượng vũ trang địa phương tập trung. Là địa bàn chiến lược của vùng Tả ngạn sông Hồng, lại là cầu nối giữa Hà Nội và Hải Phòng, vấn đề xây dựng lực lượng đánh địch ngay tại các làng xã là yêu cầu hết sức bức thiết. Cho nên, việc tăng cường xây dựng lực lượng dân, quân du kích được Tỉnh ủy coi trọng.
Dân quân, du kích là một trong những điều kiện cốt yếu để hình thành và phát triển chiến tranh du kích ở mỗi địa phương. Dân quân, du kích cũng là một trong ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân do Đảng tổ chức và lãnh đạo. Đó là lực lượng không thoát ly sản xuất và giữ vai trò chiến lược trong hoạt động đánh giặc giữ làng, làm nòng cốt cho chiến tranh du kích, có thể đánh giặc mọi lúc, mọi nơi với tất cả những thứ vũ khí có được để tiêu hao, tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của chúng. Lực lượng này còn hỗ trợ cho quần chúng nhân dân đấu tranh chính trị, phối hợp chiến đấu với bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực để tạo điều kiện cho bộ đội tiến hành những trận đánh lớn, tiêu diệt những lực lượng quan trọng của địch. Dân
quân, du kích còn là lực lượng dự bị, nguồn bổ sung cho quân đội và thường xuyên bám đất để sản xuất.
Là tổ chức quân sự nhưng lại mang tính quần chúng rộng rãi cho nên dân quân, du kích cần thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Lực lượng dân quân, du kích phải do các tổ chức Đảng lãnh đạo trực tiếp và toàn diện. Mọi hoạt động của nó phải nhằm thực hiện những mục tiêu, những nhiệm vụ chính trị do Đảng đề ra, phải đi đúng đường lối giai cấp của Đảng. Dân quân, du kích phải được giác ngộ về chính trị, có tư tưởng tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, có chiến thuật và khả năng chiến đấu linh hoạt, sáng tạo để có thể đạt được những kết quả tốt nhất.
Thực tế xây dựng lực lượng dân quân, du kích trong chiến tranh du kích ở Hưng Yên cho thấy, khi có giặc đến, dân quân, du kích là lực lượng trực tiếp chiến đấu với giặc, dám hy sinh, chịu đựng khó khăn, gian khổ. Chính vì vậy, phải xây dựng lực lượng dân quân, du kích đảm bảo tiêu chuẩn về mặt chính trị chứ không thể xây dựng và phát triển ồ ạt. Phong trào dân quân du kích cho thấy cần phải có những đội du kích mạnh làm nòng cốt cho các nhiệm vụ tác chiến, tổ chức rộng rãi lực lượng dân quân, có sự huấn luyện và sử dụng thích hợp từng đối tượng cho những mục đích, nhiệm vụ khác nhau.
Dân quân, du kích là lực lượng đông đảo, có sức mạnh vô tận vì nó dựa vào nguồn hậu cần tại địa phương. Chính vì thế, để đảm bảo hoạt động của lực lượng này cần phải phát triển tăng gia sản xuất, kết hợp sản xuất với chiến đấu tạo điều kiện cho dân quân du kích sản xuất tự túc một phần vũ khí và lương thực để ngày càng phát triển, sẵn sàng chiến đấu và hoạt động lâu dài.