5. Cấu trúc của luận văn
2.2. Văn hoá ẩm thực và phong tục Hà Nội
2.2.2. Văn hoá phong tục Hà Nội
Xét một phương diện khác, phương diện văn hoá tinh thần, tác phẩm
Chuyện cũ Hà Nội ánh lên những nét đẹp của lễ tết, phong tục tập quán, lễ hội,
là tâm hồn trong sáng, bình dị tiềm ẩn trong các mối quan hệ hàng ngày mà vẫn đầy sức mạnh và khát vọng đổi thay của người Hà Nội băm sáu phố phường trong những năm tháng đó.
Tô Hoài là nhà văn của đời sống sinh hoạt, phong tục. Trong hồi kí về Hà Nội của mình, ông đã phát hiện và thể hiện được những nét đẹp về phong tục của Hà Nội xưa đó là phong tục hội làng, hội hè đình đám, khai bút, cưới, tảo mộ, giỗ, tết, tết rằm trung thu…
Khi đề cập phong tục, nhà văn có thiên hướng về tôn vinh những mỹ tục của dân tộc. Những thói quen, những tập quán tốt đẹp đã ăn sâu vào nếp sống xã hội và có giá trị văn hóa. Có lúc ông nêu ra vài hủ tục và gửi vào đó nụ cười phê phán dí dóm mà sâu cay. Xét ra cũng là để khẳng định, vun đắp cho cái mỹ tục mà thôi.
Từ góc nhìn chung của văn hoá Việt, lễ hội bao giờ cũng tạo nên một không gian sống thực yên ấm, no đủ, hạnh phúc ngay cả khi cuộc sống còn đói khổ cùng cực. Cả năm có một ngày như thế: đó là tết, ngày của sum họp gia đình, nhưng cũng là ngày rất cơ cực của người dân nghèo Hà Nội thời đó “nhà nghèo chạy cái tết bở hơi tai” nhưng vẫn chuẩn bị cho ngày đó với tất cả tâm hồn cho người sống và cho cả tổ tiên ông bà “đến hôm tất niên mới mò được ra
chợ mua miếng thịt lợn, nén hương, gọi cho là có tết nhất”, những ngày áp tết được tác giả ghi lại với vài chi tiết đơn giản “miếng thịt lợn nén hương” nhưng tác giả đã tạo dựng nên cả một ngày linh thiêng quan trọng của người dân nghèo Hà Nội xưa, là nét văn hoá gia đình người Việt – gia đình bao gồm cả người chết nên ngày tết có thăm mộ, cúng tổ tiên, thắp hương cầu cho may mắn cả năm. Nét vui của tết lại hiện lên trong niềm vui hồn nhiên của trẻ thơ “bánh pháo tép”, “miếng khế khô lẫn mật gừng”, “đôi guốc mộc mới”... Phải chăng, nét đẹp của ngày tết là ngày tiếp khách thăm hỏi nhau, ân cần, tha thứ cho nhau vì đấy là ngày “thân phận mỗi người được quý trọng” là ngày mừng nhau mọi sự tốt lành ngay cả trong cuộc sống khổ cực”.
Một nét văn hoá của Hà Nội xưa của cha ông để lại đã làm đẹp, làm vui
thêm cuộc sống vốn quanh năm nghèo túng bằng cái tết được kéo dài. Khi nói về “Giỗ, tết”, Tô Hoài đã liệt kê một loạt các lễ tết: “Tháng giêng, Tết
cả, Tết nhất, tết Nguyên Đán có bốn ngày. Sáng mùng bốn hạ cỗ hóa vàng, đốt vàng để các cụ có tiền tàu xe về cõi âm. Mùng bẩy lễ hạ nêu và động thổ. Tháng giêng, tiết thanh minh đi tảo mộ đem theo thẻ hương, cái cuốc, tảng đá, mươi hòn gạch. Rằm tháng giêng lại cúng ngày Phật sinh. Mùng ba tháng ba tết bánh trôi dùng. Tết mùng năm tháng năm giữa mùa hè giết sâu bọ cho quanh năm được khỏe mạnh. Rằm tháng bảy “xá tội vong nhân. Rằm tháng tám tết Trung Thu. Có nơi ăn mùng chín tháng chín tết Trùng Cửu. Mùng mười tháng mười tết cơm mới, mừng cơm mới. Sang tháng chạp bắt đầu mọi việc lễ lạt sửa soạn cho tết Nguyên Đán. Hai mươi ba, cúng ông Công ông Táo. Lễ sắp ấn ngày 25. Chiều ba mươi tết cúng tiên thường” [10;477-484].
Trong những ngày Tết nhất, chùa chiền càng rộn ràng. Các vãi đã lên nhang đèn sớm tối cả năm, người sắp về cõi càng gần gũi Phật, cả ba ngày Tết, hầu như thay nhau túc trực đêm ngày trên chùa. Các bác, các cô thì ngày Tết đi chùa, xóc thẻ cầu tài, cầu lộc, cầu duyên. Trai thanh, gái lịch chơi chùa làng
hay chùa xa suốt mấy ngày Tết. Nhưng thăm thú danh lam thắng cảnh cửa phật thì lại nhiều nam giới, nhất là các cụ ông (Chơi chùa)
Đó là các ngày lễ tết không sao kể hết. Còn ngày giỗ: Quanh năm, ngày rằm và mùng một đèn hương. Trong nhà có người đã mất, người già lão bậc cụ kỵ, ông bà hay người còn trẻ còn bé cũng đều được cúng giỗ. Cúng giỗ chia ra nhà chi trưởng họ và nhà trưởng nam. Trưởng họ, trưởng nam giữ giỗ tổ, các cụ. Nhà thứ, trai cũng như gái hàng năm về nhà trưởng góp giỗ. Thứ nam thứ nữ theo anh cả giỗ bố mẹ. Bây giờ nếp sống mới, không chè chén hôm đưa đám, nhưng đến cúng năm mươi ngày hay một trăm ngày, thế nào cũng làm vài mâm…Ma chay, cưới xin hay khao vọng, khách khứa đến chia buồn, chia vui đều đem theo chai rượu với tiền phúng, tiền mừng – phía chủ nhà không khi nào phải thiệt.
Bên cạnh những ngày giỗ, tết thì chúng ta không thể không kể đến một phong tục đó là “Cưới”: Phong tục lâu năm đã thành hèm, thành luật như cùng huyết thống đến như thế nào thì không được lấy nhau (luật hôn nhân gia đình) và cưới phải có giá thú (giấy đăng ký kết hôn)…Lệ cheo làng – trai lấy vợ làng khác thì phải có lễ cheo nộp làng nhà vợ, tục này nay không còn. Về lễ lạt thì dềnh dàng lôi thôi. Đầu tiên, đã mối manh xuôi chèo mát mái rồi thì nhà trai đi chạm mặt (chạm ngõ, vấn danh) rồi ăn hỏi, xin cưới. Trong ngày cưới có tế tơ hồng, lễ gia tiên – đôi nơi, lễ sống cha mẹ, ông bà. Lại việc thách cưới, chẳng còn chuyện mặc cả, nài ép…Các tục lệ nhỏ, như chăng dây, đóng cửa nhà gái để nhà trai phải cho trẻ con tiến mới mở cho đám đón dâu vào, hoặc cô dâu phải bước qua hỏa lò, mẹ ném mắm muối theo chân con gái vừa bước ra, hay là ông cụ cầm hương trịnh trọng đi đầu. Những cái ấy phần nhiều không còn giữ. Tục mẹ đẻ không đi đám cưới đưa con gái về nhà chồng bây giờ vẫn còn. Quần áo của cô dâu chú rể phải đẹp. Xống áo cô dâu phải khác ngày thường. Bây giờ thì thường đi thuê váy năm tầng trắng toát, mặt chùm chàng mạng, lại
mượn người cửa hàng thẩm mỹ đến trang điểm cho cô dâu, đánh phấn, bôi son, kẻ lông mày. Về cỗ bàn, dù giàu hay nghèo cũng phải tốn kém vài ba mâm. Trước kia, chia vui với gia đình có hai vế: người sơ hoặc ở xa thì nhận thiếp báo hỉ, bè bạn thân và họ hàng ruột thịt thì báo hỉ kèm giấy mời ăn cỗ. Bây giờ giấy mời vừa báo hỉ vừa mời chén luôn. Cỗ thì đặt ở nhà hàng. Khách đến dự, có phong bì tiền mừng ngay ở bàn như trả tiền ăn.
Cho rằng Tô Hoài là nhà văn của đời sống sinh hoạt, phong tục hàng ngày với quan niệm con người là con người, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Đặc
sắc nhất trong Chuyện cũ Hà Nội có lẽ là câu chuyện Đức Thánh Tăng. Tô
Hoài kể về một lễ hội thật đặc biệt. Lễ hội rước Thánh Tăng mà chẳng thấy cờ, kiệu đâu, cũng không thấy tiếng trống, tiếng nạo bạt, thanh la như mọi đám rước khác. Vậy mà ai cũng hí hởn lạ thường. Thì ra đây là hội người rước người chứ rước Thánh Tăng chỉ là “chuyện nhỏ”: trong ánh trăng, “toàn trai gái cứ xông vào nhau cật lực, như đánh vật, lại như đập lúa”, “tiếng cười rú, tiếng hí, tiếng hú, tiếng rít rầm rầm”, “người quấn lấy người vần nhau qua cánh đồng” [10;235-236]. Câu chuyện thật hồn nhiên, phóng túng. Nó cho thấy sức sống mãnh liệt của con người đã trào dâng vượt khỏi khuôn phép khô cứng của lễ giáo phong kiến. Nó ca ngợi vẻ đẹp phồn thực nhân bản của con người. Không chỉ có lễ rước Thánh Tăng mà trong “Hội hè đình đám”, Tô Hoài cũng miêu tả hết sức tỉ mỉ. Trong đám rước, nam giới khiêng kiệu, long đình, thổi tù và, múa trống đánh trống, cầm gươm vàng bát bửu, làm trò vui “phường chèo đóng đường” hay “con đĩ đánh bồng”. Các cụ chủ tế, các cụ chủ thỏm kén các lão ông, lão bà song toàn, các cô các cậu trong nhà thuận hòa, nhà không có tang. Ngày hội cũng là ngày đám, cho nên có việc giáp, việc làng, mổ bò, giết lợn. Trong ngày ấy, nhà nhà đều thịt gà, thổi xôi cúng gia tiên. Rồi miếng thịt phần làng, phần giáp đem về được thái ra đặt đĩa vào tráp đem biếu bà con trong họ. Lễ hội là một sản phẩm và là một biểu hiện của nền văn hoá, tham
gia lễ hội là thể hiện một cách ứng xử văn hoá của người Hà Nội, họ tìm trong đó sức mạnh của tình đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái. Lễ hội cư dân ngoại ô kinh Thăng Long nhưng vẫn mang những nét hồn hậu, phóng khoáng của cư dân nông nghiệp Việt Nam, mang khát vọng đời sống ấm no, khát vọng về giải phóng tình cảm con người khỏi những luật lệ cấm kị của xã hội phong kiến. Vẻ đẹp thuần khiết, giản dị mà hồn nhiên của người lao động được tái hiện thật độc đáo trong cảm xúc chân thành, nhân hậu của nhà văn.
Tô Hoài thật tinh tế khi nói về phong tục Ăn cơm, ăn cỗ của dân tộc ta.
Bát nước chấm đặt giữa. Không để bát cà, bát dưa, những thức ăn kém giá trị trước mặt người cao tuổi, người trên. Hai bát canh không đặt liền nhau. Con trẻ ngồi mâm với người lớn thì lễ phép lấy đũa so cho mọi người, để ý đặt đầu đũa to ra ngoài, để tiện tay người cầm. Không nhai nhồm nhoàm, nhai tóp tép và không vừa miệng lung búng nhai vừa nói chuyện. Không gõ đũa cả, đũa con canh cách, không cắm đũa vào giữa bát cơm mới xới, không cầm thìa húp canh xùm xụp. Chỗ ngồi thì ông bà, cha mẹ ngồi trên, anh em chị em ngồi giữa, lẫn với trẻ con. Con gái, nàng dâu thì giữ chân đầu nồi xới cơm cho cả nhà. Đưa bát cơm vừa xới cho người vai trên, đưa hai tay, gắp thức ăn thì tránh gắp chen đũa. Gắp thức ăn chấm nước mắm không đưa thẳng lên miệng, mà đặt thức ăn vào bát đã, rồi mới và. Vào mâm thì ai cũng mời. Mời bậc cao tuổi trước, trẻ con và người vai vế dưới thì mời cả mọi người. Ăn xong đặt bát đã vét sạch, để ngang đôi đũa nói: Cháu xin phép ạ. Ra rửa miệng và lấy tăm uống nước. Như làng có khách trên về, khách ngồi với các ông chức việc cao. Sau đến mâm tuần phiên, trai tráng. Người mõ có phần, có chỗ ăn một mình, không thì cứ việc trút cỗ mang về. Phụ nữ thì chẳng bao giờ được dự lễ bái và ăn cỗ uống rượu trong đình. Bây giờ thì cả trăm khách khứa, họ hàng, bạn bè, cũng bị mời ăn lẫn lộn, nhiều khi một mâm một bàn chẳng ai biết ai.
Tô Hoài còn chú ý đến cách ăn nói trong Lời chào cao hơn mâm cỗ. Ở
trong nhà thì đi hỏi về thưa với các bậc trên ông bà, bố mẹ các anh chị. Ngoài đường, trong làng hay trong phố cũng đều phải chào hỏi. Khi nói, khi chào, không nói cộc lốc, trống không….Nhà văn Tô Hoài sau này rất thành công trong việc viết về phong tục, nét riêng văn hóa rất hay, rất tinh tế. Mà phải chăng người hiểu được văn hóa riêng của vùng miền là người sống rất sâu với cuộc đời với con người và quê hương. Bằng cái nhìn ngây thơ, giàu trí tượng tượng của cậu bé Bưởi, tác giả đã hồi tưởng: “Mỗi năm, vào tết Nguyên Đán, ông tôi sửa soạn một chậu nước vôi và cái thép lá thông. Ông nhúng thép vào vôi, phết lên mặt tường, vẽ thành những đường vòng tròn, to bằng chiếc mẹt một. Lạ lắm, nhưng tôi không dám hỏi. Có lần nào đấy, ông tôi cắt nghĩa rằng những cái vòng tròn là để trừ quỷ. Năm mới, lũ quỷ sứ dưới âm ti thường hay lên trần gian cướp của. Vẽ cái vòng này quỷ sợ không dám vào. Nghe thế, tôi hãi lắm. Tôi ngẩn ngơ nhìn ông tôi bê chậu nước vôi đi xung quanh tường, quét những hình tròn. Lốt vôi tở mãi, trắng rợn” [6;13].
Tô Hoài miêu tả phong tục bằng một cảm hứng khách quan tỉnh táo. Qua điển hình phong tục, bức tranh đời sống của người dân Hà Nội được miêu tả chân thực và sống động. Ông đưa vào tác phẩm những phong tục, tập quán truyền thống của quê hương, bởi thế những trang viết của Tô Hoài mang phong vị và hương sắc riêng của đời sống, tâm hồn dân tộc, mang đặc trưng vùng nội thành và ngoại thành Hà Nội.