5. Cấu trúc của luận văn
2.2. Văn hoá ẩm thực và phong tục Hà Nội
2.2.3. Trang phục của người Hà Nội
Không chỉ chú ý đến cách ăn uống, cách thưởng thức những món ăn của người Hà Nội mà Tô Hoài còn chú ý tới trang phục, cách ăn mặc của người Hà Nội. Trong truyện Nhuộm răng, Tô Hoài đã viết: “Ngoài nửa thế kỷ trước, từ phố phường ra các làng, đàn ông cho chí đàn bà, trẻ con xấp xỉ mươi tuổi, ai cũng nhuộm răng đỏ cánh dán vài năm, rồi mới nhuộm răng đen, mỗi năm lại
nhuộm lại, đến già rụng răng mới chịu để răng cải mả nhợt nhạt mất màu. Thế mà bây giờ ai cũng răng trắng” [10;462]. Ngày trước, nhuộm răng thật mất công phu. Bắt đầu là nhuộm răng đỏ. Lên chợ mua cục cánh kiến. Tán nhỏ ra bột, đổ rượu vào quấy sánh lên. Một mảnh lá chuối cắt miếng dài bằng hàm răng, phết cánh kiến. Tối tối ấp mảnh lá chuối cánh kiến vào hai hàm rồi mím miệng lại. Sau đó là nhuộm răng đen: “Mua các thứ ở hàng xén và của người làng Đại Ơn bán lá ngoài chợ: phèn đen, quế chi, đinh hương, vỏ lựu khô, tất cả đem tán nhỏ thành bột, trộn lại. Đổ dấm thanh vào chảo, vừa đun vừa quấy đều đặc quánh lên như bột nếp. Buổi tối, cắt lá chuối già thành miếng, phết thuốc nhuộm, áp vào hai hàm răng…Ả nào cũng gầy đi vì nhuộm răng. Bởi đêm đã vất vả thế, ăn uống lại phải kiêng, tránh nhai, sợ nhạt thuốc, cứ húp cháo hoa hai ba phiên dài dài” [10;464]. Rồi cái răng từ răng đen sang răng trắng “Ở thành thị, các bà các chị nào còn răng đen đều len lén vội vội đi hiệu chữa răng để cạo răng trắng” [10;466].
Ngoài chuyện nhuộm răng, kiểu tóc cũng là một phần trong văn hoá trang phục của người Hà Nội. Bé gái một thời, đương tuổi chơi khăng, nhảy dây, đánh lú thì cái đầu cạo trọc trắng, tóc để trái đào xinh xinh hai bên thái dương. Các cô gái mới lớn, ở tuổi tóc ngang vai, các cô ngoài phố xá, chợ búa thì cài lược, cặp tóc, cái cặp tóc tuổi mười ba kẹp khít gần gáy rồi tuổi mười lăm chiếc cặp nhựa hay sừng được thả tóc xuống lửng lơ giữa lưng áo. Rồi có một vấn khăn. Đến tuổi trăng tròn thì tóc nuột nà dần. Chải đầu, mái tóc đen nhánh, chiếc lược thưa miết một vạch hất làn tóc vét sang hai bên, đường ngôi rẽ giữa thẳng chấm đỉnh đầu và bẻ hiên tóc lưỡi trai che hờ sau gáy. Cô gái đương thì, món tóc tự nhiên thõng ra ngoài đuôi khăn gọi là tóc đuôi gà. Rồi sấy tóc ‟phi dê”. Tiếp đến là đường ngôi không rẽ giữa nữa, mà để lệch về bên trái, rồi tóc vấn cuốn thành lọn, nhưng không chít khăn, gọi là “tân thời vấn tóc trần”. Có người quấn búi tóc. Rồi thả tóc dài phất phơ….
Hà Nội xưa hiện lên trong hình ảnh những cô gái mặc áo tứ thân, mớ ba mớ bảy, yếm thắm che giấu phần bụng trước, vừa gợi cảm mà vẫn rất kín đáo. Sang đầu thế kỉ XX, áo tứ thân cải tiến thành áo dài mà lúc ấy gọi là áo tân thời. Hình ảnh chiếc áo dài đã trở thành trang phục truyền thống của người con gái Hà Nội và cũng là của người Việt Nam mà bất cứ ai đi xa đều gói trong vali tấm áo làm quà cho người bạn nước ngoài. Nó đã thực sự trở thành niềm tự hào cho người phụ nữ, vì chiếc áo dài không chỉ tôn lên nét đẹp ngoại hình mảnh mai, thanh thoát mà còn sáng lên vẻ đẹp tâm hồn nền nã, dịu dàng.
Trong truyện Cái áo dài, Tô Hoài lại có cái nhìn thật tinh tế. Đầu thế kỷ, đàn ông mặc áo dài trong mọi dịp, từ đi lại ngoài đường đến trong giao tiếp. Bây giờ áo dài nam giới chỉ thấy ở làng quê và các cụ trong đám thứ, thế lễ, hội hè hoặc ở trên sân khấu, ở các cuộc biểu diễn, hò hát, ca nhạc dân tộc. Áo dài của các bà, các cô, một thời, ở một số nơi cũng không mặc, nay thì đã mặc nhiều. Các cô trong làng, lớn lên, mặc áo tứ thân và váy chồi – về sau mặc quần, còn cái váy thì dần dấn biến mất. Có nhà khá giả, con gái tóc trên đầu còn để trái đào đã mặc áo tứ thân, thắt lưng con cón. Vào những dịp hội hè, đình đám, tết nhất, quần áo và thắt lưng mới “mớ ba mớ bẩy”. Rồi có áo dài đổi vai. Tiếp là áo dài Cát Tường. Dáng áo Cát Tường vạt rộng,vừa buông trùng xuống vừa thắt lưng ong lại nâng ngực cao lên và cổ cao hơn một phân thì bây giờ vẫn đương thịnh hành.
Bản sắc Hà Nội qua trang phục thể hiện ở từng thời kì là một phần trong
nét đẹp văn hoá thủ đô. Vượt lên trên tất cả những đổi thay vì các yếu tố ngoại lai du nhập, cách ăn mặc của người Hà Nội vẫn giữ được truyền thống thanh lịch, sang trọng mà quyến rũ. Vẻ gợi cảm ấy góp mình vào điệu hồn dân tộc khiến Hà Nội chưa và sẽ không bao giờ mất đi vị thế của nó trong lòng quê hương đất nước.