5. Cấu trúc của luận văn
3.2. Không gian nghệ thuật
3.2.2. Không gian đường phố
Không gian trong Cát bụi chân ai được nhắc nhiều nhất là nơi ăn đường ăn chợ, cũng chẳng được là một quán cóc liêu xiêu, nhưng vào đêm, những năm còn rất gần với cuộc chiến tranh thứ nhất “Ở cái ngã sáu đường đời ấy vẫn leo lét ngọn đèn con của lão cà phê 81, ánh đèn chai và lửa bếp thùng cháo bác Chữ. Mấy cái xích lô tã chốc lại lạch xạch lượn lờ qua” [8;12]. Không gian đó vẫn đủ thanh vắng để trở thành không gian dành cho hồi tưởng. Không phải chỉ với Nguyễn Tuân, có lẽ do thói quen cũ “cứ tối tối, tôi lại rước tôi ra đường” [8;11]. Cho dù có vào “những đêm gió lùa rào rạt mặt nhựa” [8;11], Nguyễn Tuân vẫn ngồi đấy, bên gốc xà cừ, cốc cà phê bỏ lạnh để nhớ tới Két, người phổ kị năm xưa, gặp lại trong một chiến dịch, để rồi không bao giờ gặp lại nữa: “Cứ ngồi đây mình lại nhớ nó. Không hiểu sao” [8;12]. Không phải chỉ với Nguyễn Tuân, Tô Hoài: “Tôi cũng như vậy. Tôi đến cái ngã năm, ngã sáu này không phải ngẫu nhiên. Mười năm trước, ven hồ đằng kia, còn những tòa biệt thự mọc lên giữa những bụi chuối um tùm. Mặt trận đã lan đến đấy, tan hoang cả” [8;12]. Mà như, một phản ứng dây chuyền, một đêm ngã sáu, khi từng người tìm về những kỉ niệm của mình, ông lão 81 cà phê bít tất, mọi khi cứ lặng lẽ, bỗng tự dưng bật nói. Đầu bếp của công sứ Trung Kì, từng ở Huế, rồi lên Bạch Mã, rồi về Pháp với Grapphơi “Đêm thành phố trên ngã năm ngã sáu bờ hè. Khách đến, khách đi, lủi thủi trong bóng tối, không có báo in, báo tường mà mọi chuyện đâu cũng theo người tụ lại, mỗi người đem đến một
chuyện. Những ông Ba Lan và Buđa và ông Aki chẳng bao giờ gặp nữa, nhưng cứ nhớ như hôm qua, như lão 81 lúc nào cũng quan khâm sứ Grapphơi. Vâng, đã là nhớ lại thì dẫu vui xưa kia cũng là nỗi buồn bây giờ” [8;37].
Cái ngã sáu Hàng Kèn còn là không gian sinh hoạt, không gian nhộn nhịp của hàng quán, các hoạt động của đoàn văn công “Trong lòng và vỉa hè ngã sáu quang đãng cứ khoảng mười giờ tối trở đi mới lập loè hàng quán. Những tối thứ bảy, từ đầu Hàng Đào xuống Tràng Thi, đến tận chợ Đuổi, mọi ngã ba ngã bảy đều kê bục, cắm cờ. Các đoàn văn công nhảy xạp ràm rạp. Tiếng Trần Chất hát Chiếc khăn piêu đến đinh tai trong loa. Người xem chen chúc lúc ấy mới vãn. Đội quân cảnh đeo băng đỏ đã bắt đầu đi tuần đêm thiết quân luật. Các gánh lục tào xá cháo gà phải hai ba giờ sáng mới hết hàng. Đã quảy về còn có người gọi theo. Bình yên, chẳng ai nhớ thành phố hãy còn phải quản trị theo chế độ quân sự. Dọn hàng quá khuya đã thành lệ” [8;9].
Ở chương hai, lại là một không gian khác, những nơi chè chén xô bồ, không gian để quên, không phải để nhớ, cái không gian sinh hoạt, làm ăn buôn bán của những con người lao động “Những ngã năm, ngã tư, ngã bảy, người đi lại sinh ra đường cái và mọi sinh hoạt, làm ăn, đắp đổi, người hút thuốc lào thì có người bán đóm, phường chợ thì có người đóng đinh đế giày, ông bán hàng nước chè tươi, ông lão chữa giày dép với khách dừng chân” [8;10]. Rồi “Nhiều hôm tan họp tối, đạp xe về trong thành phố, tạt vào cái Hà Nội 36 phố phường ăn chơi cũ, lông bông khuây khỏa đôi chút, sáng mai lại lóc cóc xuống lớp học dưới ấp sớm” [8;79]. “Chúng tôi đêm hôm ấy la cà ra ngã sáu. Lui hui ánh đèn chai, đèn hoa kỳ, gánh cháo gà, chõng cà phê, rượu trắng đậu nghệ, ngầu pín, lạc luộc như đầu xóm nhà hát ngoại ô hiu quạnh bên Thượng Cát, trong Ba La Bông Đỏ. Ở Khâm Thiên bây giờ vẫn còn lác đác vài nhà tom chát không bỏ đi Nam. Loáng thoáng tiếng đàn tưng tửng, tiếng phách [8;42]. Trong không gian này, Tô Hoài dựng lại những hình dáng, những đối thoại, những con người
thuộc về một thế hệ đặc biệt, đứng chân trên hai thời kì lịch sử, cả hai nền văn hóa, hai ngôn ngữ “những con người đã trải qua mấy cuộc đời”. Chính trong những trang này mà ta có thể biết đến được rõ nhất về Tô Hoài, nhà văn và cả con người. Bởi bây giờ, nếu ta không còn hoàn toàn đồng ý rằng: “Văn phong, đó là con người” thì nghĩ rằng: “Sách của ta không phải là ta, nhưng ta vẫn là sách của ta” cũng có phần đúng.
Ngã sáu Hàng Kèn luôn hiển hiện ở chương một, chương hai đã “tan trò” đến chương năm lại hiện ra “Đã hơi khuya, trở lại ngã sáu, ghé vào ông lão cà phê 81 một lúc đợi gần nửa đêm mới lững thững lên nhà thờ” [8;230]; “Ngã sáu vẫn như mọi khi, những đêm vào mùa lạnh, mặt đường mênh mông ra trong ánh đèn thoi thóp quãng một. Những cây sữa trụi lá đứng trơ trỏng” [8;230]. Không gian đường phố đẹp nhưng cũng thật yên tĩnh “Đêm công viên Thống Nhất. Đèn treo vồng qua mặt cầu quán Gió. Hoa cúc trắng trong bóng tối. Những quả quất đốm vàng nhấp nhoáng. Thoảng mùi thơm hoa hồng. Ôi, sao chưa vào xuân mà đã hồng hoa…Thành phố đường vắng vẻ mùi thiên nhiên - hay là nơi đô hội người ta không để ý, mùi hoa, mùi đất, mùi lá và mùi gió mơ hồ thả xuống lòng đường, những sáng sớm vừa dứt mưa đêm” [8;223]. Hình ảnh con người lặng lẽ, bước thong thả trong đêm khuya “Đêm Nôen năm ấy, đi chơi với một người khách trẻ măng không biết tên và trong tối sáng nhấp nhem, cũng không hẳn tường mặt…Những bước thong thả trên đường khuya. Lúc này chỉ còn lại đám người vun quanh nhà thờ hàng Trống và mấy cửa hàng Thủy Tạ, Phú Gia mở cửa trắng đêm đón khách chơi Nôen” [8;228]. Đường phố trở nên nhộn nhịp hơn khi hết tiếng ném bom “Một thoáng, trời lại lặng yên trong xanh. Rồi tối đến, phố xá vẫn đông một tối chủ nhật giữa tháng lĩnh lương kỳ hai. Quanh Bờ Hồ và khu hàng giấy bộn người. Cả mấy quán hết chim quay. Cà phê Lâm, cà phê Ca không còn chỗ chen chân” [8;233]. Đường phố ấy có lúc trở nên tàn tạ “Những phố xá tàn tạ, đường đá lổn nhổn, phơi ra
những cái ngõ rác rưởi, nhà đóng cửa im ỉm. Quán hàng như ngọn đèn leo lét. Nhà nước bán phân phối từng cái củi, chiếc lá dong” [8;286].
Đường phố trong Cát bụi chân ai là không gian hồi tưởng, là không gian
diễn ra cuộc sống của nhà văn, của con người. Còn trong Cỏ dại, không gian
đó chỉ xuất hiện thoáng qua. Đó những ngày ra Kẻ Chợ được mẹ đưa cùng với em gái là cái Hồ đi chụp ảnh, cu Bưởi cứ ngơ ngơ ngác ngác, mải ngắm hết cái này đến cái khác “Đôi chốc, tôi lại ngó sang hai bên bờ hè ngắm các tủ gương loang loáng cùng người, xe chuyển vùn vụt. Mắt mải nghếch, đôi lúc trông lên, thấy u tôi đã bỏ xa một quãng” [6;72]. Rồi chuyện cái Hồ bị lấy mất cái dây chuyển, cu Bưởi biết mà không dám nói, ở giữa nơi Kẻ Chợ “Tới một đầu phố nhốn nháo đông người. Chỗ cái máy nước thùng sắt tây va xoang xoảng, người tranh lấy nước như sắp đánh nhau. Bỗng một gã áo trắng quần thâm, đầu đội mũ nồi đen xông xáo từ đám đông trong máy nước ra đi theo u tôi…” [6;72]. Rồi những ngày phải rời làng ra Kẻ Chợ, phố Hàng Mã, gọi là đi học, nhưng thực chất là đi ở cho một người thân, có cửa hiệu nhỏ. Cuộc sống thành thị tuy náo nhiệt nhưng thật buồn tẻ đối với cậu bé, như cái bóng, suốt ngày chỉ mỗi việc lầm lũi “cọ những chai lọ” và lúc rỗi, thì đứng ở bực cửa, ngóng ra đường, nhìn về làng quê.
Không gian trong các tác phẩm hồi kí về Hà Nội của Tô Hoài không chỉ
là vùng quê ven đô mà không gian được mở rộng trong Chuyện cũ Hà Nội.
Một nội thị Hà Nội dàn trải trong tập sách: Băm sáu phố phường, Phố Mới,
Phố Hàng Đào, Cây Hồ Gươm, ven Hồ Tây…Chỉ nêu vài tên như thế cũng
thấy sự hiện diện đa dạng của cái nội thành đa đoan lắm chuyện. Đó là Phố Mới, Phố Hàng Nâu nhưng không phải ở đó liên quan đến việc bán chiếu, bán củ nâu gần bến Nứa mà nó trở thành cái chợ mua bán người – những vú em, thằng nhỏ, con sen…những thân phận nghèo hèn đem thân làm nô bộc cho thiên hạ, là nơi có hiệu cầm đồ của người Tàu mở to nhất Kẻ Chợ. Phố Hàng
Đào không chỉ có buôn bán lụa, mà là phố hẹp nhất, nóng nhất “các phố các ngõ trơ trụi không một bóng cây”. Đó là phố với những “mợ Hai” khinh khỉnh, vàng ngọc đầy cổ đầy tay, đó là phố mà ai cũng biết đến và quen mặt một anh chàng dở hơi. Anh chỉ thích cười tình với những cô gái xinh đẹp ngồi bán lụa “Anh điên cười tình chen giữa những du côn kẻ cắp và bạc bịp đi rủ rê người khờ đánh bất, đánh xỉ, xem bói, cứ giơ quân bài tây, con ít xì lên đầu” [10;168]. Phố Hàng Ngang với những chú Tây đen thờ lợn, chủ hiệu vải, sinh hoạt bí hiểm song cũng đa tình. Ven Hồ Tây có nhiều người chết đuối, có cảnh tượng lạ lùng, là nơi lính tập thổi kèn “Đứng khéo! Đứng khéo. Đứng xa nhau ra! Để Tây người ta đến tát mỗi người một hai cái. Tát thế cho giãn má, biết chưa? Có giãn má ra, mới nhiều hơi thổi kèn” [10;230]. Rồi cái tàu điện leng keng, những ngày hội Tây bên bờ Hồ Gươm, những tà áo dài từ thuở thay vài và nhuộm nâu Đồng Lầm đến áo Lơ Muya sặc sỡ mốt thời trang một thời.