Phần 4 Kết quả nghiên cứu
4.3. Giải pháp tăng cường kiểm tra thuế tại Chi cục Thuế quận Long Biên
4.3.2. Một số giải pháp hoàn thiện hoạt động kiểm tra thuế đối với các doanh
doanh nghiệp tại chi cục thuế quận Long Biên
Xuất phát từ thực trạng công tác kiểm tra chấp hành chính sách thuế đối với các doanh nghiệp trên địa bàn quận. Để thực hiện phương hướng triển khai công tác kiểm tra đối với các doanh nghiệp trên địa bàn quận Long Biên và theo quan điểm về tăng cường công tác kiểm tra chấp hành chính sách thuế đã nêu ở trên thì đề ra các giải pháp.
4.3.2.1. Giải pháp về tăng số lượng, chất lượng cán bộ làm công tác kiểm
tra thuyết
Trong điều kiện số lượng NNT ngày càng tăng lên một cách nhanh chóng, đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn quận Long Biên thì việc tăng số lượng cán bộ làm công tác kiểm thuế là đòi hỏi cần thiết, nhằm tăng tỷ lệ số lượng doanh nghiệp được kiểm tra. Nguồn tăng cường cán bộ kiểm tra cần tăng cường một số cán bộ quản lý giỏi từ các bộ phận nghiệp vụ khác sang bộ phận kiểm tra thuế. Để thực hiện được giải pháp này, lãnh đạo Chi cục Thuế cần quan tâm, chỉ đạo Đội tổ chức cán bộ sàng lọc lại cán bộ trong Chi cục Thuế, lựa chọn cán bộ giỏi trong quản lý thuế điều chuyển sang thực hiện công tác kiểm tra thuế. Tuy nhiên, việc đưa cán bộ giỏi sang đôi khi làm mất cân đối nguồn lực của các bộ phận, các đội khác trong Chi cục Thuế. Do vậy, việc thực hiện giải pháp này cần phải cân đối
nguồn nhân lực hiện có trong toàn chi cục, việc đưa cán bộ sang làm công tác kiểm tra không được làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ ở các bộ phận khác.
Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra thuế là một yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả việc kiểm tra thuế. Chất lượng của một cuộc kiểm tra phần lớn phụ thuộc vào chất lượng cán bộ kiểm tra thuế, phụ thuộc vào trình độ nghiệp vụ, năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ kiểm tra. Để thực hiện tốt việc kiểm tra chấp hành chính sách thuế thì cán bộ không chỉ đứng ở góc độ người thi hành công vụ mà còn phải đứng ở góc độ doanh nghiệp, xem xét tất cả những khả năng mà doanh nghiệp có thể sai phạm dựa trên những kiến thức đã có về người nộp thuế, xem xét những kẻ hở mà các doanh nghiệp có thế lợi dụng để trốn thuế, gian lận về thuế. Muốn làm được điều đó, cán bộ kiểm tra thuế cần có trình độ năng lực, có kiến thức về tất cả các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ hoạt động thương mại đến sản xuất, xây dựng...thì mới hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường phát triển, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh thêm vào đó là cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế của các DN đòi hỏi phải kiện toàn nhân lực làm công tác kiểm tra thuế để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Chi cục Thuế quận Long Biên cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
- Thường xuyên bồi dưỡng cho cán bộ kiểm tra về nghiệp vụ kiểm tra. Cán bộ kiểm tra nhất là cán bộ mới phải được đào tạo, bồi dưỡng bởi các cán bộ kiểm tra giỏi, có nhiều kinh nghiệm của Chi cục Thuế. Đây là vấn đề quan trọng bởi hiện nay trình độ giữa cán bộ kiểm tra thuế không đồng đều, hầu hết cán bộ làm công tác kiểm tra hiện nay đều thiếu nghiệp vụ chuyên sâu. Việc đào tạo như vậy sẽ giúp nhanh chóng nâng cao trình độ của CBKT, trang bị những kỹ năng và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cần thiết cho CBKT, nhanh chóng phát hiện ra những sai phạm và rút ngắn thời gian kiểm tra, mang lại hiệu quả cao cho một cuộc kiểm tra. Nội dung đào tạo là các kiến thức cơ bản về kỹ năng, nghiệp vụ kiểm tra thuế, xử lý vi phạm về thuế. Những cán bộ kiểm tra giỏi thường là những người có thâm niên công tác, có kinh nghiệm va chạm với thực tế, có cách nhìn nhận đánh giá vấn đề nhanh nhạy, sắc bén, có kỹ năng kiểm tra và đọc đúng báo cáo tài chính. Muốn thực hiện tốt giải pháp này, CBKT giỏi cần lập ra chương trình đào tạo, các tình huống và cách thức xử lý phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp trên địa bàn quận. Khó khăn khi thực hiện công tác này là việc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của các CBKT giỏi. Do vậy Chi cục Thuế cần xây
dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng, khuyến khích đối với những người tham gia đào tạo đồng thời CBKT giỏi cũng phải thường xuyên bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ và kỹ năng.
- Luân chuyển cán bộ: Luân chuyển cản bộ nên được thực hiện trong phạm vi hẹp. Việc luân chuyển chỉ nên luân chuyển trong phần công việc được phân công thực hiện của mỗi cán bộ. Mỗi cán bộ có thể chỉ giỏi ở một khâu, một phần công việc nhất định, ví dụ có cán bộ giỏi về kiểm tra doanh thu, có cán bộ nhanh nhạy trong kiểm tra chi phí, có cán bộ giỏi về kỹ năng tham vấn, có cán bộ giỏi trong việc kiểm tra khâu thanh toán hay TSCĐ...Vì vậy, ở cuộc kiểm tra này có thể để CBKT kiểm tra về doanh thu nhưng ở cuộc kiểm tra khác kiểm tra về chi phí...Việc luân chuyển trong phạm vi hẹp sẽ giúp CBKT giỏi dần lên.
- Tăng cường tích lũy số liệu và kiến thức về kiểm tra thuế: Kiểm tra tại trụ sở NNT chủ yếu dựa trên phân tích và đánh giá rủi ro số liệu sổ sách kế toán, báo cáo tài chính, số liệu về những lần kiểm tra NNT trước đó. Việc phân tích và đánh giá rủi ro, tìm ra những điểm nghi vấn có sai phạm của doanh nghiệp lại phụ thuộc rất nhiều vào chuyên môn nghiệp vụ về kiểm tra thuế, chuyên môn nghiệp vụ về thuế, chuyên môn nghiệp vụ về kế toán, kiểm toán, bảo hiểm, ngân hàng, kinh tế xây dựng... Do vậy, CBKT thuế cần trang bị cho mình những kỹ năng và kiến thức sau:
- Nâng cao kỹ năng thẩm vấn. Kỹ năng của cán bộ kiểm tra thuế chính là khả năng vận dụng những kinh nghiệm, kiến thức của bản thân vào thực tiễn công tác kiểm tra. Kỹ năng kiểm tra được nâng cao sẽ là tiền đề nhất định cho việc nhanh chóng tìm ra sai phạm, rút ngắn thời gian kiểm tra. Kỹ năng kiểm tra bao gồm cả kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng về giao tiếp ứng xử, tham vấn doanh nghiệp.
- Nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử cũng có thể lồng ghép với kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ. Cán bộ kiểm tra khi biết cần phải hỏi đối tượng kiểm tra những gì thì thông qua phương pháp giao tiếp, ứng xử hợp lý người cán bộ kiểm tra có thể thu thập thông tin một cách hiệu quả, làm rõ vấn đề theo hướng mình mong muốn mà không nhất thiết phải sử dụng các biện pháp, công cụ có tính chất hành chính.
Mỗi người cán bộ kiểm tra lại không dễ để có thể hội tụ đầy đủ những kỹ năng đó. Cho dù các chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ có chất lượng và được thực hiện thường xuyên; các quy định về tiêu
chuẩn ngạch, bậc, cơ chế thi cử có được đề ra và thực thi một cách chặt chẽ thì quan trọng nhất, để có kỹ năng kiểm tra tốt CBKT phải không ngừng học tập, tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất, rèn luyện kỹ năng công tác, vừa nghiên cứu tài liệu, vừa phải học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp và nhất là phải tự rút ra cho mình những bài học, kinh nghiệm qua thực tiễn để có thể ứng dụng tri thức của mình vào công tác thanh tra ngày càng tốt hơn.
- CBKT cần trang bị các kiến thức về kế toán, kiểm toán, kiến thức về kinh tế xây dựng, ngân hàng, bảo hiểm.... - Cán bộ kiểm tra thuế luôn cần phải có kiến thức giỏi về kế toán, nâng cao khả năng phân tích báo cáo tài chính và cập nhật những thay đổi về chính sách, chế độ kế toán hiện hành. Muốn kiểm tra được quyết toán thuế TNDN cán bộ thuế cần có kiến thức nhất định về chế độ hạch toán kế toán mà DN đang sử dụng để đọc đúng báo cáo tài chính. Thông qua tình hình tài sản, nguồn vốn hiện có của DN để nắm được tỷ lệ từng loại chi phí trên doanh thu, tỷ lệ thu nhập chịu thuế trên doanh thu, tình hình lưu chuyển tiền tệ trong doanh nghiệp có hợp lý hay không.
4.3.2.2. Giải pháp về hoàn thiện hệ thống dữ liệu thông tin về doanh nghiệp trên địa bàn quận Long Biên
Hiệu quả hoạt động kiểm tra phụ thuộc rất lớn vào hệ thống thông tin người nộp thuế. Do đó, bộ phận kiểm tra chấp hành chính sách thuế đối với doanh nghiệp trên địa bàn quận Long Biên phải kiện toàn hệ thống dữ liệu thông tin về doanh nghiệp và phải thường xuyên cập nhật một cách chính xác, kịp thời, đầy đủ với sự hỗ trợ từ công nghệ thông tin hiện đại. Đây là điểm đầu tiên trong quá trình đánh giá rủi ro, là có đủ thông tin và thông tin chính xác để phân tích và xác định rủi ro, giúp CBKT hiểu biết sâu về NNT.
Để thực hiện tốt giải pháp này Chi cục Thuế cần xây dựng quy chế cung cấp thông tin với nhau giữa các ngành về hoạt động của các doanh nghiệp. Trong điều kiện cơ sở dữ liệu của ngành còn nhiều hạn chế, tổ chuyên trách về kiểm tra phải lấy dữ liệu và thông tin từ Cục thuế, từ các Chi cục Thuế và các ngành khác, có những tổng hợp riêng các dữ liệu để có sẵn khi cần thiết. CBKT chú ý xây dựng được file phân chia theo từng nhóm dữ liệu, đảm bảo cung cấp các nội dung liên quan đến các doanh nghiệp, ví dụ như:
- Thông tin chung về NNT: cơ cấu tổ chức, hình thức hạch toán kế toán, hình thức sở hữu, số lao động, vốn tài sản...
- Thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh và kê khai nộp thuế: thông tin trên tờ khai các loại thuế, thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế.
- Thông tin về tính tuân thủ kê khai và nộp thuế: tình hình thực hiện nghĩa vụ ngân sách của DN (số lần nộp chậm, không nộp tờ khai...), kết quả kiểm tra qua các năm...
- Thông tin từ các bên liên quan: Kho bạc, ngân hàng thương mại, bộ, ngành...
- Thông tin khác: báo, đài, thông tin tố cáo...
4.3.2.3. Giải pháp về sự phối hợp chặt chẽ với các bộ phận, các bên liên quan.
- Phối hợp trong nội bộ cơ quan thuế: Việc tăng cường sự phối hợp với các bộ phận trong nội bộ Chi cục Thuế cũng như với Cục Thuế để hỗ trợ công tác kiểm tra thuế sẽ làm tăng hiệu quả, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của Chi cục Thuế nói chung và của bộ phận kiểm tra thuế nói riêng.
- Phối hợp với Bộ phận kiểm tra thuế và bộ phận kê khai và kế toán thuế:
Trong quá trình kiểm tra, NNT có thể phải làm việc với các bộ phận kiểm tra thuế để đối chiếu, xác nhận hồ sơ, tài liệu, các thông tin có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nếu có chênh lệch về số liệu kê khai trên hệ thống. Khi đó bộ phận kiểm tra cần phối hợp với các bộ phận này để theo dõi số liệu kê khai của NNT, qua đó giúp CBKT nắm được tình hình khai, nộp các loại thuế của NNT một cách chính xác để từ đó phân tích rủi ro về thuế, lập kế hoạch kiểm tra thuế.
- Phối hợp với Bộ phận chức năng theo dõi thu nợ và cưỡng chế nợ: Thông qua việc xác định nghĩa vụ thuế phải nộp cuối cùng của NNT tại Biên bản Kết luận kiểm tra, bộ phận kiểm tra cần thông báo cho bộ phận quản lý nợ và cưỡng chế về việc thay đổi nghĩa vụ thuế của NNT theo kết quả kiểm tra, từ đó giúp bộ phận quản lý nợ và cưỡng chế nợ nắm bắt được chính xác, kịp thời tình trạng nợ thuế của NNT, tránh tình trạng bộ phận nợ theo dõi, ra thông báo đôn đốc nợ sai. Khó khăn khi thực hiện các giải pháp này là một số bộ cán bộ kiểm tra, cán bộ ở các bộ phận thường phối hợp chưa kịp thời, chưa chặt chẽ; cung cấp thông tin đôi khi chưa chính xác, chưa đầy đủ.
- Phối hợp với các cơ quan, ban ngành khác: Để đạt được hiệu quả cao trong công tác kiểm tra chấp hành chính sách thuế đối với doanh nghiệp thì mỗi CBKT phải chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành khác. Thông qua các
báo cáo của ngành, từ kho dữ liệu tổng hợp của mình, CBKT thấy chưa rõ ở những vấn đề gì thì phải hỏi lại hoặc xác minh lại với các ngành có liên quan, giúp làm rõ vấn đề có nghi vấn. Việc phối hợp với Kho bạc Nhà nước các cấp cần phải được tăng cường hơn nữa trong việc thu hồi số tiền thuế truy thu, số tiền thuế phạt sau kiểm tra, cán bộ thuế phải gửi danh sách doanh nghiệp còn nợ đọng thuế kịp thời đến Kho bạc. Tăng cường phối hợp với Ngân hàng trong việc thực hiện cưỡng chế NNT thông qua việc trích tiền từ tài khoản những doanh nghiệp chây ì nợ thuế. Phối hợp với cơ quan công an để điều tra đối với những người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.
4.3.2.3. Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.
Tình trạng trốn, lậu thuế còn khá phổ biến, vừa gây thất thu cho NSNN, vừa không đảm bảo công bằng xã hội và đưa công tác quản lý thuế đi vào nền nếp. Nguyên nhân trước hết là do DN chưa hiểu biết sâu sắc về nghĩa vụ nộp thuế; chưa hiểu rõ về nội dung, chính sách và nghiệp vụ tính thuế, kê khai và nộp thuế; chưa nhận thức đúng trách nhiệm pháp luật về nghĩa vụ phải kê khai nộp thuế của mình. Do đó, tính tuân thủ tự nguyện chưa cao, gây khó khăn cho công tác kiểm tra thuế.
Vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục nhằm nâng cao trình độ hiểu biết của DN về thuế. Nhằm mục đích tăng sự hiểu biết của DN về thuế, về tầm quan trọng của những khoản đóng góp từ thuế, nâng cao sự hiểu biết, tính tự giác của các DN.
Có chính sách khen, thưởng, có nhuận bút để khuyến khích các cán bộ thuế và những người ngoài ngành thuế viết bài tuyên truyền về thuế.
Bên cạnh dịch vụ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nộp thuế, hàng tuần phải có buổi phát thanh ở các địa phương mang tính thời sự như: Tuyên truyền về nghĩa vụ nộp thuế; tầm quan trọng của việc lấy hóa đơn khi mua hàng hóa; khuyến khích các DN và người dân có điều kiện hạn chế việc sử dụng tiền mặt.