Sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối của Đảng là nhân tố quyết định quá trình phát triển của lực lượng An ninh miền Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đảng lãnh đạo xây dựng lực lượng An ninh miền Nam từ năm 1960 đến năm 1975 (Trang 111 - 114)

quá trình phát triển của lực lượng An ninh miền Nam

Lênin nói rằng: “Mọi cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ”. Thấm nhuần lời dạy của Người, ngay sau khi giành chính quyền, Đảng đã tổ chức xây dựng và trực tiếp lãnh đạo lực lượng công an nhân dân, công cụ tin cậy của Đảng và nhà nước chuyên chính vô sản để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng lãnh đạo công tác công an là một nguyên tắc không thể thay đổi được. Trong cuộc đấu tranh chống phản cách mạng ở miền Nam giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, lực lượng An ninh miền Nam (một bộ phận của lực lượng công an nhân dân Việt Nam) lấy đường lối, phương châm, nguyên tắc, chính sách đấu tranh chống phản cách mạng của Đảng là kim chỉ nam cho mọi hoạt động nhất là công tác xây dựng lực lượng an ninh.

Trong Nghị quyết số 40 của Bộ Chính trị ra ngày 20/1/1962 về vấn đề củng cố và tăng cường lực lượng công an nêu rõ:

Dưới sự lãnh đạo của Đảng việc xây dựng lực lượng công an đã có những thành tích rõ rệt trên các mặt. Nhưng nhìn chung việc xây dựng lực lượng công an vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị đã tiến triển của cách mạng. Công tác xây dựng lực lượng công an còn tồn tại nhiều vấn đề phải giải quyết gấp như: nâng cao trình độ giác ngộ chính trị và tri thức nghiệp vụ của cán bộ công an, cải tiến tổ chức để đảm bảo tính chiến đấu của công tác [13].

Nghị quyết nhấn mạnh:

Cần phải làm kiên quyết và khẩn trương tăng cường lực lượng công an thành một công cụ chuyên chính tuyệt đối trung thành với Đảng, có liên hệ

mật thiết với quần chúng thành một lực lượng chiến đấu vững mạnh, có tính chất vũ trang, có tổ chức chặt chẽ, thông thạo nghiệp vụ và có trình độ khoa học, kỹ thuật. Toàn Đảng cần phải nắm chắc lực lượng công an và coi việc tăng cường lực lượng công an là nhiệm vụ chính trị quan trọng [13].

Đường lối, phương châm, nguyên tắc, chính sách của Đảng được nêu trong nghị quyết 40 của Bộ Chính trị được tổng kết từ kinh nghiệm chống thù trong giặc ngoài của Đảng. Quán triệt tinh thần Nghị quyết 40, các cấp ủy Đảng ở miền Nam đã hướng dẫn chỉ đạo an ninh miền Nam vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của cách mạng miền Nam, thực hiện những nhiệm vụ Đảng giao phó, trong đó có nhiệm vụ xây dựng lực lượng an ninh theo đúng đường lối giai cấp, đúng nguyên tắc tổ chức của Đảng. Đường lối, phương châm, nguyên tắc, chính sách đấu tranh trấn áp phản cách mạng của Đảng được thể hiện trong công tác xây dựng lực lượng an ninh qua các nội dung sau:

- Đưa đường lối, phương châm, nguyên tắc, chính sách đấu tranh trấn áp phản cách mạng của Đảng và lý luận về công tác nghiệp vụ công an nhân dân vào nội dung huấn luyện cán bộ công an chi viện cho miền Nam của các Trường đào tạo cán bộ an ninh Trung ương Cục, của Liên khu V với mục tiêu:

Làm cho cán bộ chiến sĩ công an trở thành đội ngũ tin cậy của Đảng về chính trị, cụ thể là giáo dục nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa, nâng cao tinh thần chiến đấu, lòng trung thành vô điều kiện của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ công an đối với Đảng, luôn luôn nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần khẩn trương và tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt những việc mà Đảng và chính phủ giao phó.

Các chương trình huấn luyện, bồi dưỡng của các trường an ninh đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho cán bộ làm công tác an

ninh, đặc biệt là những cán bộ cốt cán của lực lượng An ninh miền Nam. Do vậy qua thực tiễn công tác và chiến đấu, việc cán bộ, chiến sĩ chấp hành đúng chính sách bắt, giam giữ, huy động quần chúng tham gia công tác phòng gian bảo mật, làm tốt hơn công tác vùng căn cứ, vùng giải phóng và bảo vệ nội bộ.

- Đường lối, phương châm, nguyên tắc, chính sách đấu tranh trấn áp phản cách mạng được an ninh miền Nam vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình, đặc điểm của chiến trường trong từng giai đoạn cách mạng. Thực tế từ năm 1963 đến 1965, để tổng kết công tác an ninh ở 3 vùng chiến lược, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, yêu cầu đấu tranh trên mặt trận an ninh, Trung ương Cục đã cử 3 đoàn cán bộ xuống một số chiến trường, nghiên cứu phương thức, thủ đoạn hoạt động của địch ở vùng đô thị nông thôn, vùng tranh chấp và ven đô, vùng giải phóng từ đó tổng kết kinh nghiệm đấu tranh, xây dựng phương hướng hoạt động. Thực tiễn cách mạng làm phong phú thêm lý luận nghiệp vụ, góp phần đánh địch có hiệu quả, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng trên khắp 3 vùng chiến lược.

Ở tất cả các địa phương, trong mỗi giai đoạn phát triển của cách mạng, sự lãnh đạo của Đảng càng được cải tiến. Mọi công tác quan trọng đều được chuyển đến đồng chí bí thư hoặc thường vụ cấp ủy xử lý để đảm bảo tính bí mật và chỉ đạo kịp thời. Các mặt công tác của ngành đều bám sát vào nhiệm vụ chính trị của Đảng, quán triệt quan điểm bạo lực cách mạng, chủ động tấn công địch và bảo vệ ta trong mọi hoàn cảnh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Việt Nam phải đối đầu với một đối thủ không cân sức. So với cuộc kháng chiến chống Pháp cuộc chiến tranh chống Mỹ hơn hẳn về quy mô và tính chất khốc liệt. Lực lượng an ninh phải đương đầu với một bộ máy tay sai phản động và lực lượng tình báo của tên đế quốc nhà nghề với những âm mưu thâm độc, xảo quyệt. Sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng càng có ý nghĩa quyết định. Trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng

chiến, lực lượng an ninh luôn được sự quan tâm lãnh đạo toàn diện của Đảng cả về tổ chức, về chính trị, tư tưởng. Sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy Đảng tạo điều kiện cho lực lượng an ninh phát huy tối đa cả 3 chức năng tham mưu cho lãnh đạo trực tiếp chiến đấu và hướng dẫn cấp dưới. Thực tế của cuộc đấu tranh chứng minh rằng: trong bất cứ giai đoạn nào, tình huống nào của cuộc cách mạng, lực lượng an ninh muốn hoàn thành nhiệm vụ đều không được xa rời sự lãnh đạo của Đảng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đảng lãnh đạo xây dựng lực lượng An ninh miền Nam từ năm 1960 đến năm 1975 (Trang 111 - 114)