Vấn đề phát sinh của việc tập trung ruộng đất

Một phần của tài liệu bài giangChính sách đất đai (Trang 55 - 56)

Việc áp dụng chế độ hạn mức sử dụng đất cùng với việc thực hiện trên thực tế các quyền của người sử dụng đất thực sự có tác động tích cực đối với đời sống kinh tế ở nông thôn. Tuy nhiên cần đánh giá đúng tính hai mặt của vấn đề này như sau:

- Quy mô ruộng đất mà đa số hộ nông dân đang sử dụng là quá nhỏ, đặc biệt là vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ và miền Bắc Trung Bộ. Hơn nữa do bị quy định bởi những điều kiện lịch sử ruộng đất của mỗi hộ được phân bố trên nhiều khoảnh nhỏ và cách xa nhau. Quy mô bé nhỏ và tính chất manh mún của ruộng đất đã làm hạn chế việc nâng cao hiệu quả

canh tác. Xét trên quan điểm dài hạn thì đây là yếu tố không thuận lợi cho quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn.

- Việc quy định hạn mức sử dụng đất tối đa là 3 ha đối với đất canh tác làm giảm khả năng lựa chọn và thực hiện các mục tiêu đầu tư có hiệu quả nhất đối với một số nông hộ có năng lực kinh doanh cao. Như vậy, việc thực hiện chế độ hạn mức sử dụng đất đang làm nảy sinh mâu thuẫn giữa một bên là mục tiêu đảm bảo cho tất cả người làm nông nghiệp có đất để sản xuất với một bên là hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp (tập trung ruộng đất, tăng khả năng sinh lợi của từng đơn vị diện tích đất, tạo môi trường thuận lợi cho việc lựa chọn và ra các quyết định kinh tế của nông dân, đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở nông thôn).

Việc thực hiện chế độ hạn mức sử dụng đất trên thực tế tuy mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu nhưng nó cũng đặt ra nhiều vấn đề kinh tế - xã hội cần được quan tâm giải quyết:

+ Để có thể tập trung vào tay mình một quy mô diện tích đất đai lớn, các nông hộ cần có vốn để đầu tư xây dựng cơ bản (hoặc kiến thiết các vườn cây lâu năm hoặc khai thác và tu tạo các khu đầm phá để nuôi trồng thủy sản, hoặc để khoanh nuôi, trồng và bảo vệ rừng…). Các hộ nông dân có thể huy động vốn từ nhiều nguồn: vốn tự có, vay từ các tổ chức tín dụng, huy động vốn của những người thân, họ hàng hoặc các cổ phần. Kết quả điều tra của nhiều chương trình, dự án nghiên cứu về nông nghiệp nông thôn cho thấy: các nông hộ sử dụng quy mô đất đai lớn tự đầu tư chiếm khoảng 30 - 50% nhu cầu vốn, vay ngân hàng khoảng 20 - 40%, huy động vốn cổ phần hoặc vay của người thân, họ hàng khoảng 10 - 30%. Như vậy ngoài nguồn vốn tự có, những nông hộ sản xuất kinh doanh trên quy mô diện tích đất đai đều phải vay vốn ngân hàng là chủ yếu. Tuy nhiên ở đây họ gặp phải một khó khăn là số lượng vốn được vay quá ít so với nhu cầu, mặt khác thời hạn vay ngắn so với chu kỳ sản xuất, đặc biệt là đối với loại cây lâu năm. Từ đó làm chậm quá trình tập trung đất đai trong nông nghiệp và nông thôn.

+ Vấn đề tập trung đất đai phụ thuộc vào nhiều điều kiện trong đó có việc thực hiện trên thực tế các quyền của người sử dụng đất. Vấn đề ở đây là tạo lập các cơ sở pháp lý để các quyền này được thực hiện rộng rãi và thuận tiện, trong đó bao gồm cả việc nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nông dân và cá nhân, đơn giản hóa và quy định chi tiết, rõ ràng các thủ tục hành chính đối với việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

+ Quá trình tập trung đất đai sẽ dẫn đến nguy cơ một số hộ nông dân không có đất để sản xuất phải đi làm thuê cho người khác. Và thực tế đã ghi nhận hiện tượng này. Qua điều tra chưa đầy đủ ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh từ 7 - 10% hộ nông dân không có ruộng, trong đó có khoảng 33% số hộ do túng thiếu, nghèo đói phải chuyển quyền sử dụng đất cho người khác, 10% do quen đi làm thuê hơn là làm chủ và 52% là do chủ cũ đòi lại đất của họ. Như vậy là có hơn 40% số nông hộ không có đất ở các tỉnh này là do tác động trực tiếp của quá trình tập trung ruộng đất và thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

Trên quan điểm phát triển nông nghiệp, nông thôn thì đây là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên với mục đích ổn định xã hội để phát triển thì cần có chính sách hỗ trợ những nông hộ không còn ruộng đất để họ có thể chuyển sang làm việc khác phù hợp hơn, có thu nhập ổn định.

Một phần của tài liệu bài giangChính sách đất đai (Trang 55 - 56)