Hiện nay trong phạm vi cả nước có hàng ngàn mỏ đang khai thác với quy mô và mức độ khác nhau. Tình trạng thăm dò, khai thác khoáng sản bừa bãi, thiếu tổ chức, quản lý ở các mỏ trong thời gian vừa qua đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, gây sụt lún bề mặt đất, làm thay đổi dòng chảy, rửa trôi hàng ngàn ha đất… gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái.
Để khắc phục tình trạng trên và nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý, bảo vệ và khai thác khoáng sản, Luật đất đai đã xây dựng các chế định về việc sử dụng đất cho hoạt động khai thác khoáng sản. Điều 94 - Luật đất đai, quy định:
- Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản bao gồm đất để thăm dò, khai thác khoáng sản, chế biến khoáng sản.
- Đất để thăm dò, khai thác khoáng sản được nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép thực hiện dự án thăm dò khai thác khoáng sản.
- Đất để làm mặt bằng chế biến khoáng sản thuộc loại đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp có chế độ sử dụng đất như đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh.
- Việc sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản phải tuân theo các quy định sau:
+ Có giấy phép hoạt động khoáng sản và quyết định cho thuê đất để thăm dò, khai thác khoáng sản hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất để làm mặt bằng chế biến khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, xử lý chất thải và các biện pháp khác để không gây thiệt hại cho người sử dụng đất trong khu vực xung quanh.
+ Sử dụng đất phù hợp với tiến độ thăm dò, khai thác khoáng sản, khi kết thúc việc thăm dò, khai thác khoáng sản người sử dụng đất có trách nhiệm trả lại đất đúng với trạng thái được quy định trong hợp đồng thuê đất.
+ Trường hợp thăm dò, khai thác khoáng sản mà không sử dụng lớp đất mặt hoặc không ảnh hưởng đến việc sử dụng mặt đất thì không phải thuê đất.