B. NỘI DUNG
1.2. Tiền đề tư tưởng cho sự ra đời quan niệm về quyền con người trong
1.2.1. Quan niệm về quyền con người trong thời cổ đại phương Tây
Quyền con người gắn liền với con người và xã hội loài người. Tư tưởng về quyền con người chỉ trở thành luật thành văn và được thực hiện vào thế kỉ XVII - XVIII ở phương Tây. Tuy nhiên, ý tưởng về sự tồn tại của quyền tự nhiên đã có từ xa xưa, xưa đến mức: “không thể xác định chính xác sự ra đời của nó vào lúc nào. Về mặt logic, sự tồn tại của các quyền thuộc về con người với tư cách con người, đã bắt nguồn từ khi có đời sống xã hội” [50, tr. 20]. Do đó, chúng ta cần phải đề cập tới quan niệm về quyền con người trong triết học phương Tây cổ đại đầu tiên.
Ở thời cổ đại, mặc dù dưới dạng sơ khai nhưng các nhà tư tưởng đã có những sự bàn luận và yêu cầu về các quyền. Tư tưởng về quyền bình đẳng tự nhiên và tự do cho tất cả mọi người đã xuất hiện. Những tư tưởng này ra đời trong hoạt động thực tiễn cũng như trong công cuộc đấu tranh của con người để chống lại sự áp bức, bóc lột, xâm phạm thô bạo đến phẩm giá của họ.
Nhà triết học duy vật vĩ đại Heraclitus (khoảng 530-470 TCN) cho rằng quyền là con đẻ của chiến tranh và sự tất yếu. Nó dường như là sự phản ánh của quy luật thiên định muôn đời. Theo Heraclitus, bất công và công bằng được hình thành bởi chính con người, bởi lẽ đối với trời (trời của ông đồng nhất với thiên nhiên, vũ trụ tồn tại một cách khách quan) tất cả đều hoàn mỹ và cân bằng. Quan niệm về quyền của Heraclitus ở một vài điểm đã xa rời với những quan niệm của giới quý tộc thị tộc truyền thống, tầng lớp kiên trì bảo vệ những tập tục cổ truyền nhằm củng cố những đặc quyền của mình.
Theo Heraclitus, quy luật cơ bản của thế giới là quy luật chuyển hóa thành các mặt đối lập. Ông đã đi đến nguồn gốc của vận động, chính mâu thuẫn là cái thúc đẩy thế giới tiến lên. Ông không đi tìm ở một vị thần nào sự
thúc đẩy đầu tiên đối với thế giới. Tất cả đều sinh ra từ đấu tranh và kết quả cuối cùng là tùy thuộc vào sự đấu tranh đó. Hoạt động của con người tiến hành đấu tranh dựa vào sự hiểu biết những quy luật tất yếu của tự nhiên chính là tự do. Đấu tranh là mẹ của tất cả mọi sự vật và thống trị tất cả mọi sự vật. Đấu tranh đã tạo ra những thần thánh và những con người. Đấu tranh đã làm cho những người này là nô lệ và biến những người khác thành dân tự do.
Như vậy, tư tưởng về tự do, bình đẳng của Heraclitus đã chứa đựng những yếu tố hợp lý khi ông xem nó là sản phẩm của chiến tranh, của cuộc đấu tranh giữa chủ nô dân chủ và chủ nô quý tộc, của sự tất yếu phân hóa giàu nghèo. Tuy nhiên, Heraclitus mới chỉ nói đến quyền với nội dung hạn hẹp ở quyền chính trị. Nhìn chung, ông cũng đã đưa ra được một cơ sở vững chắc cho quan niệm về những quy luật tự nhiên và lịch sử.
Democritos (460-370) - “bộ óc bách khoa đầu tiên trong số những người Hy Lạp” - là người đại diện cho tầng lớp chủ nô dân chủ tuyên bố: “Trong mọi thứ, bình đẳng là điều tuyệt diệu… Sự thừa thãi và thiếu thốn không làm tôi ưa thích” [trích theo 35, tr. 65]. Đứng trên lập trường của tầng lớp dân chủ chủ nô chống lại chủ nô quý tộc, Democritos cho rằng ở đâu có sự tương phản về sở hữu giảm đi, người giàu ưu ái đối với người nghèo thì ở đó sẽ có sự cảm thông, tình hữu ái, sự bảo vệ lẫn nhau và bao điều phúc đức khác không thể tính được. Đồng thời, Democritos cũng chỉ rõ để bảo vệ được chế độ dân chủ chủ nô thì phải có được sự phát triển của thương mại và công nghiệp. Bên cạnh đó, ông cho rằng, “hoạt động chính trị, quản lý nhà nước là nghệ thuật cao nhất đem lại vinh dự và vinh quang cho con người, làm cho con người hạnh phúc và được tự do”[Dẫn theo 63, tr. 212]. Từ việc so sánh sự khác nhau giữa cuộc sống của nhân dân trong chế độ dân chủ và chế độ quân chủ, Democritos đi đến kết luận: “Cần phải ưa thích cái nghèo trong một nhà nước dân chủ hơn với cái gọi là cuộc sống hạnh phúc trong chế độ
chuyên chế, tựa như tự do tốt hơn so với nô lệ”[Dẫn theo 65, tr. 176].Phương châm của Democritos là thà nghèo còn hơn là giàu có nhưng mất dân chủ và tự do. Ông cho rằng, hạnh phúc là ở sự thanh thản tâm hồn. Democritos không nêu ra một cách rõ ràng về quyền con người, nhưng qua đó, ta thấy được khát vọng cháy bỏng về quyền tự do, dân chủ luôn ẩn chứa trong tư tưởng của ông. Tuy nhiên, hạn chế của Democritos (cũng là hạn chế của thời đại) là ở chỗ tự do mà ông đề cập là của giai cấp chủ nô chứ không phải của tất cả mọi người.
Trong những nhà tư tưởng thời kì cổ đại, không thể không nhắc tới Socrates (470-399 TCN) - “ông tổ của triết học nhân học”. Socrates, theo các tác giả Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh nhận xét trong tác phẩm “Đại cương lịch sử triết học phương Tây” - là nhà triết học có những quan điểm nhân học “độc đáo”. Socrates đưa ra luận điểm nổi tiếng: “Con người hãy tự nhận thức chính mình”thể hiện rõ quan niệm của ông về tự do. Theo Socrates, tự do chính là sự tự ý thức của con người về chính bản thân mình. Tự do còn là sự tự chủ, biết cách điều khiển và biết hạn chế những ham muốn, những dục vọng của bản thân. Như vậy, nhà triết học này đã dành quyền tự do lựa chọn cho các cá nhân. Sự tự do mang tính ý thức được đề cao chỉ trong chừng mực nó được gắn với mục đích đạo đức cao nhất - cái Thiện phổ quát.
Thành bang của Hy Lạp (nhất là ở Aten) tới giữa thế kỉ IV trước công nguyên đã gần như sụp đổ hoàn toàn. Chế độ chiếm hữu nô lệ đã lung lay tới tận gốc rễ. Kế tục và bảo vệ chế độ này cùng với chính quyền của nó là Aristotle (384-322 TCN). Aristotle đưa ra quan niệm về tự do và bình đẳng, tuy nhiên, những quan niệm này của ông còn rất mâu thuẫn với nhau. Một mặt, ông cho rằng: “Thượng Đế tạo ra mọi người đều là người tự do, tự nhiên không biến ai thành người nô lệ” [5, tr. 31]. Mặt khác, ông lại cho rằng tự
nhiên sinh ra con người để một số làm nô lệ, một số khác làm người tự do. Như vậy, quan niệm về tự do của Aristotle đã rơi vào mâu thuẫn, một mặt thừa nhận quyền tự do nhưng mặt khác lại muốn duy trì cái trật tự chủ nô - nô lệ vốn có, muốn duy trì địa vị thống trị của giai cấp chủ nô, còn nô lệ thì chỉ là “công cụ biết nói”. Aristotle bảo vệ sở hữu tư nhân và cho rằng, sở hữu tư nhân sẽ hòa giải tất cả các mối bất hòa giữa người với người, là cơ sở để đoàn kết các thành viên trong xã hội.
Theo Aristotle, người này phải làm nô lệ và kẻ khác được làm chủ nô, đó là lẽ phải. Ông còn xác minh điều này một cách duy tâm khi cho rằng, ở người nô lệ thì thể xác điều khiển linh hồn, còn ở người chủ nô thì linh hồn điều khiển thể xác. Như vậy, người nô lệ mà phục tùng chủ nô như thể xác phục tùng linh hồn là lẽ phải thông thường.
Trong lịch sử tư tưởng chính trị ở phương Tây thời kỳ cổ đại, việc nhấn mạnh sự bình đẳng của con người tuy đã có, nhưng nội hàm khái niệm nhân quyền mới chỉ dừng lại ở những tri thức phản ánh cái bề ngoài, hiện tượng, phiến diện mà chưa lý giải được nguyên nhân của sự bất bình đẳng với tư cách là khái niệm đối lập một cách rõ ràng. Mặt khác, ngoại diên của khái niệm quyền con người ở thời kỳ này còn rất hẹp, nội dung các quyền chỉ dừng lại ở một số những nhu cầu tối thiểu của tầng lớp chủ nô quý tộc. Nội hàm và ngoại diên của khái niệm nhân quyền tiếp tục được tăng lên do sự phát triển của sản xuất và cuộc đấu tranh giành quyền của nô lệ với chủ nô.
Epicurus (341-270 TCN) - nhà triết học thời kì Hy Lạp hóa, cùng với Socrates, là người đem đến những suy tư mới về vấn đề tự do. Tác giả Đỗ Minh Hợp đã từng nhận xét: “Epicurus đã xây dựng một thứ triết học an ủi đích thực, trong đó tinh thần lo âu, bất an của con người có thể tìm thấy sự an ủi và thanh thản. Trong thời đại đầy rẫy những đau khổ, tai họa và mối nguy hiểm khủng khiếp, ông đã ban tặng cho cá nhân một lối sống thanh bình, hoàn
trả lại hy vọng và khát vọng sống cho cá nhân” [21, tr. 86]. Đối với Epicurus, vấn đề số phận và hạnh phúc con người chính là vấn đề cơ bản trong học thuyết của ông. Những vấn đề có liên quan đến cấu tạo của vũ trụ, tổ chức xã hội, những vấn đề chuyên sâu về nhận thức và logic học vì thế mà được đẩy xuống hàng thứ yếu. Tất cả những vấn đề này đều chỉ có ý nghĩa bổ trợ thuần túy. Chỉ có một thực tại thường xuyên được ông quan tâm đó là cuộc sống của cá nhân cụ thể, của bất kỳ người nào. Ông đã luận chứng quan niệm về tự do qua việc cải tiến học thuyết nguyên tử luận của Democritos theo một hướng mới. Theo Epicurus, tự do, trước hết phải được hiểu như sự giải thoát của con người khỏi mọi sự ràng buộc của số phận, lấy sự thư thái, tĩnh tâm làm điều kiện cho đời sống cá nhân. Tự do là sự tự chủ, tự quyết định hành động vươn tới hạnh phúc, tránh mọi khổ đau và không bị cám dỗ bởi những thú vui vật chất tầm thường. Tự do như thế mới là tự do mang tính người. Tự do là không bị lệ thuộc vào thói quen ý thức và tín ngưỡng truyền thống, không bận tâm đến cái chết, không thừa nhận vai trò của thần thánh cả ở trên trời lẫn trần thế. Quan niệm về tự do của Epicurus có một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ở đây, tự do gắn với bản chất con người, tự do mang tính người, là quyền “thiên bẩm” không thể tước đoạt của con người. Bên cạnh việc xem xét mối quan hệ giữa tự do và tất yếu, Epicurus còn đưa ra ý tưởng về khế ước xã hội, ông cho rằng nhà nước dựa trên sự giao ước giữa người với người, một khế ước xã hội. Với những ý tưởng này, nhà triết học thời kì Hy Lạp hóa đã đóng góp rất nhiều cho kho tàng lý luận về quyền con người.
Nhìn chung, trong triết học phương Tây cổ đại, quan niệm về quyền con người vẫn còn mờ nhạt, trừu tượng, chung chung, chưa thực sự mang tính lý luận cao. Tuy nhiên, những quan niệm đó đã đóng góp một phần quan trọng cho sự xuất hiện những cuộc đấu tranh đòi quyền sống, quyền tự do, bình đẳng hay chính là đòi quyền con người. Những quan niệm sơ khai này đã
đặt nền móng để xây dựng hệ thống lý luận về quyền con người sau này, đặc biệt là giai đoạn thế kỉ XVII - XVIII ở Tây Âu.