Quan niệm về quyền sống

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm về quyền con người trong triết học tây âu thế kỷ XVII XVIII (Trang 41 - 46)

B. NỘI DUNG

2.1. Quan niệm về quyền sống, quyền tự do, bình đẳng và quyền sở hữu

2.1.1. Quan niệm về quyền sống

Trong các quyền tự nhiên cơ bản của con người, quyền sống được các triết gia Tây Âu thế kỉ XVII - XVIII bàn tới đầu tiên. Các triết gia hiểu quyền sống ở hai góc độ là quyền bảo toàn sinh mạng và quyền sống xứng đáng với bản chất người.

Ở góc độ thứ nhất, quyền sống là quyền bảo toàn sinh mạng thì B.Spinoza (1632-1677) - nhà triết học xuất thân trong một gia đình Tây Ban Nha gốc Do Thái, sống tại Hà Lan, cho rằng, trong các quyền của con người, quyền sống là quyền thiêng liêng nhất và trở thành động cơ cơ bản nhất của con người. Cùng với B.Spinoza, triết gia người Anh J.Locke (1632-1704) cũng đưa ra quan niệm của mình về quyền sống của con người. Ông cho rằng mục đích của con người khi tới với thế giới này trước tiên là để sống. Chúa trời tạo ra con người và cho con người quyền sở hữu đối với chính bản thân mình. Con người phải tự bảo đảm sự sống cho mình và không được làm tổn hại tới sự sống của người khác dù trong trạng thái tự nhiên. J.Locke nhấn mạnh: “con người ta có một quyền tự do không có sự kiểm soát để sắp đặt con người hay tài sản của mình, nhưng anh ta không được tự do hủy diệt bản thân, hay làm việc đó cho dù là đối với một sinh vật bất kỳ nào thuộc tài sản của anh ta” [33, tr. 35]… “bất kỳ người nào cũng không được phép làm tổn hại đến sinh mạng, sức khỏe… của người khác, vì tất cả đều là tuyệt tác của một đấng Sáng tạo toàn năng và thông thái vô hạn” [33, tr. 36]. Như vậy, điều đầu tiên J.Locke đề cập tới khi luận bàn về quyền sống của con người chính là quyền bảo toàn sinh mạng.

Con người, ngoài bản thân mình ra “còn cần phải bảo toàn cho toàn thể phần loài người còn lại ở mức tối đa có thể” [33, tr. 36]. Một điều đáng lưu tâm khi tìm hiểu quan niệm của J.Locke về quyền sống, đó là ông cho rằng: “con người ta không thể lấy đi hay làm suy yếu đi tính mạng hay những khuynh hướng nhằm bảo toàn sự sống, quyền tự do, thân thể hay tài sản của người khác, trừ khi là để thực hiện công lý với kẻ vi phạm” [33, tr. 36]. Con người có quyền tuyệt đối với sinh mạng của mình, thể hiện ở việc một người có quyền “tự bảo vệ lấy mình và thực hiện quyền chiến tranh, một quyền tự do để giết kẻ gây hấn” [33, tr. 52], bởi vì người gây hấn này đã vi phạm vào “luật tự nhiên” khi làm hại tới quyền sống của người khác. Đây có thể coi là một hạn chế trong quan niệm của nhà triết học Anh về quyền sống, bởi lẽ ông đã cho phép người bị hại có “quyền tự do giết kẻ gây hấn” với mình. Điều này đã được triết gia người Pháp J.J.Rousseau khắc phục.

Ngay từ đầu tác phẩm “Bàn về khế ước xã hội”, J.J.Rousseau (1712- 1778) đã trình bày quan điểm của mình về quyền sống. Ông viết: “Luật đầu tiên của tự do là mỗi người phải được chăm lo sự tồn tại của mình. Những điều quan tâm đầu tiên là quan tâm đến bản thân” [51, tr. 53]. Trong tác phẩm

“Emile hay là về giáo dục”, J.J.Rousseau đã làm rõ hơn vấn đề này. Không ít lần J.J.Rousseau đề cập tới cụm từ “chăm lo”, “tự bảo tồn” trong tác phẩm này. Ông viết: “Các bổn phận đầu tiên của chúng ta là đối với chúng ta; các tình cảm nguyên sơ của chúng ta tập trung vào bản thân chúng ta; mọi động thái tự nhiên của chúng ta trước hết quy vào việc tự bảo tồn và sự an lạc của chúng ta” [52, tr. 115]. Khi luận giải về những đam mê của con người, J.J.Rousseau khẳng định: “Tình yêu bản thân thì bao giờ cũng tốt lành, bao giờ cũng phù hợp với trật tự… chúng ta phải tự yêu bản thân mình để bảo tồn lấy chúng ta, chúng ta phải yêu chúng ta hơn là yêu tất cả mọi thứ khác [52, tr. 284].

Như vậy, điều đầu tiên J.J.Rousseau đề cập trong quyền sống của con người chính là việc tự bảo tồn sinh mạng. Sự bảo tồn sinh mạng trở thành “bổn phận” đối với mỗi người. Đó không chỉ có quyền mà còn phải có nghĩa vụ. Điều này đã được J.J.Rousseau nhấn mạnh trong tác phẩm “Bàn về khế ước xã hội” như sau: “Ở tuổi lý trí, con người phải tự mình định đoạt các phương tiện sinh tồn của mình” [51, tr. 53]. Xuất phát từ học thuyết về tự nhiên, J.J.Rousseau cho rằng con người không phải do Thượng đế hay một đấng siêu nhiên nào đó sinh ra. Con người trong quan niệm của ông là một sản phẩm đích thực của giới tự nhiên và thuộc về giới tự nhiên. Cũng chính vì nguồn gốc tự nhiên của mình mà con người sẽ có được những đặc tính bẩm sinh về quyền lợi như nhau do tự nhiên ban tặng. Do đó, con người không thể trông chờ ở sự cứu giúp của Thượng đế mà phải tự mình có trách nhiệm với chính bản thân mình, mà điều đầu tiên chính là có trách nhiệm với sự tồn tại của bản thân.

Theo J.J.Rousseau, quyền sống không chỉ là thiêng liêng mà còn là tối thượng, nó vượt lên trên tất cả các quyền khác. Con người có thể từ bỏ những quyền khác để đánh đổi lấy quyền sống của mình. Với ông: “Thủ lĩnh cũng như dân chúng đều sinh ra bình đẳng, tự do và họ chỉ từ bỏ quyền tự do của họ khi phải lo toan lợi ích của bản thân họ mà thôi” [51, tr. 53-54]. Quyền sống là nhu cầu khẳng định sự hiện hữu của con người như một thực thể tự nhiên sống động, đồng thời là nhu cầu về những điều kiện cần thiết để duy trì và phát triển trạng thái hiện tồn của con người. Khi con người không đảm bảo được quyền sống của chính mình, những quyền khác cũng trở nên vô nghĩa. Con người bị tước đoạt mất sự sống không thể là chủ thể để thực hiện những quyền liên quan đến sinh mạng và sự tồn tại của chính mình.

Chính từ quan niệm về quyền sống này, J.J.Rousseau đã lên tiếng phê phán của điểm của Hugo Grotius và một số người khác khi họ cho rằng, trong

chiến tranh, kẻ thắng trận có quyền giết kẻ thua trận. Bởi quyền sống của con người là tự nhiên, nó mang giá trị phổ quát, bất biến, vĩnh hằng. Không một điều gì có thể tước đoạt quyền sống của con người, ngay cả trong trạng thái chiến tranh. Đối với J.J.Rousseau, “Chiến tranh không phải là quan hệ giữa một người với một người mà là quan hệ giữa quốc gia với quốc gia. Trong chiến tranh, những con người cá biệt trở thành kẻ thù của nhau không phải với tư cách công dân mà là với tư cách người lính bảo vệ tổ quốc” [51, tr. 61]. Vì thế, cái quyền lực được giết kẻ bại trận chỉ là mạo nhận, tình trạng chiến tranh không có cách gì để dẫn đến quyền ấy.

Ở góc độ thứ hai, quyền sống xứng đáng với bản chất người thì các triết gia cho rằng con người sống không đơn giản chỉ là sự hiện hữu của một thể xác mà con người sống còn là để khẳng định chính bản thân mình, thể hiện mình với tư cách là một sinh vật tự do có tính người. Bởi nếu chỉ là sự hiện hữu của một thể xác, cơ thể con người sẽ không khác với con vật là bao, điều quan trọng làm nên sự khác biệt chính là việc xác định ý nghĩa của cuộc sống này, là ở chỗ con người đã làm được gì trong cuộc đời này. J.J.Rousseau không đồng tình với quan niệm của những người đương thời về cách chăm lo cho con cái của họ. Ông chỉ ra: “Mọi người chỉ nghĩ đến bảo tồn con mình; như thế không đủ; cần dạy nó tự bảo tồn khi là người trưởng thành, dạy nó chịu đựng các đòn của số phận, dạy nó không sợ giàu sang và nghèo khổ, dạy nó sống nếu cần trên băng giá miền Islande hay trên núi đá nóng bỏng vùng Malte. Vấn đề là làm cho nó sống hơn là ngăn cản nó chết” [52, tr. 39]. J.J.Rousseau hiểu sống trong cuộc đời không chỉ là hiện hữu, là có mặt, mà là sống để khẳng định, là để lại ý nghĩa và ghi dấu trong cuộc đời. Ông đòi hỏi ở con người một thái độ đúng đắn với sự sống của mình. J.J.Rousseau khẩn thiết yêu cầu con người tự tìm cho mình một cuộc sống, một cách sống ý nghĩa trên cả phương diện thể xác lẫn tinh thần. Theo ông, “Sống không phải

là hít thở, đó là hành động; đó là sử dụng các khí quan của chúng ta; sử dụng các giác quan; các năng lực; mọi bộ phận của bản thân chúng ta, chúng cho ta cảm giác về sự tồn tại của mình. Con người đã sống nhiều nhất không phải là người đã đếm được nhiều năm nhất, mà là người đã cảm nhận cuộc đời được nhiều nhất. Có kẻ sống đến trăm tuổi mà đã chết từ khi ra đời. Giá như người đó xuống mồ ở tuổi thanh xuân lại hơn nếu như người đó sống ít ra là cho tới lúc ấy” [52, tr. 39]. Với J.J.Rousseau, sống là một nghệ thuật cảm nhận cuộc sống. Để đạt được nghệ thuật ấy, con người phải hành động, phải sử dụng chính các giác quan, các năng lực của bản thân để khẳng định sự hiện tồn của mình. Chính những giác quan, những năng lực thông qua quá trình hoạt động thực tiễn trong đời sống sẽ giúp con người phát triển và hoàn thiện nhân cách, bản tính người thực thụ của mình chứ không phải một bàn tay vô hình, siêu nhiên nào đó. Bởi vậy, có những người được J.J.Rousseau coi là chết từ khi ra đời, không để lại ý nghĩa nào cho cuộc sống. Đối với họ, sống chỉ là để thỏa mãn những nhu cầu vật chất như: ăn, uống, ở, mặc… Họ cảm nhận cuộc sống qua những hưởng thụ tầm thường nhất, không hề xác định cho mình ý nghĩa thực sự của việc cảm nhận cuộc sống là gì.

Như vậy, có thể nói quyền sống đối với J.J.Rousseau không bó hẹp trong cái nhìn thiên lệch về sự bảo tồn bản thân mà còn hướng con người sống một đời sống đích thực, tự tìm cho mình con đường riêng, những cảm nhận riêng trong cuộc sống. Cuộc sống ấy gắn liền con người với hạnh phúc.

Tóm lại, quan niệm của các triết gia Tây Âu thể kỉ XVII - XVIII về quyền sống đều có một điểm chung là coi quyền sống là quyền đầu tiên, thiêng liêng, tối cao nhất và không thể bị tước đoạt của con người. Quyền sống ở thời kỳ này có một nội hàm vô cùng rộng lớn, nó không chỉ là sự chăm lo, bảo tồn sinh mạng con người mà còn khẳng định nhân cách của con người thông qua việc tự định đoạt cuộc sống của bản thân mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm về quyền con người trong triết học tây âu thế kỷ XVII XVIII (Trang 41 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)