B. NỘI DUNG
2.1. Quan niệm về quyền sống, quyền tự do, bình đẳng và quyền sở hữu
2.1.3. Quan niệm về quyền bình đẳng
Cùng với vấn đề tự do, các triết gia Tây Âu thế kỉ XVII - XVIII cũng bàn nhiều tới quyền bình đẳng. “Bình đẳng” là cụm từ chỉ vị trí ngang nhau của con người trong xã hội. Bình đẳng là bản chất vốn có của con người, luôn gắn với con người và xã hội loài người. Các triết gia cho rằng con người được tự do khi họ được đáp ứng các yêu cầu về sự bình đẳng trong xã hội, họ yêu cầu phải được đối xử như nhau và hưởng những quyền như nhau trong cuộc sống, đây là tư tưởng chống lại sự phân biệt đẳng cấp của phong kiến và khi đòi hỏi quyền bình đẳng này người ta cũng muốn có được những cơ hội như nhau trong phát triển về mọi mặt.
Các triết gia thời kỳ này khi đưa ra quan niệm về quyền bình đẳng cũng chia ra bình đẳng trong trạng thái tự nhiên và trong trạng thái xã hội dân sự.
Ở trạng thái tự nhiên, mặc dù khác nhau về thể lực, sức khỏe, tuổi tác nhưng con người hoàn toàn ngang nhau về địa vị, không có chủ nô, không có nô lệ. Giữa họ có sự khác biệt về thể xác và tinh thần nhưng không lớn tới mức khiến cho một người dựa vào đó để kỳ vọng làm được điều gì đó kiếm
lợi cho bản thân mình mà những người khác lại không thể làm được. Sự bình đẳng của con người vốn là tự nhiên, nhưng nó phải được dẫn dắt bởi bổn phận và nghĩa vụ của mỗi người, đó là phải yêu thương lẫn nhau để duy trì trạng thái hòa bình. Khi đó, theo triết gia người Anh J.Locke quyền lực chỉ mang tính hỗ trợ: “Đó cũng là một trạng thái bình đẳng khi mà tất cả quyền lực và quyền thực thi công lí có tính hỗ tương, không một ai có nhiều hơn người khác. [K]hông có gì hiển nhiên hơn là những sinh vật của cùng một loài và một hạng, được sinh ra một cách ngẫu nhiên với cùng những thuận lợi tự nhiên, sử dụng cùng những năng lực, cũng phải là những sinh vật bình đẳng với nhau mà không có sự lệ thuộc hay khuất phục” [33, tr. 33]. Còn triết gia người Pháp Ch.S.Montesquieu khẳng định: “bình đẳng chân chính không phải là làm cho mọi người đều chỉ huy hay không ai bị chỉ huy cả mà là chỉ huy những người bình đẳng với mình và phục tùng con người bình đẳng với mình” [44, tr. 87]. Triết gia cùng thời với Ch.S.Montesquieu, J.J.Rousseau cũng cho rằng trong trạng thái tự nhiên, “có một sự bình đẳng về thực chất mang tính hiện thực và không thể xóa bỏ được, vì trong trạng thái ấy, sự khác biệt duy nhất từ người này đến người kia không thể đủ lớn để làm cho kẻ này phụ thuộc vào kẻ kia” [52, tr. 319].
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, quyền bình đẳng của con người cũng có sự phát triển mới. Khi công cụ lao động ngày càng hoàn thiện, một mặt, nó đưa con người thoát khỏi thế giới loài vật; mặt khác, làm xuất hiện chế độ tư hữu từ đó dẫn đến sự tha hóa của “bình đẳng” thành “bất bình đẳng”. Có một thực tế rằng: “Trong trạng thái dân sự có một sự bình đẳng về pháp lý hư ảo và vô hiệu, vì rằng chính các phương tiện được dùng để duy trì sự bình đẳng ấy và vì rằng công quyền lại giúp thêm cho kẻ mạnh hơn để áp bức kẻ yếu làm phá vỡ thế cân bằng mà tự nhiên đã lập nên giữa các con người ấy”[52, tr. 319]. Do đó, trạng thái bất bình đẳng tất yếu phải được thay
thế bởi trạng thái bình đẳng mới. Trạng thái bình đẳng mới này có được khi con người tham gia vào một công ước xã hội: “Công ước cơ bản (pacte fundamental) không phá bỏ sự bình đẳng tự nhiên, nó xây dựng sự bình đẳng tinh thần và hợp pháp để thay thế cái mà thiên nhiên đã làm cho con người không bình đẳng về thể lực. Trên phương diện khế ước và pháp quyền con người tuy không đồng đều nhau về thân thể và trí tuệ vẫn được hoàn toàn bình đẳng ngang nhau” [51, tr. 78]. Công ước xã hội quy định sự bình đẳng giữa các công dân, mọi người đều phải cam kết những điều kiện như nhau và được hưởng quyền ngang nhau. Vì thế, “mọi công dân đều bình đẳng, cho nên điều mà mọi người phải làm thì mọi người đều có quyền bảo nhau làm, trái lại không ai có quyền buộc người khác làm điều mà tự mình không làm” [51, tr. 183]. Như vậy, sự bình đẳng mới này, không phải là sự bình đẳng ban đầu, ngay khi con người sinh ra đã có, mà là bình đẳng về chính trị cao hơn. Bình đẳng ở đây là bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi của người công dân trên cơ sở pháp luật.
Các triết gia Tây Âu thế kỉ XVII - XVIII đưa ra quan niệm về sự “bình đẳng tương đối”. Theo Ch.S.Montesquieu, trong xã hội dân sự có cả “bình đẳng tuyệt đối” và “bình đẳng tương đối”. Tuy nhiên, để hiện thực hóa cả hai loại bình đẳng này thì cần có sự can thiệp của luật pháp. Trong điều kiện kinh tế - xã hội và luật pháp cho phép, nhà nước cần điều tiết thu nhập xã hội, điều hòa mức độ bất bình đẳng kinh tế bằng cách “cần đặt gánh nặng thuế má lên vai người giàu và có những chính sách nâng đỡ người nghèo” [44, tr. 66]. Ông đưa ra nguyên tắc “không thể trao cho mọi người những công việc như nhau nhưng phải coi mọi người là ngang nhau khi trao công việc” [44, tr. 66]. Tuy nhiên, sự bình đẳng về kinh tế ấy chưa được Ch.S.Montesquieu lý giải. Hơn nữa, cách thức khắc phục bất bình đẳng của Ch.S.Montesquieu còn có những hạn chế nhất định. Ông chưa tìm thấy nguyên nhân sâu xa của tình
trạng bất bình đẳng nằm trong nguyên nhân kinh tế. Sau này, khi kế thừa và tiếp thu những di sản triết học quý báu của Ch.S.Montesquieu, J.J.Rousseau đã nhận ra và khắc phục được hạn chế này.
Trong con mắt của triết gia người Pháp J.J.Rousseau sự bình đẳng tương đối ở đây thực chất là trong lĩnh vực kinh tế. Ông khẳng định: “về bình đẳng thì không nên hiểu là mọi mức độ quyền lực về tài sản đều phải ngang nhau. Theo tôi, quyền lực phải đứng trên mọi bạo lực. Quyền lực chỉ có thể thể hiện theo cấp bậc và theo luật pháp; còn tài sản thì không nên để một công dân nào giàu đến mức có thể mua một công dân khác và không một công dân nào nghèo đến nỗi phải tự bán mình”[51, tr. 115].
Tuy nhiên để thiết lập được sự bình đẳng như vậy là một việc không đơn giản. Bởi vì xã hội dân sự là sự liên kết của những con người tự do, bình đẳng trong trạng thái tự nhiên thông qua khế ước. Một mặt, việc điều hành xã hội không thuộc về cá nhân nào mà là “ý chí chung” tức là ý chí của mọi công dân. Cho nên, trong bản thân từng thành viên của xã hội dân sự đã mang trong mình “ý chí chung”. Mặt khác, trong quá trình phát triển, mỗi cá nhân luôn có xu hướng thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu và lợi ích riêng của bản thân mình chính vì thế tự bản thân lợi ích của cá nhân đã trở nên khác biệt với “ý chí chung”, thậm chí là đối lập. Nếu như vậy, tất yếu sẽ có những công dân chạy theo lối sống của chủ nghĩa cá nhân, họ tự mình thoả mãn vô điều kiện những nhu cầu và lợi ích cá nhân của bản thân mình mà không cần phải đóng góp nghĩa vụ đối với xã hội. Theo J.J.Rousseau, “thái độ bất công đó của cá nhân nếu phát triển mãi ra sẽ dẫn tới sự suy đồi của cơ thể chính trị”[Trích theo 43, tr. 43]. Chính vì những lý do đó mà khế ước xã hội cần phải ngầm bao hàm sự ràng buộc đối với cá nhân để tạo ra sự ràng buộc đối với các cá nhân khác.
Mối quan hệ giữa quyền tự do và quyền bình đẳng cũng được các nhà triết học Tây Âu thế kỉ XVII - XVIII đặt ra và xem xét. Đây là một trong
những điểm khác biệt giữa quan niệm về tự do và bình đẳng của các nhà triết học thời kỳ này với hầu hết các quan niệm về tự do và bình đẳng trước đó. Họ khẳng định bình đẳng và tự do được đặt ngang hàng với nhau, bởi lẽ “không có bình đẳng thì không thể có tự do được” [51, tr. 115]. Như vậy, bình đẳng chính là điều kiện để từ đó con người mới có thể có quyền và nghĩa vụ tự do quyết định lấy mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống của mình. Ngay trong quan niệm về tự do cũng đã biểu hiện tính bình đẳng ở trong đó. Con người tự do là con người bình đẳng trước pháp luật. Nhờ có được bình đẳng trước pháp luật mà con người có được tự do trong xã hội. Tự do, bình đẳng không thể trở thành hiện thực, nếu bình đẳng chỉ tồn tại trong pháp luật mà không được hiện thực hóa trong thực tế. Nếu thiếu bình đẳng và bất công quá mức về tài sản thì sẽ biến các quyền và tự do chính trị thành giả tạo. Tự do được đặt trong một tổng thể rộng lớn hơn, có nội dung rộng lớn hơn còn bình đẳng tất yếu phải được xem xét trong từng mối quan hệ cụ thể. Như vậy, có thể thấy trong quan niệm của các triết gia Tây Âu thế kỉ XVII - XVIII, quyền tự do và bình đẳng của con người gắn bó chặt chẽ với nhau, làm tiền đề tồn tại cho nhau.
Qua quan niệm của các triết gia Tây Âu thế kỉ XVII - XVIII về quyền bình đẳng ta có thể nhận thấy các triết gia đã đấu tranh không khoan nhượng với những đặc quyền đặc lợi để bảo vệ quyền bình đẳng cho con người. Việc luận giải về quyền bình đẳng của con người cũng thể hiện một khát khao, ước muốn phá bỏ những bất công ngang trái đang hiện hữu, chà đạp lên những giá trị con người trong xã hội Tây Âu lúc bấy giờ.