Vị trí quan niệm quyền con người của triết học Tây Âu cận đại trong

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm về quyền con người trong triết học tây âu thế kỷ XVII XVIII (Trang 35 - 41)

B. NỘI DUNG

1.3. Vị trí quan niệm quyền con người của triết học Tây Âu cận đại trong

trong lịch sử quan niệm quyền con người

Khái niệm “quyền con người” (human rights) là một phạm trù đa diện, do đó có nhiều định nghĩa khác nhau. Mỗi định nghĩa tiếp cận vấn đề từ một góc độ nhất định, chỉ ra những thuộc tính nhất định, nhưng không định nghĩa nào đến nay được công nhận là bao hàm được tất cả các thuộc tính của quyền con người. Tuy nhiên, ở cấp độ quốc tế, định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người thường được trích dẫn bởi nhiều nhà nghiên cứu. Theo định nghĩa này: quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người.

Như vậy, quyền con người cũng được xác định như là những chuẩn mực mà cộng đồng quốc tế thừa nhận và tuân thủ. Những chuẩn mực này kết tinh những giá trị nhân văn của toàn nhân loại, chỉ áp dụng với con người, cho tất cả mọi người. Nhờ có những chuẩn mực này, nhân loại mới được bảo vệ nhân phẩm và có điều kiện phát triển đầy đủ các năng lực của cá nhân với tư cách là một con người. Cho dù cách nhìn nhận có những khác biệt nhất định,

quyền con người vẫn là những giá trị cao cả cần được tôn trọng và bảo vệ trong mọi xã hội và trong mọi giai đoạn lịch sử.

Về nguồn gốc của quyền con người, có hai trường phái cơ bản đưa ra hai quan niệm trái ngược nhau:

Những người theo học thuyết về quyền tự nhiên (natural rights) như Zeno, Th.Hobbes, J.Locke… cho rằng quyền con người là những gì bẩm sinh, vốn có mà mọi cá nhân sinh ra đều được hưởng chỉ đơn giản bởi vì họ là thành viên của loài người. Do đó, các quyền con người không phụ thuộc vào các phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa hay ý chí của bất cứ cá nhân, giai cấp, tầng lớp, cộng đồng hay nhà nước nào; và không một chủ thể nào, kể cả nhà nước, có thể ban phát hay tước bỏ các quyền con người bẩm sinh, vốn có của các cá nhân.

Ngược lại với học thuyết về quyền tự nhiên là học thuyết về các quyền pháp lý (legal rights). Những người theo học thuyết này như Edmund Burke (1729-1797), Jeremy Bentham (1748-1832)… cho rằng các quyền con người không phải là những gì bẩm sinh, vốn có một cách tự nhiên mà phải do nhà nước xác định và pháp điển hóa thành các quy phạm pháp luật hoặc xuất phát từ truyền thống văn hóa. Như vậy, theo học thuyết về quyền pháp lý, phạm vi, giới hạn và ở góc độ nhất định, các thời hạn hiệu lực của các quyền con người phụ thuộc vào ý chí của tầng lớp thống trị và các yếu tố như phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa… của các xã hội. Ở đây, trong khi các quyền tự nhiên có tính đồng nhất trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, thì các quyền pháp lý mang tính chất khác biệt tương đối về mặt văn hóa và chính trị.

Cho đến nay, cuộc tranh luận về tính đúng đắn của hai học thuyết trên vẫn còn tiếp tục. Việc phân định đúng hay sai, hợp lý hay không hợp lý giữa hai học thuyết này là không đơn giản, bởi nó liên quan đến các vấn đề triết học, chính trị, xã hội, đạo đức, pháp lý… trong phạm vi rộng lớn. Tuy vậy,

mọi quan điểm cực đoan phủ nhận hoàn toàn bất cứ học thuyết nào đều không phù hợp. Bởi vì, về hình thức, hầu hết các văn kiện pháp luật của các quốc gia đều thể hiện các quyền con người là các quyền pháp lý, tuy nhiên, trong “Tuyên ngôn toàn thế giới về vấn đề nhân quyền” năm 1948, một số văn kiện pháp luật và văn kiện chính trị pháp lý ở một số quốc gia, nhân quyền được khẳng định một cách rõ ràng là các quyền tự nhiên, vốn có và không thể chuyển nhượng được của các cá nhân.

Trong những năm gần đây, nhiều nhà lý luận dựa vào trình độ phát triển của lịch sử nhân loại để phân chia quyền con người thành ba thế hệ. Người đưa ra ý tưởng này là một nhà luật học người Czech tên là Karel Vasak. Lý luận của Vasak bắt nguồn và phản ánh lịch sử phát triển của tư tưởng và pháp luật về quyền con người ở Châu Âu, nhưng chúng vẫn có những ý nghĩa trong việc nghiên cứu về lịch sử phát triển của quyền con người nói chung trên thế giới. Ba thế hệ quyền con người gồm có:

Quyền con người thế hệ thứ nhất gắn liền với cách mạng tư sản nhằm chống lại các hành vi xâm hại của nhà nước đối với các quyền và tự do của công dân. Quyền con người thế hệ thứ nhất khẳng định mạnh mẽ các quyền cá nhân, chủ yếu là các quyền dân sự, chính trị, các quyền tự do, bình đẳng của con người theo các “quy luật tự nhiên”. Quyền con người thế hệ thứ nhất có một số đặc điểm đáng chú ý sau đây:

Thứ nhất, tư tưởng bình đẳng xuất hiện từ thời cổ đại, không bị lãng quên ở thời trung cổ, được đặc biệt phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ cách mạng tư sản với những hình thức khác nhau và những khuynh hướng khác nhau, nhưng đều khẳng định bản thân chính quyền nhà nước được thiết lập chỉ để hoàn thành các nhiệm vụ và thực hiện các mục đích bảo vệ quyền con người. Tư tưởng tự do, bình đẳng là cơ sở và là thành quả của cuộc cách mạng thông qua việc phê phán chế độ phong kiến. Nó luận chứng cho những

ý niệm mới về quyền bình đẳng và tự do cá nhân, về tính thiết yếu có sự ngự trị của pháp luật trong quan hệ giữa cá nhân với nhà nước.

Thứ hai, học thuyết “pháp quyền tự nhiên” là sản phẩm của thời kỳ cải cách, là cơ sở tư tưởng của quyền con người thế hệ thứ nhất. Thế hệ quyền con người này căn cứ vào bản năng của con người thực thể để xây dựng khái niệm nhân quyền và giải thích những tiêu chuẩn nhân quyền như những giá trị tự nhiên, cơ bản, là sản phẩm vốn có của tự nhiên, là thiên phú bẩm sinh, là đặc quyền tự nhiên không thể bị tước bỏ của con người. Con người, cả trong trạng thái tự nhiên lẫn ở vị thế công dân, đều hành động theo luật tự nhiên của bản thân mình, suy lý theo lợi ích của mình, được thôi thúc bởi sự sợ hãi hay ước vọng của mình. Việc tước đoạt các quyền tự nhiên của con người sẽ dẫn đến sự bạo hành. Các công trình của Hugo De Groot, B.Spinoza, J.Locke, Ch.S.Mongtesquieu, J.J.Rousseau… đã đóng góp vào thuyết duy lý mới về quyền tự nhiên và sự hình thành thế giới quan luật học, chuẩn bị tư tưởng cho các cuộc cách mạng tư sản.

Quyền con người thế hệ thứ hai xuất hiện và phát triển gắn liền với sự bùng nổ của hai cuộc chiến tranh thế giới. Quyền con người thế hệ thứ hai chịu ảnh hưởng của thuyết “nhà nước phúc lợi chung”, đòi hỏi nhà nước phải tích cực hành động thực hiện những quyền cơ bản của con người, trong đó có các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Quyền con người thế hệ thứ nhất đấu tranh cho các quyền dân sự và chính trị, cho sự bình đẳng giữa người với người, chống chế độ phong kiến tàn bạo và tàn dư của chế độ nô lệ. Còn quyền con người thế hệ thứ hai mở rộng cuộc đấu tranh cho các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, quyền dân tộc tự quyết, quyền độc lập dân tộc, chống sự áp bức, nô dịch của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, vì sự bình đẳng giữa các dân tộc, giữa các quốc gia. Gắn liền với hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, các tư tưởng và học

thuyết về quyền con người thế hệ thứ hai chứa đựng nội dung chống chủ nghĩa Phát xít, ngăn ngừa và phản đối chiến tranh, chống thần quyền, chuyên chế, chống đặc quyền đặc lợi của giai cấp thống trị. Từ chỗ yêu cầu về các quyền và phản đối chính trị bạo ngược, các tư tưởng về quyền con người chuyển sang đòi hỏi nhà nước đem lại phúc lợi.

Quyền con người thế hệ thứ ba bao gồm các quyền tiêu biểu như quyền tự quyết dân tộc, quyền phát triển, quyền với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, quyền được sống trong hoà bình, quyền được sống trong môi trường trong lành… Danh mục các quyền này vẫn đang được bổ sung, trong đó những quyền được đề cập gần đây bao gồm: quyền được thông tin và các quyền về thông tin, quyền được hưởng thụ các giá trị văn hoá… Những văn kiện cơ bản phản ánh thế hệ quyền này bao gồm: “Tuyên ngôn về bảo đảm độc lập cho các quốc gia và dân tộc thuộc địa” năm 1960, hai “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và về các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá” năm 1966 (Điều 1), “Tuyên bố về quyền của các dân tộc được sống trong hoà bình” năm 1984; “Tuyên bố về quyền phát triển” năm 1986,…

Về tính chất, quyền con người thế hệ thứ ba là sự trung hoà nội dung của cả hai nhóm quyền dân sự, chính trị và quyền kinh tế, xã hội, văn hoá, nhưng đặt chúng trong những bối cảnh mới và trong khuôn khổ các quyền của nhóm. Về tính pháp lý, ngoại trừ một số quyền như quyền tự quyết dân tộc, hầu hết các quyền trong quyền con người thế hệ thứ ba chưa được pháp điển hoá bằng các điều ước quốc tế, mà mới chỉ được đề cập trong các tuyên bố, tuyên ngôn. Tính pháp lý và tính hiện thực của hầu hết các quyền trong thế hệ quyền con người thứ ba hiện vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi.

Trên đây là một số luận giải cơ bản về quyền con người, qua đó chúng ta có thể thấy rằng nội hàm của khái niệm quyền con người vô cùng rộng lớn. Trong phạm vi của luận văn, tác giả chỉ trình bày quan niệm về quyền con

người của các triết gia Tây Âu thế kỉ XVII - XVIII xung quanh thế hệ quyền con người thứ nhất, cụ thể là các quyền dân sự và chính trị hay còn gọi là các quyền tự nhiên của con người.

Kết luận chương 1

Có thể nói rằng, bối cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa đầy biến động của Châu Âu nói chung, Tây Âu nói riêng thế kỉ XVII - XVIII cùng với những tư tưởng của các bậc tiền bối và những nhà tư tưởng cùng thời là những tiền đề vô cùng quan trọng cho sự hình thành quan niệm triết học nói chung và quan niệm về quyền con người nói riêng của các triết gia Tây Âu thời kỳ này.

Được xây dựng trên nền tảng lý luận phong phú và hiện thực ấy, những quan niệm về quyền con người trong triết học Tây Âu trong thế kỉ XVII - XVIII không chỉ dừng lại ở việc kế thừa các tư tưởng truyền thống mà còn là sự phát triển những nét riêng, độc đáo và cách mạng, thực sự là sản phẩm sáng tạo của những con người tài năng. Vấn đề quyền con người được các triết gia kiến giải vô cùng mới mẻ, phong phú và có giá trị thời đại. Nội dung vấn đề này sẽ được luận văn làm rõ trong chương tiếp theo.

CHƯƠNG 2. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA QUAN NIỆM VỀ QUYỀN CON NGƯỜI TRONG TRIẾT HỌC TÂY ÂU THẾ KỈ XVII - XVIII

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm về quyền con người trong triết học tây âu thế kỷ XVII XVIII (Trang 35 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)