Chu trình quản lý tài chính công đoàn

Một phần của tài liệu Kế toán thu, chi tài chính công đoàn tại công đoàn viên chức việt nam (Trang 25 - 29)

7. Kết cấu luận văn

1.2. Tài chính Công đoàn Việt Nam

1.2.3. Chu trình quản lý tài chính công đoàn

Tài chính công đoàn được tiến hành hàng năm từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 dương lịch, bao gồm các bước công việc được lặp đi, lặp lại theo một trình tự nhất định gọi là chu trình tài chính công đoàn.

Chu trình tài chính công đoàn gồm toàn bộ các hoạt động từ khâu lập dự toán (kế hoạch), thực hiện dự toán và quyết toán tài chính công đoàn.

1.2.3.1. Lập dự toán tài chính công đoàn

Theo Luật Ngân sách Nhà nước: Lập dự toán tài chính là quá trình phân tích đánh giá giữa khả năng thu và nhu cầu chi để từ đó xác định các chỉ tiêu thu, chi, cân đối tài chính cho phù hợp. Trên cơ sở đó đề ra các biện pháp kinh tế tài chính, biện pháp hành chính nhằm đảm bảo các chỉ tiêu thu, chi đã xây dựng trong dự toán được thực hiện trên thực tế.

Lập dự toán tài chính là khâu đầu tiên, quan trọng trong chu trình tài chính công đoàn. Đây là hoạt động kinh tế tổng hợp, xuất phát từ cơ sở đồng thời là nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn.

Lập dự toán tài chính công đoàn phải đảm bảo các nguyên tắc: Lấy chủ trương kế hoạch công tác làm cơ sở; Phải bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất và dân chủ; Phải đảm bảo tính cân đối tích cực toàn diện; Phải dựa trên cơ sở khoa học; Phải đảm bảo tính pháp lệnh.

Lập dự toán tài chính công đoàn phải xây dựng từ cơ sở lên, phải lấy ý kiến tham gia của quần chúng. Mỗi cấp công đoàn ứng với một cấp quản lý tài chính, các cấp công đoàn tự lập dự toán tài chính của cấp mình. Dự toán tài chính công đoàn phải được xây dựng hằng năm, căn cứ vào tình hình thực hiện dự toán tài chính của năm trước, trên cơ sở nhiệm vụ công tác của năm kế hoạch và đặc điểm, tình hình thực tế của cơ sở, địa phương, của ngành, các cấp công đoàn lập dự toán tài chính của cấp mình gửi công đoàn cấp trên phê duyệt. Đối với công đoàn ở cấp trung ương - cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau khi tổng hợp dự toán tài chính của các Công đoàn cấp tỉnh, thành phố và tương đương, lập bản dự toán tài chính chung (tổng dự toán) cho cả hệ thống công đoàn và trình Bộ Tài chính (Nhà nước) phê duyệt. Khi dự toán tài chính công đoàn đó được công đoàn cấp trên và Nhà nước phê duyệt, các cấp công đoàn và các đơn vị phải tổ chức thực hiện.

1.2.3.2. Tổ chức thực hiện (chấp hành) dự toán tài chính công đoàn

Theo Luật Ngân sách Nhà nước: Thực hiện dự toán tài chính (chấp hành dự toán) là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổng hòa các biện pháp kinh tế tài chính và các biện pháp hành chính nhằm biến các chỉ tiêu thu, chi trong dự toán tài chính trở thành hiện thực [10].

Thực hiện dự toán tài chính công đoàn là quá trình tổ chức các hoạt động nghiệp vụ nhằm thực hiện kế hoạch thu đầy đủ các nguồn thu tài chính công đoàn, đúng chính sách, thu kịp thời và triệt để. Tổ chức thực hiện chi tiêu đúng chế độ chính sách, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm cho các mặt hoạt động công đoàn thực hiện tốt, ngăn ngừa chi tiêu tuỳ tiện, thực hành tiết kiệm, chống phô trương hình thức, lãng phí, tham ô.

Thực hiện dự toán tài chính công đoàn bao gồm: Thực hiện dự toán thu và dự toán chi.

- Thực hiện dự toán thu: Thu tài chính công đoàn phải đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời. Mọi khoản thu của tài chính công đoàn phải nộp vào quỹ tài chính công đoàn và được quản lý tại kho bạc Nhà nước (hoặc ngân hàng). Nguồn thu của tài chính công đoàn được quy định tại Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012, Nghị định 191/2013 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo hướng dẫn cửa Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ LĐVN).

- Thực hiện dự toán chi: Thủ trưởng đơn vị dự toán quyết định chi tài chính công đoàn đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do Nhà nước và Tổng Liên đoàn quy định. Công đoàn các cấp, các đơn vị không được đặt ra các khoản thu, chi trái với quy định của Nhà nước và TLĐ. Mọi khoản chi phải được thực hiện đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục do các văn bản Nhà nước và TLĐLĐVN hướng dẫn thi hành. Việc thực hiện mọi khoản chi tài chính công đoàn các cấp phải căn cứ vào dự toán tài chính công đoàn đã được duyệt và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của từng cấp công đoàn.

Các cấp công đoàn phải lập dự phòng tài chính, dự phòng tài chính của cấp công đoàn nào do cấp đó quyết định.

1.2.3.3. Quyết toán tài chính công đoàn

Đây là khâu cuối cùng, rất quan trọng trong chu trình tài chính công đoàn. Hàng năm, vào thời điểm cuối năm tài chính, các cấp công đoàn tiến hành lập báo cáo quyết toán tài chính của cấp mình gửi công đoàn cấp trên phê duyệt. Đối với công đoàn ở cấp trung ương - TLĐ, sau khi tổng hợp báo cáo quyết toán tài chính của các công đoàn cấp tỉnh, thành phố và tương đương, lập bản báo cáo quyết toán tài chính chung cho cả hệ thống công đoàn và trình Bộ Tài chính phê duyệt.

Quyết toán tài chính công đoàn là tài liệu phản ánh thực trạng tài chính công đoàn trong một năm tài chính, thông qua quyết toán tài chính có thể nắm được một cách khái quát các mặt hoạt động của tổ chức công đoàn, thấy được mối quan hệ giữa tài chính công đoàn và các mặt công tác của tổ chức công đoàn. Thông qua quyết toán tài chính công đoàn vừa có thể đánh giá được tình tình thực hiện kế hoạch tài chính trong năm, vừa khẳng định vai trò của tài chính công đoàn là điều kiện vật chất cơ bản đảm bảo cho tổ chức công đoàn hoạt động, nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển phong trào công nhân và tổ chức công đoàn.

Như vậy, giữa các khâu của chu trình tài chính công đoàn vừa có tính độc lập tương đối vừa có mối quan hệ mật thiết, hữu cơ với nhau. Khâu trước là tiền đề cho khâu sau.

Lập dự toán tài chính tích cực, vững chắc, sát với thực tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện dự toán tài chính tốt.

Tổ chức thực hiện dự toán tài chính tốt, một mặt chứng minh bằng thực tiễn cho việc lập dự toán đúng, mặt khác nói lên vai trò của tài chính công đoàn trong việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn.

Quyết toán tài chính đầy đủ, chính xác, kịp thời sẽ là tài liệu quan trọng cho việc lập kế hoạch tài chính kỳ sau.

Một phần của tài liệu Kế toán thu, chi tài chính công đoàn tại công đoàn viên chức việt nam (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)