CHƯƠNG 2 : ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.6. Phương pháp, công cụ đo lường, thu thập số liệu
Bước 1:Quy trình chẩn đoán, chọn lọc và mời bệnh nhân tham gia nghiên cứu Bệnh nhân được nhập viện vào khoa Lồng Ngực – Mạch máu Bệnh viện Đại học Y Dược Tp Hồ Chí Minh với chẩn đoán là huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cấp tính
Sau khi chẩn đoán xác định có huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới tầng chậu – đùi trở lên, nếu bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ của thuyên tắc phổi cao hoặc có các triệu chứng của thuyên tắc phổi sẽ được chụp CLVT ngực có cản quang thì tĩnh mạch và siêu âm tim qua thành ngực để chẩn đoán [15]. Nếu BN được chẩn đoán có tình trạng thuyên tắc phổi:
- Huyết động không ổn định: BN sẽ được chuyển hồi sức tích cực điều trị, thở máy, có hoặc không kèm theo điều trị can thiệp huyết khối ĐM phổi và loại khỏi nghiên cứu.
- Huyết động ổn định: BN được hội chẩn với BS chuyên khoa nội tim mạch cho hướng điều trị và theo dõi. BN tiếp tục được điều trị can thiệp huyết khối ĐM sâu chi dưới và không can thiệp đến huyết khối ĐM phổi.
Bệnh nhân có chỉ định can thiệp điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cấp tính tầng chậu – đùi trở lên sẽ được tư vấn về phương pháp điều trị, các tai biến, biến chứng có thể xảy ra trong quá trình điều trị can thiệp, lợi ích và bất lợi của phương pháp điều trị can thiệp so với điều trị nội khoa kinh điển. Các bước thực hiện quá trình điều trị can thiệp, chi phí và theo dõi sau can thiệp. BN đồng ý tham gia vào nghiên cứu và ký vào bản đồng thuận được soạn sẵn (đã thông qua Hội đồng Y đức).
Bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu sẽ được làm các xét nghiệm tổng quát bao gồm: công thức máu, nhóm máu, chức năng đông máu, chức năng gan, chức năng thận. siêu âm kiểm tra hệ mạch máu chi dưới và chụp CTVT có cản quang khảo sát tĩnh mạch trước khi tiến hành can thiệp điều trị.
Bước 2:Tiến hành điều trị loại bỏ huyết khối
Chúng tôi áp dụng hai phương pháp can thiệp loại bỏ huyết khối:
- Điều trị can thiệp huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cấp tính tầng chậu đùi trở lên bằng phương pháp phẫu thuật lấy huyết khối.
- Điều trị can thiệp huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cấp tính tầng chậu – đùi trở lên bằng phương pháp can thiệp nội mạch lấy huyết khối.
Bước 3:Theo dõi và điều trị bệnh nhân sau mổ
Sau can thiệp điều trị, BN sẽ được chăm sóc và điều trị tại khoa Lồng ngực – Mạch máu cho đến khi ổn định được xuất viện. Nếu có các biến chứng sẽ được xử trí cho đến khi ổn định. Tại ngày hậu phẫu thứ nhất, BN sẽ được sử dụng kháng đông toàn thân bằng Heparin và bắt đầu dùng kháng đông kháng vitamin K, điều chỉnh liều kháng đông Vitamin K để INR từ 2-2,5, hoặc sử dụng NOACs liều dùng trong giai đoạn cấp.
Bước 4:Thu thập số liệu ban đầu
Số liệu sẽ được thu thập từ việc hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng, cũng như các xét nghiệm từ hồ số bệnh án. Đây là lần lấy số liệu đầu tiên lúc bệnh nhân đang nằm viện, các lần lấy số liệu tiếp sau sẽ được tiến hành lúc bệnh nhân tái khám theo lịch khám. Mỗi hồ sơ sẽ được đánh dấu bằng một số cụ thể để dễ quản lý lúc tái khám.
Bước 5:Quản lý bệnh nhân sau can thiệp
Bệnh nhân xuất viện sẽ được hẹn tái khám và theo dõi sau 1 tháng, sau đó là tái khám mỗi tháng cho đến thời điểm 6 tháng tại phòng khám Lồng ngực Bệnh viện Đại học Y Dược, do chính nghiên cứu viên thăm khám và ghi nhận các dữ liệu lâm sàng và siêu âm Doppler. Nếu sử dụng thuốc kháng vitamin K, BN sẽ được chỉnh liều kháng đông theo INR. Ghi nhận các biến chứng của việc sử dụng thuốc kháng đông như xuất huyết, INR tăng cao. Tại thời điểm 6 tháng, BN sẽ được siêu âm Doppler và/hoặc chụp CLVT có cản quang hệ tĩnh mạch từ TM chủ dưới đến 2 chi dưới để đánh giá kết quả điều trị.
50