2.1. Cơ sở lý luận về chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp
2.1.1. Khái niệm ĐNN và chuyển đổi MĐSD ĐNN
2.1.1.1. Khái niệm ĐNN
Đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá của mọi quốc gia, là tư liệu sản xuất chủ yếu và đặc biệt của sản xuất nông nghiệp, là một trong các yếu tố quan trọng nhất của môi trường. Đất đai được dùng hầu hết vào các ngành sản xuất, các lĩnh vực của đời sống. Theo từng ngành sản xuất, từng lĩnh vực của đời sống, đất được phân thành các loại khác nhau và gọi tên theo ngành và lĩnh vực sử dụng chúng.
Với ý nghĩa đó, ĐNN (nghĩa rộng) là đất được sử dụng chủ yếu vào sản xuất của các ngành nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản hoặc sử dụng để nghiên cứu thí nghiệm về nông nghiệp. Ngoài tên gọi ĐNN, đất sử dụng vào hoạt động của ngành nông nghiệp còn được gọi là ruộng đất. Trên thực tế để sử dụng đầy đủ hợp lý ruộng đất, đất chưa sử dụng vào mục đích nông nghiệp nhưng có thể tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp mà không cần có đầu tư lớn nào cả vẫn được coi là ĐNN. Đất có thể tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp nhưng cần có sự đầu tư lớn, đầu tư cải tạo được gọi là đất có khả năng nông nghiệp.
ĐNN là phạm trù rộng, chứa đựng nhiều yếu tố thành phần. Vì vậy, ĐNN được phân thành các loại khác nhau tùy theo tiêu chí phân loại của chúng. Trên thực tế, ĐNN thường phân thành các loại sau:
- Phân theo MĐSD: ĐNN (theo quy định hiện hành) phân thành đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối và ĐNN khác.
+ Đất sản xuất nông nghiệp là đất được sử dụng vào hoạt động nông nghiệp (theo nghĩa hẹp), bao gồm đất trồng trọt các cây nông nghiệp (lúa, màu, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu, cây cảnh…), đất đồng cỏ và trồng cây thức ăn khác dùng cho chăn nuôi, đất nuôi trồng thủy sản… Đất sản xuất nông nghiệp theo MĐSD là đất canh tác để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp nên phần đất chưa đưa vào sản xuất nông nghiệp không được coi là đất sản xuất nông nghiệp mà thuộc ĐNN khác
+ Đất lâm nghiệp là đất được sử dụng vào các mục đích lâm nghiệp khác nhau như đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và đất lâm nghiệp khác.
+ Đất nuôi trồng thủy sản (bao gồm cả mặt nước) là đất được sử dụng vào các mục đích nuôi, trồng các loại thủy sản (nuôi tôm, cá, cua, trồng các loại rong thực phẩm…). Đất nuôi trồng thủy sản được phân thành đất nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn và đất nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
+ Đất làm muối là đất sử dụng vào mục đích chưng cất nước biển nhờ nhiệt lượng mặt trời để tạo muối ăn và các MĐSD khác. Đất làm muối chủ yếu là diện tích đất để xây dựng cánh đồng muối.
+ ĐNN khác bao gồm: ĐNN nhưng để hoang hóa, đất chưa sử dụng nhưng có thể đưa vào sản xuất nông nghiệp mà không cần đầu tư lớn…
- Phân theo thời hạn sử dụng: ĐNN phân thành đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm.
+ Đất trồng cây hàng năm là đất trồng các loại cây trồng có chu kỳ sản xuất trong khoảng thời gian 1 năm. Trong đất trồng cây hàng năm, người ta căn cứ vào công dụng của cây trồng để phân thành các loại đất khác nhau như: Đất trồng cây lương thực, đất trồng cây công nghiệp ngắn ngày, đất trồng cây thực phẩm, đất trồng cây thức ăn gia súc, đất trồng cây dược liệu...
Cây hàng năm có chu kỳ sản xuất nhỏ hơn một năm, nên trong điều kiện thời tiết khí hậu thuận lợi người ta có thể trồng cấy nhiều vụ trong năm. Vì vậy, đất
trồng cây hàng năm còn được xem xét ở mức độ sử dụng chúng qua các chỉ tiêu diện tích gieo trồng và hệ số sử dụng ruộng đất.
Diện tích gieo trồng là tổng diện tích đất trồng cây hàng năm của một đơn vị sản xuất (hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp khác...), của một địa phương (thôn, xã, huyện, tỉnh) hay cả nước. Nó được tính bằng tổng số diện tích của các lần trồng khác nhau trong năm.
Hệ số sử dụng ruộng đất là tỷ số giữa diện tích gieo trồng với diện tích trồng cây hàng năm ở đơn vị cần xem xét.
+ Đất trồng cây lâu năm là đất trồng các loại cây trồng có chu kỳ sản xuất lớn hơn một năm (những cây trồng dài ngày). Trong đất trồng cây lâu năm, người ta cũng căn cứ vào công dụng của cây trồng để phân thành những loại đất khác nhau như: Đất trồng cây ăn quả, đất trồng cây công nghiệp dài ngày, đất trồng cây thực phẩm...
+ Ngoài đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm, ĐNN còn phân thành đất đồng cỏ, đất mặt nước dùng vào nông nghiệp. Tuy hai loại này có thể đưa vào một trong hai nhóm trên, nhưng chúng được tách riêng, vì chúng có đặc thù trong khai thác.
Để phân loại đất theo thời hạn sử dụng, người ta có thể căn cứ vào (1) hiện trạng để liệt kê, đo đạc đối với đất đã sử dụng; (2) đất đai có thể đưa ngay vào sản xuất nông nghiệp nhưng chưa tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp, căn cứ vào quy hoạch ta có sự phân loại ĐNN. Về thực chất người ta căn cứ vào yêu cầu của từng loại cây trồng và các đặc tính của đất đai (hàm lượng các chất dinh dưỡng, độ chua kiềm, hàm lượng mùn trong đất, thành phần cơ giới của đất...), các điều kiện về địa hình (chủ yếu liên quan đến khả năng cung cấp nước), các yếu tố thời tiết khí hậu... để thấy khả năng bố trí cây trồng để phân loại đất.
2.1.1.2. Khái niệm chuyển đổi MĐSD ĐNN
Có nhiều khái niệm khác nhau về chuyển đổi MĐSD đất nói chung, ĐNN nói
riêng. Hiểu theo nghĩa thông thường, “chuyển đổi MĐSD đất” nói chung bản thân
nó đã đủ nghĩa là sự thay đổi về MĐSD của đất. Điều đó được giải nghĩa là: chủ thể sử dụng đất không sử dụng cho mục đích trước đây nữa và sẽ thay đổi nó sang
MĐSD khác. Đất đó có thể là ĐNN, nhưng cũng có thể là đất phi nông nghiệp. Ví dụ: Đất khu dân cư, với tư cách là đất ở nông thôn (hay thành thị) được giải tỏa để mở đường là sự chuyển đổi từ mục đích đất ở sang mục đích đất giao thông.
Chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp là phạm trù hẹp hơn, tuy cũng chỉ sự thay đổi về mục đích sử dụng của đất, nhưng đó là mục đích của ĐNN này sang mục đích nông nghiệp khác hoặc từ ĐNN sang đất phi nông nghiệp. Ví dụ: Đất đang sử dụng vào mục đích nông nghiệp, đang trồng lúa chuyển sang nuôi trồng thủy sản hoặc đất đang sử dụng vào mục đích nông nghiệp chuyển sang xây dựng khu công nghiệp, sẽ trở thành đất khu, cụm công nghiệp.
Chuyển đổi mục đích sử dụng ĐNN còn được hiểu theo các góc độ về mặt pháp lý, về mặt kinh tế tổ chức. Về mặt pháp lý, chuyển đổi MĐSD ĐNN là thay đổi MĐSD đất theo quy hoạch sử dụng đất, được duyệt bằng quyết định hành chính (trong trường hợp phải xin phép) khi người sử dụng đất có yêu cầu. Trên thực tế, do đặc điểm của đất nói chung, ĐNN có giới hạn về mặt số lượng. Trong khi đó, ĐNN là cơ sở tự nhiên cần thiết để tạo ra các nông sản duy trì sự tồn tại của con người. Mâu thuẫn giữa nhu cầu về nông sản ngày càng tăng do sự gia tăng với quỹ ĐNN ngày càng giảm do yêu cầu sử dụng vào các ngành phi nông nghiệp đã khiến nhiều quốc gia phải hạn chế chuyển ĐNN sang mục đích phi nông nghiệp. Sự phê duyệt bằng các quyết định hành chính, vì thế được sử dụng trong quản lý chuyển đổi MĐSD của ĐNN.
Về mặt kinh tế tổ chức, đất đai được sử dụng vào tất cả các hoạt động kinh tế và đời sống kinh tế xã hội. Để sử dụng đất đai có hiệu quả hay vì một mục đích kinh tế nào đó, người ta có thể chuyển đổi MĐSD nó. Trong nông nghiệp, đó là quá trình chuyển đổi từ mục đích trồng các cây trồng, nuôi các vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Là quá trình chuyển đổi từ MĐSD vào nông nghiệp sang các mục đích phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và rộng hơn là phục vụ cho cả nền kinh tế quốc dân.
hay ở một địa phương (gồm nhiều chủ thể sử dụng đất), thậm chí nhiều địa phương của một quốc gia cho một mục đích nào đó.
Ví dụ: Hộ nông dân nào đó cải tạo ruộng trũng trồng lúa không hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; một nhóm hộ cùng chuyển theo chủ trương của địa phương. Hay, để xây dựng tuyến đường cao tốc Lào Cai - Nội Bài, các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc tổ chức thu hồi đất thực hiện sự chuyển đổi đất đai (cả ĐNN và đất phi nông nghiệp) của hàng ngàn hộ có tuyến đường đi qua. Khi đó, sự chuyển đổi MĐSD đất hiện trạng sang đất giao thông diễn ra với quy mô lớn.
Chuyển đổi MĐSD đất sẽ làm cho cơ cấu sử dụng đất thay đổi và làm cho cơ cấu kinh tế của một ngành, một địa phương và cả nền kinh tế quốc dân thay đổi theo. Vì vậy có thể nói, giữa chuyển đổi MĐSD đất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu kinh tế quốc dân có mối quan hệ với nhau. Trong đó, chuyển đổi MĐSD đất nói chung, ĐNN nói riêng là nhân tố tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ngược lại, mục tiêu của chuyển dịch cơ cấu kinh tế là nhân tố chi phối đến quá trình chuyển đổi MĐSD đất.