Hiện hữu ma ảo

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) cái huyền ảo trong tiểu thuyết toni morrison luận án TS văn học 62 22 30 20 (Trang 82 - 86)

Chương 3 NHÂN VẬT HUYỀN ẢO

3.1. Nhân vật huyễn hoặc

3.1.1. Hiện hữu ma ảo

Những bóng ma lẩn khuất trong cuộc đời các nhân vật của Toni Morrison được nhắc đến như quá khứ đã hằn in ngưng đọng giữa thực tại. Vòng sóng thực và ảo hòa quyện trong các chi tiết khá “liêu trai”. Người chết lẫn lộn với người sống, vẫn ôm ấp nhau, vẫn thở than cùng nhau, vẫn thầm thì với nhau những điều bí mật.

Người bác sĩ da đen của khu phố No Doctor Street đã chết (vì bệnh hoặc có thể bị chính con rể Macon Dead II hại chết) nhưng linh hồn ông vẫn vảng vất quanh ngôi nhà của dòng họ Foster. Khi xác ông chưa chôn, đêm đêm cô con gái Ruth vẫn nằm ôm ấp cái thân thể cóng lạnh, ngậm hôn từng ngón tay của cha mình khiến Macon Dead khi vô tình chứng kiến phải lạnh người khiếp đảm. Suốt mấy chục năm sau đám tang, thường xuyên trong đêm khuya, Ruth vẫn lặng lẽ đi các chuyến tàu đêm để đến nghĩa địa trò chuyện với người đã khuất. Hồn ma ông bác sĩ vẫn sống hàng đêm như chính lời Ruth nói với con trai Milkman rằng cha mình là quá khứ không bao giờ ngủ yên, linh hồn vẫn sống để chở che, nhắc nhở, bảo vệ người còn sống. Hồn ma của Macon Dead I cũng đi theo bảo vệ hai con (Dead II và Pilate), hiện hồn với áo trắng cổ xanh, mũ nâu, chân không đi giày, báo mộng cho Pilate và cho điềm triệu để Milkman (tức cháu nội) có thể về miền Nam gặp được Circe, tìm lại nơi chôn xác mình sau mấy chục năm không phát hiện dấu tích. Guitar cũng thuyết phục người bạn mình (Milkman) phải tin vào những con ma: “You better believe, boy. They’re here” [172,122], kể rằng mình đã thấy rất nhiều ma. Guitar cũng kể rằng có con ma (dưới dạng người đàn bà, rồi lại biến thành bò trắng) đã giết mẹ mình trên đường dưới sự chứng kiến của rất nhiều người. Hình bóng của Dorcas chết trẻ vẫn âm thầm lẩn khuất trong căn phòng lạnh của vợ chồng Joe Trace, nhắc nhở khôn nguôi về tội lỗi vườn Eden tan vỡ.

Nhân vật hồn ma gây ấn tượng rõ nét nhất chính là con ma Beloved trong tiểu thuyết Người yêu dấu. Tác phẩm được diễn biến như một câu chuyện ma (ghost story) bởi sự xuất hiện của những chi tiết ma quái, kinh dị: một ngôi nhà đầy ắp hận thù của một con ma trẻ con. Tấm gương tự dưng vỡ tan, những dấu vân tay nhỏ xíu hằn trên bánh ngọt, vết bánh vụn rắc thành vệt tới ngưỡng cửa. Âm thanh đứa trẻ bò trên những bậc thang gỗ. Sự hiện hình của hồn ma với chiếc váy trắng quỳ bên người mẹ đang cầu nguyện. Và sự hung hãn, bực bội mà con ma trút lên chú chó Here Boy... Hồn ma của đứa trẻ bị giết không ngừng trả thù người còn sống. Người mẹ năm xưa đã cắt cổ đứa con còn quá bé nhỏ trong nỗi kinh hoàng và đau đớn tột độ khi đã hoàn toàn bất lực không còn đường trốn chạy trước sự săn lùng của tên chủ nô. Người ta vẫn nhớ hình ảnh người đàn bà với đôi mắt đen man dại ôm khư khư đứa trẻ đẫm máu trong ngực, xung quanh là ba đứa trẻ khác ngấp ngoải trong đống bùn cưa. 18 năm trôi qua, Sethe và những đứa con của chị phải chịu đựng quá khứ ám ảnh, hồn ma thấp thỏm. Người đàn bà câm lặng và mệt

nhoài với nỗi đau, những đứa trẻ lớn lên trong thù hận và cô độc, cùng một bà lão chờ chết trong nỗi tuyệt vọng trước tình người.

Nhân vật hồn ma trong tiểu thuyết Người yêu dấu thuộc về motif ma, hồn ma đóng vai trò quan trọng của bút pháp huyền ảo, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức của người đọc về vấn đề siêu nhiên. Các nhân vật trong tác phẩm hoàn toàn chấp nhận sự hiện diện của hồn ma không chút hoài nghi, phân vân. Sự quấy phá và rồi ra đi bất ngờ của con ma đầy thù hận, Sethe “chỉ coi đấy là điều tất nhiên - giống như một thay đổi đột ngột của thời tiết”. Thái độ dửng dưng, không sợ hãi, không ngờ vực, thậm chí còn vui thích tột độ của một số nhân vật (Sethe, Denver) đối với sự tồn tại của hồn ma suốt bao nhiêu năm trong căn nhà u buồn khiến người đọc không khỏi gợn cảm giác ngờ vực. Yếu tố hoang đường kỳ lạ này vì vậy hiển hiện nhập nhằng với hiện thực, đượm màu sắc của phân tâm học, tâm linh và có thể cả mê tín dị đoan. Giống như lời nhân vật Guitar Barn (Bài ca Solomon): “Có nhiều điều kỳ lạ anh không biết gì hết, cậu trai ạ. Anh sẽ học để nhận thấy. Rất nhiều thứ kỳ lạ. Thứ quái lạ ấy đang dần có lý nơi đây trong cái thành phố này” [172,123].

Vậy nên, tác phẩm vẫn lôi kéo sự tỉnh táo của người đọc về phía tin tưởng vào sự có mặt của một hồn ma, nhất là khi đưa ra tâm sự đứt đoạn của con ma Beloved. Lời đứa trẻ đã chết hiện lên qua những dòng không có dấu câu, không xuống hàng, không cách đoạn. Qua tiếng nói đứt đoạn, rời rạc, lộn xộn của hồn ma, chúng ta hình dung được về thế giới phía bên kia cuộc sống, nơi mà Beloved phải chịu đựng, và lý do nó trở về. Thực - ảo chập chờn, có phần rất tự nhiên, logic trong dòng suy nghĩ và thái độ của nhân vật và tác giả. Tác phẩm thấm đượm một sắc màu huyền ảo - tâm lý, huyền ảo gợi nên từ những xung động thần kinh, tâm linh con người.

Beloved như “đứa con lộn” abiku của Ben Okri trong tác phẩm Con đường đói khổ cố vượt qua ranh giới âm – dương để ẩn hiện nhắc nhở chúng ta về tiền thân, tiền kiếp, về quá khứ, về hiện thời. Tuy nhiên, nếu đứa con ranh, con lộn của nhà văn Nigeria chỉ miễn cưỡng sinh ra và chưa bao giờ cắt đứt được ràng buộc với thế giới linh hồn, luôn cố giữ một chân trong thế giới bóng ma; thì Beloved bị tước đoạt cuộc sống và xoay sở để trở lại cõi sáng trong nỗi hận thù ám ảnh. Hồn ma, tinh linh trong tiểu thuyết đậm màu sắc huyền ảo Con đường đói khổ chập chờn giữa ảo giác, giấc mơ quyến rũ bởi những điều kỳ diệu và thấm đẫm bi kịch lãng mạn, thì ngược lại, một tinh linh bé nhỏ của Toni Morrison lại “ồn ào và cuồng nộ”, cố chứng tỏ sự hiện diện dữ dội của mình đối với người đang sống, tạo ra

những va chạm kịch liệt giữa quá khứ với thực tại.

Như vậy, nhà văn đã khéo léo khai thác yếu tố phi thực hoà lẫn trong hiện thực một cách hiển nhiên, không lý giải, khiến người đọc có lúc phải phân vân do dự, tự tìm cách xét đoán riêng mình. Tác phẩm đã phá vỡ trạng thái tỉnh táo vốn có của người đọc khi tiếp cận với hiện thực, thay vào đấy là đòi hỏi niềm tin của người đọc đối với hiện thực được trải nghiệm. Thế giới trong cuốn tiểu thuyết trở nên đa chiều, nhiều biến động, đi sâu vào cõi duy linh và những cảm giác khó phân tách rõ ràng trong sâu thẳm hồn người. Nó gợi lại Ngôi nhà của những hồn ma (Isabel Allende) - cõi người lẩn khuất những hồn ma cứ lang thang hoài trong nỗi cô đơn đáng sợ. Một chút tâm linh khi con người cảm nhận được phía “âm bản” của thế giới, vừa mơ hồ huyễn hoặc, ngập đầy ảo giác, vừa xác thực có lý nhưng không thể lý giải.

Những hồn ma của Toni Morrison, dù “hiện thân” cụ thể hoặc chỉ là những ám ảnh vô hình, đều có một điểm chung là gắn với quá khứ, là hiện thân của quá khứ, đi liền với một ám ảnh kỳ quái nào đó của con người. Barbara Hill Rigney nói rằng những đề tài của Toni Morrison đều gắn với sự kiện lịch sử (historical fact), và bắt nguồn từ hiện thực (reality). Nhưng đó là một “hiện thực khải huyền” (apocalyptic realities) và căn bệnh cuồng loạn toàn cầu (the global histeria) [195,77]. Người nghệ sĩ cố gắng viết lại lịch sử thực chất là chạm vào huyền thoại hay vùng tâm lý sâu thẳm nào đấy. Toni Morrison mang tới cho người đọc một nhận thức về sự thật bên kia bờ hiện thực và những kinh nghiệm bên ngoài lịch sử (an awareness of truth beyond “reality” and ... an experience beyond “history”) [195,77].

Như vậy, có thể thấy trong tác phẩm của nhà văn nữ da đen luôn hiện diện những mảnh vỡ, những phiến đoạn lịch sử được nhắc lại, kể lại, nhưng đó lại là “phía bờ kia của lịch sử” (the other side of history) [195,78], hòa trộn cả huyền thoại lẫn hiện thực. Kỹ thuật viết của Morrison tương đồng với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, biến các yếu tố bình thường trở thành bất thường, chấp nhận cùng lúc cái siêu nhiên và gốc rễ bí ẩn duy linh trong thế giới hiện thực. Đấy như là vũ trụ quan, là cách người da màu nhìn về thế giới, mà nữ nhà văn đã từng phát biểu: “mê tín và ma thuật là cách khác để nhận biết mọi thứ” [195,79]. Giống Milkman thốt lên cuối tác phẩm: “Chúa ơi! Anh đang bước đi ngay ở giữa thế kỷ hai mươi cố giải thích con ma đã làm gì. Nhưng tại sao không? Anh ta nghĩ. Có một điều chắc chắn rằng: Pilate không

có rốn. Từ khi điều đó là sự thật, mọi thứ đều có thể xảy ra, vậy sao hồn ma lại không thể?” [172,318].

Toni Morrison đã nhận lời ký thác của nhiều tinh linh còn vảng vất giữa thực tại để chạm khắc bao bi kịch nối truyền. Như lời của Borges:

Ta là kẻ oán hờn những người đã chết Lạ hơn nữa, ta còn là kẻ bện dệt

những lời nói trong căn phòng một ngôi nhà

(Ta – Jorge Luis Borges)

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) cái huyền ảo trong tiểu thuyết toni morrison luận án TS văn học 62 22 30 20 (Trang 82 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)