Sự chối từ thực tại

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) cái huyền ảo trong tiểu thuyết toni morrison luận án TS văn học 62 22 30 20 (Trang 92 - 95)

Chương 3 NHÂN VẬT HUYỀN ẢO

3.2. Nhân vật lưỡng phân

3.2.1. Sự chối từ thực tại

Có lẽ, khi những hạt giống hoa vạn thọ không thể thoát thai để đón ánh sáng mặt trời, chị em Claudia (Mắt biếc) đã thôi không còn tin vào điều kỳ diệu của nhân gian.

Nhưng bởi lẽ câu chuyện được kể không thuộc về thực tại, tất cả họ đều sẽ sống bằng quá khứ, bằng những hoang tưởng có thật. Để rồi khi mầm hoa lụi tàn, thì hồn ma sẽ lại thức tỉnh. Thực tại dần bị bôi xóa, thay thế dần trong những ám ảnh tiềm thức khôn nguôi.

Các nhân vật như Sethe, Baby Suggs (Người yêu dấu), Cholly và Pauline Breedloves (Mắt biếc), Pilate, Ruth, Milkman (Bài ca Solomon), hay Joe và Violet Trace (trong Jazz), Sula (trong Sula)... đều tỏ ra lạc lõng trong đời sống hiện tại. Cái nhìn của họ về thế giới vẫn soi qua lăng kính vòm trời ký ức và nhận thức cũ. Chính vì thế, những nhân vật của Toni Morrison thường rơi vào không gian gothic ma ám ngột ngạt và cô độc (như ngôi nhà 124), không gian chia cắt – “vô xứ”

(thực chất gia đình Breedloves không có chỗ trú ngụ, Pecola bị mất mát không gian gia đình và cộng đồng), không gian kiểu Macondo hoang dã và kỳ quái (ngôi nhà của Pilate không đèn điện, không gaz, không máy móc điện tử..., như thế giới huyền bí hành lễ của những người đàn bà ma thuật), không gian sầu muộn bóng tối (căn phòng của vợ chồng Joe Trace lạnh lẽo và buồn tẻ, chỉ có tiếng con chim lảnh lót cô đơn).v.v..

Nhân vật tỏ ra khó hòa nhập được với thực tại. Họ còn hoài nặng mang những ẩn ức, ám ảnh và mặc cho đời mình cứ trôi tuột về phía quá khứ. Trong tâm hồn họ có sự dao động dữ dội của ý thức, vô thức, cái tôi lưỡng phân… Họ vẫn bị dày vò bởi thân phận và đang quẫy vùng để tự tìm kiếm cội rễ của mình, xác nhận bản sắc của chính mình, dân tộc mình. Đây cũng là kiểu motif nhân vật thường thấy trong các tác phẩm hiện thực huyền ảo – nhân vật giữa những đường biên, đầy hoài nhớ, đầy mâu thuẫn, cô đơn và kỳ quặc.

Sethe mạnh mẽ đến kiêu hãnh để tự vệ với mọi nỗi đau, tỏ ra lạnh lùng đến vô cảm nhưng bên cạnh đó lại không nguôi khát vọng yêu thương và hạnh phúc. Tình yêu chị dành cho Paul D chính là ước mơ hạnh phúc của người phụ nữ, nhưng thiên tính mẫu tử cũng mạnh mẽ dâng lên, đẩy chị về phía tình yêu thương sâu nặng với đứa trẻ. Ở đây, hình tượng Sethe được dựng lên giữa tội ác và bạo lực - những nghịch lý của tình yêu tạo nên chấn động trong nhận thức người đọc. Tính lưỡng

nghĩa, mơ hồ trong khái niệm đạo đức và tình yêu đã phá vỡ thế đối cực của cái đúng và sai, lầm lỡ và sáng suốt, can đảm và yếu hèn. Tác phẩm dường như cố tình đặt biểu tượng tình mẹ bên cạnh tội ác ghê gớm nhất - sát nhân, chưa đủ: tội giết con, và cũng giống như nhân vật Joe Trace trong tiểu thuyết Jazz, Sethe là biểu tượng cho những tình yêu bị bóp nghẹt, bị vặn xoắn đến nỗi méo mó, kinh hoàng. Họ như kẻ tội đồ khi ra tay sát hại những người mình yêu thương nhất và chấp nhận cuộc đời cô độc bị bao bọc bởi màn sương ảm đạm của quá khứ. Joe Trace đã yêu cô gái trẻ Dorcas đến cuồng si đến nỗi bắn chết người tình rồi chịu nỗi đau khổ dằn vặt. Trong người đàn ông trung niên ngoài 50, đã có gia đình êm ấm, dành một tình yêu sâu sắc với vợ, một khao khát tội lỗi khác lại bùng cháy để ông tìm kiếm một tình cảm “ngoài luồng” với cô gái trẻ đáng tuổi con của mình. Bản chất nhân hậu không thể ngăn được bàn tay kẻ sát nhân, lạnh lùng tước đoạt một cuộc sống chưa tròn đôi mươi. Joe Trace tỏ ra chưa bao giờ hòa hợp được với thực tại, khi quá khứ bị bỏ rơi “không dấu vết” luôn gây một cảm giác bất ổn thường trực, nhất là khi tình yêu với người vợ Violet không ươm được hạt giống (hai vợ chồng không có con), Joe càng cảm thấy đoạn tuyệt với hiện thực u buồn, quá khứ không gốc gác, tự nhốt mình trong phòng tối. Dường như trong thế giới các nhân vật của Toni Morrison, thực tại đầy bạo lực và nỗi đau lại bắt nguồn từ tình trạng “mất trí nhớ” về cội rễ, thiếu ý thức về bản lai diện mục thật sự của mình. Như Golden Gray (trong Jazz) không thể chấp nhận dòng máu lai (anh là đứa con sinh ra từ cuộc tình bị cấm đoán giữa một phụ nữ da trắng và người đàn ông da đen), anh phản ứng bằng cách thoát ly xã hội, bỏ vào rừng sinh sống và nuôi nỗi ác cảm với người da màu – cho đến gặp người đàn bà da đen đang bụng mang dạ chửa tên Wild, mẹ của Joe Trace sau này. Giống như Oedipus rơi vào bi kịch vì không biết được nguồn gốc thật sự của mình, các nhân vật của Toni Morrison hầu hết đều rơi vào tình trạng không thể nhận thức được chính mình, căn nguyên bản thể cùng với mọi nỗi đau khổ bất công phi lý đang gánh chịu. Tuy nhiên, Oedipus đã dũng cảm đối đầu với số mệnh, và bi kịch đẩy lên đỉnh điểm khi anh ta khám phá được sự thật, còn Sethe, Joe Trace hay Pauline, Pecola... đều chối từ thức tỉnh. Vì thế, không thể có hành động quyết liệt chọc mù mắt để kết thúc định mệnh như Oedipus, nhân vật của Toni Morrison chao đảo giữa những lằn ranh, giữa những hiểu biết nửa vời về gốc gác và mọi bi kịch của bản thân mình.

trong ngôi nhà 124, con người có ước mong cháy bỏng được xây dựng một cuộc sống mới bình yên, cũng khép kín trái tim mình trong hộp sắt lạnh lẽo. Anh đã vượt qua những năm tháng nô lệ và tù ngục đoạ đầy, những năm Nội chiến ác liệt, lang thang khắp các bang nước Mỹ, để rồi trở về bên bậc thềm ngôi nhà 124 một cách hiền lành và đầy ao ước. Người đàn ông ấy rốt cuộc cũng không thể chấp nhận nổi một tội ác nhân danh tình yêu hoặc một tình yêu hoá thành tội lỗi. Trong sâu thẳm hồn Paul D, mặc cảm về miếng sắt bịt miệng hay sự so sánh với con gà trống Mister: “Anh đã thành một cái gì đó khác và cái khác đó không bằng một con gà ngồi dưới ánh mặt trời trên một cái chậu” [176,86] chính là mặc cảm của con người bị cướp đoạt bản sắc, cá tính, cái tôi tự do và bay bổng của mình. Con gà trống kiêu hãnh giữa cộng đồng của nó, còn anh, sự tự tin và cá tính đã bị xoá sạch, anh chỉ còn là công cụ của những cuộc săn đuổi, chiến tranh, nô lệ, cướp đoạt… Paul là một cá tính bị giằng xé, con người bị săn đuổi và tự săn đuổi chính mình.

Như vậy, các nhân vật trong tiểu thuyết luôn đứng giữa những thế cực lưỡng phân trong tâm hồn, điều đó cũng khiến họ gắn với nhiều biểu hiện không bình thường và tô đậm thêm màu sắc huyền ảo của tác phẩm. Tất cả gợi nhắc chúng ta nhớ đến các nhân vật của dòng họ Buendya trong Trăm năm cô đơn, dòng họ bị nguyền rủa sẽ cô đơn và tuyệt diệt. Những Accadio hay Aureliano như là sự phân thân của những tính cách sống động, chia sẻ mọi biểu hiện sâu thẳm ở con người trong cuộc đời thực nhiều biến động, nóng bỏng và kỳ dị của châu Mỹ Latinh. Họ hiện lên vừa thông minh, thấu suốt đến quái lạ vừa ngờ nghệch, cuồng điên để rồi cuối cùng rơi vào những cái chết hoặc biến hoá đáng sợ (bị bắn, bị giết, bị kiến ăn thịt, mọc đuôi lợn…). Họ nhộn nhịp, vui vẻ, tràn trề sức sống, nhưng lại vô cùng yếu đuối, cô đơn, ích kỷ. Macondo và ngôi nhà 124 mãi là ốc đảo cô đơn, héo úa và mù mịt cuồng phong của thời gian, của những biến cố lịch sử.

Bên cạnh đó, những ám ảnh, tầng bậc vô thức được khai thác trong xây dựng tính cách và đời sống nội tâm nhân vật cũng giúp soi sáng hiện thực lịch sử. Các nhân vật người da đen được cá tính hoá qua diễn biến nội tâm, qua chi tiết chập chờn giữa tính chân thật lịch sử và huyền ảo, siêu nhiên. Những biểu tượng tình yêu, tội lỗi, lịch sử nô lệ và vấn đề bản sắc dân tộc… dưới ngòi bút điêu luyện của một nhà văn nữ giàu cá tính được xuyên thấm nhuần nhuyễn, pha lẫn những sắc thái hư - thực, lịch sử - tâm linh, khốc liệt kinh hoàng lẫn mượt mà lãng mạn.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) cái huyền ảo trong tiểu thuyết toni morrison luận án TS văn học 62 22 30 20 (Trang 92 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)