Chương 3 NHÂN VẬT HUYỀN ẢO
3.2. Nhân vật lưỡng phân
3.2.2. Ẩn ức và loạn tâm
Xuyên qua tất cả hiện hữu là một thế gian u huyền như cảm thức thẩm mỹ
yugen của người Nhật Bản, là bóng đêm như giấc mộng gothic của phương Tây, và ẩn sau lớp vỏ hiện thực – lịch sử mang dấu ấn của tập thể, cộng đồng, là đời sống cá thể với bao lớp tầng nhận thức khác nhau, lúc rõ ràng thấu suốt, khi lại mờ ảo, đứt đoạn, chập chờn. Vì vậy, khi đề cập đến cái huyền ảo biểu hiện trong nhân vật của nhà văn Toni Morrison, cần thấy được yếu tố vô thức, dục tính, các mặc cảm tâm lý đưa đến rối loạn nhận thức đã tác động rất lớn đến sự hình thành các tính cách lưỡng phân, thúc đẩy cái nhìn và tái hiện thế giới tỏ ra đa diện, thực và phi thực trộn lẫn.
Có thể thấy rằng, cũng như hầu hết các nhà văn hiện đại trên thế giới, yếu tố dục tính vẫn được khắc họa và thậm chí chiếm vị trí đặc biệt trong cấu trúc tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, quan niệm về sex không chỉ khác nhau ở khu vực (phương Đông – phương Tây), thời đại, cá nhân... mà còn khác nhau ở trong thế giới nghệ thuật với những cái nhìn đối chọi nhau khá rõ, đặc biệt đối với các dòng văn học của thế giới thứ ba, văn học di dân, văn học ngoại vi. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết Mỹ Latinh, nhà nghiên cứu Inna Terteryan (trong bài Về những cảnh tình dục trong tiêu thuyết Mỹ Latinh; Ngân Xuyên dịch) chỉ ra rằng nếu đặt một thái độ mang tính quyết định luận về mối vấn đề tình dục với hệ thống đánh giá đạo đức và sự tiến bộ thì có thể rơi vào nguy cơ bỏ rơi đặc trưng cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm. Bởi lẽ, theo Inna Terteryan: “Tận sâu trong cảm quan thế giới của nhà tiểu thuyết Mỹ La tinh có một phản đề mà, nếu dùng ngôn ngữ hình thức hóa, có thể gọi là cặp đối lập "sức mạnh giới tính - sự bất lực”. [...] Cặp đối lập này nằm ở đâu đó rất sâu trong vũ trụ nghệ thuật của tác phẩm. Mỗi thành tố của nó có hàng loạt môtíp đi kèm, chúng rất khác nhau ở từng nhà văn. Gắn với sức mạnh giới tính là các môtíp hay hình tượng về bữa ăn (ở Jorge Amado, Alejo Carpentier), về sự cuồng nộ của tự nhiên (ở Vargas Losa), về chuyển động, nhảy múa, nói chung là về nghệ thuật. Nối kết sau đó, dường như ở cấp độ tiếp theo, là các môtíp mang tính trừu tượng hơn: tính tự nhiên của hành vi, tính dân tộc, đặc thù dân tộc” [77].
Quan điểm này của Terteryan nhận được sự đồng tình của chúng tôi và từ đó cũng liên hệ khá chính xác với cách Toni Morrison thể hiện tính sex trong tiểu thuyết, sử dụng tình dục như một cảm quan đầy huyền thoại của người Mỹ da đen. Đấy chính là tư duy huyền ảo phủ lên các phương thức nghệ thuật đặc trưng của
nhà văn, bởi lẽ, thông qua tiếng nói của Toni Morrison, đặc tính của tâm hồn người da đen được bộc lộ mãnh liệt. Khác với bối cảnh của văn học Mỹ Latinh nảy sinh trên mảnh đất đầu huyền thoại hoang dã và nhận thức còn đậm tính tự nhiên nguyên thủy của con người, văn chương Mỹ gốc Phi thực chất đi chênh vênh giữa một di sản mất mát và không gian hiện tồn đầy chất hiện đại, một nền văn học “lưỡng phân”. Do vậy, vấn đề giới tính thực chất cũng gắn với vấn đề tự ý thức, sự khẳng định giá trị và cách phản ánh thế giới. Với những dân tộc vẫn còn trong quá trình trải nghiệm, tự nhận thức lại chính mình, tìm kiếm các giá trị nền tảng đã tạo nên huyền thoại đời sống, cảm quan chung của họ có khả năng soi chiếu từ cả bên ngoài lẫn bên trong. Họ nhìn thế giới chất đầy huyền thoại và những điều tưởng tượng ma thuật từ ngoài vào, với sự phán xét tỉnh táo và khả năng tái tạo lại nó, nhưng đồng thời họ còn cảm nhận thế giới thế đang tồn tại chính bên trong mình, không hề xa lạ và không thể tách biệt, vừa yêu thương vừa ghê tởm, vừa gắn kết vừa chối bỏ.
Vì vậy mối quan tâm đến những yếu tố tính dục lệch lạc, lạm dụng tình dục... cũng có thể được xem như một khía cạnh của cảm quan về thế giới trong nhận thức “lưỡng phân” của người da đen trên vùng đất tư bản. Cũng như tình trạng mắn đẻ của đàn bò phụ thuộc vào cường độ làm tình của Petra Cotes trong Trăm năm cô đơn, sự lệch lạc và yếu đuối trong quan hệ thể xác của những nhân vật da đen trong tiểu thuyết cũng là biểu hiện của nỗi sợ hãi, mặc cảm tâm lý cũng như phản ánh đặc trưng tư duy nguyên thủy của người Mỹ gốc Phi. Toni Morrison đã khai thác khía cạnh đời sống thể xác của người da màu để tô đậm những sắc thái huyền ảo trong tiểu thuyết của mình. Từ đó xuất hiện một số kiểu nhân vật khá biệt dị xoay quanh bầu không khí đặc sệt nhục cảm (tính cách, cuộc đời các nhân vật đặc biệt liên quan đến các hình ảnh dục tính như bầu ngực, sữa mẹ, cái rốn, loạn luân...). Tuy nhiên, các khía cạnh thể xác của con người lại bị ám đầy tính bạo lực và phi luân. Trong các tác phẩm mà luận án khảo sát, ta thấy các chủ đề được trở đi trở lại: loạn luân
(cha – con gái; anh em họ), cưỡng bức, sát nhân (liên quan đến tình yêu) và các mối quan hệ giữa mẹ - con gái, cha – con gái, hoặc người đàn ông lớn tuổi với các cô gái trẻ (như Joe Trace và Dorcas; Paul D và Beloved)... là trung tâm dẫn tới các biến cố của truyện. Gắn với chủ đề ấy là những chi tiết khá kỳ quặc như Sethe bị cưỡng bức cướp sữa, Milkman đã lớn vẫn bị bắt bú sữa từ ngực mẹ, Pilate không có rốn... và những nghi thức ma thuật, tâm linh để cứu chuộc nỗi đau từ thể xác
như gieo hạt hoa vạn thọ, đôi mắt xanh biến hình, nhảy múa trên bãi Clearing, bài hát Solomon...
Sự ra đời của nhân vật Milkman bắt nguồn từ một phương thuốc ma thuật của Pilate để Ruth và Macon Dead II giao hoan suốt 4 ngày liên tục. Trong khi trước đó, Ruth phải chịu cảnh cô đơn giường chiếu khi mới 20 tuổi vì chồng ghẻ lạnh, hắt hủi, cố tình gây tổn thương bằng cách không chịu gần gũi vợ. Tính cách kỳ dị của Macon Dead cộng thêm với thái độ thù địch với cha vợ và việc nghi ngờ vợ loạn luân với cha ruột khiến mối quan hệ vợ chồng trở nên căng thẳng, xa cách. Hình ảnh vợ mình ôm ấp, ngậm hôn từng ngón tay của người cha già trên giường bệnh khiến anh ta thấy ghê tởm. Milkman thực chất là kết quả của một phép “ma thuật” cưỡng bức của cuộc hôn phối không được thỏa mãn. Chính vì thế, tính cách Milkman cũng lệch lạc như chính đôi chân hơi khập khiễng của anh ta vậy. Người mẹ Ruth còn ép con trai bú sữa mẹ đến tận 4 tuổi, khiến cậu bé có một “nick name” kỳ quặc: Milkman (Người Sữa). Sự yếu đuối méo mó trong tâm hồn của Milkman phản ánh trong chính quá khứ đầy ám ảnh thể xác “bất thường” như thế.
Nhân vật Pilate không có rốn, do vậy khiếm khuyết về mặt thể xác cũng dẫn đến đời sống tình dục không bình thường. Từ khi ý thức được thân thể của chính mình, Pilate đã chọn cách sống cô độc và dị biệt. Bao phủ căn nhà của ba người đàn bà với ba thế hệ (Pilate – con gái Reba – cháu gái Hagar) là bầu không khí cũ kỹ, hoang dại, đầy ắp những dấu vết của hồn ma và quá khứ, với khoảng trống mênh mang của tình yêu không thành. Pilate rồi Reba đều nuôi con một mình, đến cô gái Hagar ôm trái tim vỡ mà chết trong đau đớn mất mát khi Milkman đành đoạn bỏ mặc tình yêu mười mấy năm chờ đợi.
Joe Trace mang nỗi mặc cảm Oedipus về hình bóng người mẹ “không dấu vết”, đã bỏ rơi Joe từ lúc lọt lòng, nên trong anh thường trực cảm giác thiếu thốn và mất mát tình cảm với người phụ nữ. Tội ác của Trace giết người tình trẻ là sự phản ánh bề mặt của một ẩn ức cố chôn sâu - nỗi sợ hãi “bị bỏ rơi”.
Sethe là người phụ nữ da đen xinh đẹp giữa đám nô lệ toàn đàn ông trong đồn điền Sweet Home. Những đôi mắt ước ao thèm khát nhìn chị thời con gái và bao nhiêu ham muốn của những thanh niên nô lệ cứ dồn hết về chị mỗi khi chị đi qua. Âm thanh của đêm, của tiếng bò cái rên rỉ hòa trong những ám ảnh loạn nhịp trong tâm tư đám đàn ông trẻ hừng hực dục tình. Toni Morrison không thản nhiên phơi bày lồ lộ tất cả không khí đầy tính bản năng như kiểu Marquez mô tả trong làng
Macondo. Nhưng bao đam mê không thể lịm tắt, vẫn cháy bỏng qua cách nhà văn tường thuật chuyện Sixo đi bộ 60 cây số trong đêm để tìm người đàn bà của mình, Paul D thao thức nghe tiếng bò giao phối… Và tiếng lá ngô mượt xào xạc đêm tân hôn của Sethe và Halle.
Những ám ảnh tính dục như thế gợi nhắc ta nhớ cậu bé Kafka trong Kafka bên bờ biển của Murakami Haruki. Mang lời nguyền “sẽ giết cha, ngủ với mẹ và chị gái”, Kafka phải chạy trốn sự săn đuổi của định mệnh. Chập chờn giữa giấc mơ, ảo giác và bao điều kỳ quái phi lý (như trận mưa cá, mưa đỉa, như lão già nghe được tiếng mèo, như người phụ nữ tuổi 50 Misaki hiện thân trong hình hài cô gái 15 tuổi...), Kafka không thể vượt qua được bi kịch đã sắp sẵn, có lẽ cậu đã giết cha và ngủ với mẹ, với chị gái. Phiến đá cửa vào đã mở, nhưng bí ẩn mãi mãi khép lại. Cuốn tiểu thuyết đậm chất huyền ảo này của nhà văn Nhật Bản Murakami xoay quanh mặc cảm Oedipus nhưng dường như đó chỉ là một lối đi, một con đường để nhân vật dấn thân vào khai mở những bí mật định mệnh huyền hoặc sâu thẳm nhất bên trong con người và phía bờ kia của thực tại. Murakami khai thác dục tính theo một mục đích khác, còn với Morrison, dục tính là một khía cạnh của bi kịch thân phận dưới tác động của hiện thực xã hội có thực và rõ ràng điều này cũng dẫn tới những méo mó biến dạng trong tâm lý nhân vật. Baby Sugss có 8 đứa con với 6 người chồng. Và những chàng trai trẻ da đen ở Sweet Home vẫn thèm khát người đàn bà của riêng mình trong nỗi thức nhận cay đắng về thân phận. Người đọc vẫn nhớ hình ảnh nhân vật Cholly, người cha tội lỗi của cô bé Pecola trong tiểu thuyết
Mắt biếc, trở nên oán hận đàn bà khi lần đầu tiên gần gũi một cô bé thì bị đám người da trắng bắt gặp và ép hắn tiếp tục quan hệ như thực hiện một trò chơi cho kẻ khác đùa cợt. Hắn nhục nhã và đột nhiên thấy căm ghét cô bé tội nghiệp kia, để rồi sau này hắn trở thành kẻ phạm tội lỗi kinh tởm cưỡng hiếp chính con gái ruột mình. Sethe may mắn hơn khi chọn được người chồng cho riêng mình, một chàng trai ngoan, hiếu thảo. Song người chồng đã bất lực cay đắng nhìn vợ mình bị những đứa cháu của tên chủ nô da trắng thô bạo đè ra “cướp sữa”. Những ám ảnh theo chị suốt quãng đời còn lại, giống như vết sẹo hình cây anh đào đã đóng in trên lưng người phụ nữ ấy. Mãi khi gần 20 năm trôi qua, Paul D - người đàn ông sống sót duy nhất trong đám nô lệ xưa ấy trở về, vết thương lại phơi ra trong đêm họ ân ái, như một lời nhắc nhở đầy nhức nhối về thân phận, về quá khứ đã cố vùi chôn.
Có thể nói, theo Freud, Sethe cũng như nhiều nhân vật khác vốn chịu nhiều dồn nén ẩn ức về mặt tính dục. Chị không có phút giây ân ái tự do bên chồng khi phía ngoài là tiếng thở dài, trở mình trằn trọc của các chàng trai khác. Chị không có hạnh phúc được bình yên trong sự chở che của người đàn ông của đời mình. Chị phải chịu đựng sự xâm hại tàn bạo của những kẻ da trắng. Chị mạnh mẽ và cô độc, kìm nén và vỡ oà. Vì thế, trong tâm thức người phụ nữ ấy, quá khứ lúc nào cũng thức ngủ, cũng quẫy đạp trong cái ấy (Id) chờ vượt thoát vòng cương toả của cái tôi (Ego). Những ám ảnh về bầu sữa, những khát khao tính dục trong người đàn bà trẻ cô đơn, những giấc mơ về nước (hình ảnh liên quan đến tính dục)... trở thành các biểu tượng mang màu sắc phân tâm học giúp chúng ta nhìn thấu tâm hồn nhân vật Sethe.
Chính vì vậy, phần nào chúng ta có thể hiểu căn nguyên tâm lý người phụ nữ mạnh mẽ và tràn đầy yêu thương như Sethe lại có thể có những khoảnh khắc cuồng nộ, man dại đến thế. Khao khát yêu thương mãnh liệt giúp chị đón nhận nhanh chóng người đàn ông lưu lạc bao năm trở về, đó là Paul D. Và chỉ có anh, với sức mạnh và tình yêu của mình, có thể bôi xóa vết thương, nâng đỡ chị hồi sinh sau bao nhiêu đau khổ. Có thể thấy, những ẩn ức tính dục một mặt nào đó cũng đưa đến sự thăng hoa về cảm xúc cho tâm hồn vốn đã cạn khô, thúc đẩy bản năng sống (Freud nói rằng con người có 2 bản năng: bản năng tính dục và bản năng chết, một bên dẫn tới hành vi giúp cá nhân tồn tại, một bên dẫn tới phá hoại bản thân) để chị kiên cường chiến đấu, hòa nhập lại được với cộng đồng.
Khai thác lại một motif từ Kinh Thánh - tội lỗi và trừng phạt, Toni Morrison đã huyền thoại hóa hiện thực của người Mỹ gốc Phi dưới chế độ nô lệ tàn bạo. 28 ngày tự do ngắn ngủi để rồi đánh đổi cái chết của đứa con gái lên 2, đó có lẽ là nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai được trong đời nhân vật nữ chính Sethe. Người ta có thể lý giải tội lỗi giết con của người mẹ là do muốn bảo vệ đứa trẻ, lo sợ nó phải lớn lên với kiếp nô lệ, đau khổ cuồng loạn vì có thể phải xa cách đứa con đứt ruột đẻ ra. Hành động cắt cổ con gái của Sethe nếu xét dưới góc độ tâm thần học là phản ứng tức thời vỡ bờ của tất cả những dồn nén bên trong. Bao nỗi sợ hãi bị tích tụ, ước muốn vùng thoát sự áp bức bất công đã lên mức đỉnh điểm, và cộng thêm ký ức đáng sợ về hình ảnh tên quản giáo da trắng khiến cơn nhiễu loạn tâm lý bùng phát thành hành động. Có thể nói, hành động hạ sát đứa trẻ 2 tuổi, khư khư giữ chặt đứa con thứ tư còn sơ sinh trong bầu sữa chan hòa máu tươi phản ánh tâm lý nhân
vật mang dấu hiệu của chứng Hysteria: đau đớn, run rẩy, co thắt, tê liệt, hành động vô thức không kiểm soát được.
Khi Beloved xuất hiện, khát khô, kiệt sức, kỳ lạ, không nguồn gốc, Sethe xúc động sâu sắc vì cái tên ngọt ngào của cô gái. Chị chìm đắm trong niềm yêu thương cô gái lạ, say mê những trò chơi với Beloved, bỏ bê việc làm đến mức bị đuổi việc, bỏ mặc cả cô con gái Denver. Beloved gần như thống trị Sethe với vô vàn đòi hỏi, họ chơi đùa với nhau, mặc quần áo của nhau, yêu thương giận dỗi nhau… Đến mức khuôn mặt Sethe ngày càng đờ đẫn, suy sụp, cạn kiệt, vô hồn trong khi Beloved cứ to béo, kỳ quặc, đòi hỏi vô độ. Sethe đang cố gắng bù đắp cho đứa con đã chết. Phải chăng chị đang mắc chứng hoang tưởng về sự tái sinh của Beloved?
Nỗi ám ảnh về tội lỗi giết con khiến cho bản năng chết trong chị lấn át ý thức, chị tê liệt và gục ngã. Khi Denver nỗ lực bảo vệ chị khỏi Beloved, nhờ đến sự giúp đỡ của những người xung quanh đến cứu chị, thì chị trong cơn cuồng loạn bởi ký ức cũ, không còn nhận thức được thực tại, nhìn đám đông cứ tưởng lão thầy giáo đang trở lại và suýt nữa chị lại hành động giết người.
Freud đã chỉ ra rằng tất cả sự dồn nén những ký ức trong quá khứ mà con người