“Tên gọi của âm thanh và âm thanh của tên gọi”

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) cái huyền ảo trong tiểu thuyết toni morrison luận án TS văn học 62 22 30 20 (Trang 141 - 146)

Chương 3 NHÂN VẬT HUYỀN ẢO

4.3. Người kể chuyện và diễn ngôn âm nhạc

4.3.1. “Tên gọi của âm thanh và âm thanh của tên gọi”

Trong công trình nghiên cứu về giọng điệu (voice) của Toni Morrison, Barbara Hill Ridney có nhận định rằng:

Quan tâm đến ngôn ngữ là điều đầu tiên trong sự phát triển các mô hình lý thuyết liên quan đến văn học, đặc biệt đối với những văn bản nữ quyền/có tác giả là nữ Mỹ gốc Phi. Điều này rất chính xác trong tiếp cận phê bình tác phẩm Toni Morrison, bởi như một bà đồng trong huyền thoại, Morrison gieo rắc những ký hiệu của bà, những nhận thức chính trị, và chỉ khi xuyên qua sự phân tích ngôn ngữ chúng ta mới có thể tái lập ý kiến về cuộc cách mạng nghệ thuật và chính trị được thiết lập trong tác phẩm của bà... Toni Morrison như chơi trò ảo thuật ngôn ngữ, sáng tạo nên hình thức diễn ngôn luôn cùng lúc cả tính siêu hình và siêu hư cấu [195,7].

“Chơi với ngôn ngữ” theo cách của Toni Morrison, đó là việc vượt bờ kia của ngôn ngữ, cái biểu đạt và cái được biểu đạt đều có thể gánh vác sứ mệnh ngang nhau. Và giống như một nhạc sĩ khai thác sức mạnh ngôn từ để làm nên giai điệu, nhà văn của chúng ta cũng hết sức chú trọng đến khả năng âm vang của con chữ và cho đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để ngôn ngữ có thể sống và hoàn thành vai trò của nó trong tác phẩm.

Toni Morrison thường “chơi” ngôn ngữ ở việc sử dụng cách viết khác nhau của các từ có âm thanh tương tự. Chẳng hạn: Solomon / Shalimar / Shalleemone / Sugarman / Charlemagne như câu đố thách thức giải mã, và đi trọn hành trình thử thách của Milkman xuất phát từ chính trò chơi bí ẩn của ngôn từ; hay Pilate / Pilot

có cách phát âm gần giống nhau, từ đó người đọc liên tưởng giữa nhân vật Pilate với chuyến bay, với khả năng “bay” ma thuật; hoặc cái tên gợi hình ảnh liên tưởng như Sing Byrd (tên bà nội của Milkman, gắn với bài hát mật mã về quá khứ mà anh thường nghe từ thời thơ ấu), tên Violet mang màu hoa Violet thủy chung đồng thời cũng gần âm với violent/violence (bạo lực, khắc nghiệt, dữ dội...), hay Joe Trace

(“trace” cũng có nghĩa là dấu vết, khi Joe ám ảnh về chuyện mẹ đẻ ông ta ra rồi bỏ đi không để lại dấu vết, và việc lần theo dấu vết sẽ dẫn Joe về với toàn bộ cội nguồn quá khứ)... Chính Toni Morrison đã viết trong tác phẩm của mình: “Những cái tên đều có ý nghĩa của nó” [171,354], vì vậy “Khi bạn biết tên của mình, bạn nên bám chặt lấy nó, vì nếu nó không được ghi lại và nhắc nhớ, nó sẽ mất đi khi bạn chết” [171,354]. Cái tên, hay bất cứ âm thanh nào, ký hiệu nào đối với người da đen đều trở thành một dấu tích của sự tồn sinh, sự khẳng định cho cá tính, bản sắc. Vì thế trò chơi ngôn ngữ ở đây không đơn thuần là cuộc vui về hình thức mà nhà văn muốn chứng tỏ tiếng nói riêng của bản thân người nghệ sỹ, đại diện cho nền văn học Mỹ gốc Phi trong cuộc đấu tranh cho quyền con người và vị trí văn chương của cộng đồng.

Toni Morrison khám phá các liên kết quan trọng giữa các âm thanh và ý nghĩa của các từ và giữa các ngôn ngữ bằng văn bản và bằng phát ngôn miệng. Bằng cách tập trung vào các âm thanh của lời nói hơn là chính tả của chữ viết, bà nhấn mạnh tính ưu việt của tiếng địa phương người da đen và truyền thống truyền miệng qua ngôn ngữ viết trong đời sống cộng đồng mình.

Chính vì thế, người kể chuyện xưng tôi trong tiểu thuyết Jazz không phải là thành phố, không phải là cuốn sách, cũng không phải là bất cứ ai trong cái bi kịch ấy, mà có thể là đây: “I am the name of the sound and the sound of the name”. Lớp vỏ âm thanh của ngôn từ cũng đồng thời là cái biểu đạt, là cái được quy chiếu, là cái được vọng về. Trong nền văn hóa của người da đen, tiếng nói được cất lên chứa đựng một sức mạnh kết nối mãnh liệt. Đọc văn chương Toni Morrison, người ta nghe một chất thơ bàng bạc âm vang từ lối điệp trùng từ ngữ, từ cấu trúc xoay lặp, từ những hình ảnh mượt mà gợi lên từ con chữ. Nhiều nhà phê bình cho rằng, văn

của Morrison dành để đọc, dành để xướng họa, và điều đó phản ánh rõ nét tính chất truyền miệng của văn chương da đen cũng như khả năng khai thác sức mạnh ngôn ngữ của cây bút nữ đầy cá tính này.

Theo Toni Morrison, ngôn ngữ cũng xác định chúng ta là ai. Chúng đảm nhận vai trò là các “mã”, các “ký hiệu” để có thể kiểm tra danh tính một ai đó, để xác nhận bản sắc, cá tính, đặc trưng của một cá nhân hoặc tập thể. Điều đó giống như một câu chuyện trong Kinh thánh, kể về việc cách phát âm của một từ trở thành vấn đề sống và chết. Theo Cựu Ước, có hai bộ lạc người Do Thái chiến tranh. Người Gilead chiến thắng đã nghĩ ra một kế hoạch đơn giản để không cho kẻ thù của họ, người thuộc bộ lạc Ephraim, vượt qua sông Jordan trốn thoát. Sau khi thiết lập rào chắn, người Gileadites ra lệnh cho những ai bị phát hiện bắt về phải phát âm từ “Shibboleth”. Do không thể nói được các âm “sh”, người Ephraim phát âm nó không chính xác, biến thành từ “Sibboleth” và đã bị giết. Âm thanh từ đây là một ký hiệu để nhận diện con người, nhận diện chủng tộc.

Cũng giống như thế, Milkman muốn hoàn thành nhiệm vụ của mình và giải mã ý nghĩa của bài hát Solomon, đầu tiên anh phải học cách lắng nghe và từ bỏ sự phụ thuộc duy nhất vào các yếu tố bên ngoài như bản đồ đường bộ và giấy tờ như là nguồn thông tin chính. Trong thời gian ngắn, Milkman phải học cách tập trung vào âm thanh và cách phát âm hơn là biết đọc biết viết (chính tả và định nghĩa). Ví dụ, mặc dù khi Milkman nghe người dân Shalimar hát bài hát của họ, bắt đầu với dòng “Jay - con trai duy nhất của Solomon”, anh ta không quan tâm đến lời lẽ hoặc chú ý đặc biệt trong trò chơi của họ. Thay vào đó, bài hát chỉ phục vụ để nhắc nhở anh về thời thơ ấu và nơi bắt đầu tình bạn với Guitar. Tuy nhiên, ngay sau chương này, trong quá trình đi săn bắn, Milkman dần nhận ra tầm quan trọng của “lời nói”. Anh phân biệt được âm thanh tiếng sủa khác nhau của lũ chó và tiếng các thợ săn trò chuyện với con vật của họ. Những người đàn ông và con chó có thể trò chuyện với nhau bằng một thứ tiếng đặc biệt. Morrison đặc trưng cho mối quan hệ cộng sinh này mang ngọn nguồn nguyên sơ, hiện tồn trước cả ngôn ngữ.

Nhận thức về tính thinh lặng của ngôn ngữ ngày càng tăng khi Milkman được tiết lộ về các nghi lễ địa phương trong buổi đi săn bắn. Ở đó nhân vật phải vận dụng hết khả năng để “lắng nghe bằng đầu ngón tay của mình, để nghe những gì, bất cứ điều gì, đất mẹ đã nói...”, chính điều ấy giúp anh ta cảm nhận được sự hiện diện của Guitar và “mùi” ám sát đang đến gần, giúp anh trở về được với bàn tay

người đàn bà đẹp Sweet và linh cảm sẽ dẫn dắt Milkman đến với nơi có thể cất giữ hài cốt cha ông.

Toni Morrison thường sử dụng nhiều cách thức diễn đạt, lối nói địa phương để tái tạo lại cuộc sống, nhận thức của một cộng đồng đặc biệt, đó là người Mỹ gốc Phi trong vùng tái thiết Ohio. Khi nhân vật sử dụng những từ như “ain't” và “reckon” hay cụm từ “sit down a spell”..., nó thể hiện tính cách của các nhân vật thuộc cộng đồng ấy. Chính điều đó khiến người đọc hình dung một cách rõ ràng và chân thật đời sống người da màu trên đất Mỹ, quá khứ và hiện tại của họ, đồng thời qua đó giúp người đọc tiếp cận gần hơn với một phong cách viết đặc trưng của một cây bút nữ: đầy trữ tình và nhạc tính.

Lắng nghe các diễn ngôn âm nhạc trong tiểu thuyết Toni Morrison, người đọc nhận ra rằng trong giai điệu rất hữu hình, cụ thể mà ngôn từ đôi khi lại mờ đục, mơ hồ. Trong tác phẩm Bài ca Solomon, bài hát dân gian có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nó là một ký hiệu, một mật mã xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, đi qua cuộc đời của các thế hệ gia đình mang họ Dead. Nó như một lá bùa tiên tri, là hồn ma của Jake chỉ đường, là diễn ngôn phù thuật trong đời sống văn hóa người da đen. Giải mã được bài hát mà Pilate đã gìn giữ, cất gieo sau bao nhiêu năm, chính Milkman sau khi lần ra các tín hiệu từ bài hát mới có thể trở về đúng gốc gác của mình.

Jake the only son of Solomon

Come booba yalle, come booba tambee Whirled about and touched the sun

Come konka yalle, come konka tambee... [172,328]

Ngoài ra, trong tác phẩm còn xuất hiện rải rác rất nhiều bài hát khác của người da đen rất giàu ý nghĩa ẩn dụ và biểu trưng:

In the nighttime, Mercy. In the darkness. Mercy. In the morning Mercy. At my bedside. Mercy. On my knees now.

Mercy. Mercy. Mercy. Mercy. [172,343]

Có lẽ đặc trưng ấy trong văn chương Morrison xuất phát từ đời sống của người da đen vốn chất chứa cả một truyền thống âm nhạc Phi châu ngàn đời pha lẫn với âm nhạc phương Tây hiện đại. Nền văn hoá sơ khai của châu Phi coi trọng âm nhạc rất nhiều. Âm nhạc là một khía cạnh quan trọng trong những hoạt động hàng ngày của thổ dân châu Phi. Họ rất coi trọng các hoạt động theo nhịp điệu khá phức tạp và tiến bộ dựa trên một ca từ và giai điệu đơn giản. Những nét nhịp điệu này đã gắn liền với nô lệ châu Phi trong suốt thời gian họ bị bắt ép làm nô lệ ở Mỹ. Họ yêu thích âm nhạc và họ tìm tự do trong giai điệu, trong những khúc ca da diết buồn và đầy chất ngẫu hứng. Hơn thế nữa, những bài ca là thông điệp, là ngôn ngữ của riêng họ để tiếng nói từ ngàn đời vẫn còn tỉnh thức, nơi ấy, mọi hồn ma vẫn sống và bao nhiêu quẫy đạp trong cõi vô thức, tiềm thức câm lặng được thốt nên thành lời. Nó thật sống động và diệu kỳ, như nhà thơ của nước Mỹ Walt Whitman đã nói về tiếng thơ:

Qua tôi rất nhiều tiếng nói từ lâu câm lặng

Tiếng nói của thế hệ vô tận những nô lệ và tù nhân

Tiếng nói của thế hệ vô tận những nô lệ và những quân trộm cắp và những người còi cọc…

Qua tôi những tiếng nói bị đời cấm đoán…

(Walt Whitman – Bài hát chính tôi)

Trong bất cứ tác phẩm nào của Toni Morrison, người đọc cũng bắt gặp được vô vàn bài ca dân gian của người da đen. Những bài ca họ thường hát dưới rặng cây Sweet Home mà Paul D vẫn ghi nhớ trong lòng:

Bare feet and chamomile sap. Took off my shoes; took off my hat Bare feet and chamomile sap

Gimme back my shoes; gimme back my hat...[176,310] Hay trong Mắt biếc:

I got blues in my mealbarrel Blues up on the shelf

I got blues in my mealbarrel Blues up on the shelf... [174,51]

Những yếu tố âm nhạc ấy thể hiện truyền thống văn nghệ dân gian Phi châu còn lưu giữ trong đời sống tinh thần của người Mỹ da đen. Nhà văn Toni Morrison đã khai thác những nét văn hoá còn tồn tại trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi như một cách làm nổi bật cá tính của những con người ấy trên miền đất này.

Những bài ca dân gian trong tiểu thuyết Toni Morrison trước hết là một ký hiệu tâm linh, gợi nhắc bản chất tôn giáo của âm nhạc (đặc biệt âm nhạc người da đen, như Jazz, bắt nguồn từ loại thánh ca – Spirituals, gắn với các hoạt động tâm linh tôn giáo, ma thuật). Vì thế, trong các tác phẩm, âm nhạc cũng được sử dụng như một phương thức trị liệu (những bài ca trên bãi Clearing; bài hát của Pilate; những bài hát của nhà MacTeer để “gội rửa” nỗi đau Pecola...), đồng thời là một ký hiệu văn hóa để nhận diện bản sắc cộng đồng (như bài ca Solomon đưa Milkman về với cội rễ). Người kể chuyện đã biến đổi các phát ngôn của mình thông qua các văn bản âm nhạc, thơ ca đã mở rộng quan niệm của chúng ta về thực tại, về những điều quen thuộc đã có và những điều bất khả xác tín về mặt nhận thức lý tính nhưng lại rất dễ tiếp nhận ở góc độ niềm tin mang màu sắc “dị đoan”. Diễn ngôn của người kể chuyện như thế đã lồng ghép đan xen nhiều cách thức kể chuyện, nhiều lớp văn bản, nhiều thể loại. Diễn ngôn ấy dù chịu một số quy ước về văn hóa nhưng sức mạnh “giải phóng ta ra khỏi sự chuyên chế của thói quen”, thúc đẩy sự vượt thoát của bạn đọc khỏi biên cương của ngôn ngữ, và của cả thực tại.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) cái huyền ảo trong tiểu thuyết toni morrison luận án TS văn học 62 22 30 20 (Trang 141 - 146)