Người – ma tái sinh

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) cái huyền ảo trong tiểu thuyết toni morrison luận án TS văn học 62 22 30 20 (Trang 86 - 90)

Chương 3 NHÂN VẬT HUYỀN ẢO

3.1. Nhân vật huyễn hoặc

3.1.2. Người – ma tái sinh

Trong thế giới nhân vật huyền ảo của Toni Morrison có sự xuất hiện của hình tượng đặc biệt, đó là hồn ma tái sinh. Đi theo motif chết đi – sống lại đậm chất ma thuật, Toni Morrison lại khéo léo đưa nhân vật của mình ra giữa lằn ranh hiện thực – siêu nhiên, mơ hồ và xác tín.

Nhân vật Beloved xuất hiện trong sự lưỡng lự giữa những phán đoán: một cô gái trẻ đi lạc (như rất nhiều người Negro khác cũng rơi vào tình cảnh bơ vơ, tha hương sau cuộc nội chiến) hay hồn ma trở lại của đứa trẻ bị giết năm xưa; hoặc như lời nhân vật Stamp, đó có thể là cô gái đã từng sống với người đàn ông da trắng, cô đã mất tích sau cái chết của người đàn ông này. Những yếu tố kỳ ảo, chập chờn khó lý giải xung quanh sự xuất hiện kỳ lạ của cô gái với tên gọi Beloved (trùng với tên đứa trẻ đã chết mà Sethe khắc trên bia mộ) và chính những biểu hiện khác thường cũng như sự biến mất đột ngột của cô kéo theo những chi tiết kỳ dị khiến tác phẩm được phủ lên một màn sương huyền thoại, hiện thực lịch sử pha lẫn với ảo giác và những điều huyền bí tâm linh.

Beloved đột ngột có mặt trước bậc thềm ngôi nhà 124 trong tình trạng kiệt sức, lúc đó gia đình Sethe (gồm Sethe và con gái Denver) cùng Paul D vừa đi chơi lễ hội trở về. Ngay trước đó vài ngày, Paul D đã chiến đấu đánh đuổi hồn ma khỏi ngôi nhà của mẹ con Sethe, và trong lúc anh đang nỗ lực hàn gắn tình cảm với Sethe, tạo thiện cảm với cô bé Denver thì sự có mặt bất ngờ của cô gái trẻ kỳ lạ tên Beloved ấy đã xáo trộn tất cả. Sự xuất hiện của Beloved thúc đẩy nhanh hơn quá trình chia rẽ sâu sắc bên trong tâm hồn mỗi nhân vật, đặc biệt là Sethe, Denver và Paul D. Nó khắc sâu hơn khoảng cách giữa sự mạnh mẽ và yếu đuối, yêu thương và lạnh lùng, thù hận…, và nhất là mối giằng co giữa quá khứ với hiện tại, sự phủ nhận cộng đồng để bôi xoá những chấn thương tinh thần với hành trình tìm lại

chính mình và bản sắc của dân tộc mình.

Cả Sethe và Denver tin tưởng một cách nhiệt thành về sự hoá thân của linh hồn chết trong Beloved, đó là cô gái nhỏ năm xưa trở về trong hình hài 19 – 20 tuổi, bằng đúng số tuổi của nó nếu còn sống. Sethe mỗi lúc một yếu đuối, bị kéo tuột về dĩ vãng đau đớn. Denver cô đơn và bướng bỉnh, bực bội và trầm lặng, cảm nhận được sức nặng quá khứ mà Beloved bao phủ ngôi nhà và cố gắng bức ra. Rồi Paul, không chịu nổi sức nặng của quá khứ, không can đảm để chấp nhận một sự thật kinh hoàng về tội lỗi của người đàn bà anh yêu thương, đã rời khỏi ngôi nhà 124 và tìm sự ẩn náu tạm thời ở chốn phụng thờ Chúa trời.

Dấu vết của hồn ma cùng với sự hiện diện hình ảnh một con ma trong lốt người khiến câu chuyện phần nào có dáng vẻ kỳ quái, huyễn hoặc. Mặc dù tư duy khoa học duy vật có thể không bao giờ chấp nhận cách lý giải theo hướng mê tín, phi lý về sự tồn tại của hồn ma hay sự hồi sinh của người chết, nhưng nhà văn cứ luôn trưng ra những biểu hiện kỳ quặc khó hiểu xung quanh sự xuất hiện, vẻ bề ngoài đến hành động, lời nói của cô gái trẻ ấy. Chính Beloved cũng xác nhận với Denver rằng: “Trong bóng tối tên tôi là Beloved” [176,88] và lý do cô trở về là để gặp lại mẹ. Và Denver cũng tin chắc Beloved chính là cái váy trắng quỳ bên mẹ cô trong phòng khách, là sự hiện diện có thực của đứa trẻ vô hình đã làm bạn với cô suốt tuổi thơ. Nhưng người đọc có thể luôn bị ám ảnh bởi nỗi phân vân, ngờ vực về tất cả những điều ấy. Liệu có phải chỉ là ảo giác hay chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên khi Sethe nhìn thấy vết sẹo trên người Beloved? Và có lý nào không cho việc Beloved tự nhiên nắm rõ nhiều thông tin liên quan đến gia đình Sethe? Sethe bị bóp cổ bởi con ma hay là chính cô gái - Beloved? Rồi hình ảnh cô gái trẻ với cái bụng to tướng đứng trước cửa nhà 124 mà những người da đen nhìn thấy, sự biến mất kỳ lạ của Beloved, những đồn đại về người đàn bà trần truồng có mái tóc đầy cá v.v.. cũng vương vất những điều đáng ngờ. Điều đó khiến chúng ta không thể tin tưởng vào một suy đoán duy nhất bởi câu chuyện vốn đã chấp nhận nó một cách thản nhiên, và tất cả những điều kỳ lạ ma quái diễn ra không chút lý giải hay ít nhất có thể đưa ra một cách hiểu có lý. Hơn nữa, chính tác giả còn làm gia tăng tính thực - ảo không giải thích nổi khi tạo ra 2 phần kể chuyện của hồn ma đứa trẻ bị giết năm xưa và cô gái trẻ Beloved dưới giọng kể ngôi thứ nhất mang tính chất dòng tâm tư. Nội dung tâm sự có phần trùng lặp, lúc in nghiêng, lúc in thẳng, khiến người đọc bị cuốn vào câu chuyện phảng phất màu sắc mê tín dị đoan vốn đặc sệt ở những miền

đất mà định mệnh đã trở thành cái gì hết sức phi lý, một khi con người mù mịt về số phận và chính bản sắc của mình, dân tộc mình.

Tôi là Beloved và mẹ là của tôi. Tôi thấy mẹ ngắt những bông hoa từ đám lá mẹ đặt chúng vào một cái giỏ tròn những chiếc lá không dành cho mẹ mẹ xếp hoa đầy giỏ mẹ bới cỏ tôi có thể giúp mẹ nhưng những đám mây cản lối... [176,248];

Tôi là Beloved và mẹ là của tôi. Sethe là người đã hái hoa, những bông hoa màu vàng nơi chúng ẩn mình. Lấy chúng khỏi đám lá xanh…” [176,253].

Theo Kathryn Rummell (2002) trong công trình Tiểu thuyết Người yêu dấu của Toni Morrison: Sự chuyển hóa của sử thi anh hùng châu Phi [198], nhân vật hồn ma tái sinh Beloved là một dạng nhân vật huyền ảo tương tự một anh hùng trong huyền thoại của người Nyanga (nước Công-gô), đó là anh hùng Mwindo. Nhân vật này gắn với bộ sử thi mang tên Sử thi Mwindo, có đặc điểm là sinh ra bị cha giết (Beloved bị mẹ giết), có năng lực đặc biệt (Beloved cũng vậy), sống và di chuyển trong nước hoặc trên đất liền (Beloved có một chương kể về lúc ở trong nước với nhiều xác chết; sự xuất hiện đầu tiên của cô gái này gắn với nước: “Walk[s] out of the water” [176,50], người đẫm nước)...

Hồn ma tái sinh dường như là hình tượng ám ảnh dai dẳng trong tiểu thuyết Toni Morrison. Bởi sau khi Beloved biến mất đột ngột ở cuối tác phẩm, người đọc vẫn hoài nghi về sự tồn tại của một nhân vật sau màn sương kỳ ảo. Beloved đã tan vào huyền thoại, vẫn sống sau những thêu dệt dân gian và tiếp tục để lại dấu vết trong đời thực, vắt sang tác phẩm Jazz dưới hiện hữu là người đàn bà hoang dã tên Wild. Cô gái ấy là một abiku trong quan niệm dân gian châu Phi đang cố gắng bám giữ trần gian, để câu chuyện tiếp tục lưu truyền: “pass on and on”.

Cuối tiểu thuyết Người yêu dấu, Beloved bụng mang dạ chửa đã biến mất đột ngột giữa lúc mọi người kéo đến ồn ào trước nhà Sethe để giải phóng cô khỏi con ma ám. Chỉ còn lại những dấu chân bên con suối phía sau ngôi nhà 124. Một cậu bé theo dấu vết ấy và trông thấy bên bờ suối người đàn bà trần truồng, tóc đầy cá. Theo truyện, đó là vào năm 1873 (hoặc 1874). Bạn đọc thường chấp nhận cô gái trẻ ấy có thể thật sự đúng là một con ma, và sự ra đi bí ẩn của con ma ấy càng xác nhận thêm phương diện thần kỳ của câu chuyện. Trong khi đó, ở Jazz, người ta thấy một người đàn bà kỳ lạ khác tên là Wild, cũng năm 1873, hạ sinh cậu bé tên Joseph. Khi cậu bé thắc mắc về cha mẹ của mình, cậu được trả lời: “Ồ, con yêu, họ

đã biến mất không dấu vết”. Và Joe tin rằng, “dấu vết” ở đây chính là cậu, họ của cậu là Trace (nghĩa là “dấu vết”). Một cách chơi chữ thú vị mà Toni Morrison cố ý kết nối hai cuốn sách của mình, khiến người đọc liên tưởng rằng: Beloved trong

Người yêu dấu và Wild trong Jazz có thể là một. Wild là mẹ của Joe, được khắc họa qua cái nhìn của nhân vật Golden Gray khi ông ta nhìn thấy lần đầu tiên là một người đàn bà đen mướt trần truồng. Toàn thân đầy bùn và tóc dính toàn lá cây. Đôi mắt cô ta to và khủng khiếp. Sau khi sinh con xong, Wild trốn vào rừng, sống trong một cái hang, hiếm ai thấy được bà ấy. Nhưng người ta sẽ luôn biết được sự có mặt của Wild thông qua điệu cười trẻ con (babygirl laugh) và bốn con chim cánh đỏ luôn bên cạnh [171,176]. Làn da đen mướt, mọng như quả dâu tây ấy (berry-black skin), đôi mắt kỳ lạ, dáng vẻ trần truồng, có mang, nụ cười đáng kinh ngạc ấy…, Beloved và Wild được mô tả với nhiều chi tiết tương đồng gây liên tưởng: liệu hai nhân vật này có phải là một? Ở đây, một trò chơi ngôn ngữ đã bày ra, gọi mời những cách đọc khác nhau, thái độ khác nhau trước khả năng Toni Morrison đã tạo một mối dây tiếp nối giữa hai tác phẩm. Bởi chúng ta sẽ đọc lại Người yêu dấu, và xuất phát lại ở một góc nhìn khác: Nếu Beloved không phải là ma, mà thật sự là một cô gái trẻ, đang có mang, đã bỏ đi mất tích và biết đâu cô ấy sẽ xuất hiện trở lại, sinh con, sau đó một lần nữa biến mất? Cả Beloved và Wild đều không rõ gốc tích, nhưng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều nhân vật khác (Beloved và Sethe, Wild và Golden Gray), đó là một ẩn dụ cho quá trình kết nối cá nhân và cộng đồng. Nhưng mặc dù cố tình để lại nhiều “dấu vết”, tác giả đồng thời cũng gia tăng tính mơ hồ, ám gợi trong Jazz khi lấp lửng các chi tiết kỳ ảo. Beloved hay Wild là một biểu tượng mang tính “mở”, hoàn toàn khác với cách sử dụng cùng một nhân vật trong loạt tác phẩm của một số nhà văn khác (kiểu như nhân vật Nick của Hemingway hay lão Gorio, Rastignac… của Balzac). Bóng ma Beloved, theo như chính Toni Morrison tiết lộ, còn tái xuất một lần nữa trong tiểu thuyết Thiên đường, cuốn cuối cùng trong bộ ba BelovedJazzParadise cùng theo một hệ chủ đề, khắc họa quá trình khẳng định cá tính, dân tộc tính, cội rễ văn hóa của người Mỹ gốc Phi trong quá khứ và hiện tại.

Beloved hay Wild là hiện thân của vô vàn người da đen bị đày ải, bị tách biệt, bị đẩy đến sự cuồng loạn, khát khao được tồn tại nhưng bất thành. Chỉ có Sethe yêu Beloved, tình yêu mang mặc cảm tội lỗi ấy khiến cô gái trẻ mang vẻ đẹp ma ám và lời nguyền quá khứ trở nên dữ dội hơn, tàn bạo hơn. Nhưng cuối cùng khi Beloved

biến mất với cái bụng to tướng và dáng điệu mệt mỏi, những nỗi đau dần được bôi xóa. Tuy nhiên, Toni Morrison không muốn cho Beloved trở lại cõi âm như vô vàn

abiku khác, mà cô tiếp tục sống, sinh nở (trong tiểu thuyết tiếp sau, Jazz), để rồi người con trai Joe Trace phải tự lần về dấu vết, Milkman phải ngược về phương Nam, khám phá được cội rễ, tìm lại ký ức của bản thể, của cộng đồng, mới “điều trị” được căn bệnh “mất trí nhớ” và chứng hysteria đang bóp nghẹt toàn bộ tâm hồn và thể xác con người.

Đọc Con đường đói khổ của Ben Okri, nhân vật Azaro cũng là hồn ma tái sinh nhiều lần (nhưng đó là một abiku muốn được sống thay về cố gắng quay trở lại cõi âm). Khi hiện thân làm người, cậu bé vẫn nhớ được thân phận và có năng lực lạ kỳ là liên hệ được với thế giới linh hồn, nhìn thấy được hồn ma, nói chuyện được với các tinh linh và động vật. Tác phẩm vì thế đẫm một tinh thần huyền ảo nghiêng về hướng tạo lập một huyền thoại mới về nhân vật abiku như biểu tượng của con người hiện đại, luôn chao đảo giữa thực tại lý tính và thế giới siêu linh – một góc khuất thần bí trong đời sống con người. Qua đó, chân dung cả nhân gian đang biến chuyển cứ hiện ra trước mắt với máu, nước mắt, bi kịch và sự hoan hỉ; là dân tộc Nigeria cứ liên tục được tái sinh, có khả năng chịu đựng và tỏa sáng. Với Người yêu dấu, Toni Morrison cũng khắc họa hiện thực qua đôi mắt của nhân vật bị ám ảnh bởi tiền kiếp, một hồn ma tái sinh gieo rắc niềm tin về những hiện hữu siêu nhiên trong đời thực. Giống như các thế hệ của dòng họ Dead cố học cách biết bay, cô bé Pecola tin Chúa có thể thay đổi màu xanh cho đôi mắt, những nghệ sỹ da đen ôm cây saxophone trôi lơ lửng giữa không trung trên đường phố The City..., con người như thường trực niềm tin siêu nhiên cho mọi sự chịu đựng kỳ diệu, khả năng tái sinh và biến đổi của nòi giống mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) cái huyền ảo trong tiểu thuyết toni morrison luận án TS văn học 62 22 30 20 (Trang 86 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)