Đặc điểm kiểu diễn ngôn thực ảo

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) cái huyền ảo trong tiểu thuyết toni morrison luận án TS văn học 62 22 30 20 (Trang 127 - 130)

Chương 3 NHÂN VẬT HUYỀN ẢO

4.1. Người kể chuyện và diễn ngôn thực ảo

4.1.2. Đặc điểm kiểu diễn ngôn thực ảo

Thông qua việc cảm nhận và phân tích các diễn ngôn người kể chuyện trong trong các tiểu thuyết của Toni Morrison, chúng tôi khái quát được đặc điểm kiểu diễn ngôn thực - ảo mà nhà văn đã kiến tạo như sau:

Thứ nhất, diễn ngôn người kể chuyện mang tính lưỡng lự, lấp lửng, mơ hồ. Có nhiều sự kiện diễn ra đột ngột, khác lạ so với hiểu biết thông thường được người kể chuyện thuật lại với thái độ nửa tin nửa ngờ, cố tình khiến người đọc phân vân trước những biến ảo của tự nhiên và cái siêu thường. Chẳng hạn chuyện hồn ma quấy phá, con ma sống lại, sự ra đời và biến mất kỳ lạ cũng như khả năng ma thuật của một số nhân vật... Người kể chuyện kiến tạo nên những tình huống có sự xuất hiện của các chi tiết huyễn ảo, khiến thế giới truyện kể trở nên u ám, ma mị, bằng

diễn ngôn xác nhận nửa vời, khiến người đọc khó thoát được cảm giác vừa tin tưởng vừa hoài nghi tính chân xác của toàn bộ câu chuyện. Nói theo Todorov về diễn ngôn kỳ ảo thì diễn ngôn người kể chuyện không được phép nói dối nên sự phát ngôn của anh ta thoát khỏi sự kiểm chứng, trong khi đó thử thách của sự thực sẽ dành cho diễn ngôn của nhân vật kỳ ảo. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, thói quen tin tưởng vào người kể chuyện có thể là nguyên nhân lớn nhất để thúc đẩy cảm xúc về cái huyền ảo. Bởi người kể chuyện ngôi thứ nhất là các nhân vật trong truyện kể (như nhân vật Sethe, hồn ma Beloved, cô gái từ cõi chết hiện thân – Beloved, cô bé Claudia, hoặc nhân vật bí ẩn xưng “tôi” trong Jazz...) gây cho độc giả ấn tượng

rằng họ có thể “nói dối” lẫn nhau, và tất nhiên với cả độc giả. Nhưng đồng thời, khi nhân vật nhận ký thác của tác giả để đóng vai trò người kể chuyện, họ “buộc” phải trung thực. Nếu đứng dưới góc độ diễn ngôn nhân vật, ta có thể ngờ vực mọi hiện thực được quy chiếu; song với người kể chuyện, ta lắng nghe và chờ đợi cách truyện kể thoát khỏi chính nó, nhìn lại và kể về bản thân nó. Do vậy diễn ngôn người kể chuyện ở đây mang đặc tính lấp lửng, quá trình xác nhận lời nhân vật để có câu trả lời của độc giả về sự thật hay dối trá đều trở nên nửa vời. Nhất là khi người kể chuyện cố ý làm mờ tính xác nhận bằng lối nói không chắc chắn, dự đoán, tiên tri... Ví dụ, người kể chuyện trong Jazz thường liên tục bắt đầu lời kể bằng từ “maybe” (có lẽ, có thể): “Maybe that’s what she was afraid of...”, “Maybe she did it”, “Maybe her nothing was worse...” [171,37-38].

Thứ hai, diễn ngôn mang tính huyền thoại hóa, chất chứa nhiều mẫu gốc trong cốt truyện, biểu tượng, motif... Nhiều nhà văn hiện đại và hậu hiện đại trên thế giới thường mượn truyền thuyết, cổ tích, thần thoại… và những yếu tố mang tính chất huyền thoại để tạo ra các phương thức huyền thoại mới, tạo sinh những trường lực diễn ngôn mang giá trị thẩm mĩ. Tuy nhiên, ở khía cạnh này, theo chúng tôi, Toni Morrison tạo tính đa nghĩa huyền ảo cho diễn ngôn trần thuật không hẳn nhằm mục đích giải huyền thoại hay kiến tạo huyền thoại mới, mà nữ văn sĩ sử dụng ngôn ngữ huyền thoại trong hành trình kể chuyện với ý nghĩa kết nối ký ức và thể hiện niềm tin ma thuật như là một đặc trưng trong tư duy dân tộc, chủng tộc. Bởi thật ra, huyền thoại nào cũng đều ít nhiều gắn với truyền thống văn hóa dân gian của một dân tộc, địa phương cụ thể và “đa phần đều được bao phủ ánh hào quang lãng mạn dẫu ngay trên những tác phẩm đó, trên bình diện hiện thực, thái độ phê phán và châm biếm có gay gắt đến mấy đi chăng nữa...” [55,502]. Chính vì thế, huyền thoại gắn với folklore Mỹ gốc Phi ẩn trong diễn ngôn mượt mà nữ tính tạo nên một sắc thái huyền ảo khác biệt cho văn chương Morrison.

Gắn với người kể chuyện là vấn đề điểm nhìn. Qua diễn ngôn đầy quyền lực của người kể chuyện, chúng ta thấy sự đa dạng hóa điểm nhìn trần thuật. Đấy là

điểm nhìn xuất phát từ quan niệm một thế giới hiện thực – huyền ảo. Thế giới nghệ thuật của Toni Morrison được khai thác từ những bi kịch của các thân phận nô lệ, những ám ảnh về sự tàn khốc của việc kỳ thị chủng tộc, bạo lực màu da, giới tính, về vẻ đẹp đen – trắng, về sự mất mát các di sản văn hóa tinh thần khiến nhiều thế hệ con người gốc Phi bị lạc lõng, đứng bên lề với tâm thức lưu vong. Đan cài trong

bao va siết, xô lệch vụn vỡ ở tận sâu thẳm yếu tính người là những yếu tố ảo hóa xuyên thấm, tạo cảm giác bất định trong cảm quan cho con người về một thế giới hỗn mang, bất khả tri nhận do “mù lòa” ý thức cội rễ và sự đổi thay quá nhanh trong đời sống cộng đồng thời hiện đại – hậu hiện đại. Theo đó, hiện thực không phải chỉ là những gì đang tồn tại, hiện hữu mà hiện thực đã trở thành hiện thực - huyền ảo - huyền thoại - một hướng huyền ảo hóa hiện thực dựa trên một niềm tin bất biến về thế giới ma thuật (như cách Frazer đã chỉ ra trong công trình Cành vàng) vẫn tồn tại song song với thế giới thực tại như ta vẫn hằng thấy.

Bên cạnh đó, điểm nhìn từ chiều kích vô thức – tâm linh cũng đưa đến diễn ngôn thực - ảo được xác lập với những cơn mộng mị, giấc mơ, trạng thái nửa tỉnh nửa điên, những dục vọng bản năng nguyên thủy của con người (điển hình là các diễn ngôn của hồn ma, của các nhân vật chịu nhiều bi kịch như Pecola, Sethe, Milkman, Violet...). Diễn ngôn còn khơi lại những yếu tố tâm linh tiềm ẩn thể hiện qua những nhân vật có linh cảm tiên tri, có sức mạnh ma thuật, những không gian ma ám, hoặc huyền bí.

Tính chất đa chủ thể trần thuật cùng các diễn ngôn mang màu sắc thực - ảo khiến Toni Morrison được dán nhãn là nhà văn hiện thực huyền ảo. Sự tinh tế trong việc khai thác diễn ngôn người kể chuyện giúp cho những hiện tượng siêu nhiên, những điều khốc liệt vượt ngoài biên giới hiện thực có khả năng thâm nhập một cách thản nhiên, hòa trong khuôn khổ của khả năng cảm nhận, chiếm lĩnh thông thường đối với thực tại.

Christopher Warnes khi phân tích các kỹ thuật của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo đã cho rằng cách định nghĩa cơ bản nhất cho khuynh hướng sáng tác này là nhìn nhận nó như một dạng thức (mode) của trần thuật trong đó tự nhiên hóa những yếu tố siêu nhiên; bên cạnh đó nhà văn sử dụng cái huyền ảo, ma thuật như một phương tiện của việc “lạ hóa” diễn ngôn (defamiliarizing discourse) [220,12].

Theo chúng tôi, việc làm lạ diễn ngôn thông qua khai thác các yếu tố magical,

fantastic hay supernatural không chỉ là một thủ pháp, mà hơn thế, thuộc về tư duy nghệ thuật, dưới cái nhìn của một nhà văn Mỹ gốc Phi. Trong diễn ngôn ẩn chứa nhiều mã văn hóa, và điều đó cần được khai phá dưới một quan điểm riêng biệt. Chính vì thế, hiệu quả thẩm mỹ được tạo dựng cho thể loại huyền ảo thông qua những điều khác lạ, dị biệt, phi thực phải thông qua cầu nối diễn ngôn của người kể chuyện. Theo đó, diễn ngôn của người kể chuyện sẽ dẫn dắt người đọc đến với

những sự kiện dị thường, những điều khuất lấp, bí ẩn trong đời sống. Đặc biệt trong nhiều tác phẩm, hình ảnh tu từ trong diễn ngôn người kể chuyện còn tạo nên những biến thể dẫn đến cái siêu nhiên, khiến cho người đọc như được dẫn dụ vào những “mê lộ” đầy bất ngờ và hấp dẫn.Trong hành trình sáng tạo nghệ thuật, nhà văn có thể dùng thủ pháp phóng đại, ngoa dụ để tạo nên hình ảnh từ những điều bình thường lại trở nên dị thường. Và lúc này diễn ngôn của người kể chuyện gắn với điểm nhìn soi chiếu trong chiều sâu tâm thức đứt nối khiến bạn đọc như được chìm vào khoảng sáng tối khác nhau, trong những lằn ranh của thực - ảo. Đối với nhà văn Toni Morrison, người kể chuyện bằng chính nội tâm hỗn độn của mình đã tạo nên nhiều hình ảnh nhập nhằng mơ hồ. Đặc biệt, những hồi quang huyền thoại được tiếp tục chiêu lọc qua đôi mắt người kể chuyện và ký thác thành các diễn ngôn huyền thoại như một cách thức kết nối quá khứ với thực tại, các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống lịch sử đương đại của người gốc Phi giữa thế giới đa trị đầy mảnh vỡ.

Điều này góp phần giúp chúng tôi đi tới nhận định rằng, đặc trưng huyền ảo của Toni Morrison thể hiện ở chỗ: mặc dù khai thác những yếu tố hiện thực từ đời sống người Mỹ gốc Phi trong lịch sử và trong thực tại, nhà văn lại dịch chuyển tất cả những yếu tố đó ra sát đường biên của cái huyễn hoặc, hoặc phản ánh hiện thực đó thông qua tâm lý bất ổn của nhân vật bằng tiết tấu trần thuật đậm chất thơ và âm nhạc da đen. Khác với nhiều quan niệm cho rằng cái huyền ảo vốn gần với siêu thực sẽ đi đến sự hủy bỏ hiện thực được cảm nhận, nghệ thuật kể chuyện của Toni Morrison lại cho thấy sự hòa trộn thực và ảo nhằm đem đến nhận thức bất ngờ và sâu sắc hơn về thực tại, khám phá những bề mặt khác, phức tạp, phong phú hơn của cuộc đời và con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) cái huyền ảo trong tiểu thuyết toni morrison luận án TS văn học 62 22 30 20 (Trang 127 - 130)