Chương 3 NHÂN VẬT HUYỀN ẢO
4.2. Người kể chuyện và diễn ngôn xoay vòng
4.2.1. Ngôn ngữ lặp và cấu trúc xoay vòng
Diễn ngôn người kể chuyện thường được xây dựng bằng ngôn ngữ có tính lặp, trước hết là lặp từ ngữ, lặp cấu trúc câu, đoạn. Ngay cả khi diễn ngôn bị phá vỡ bởi lối viết dòng ý thức đứt đoạn, bất chấp mọi quy tắc ngữ pháp, người đọc vẫn nhận thấy sự lặp lại của các hình ảnh, lớp từ mang ý nghĩa cụ thể hoặc trừu tượng. Những diễn ngôn rối rắm phi thực như thế (khiến ta liên tưởng đến giọng văn William Faulkner) luôn đi liền với sự biến đổi giọng kể và điểm nhìn của người thuật chuyện.
Diễn ngôn người kể chuyện sử dụng ngôn ngữ điệp trùng như một khúc bi ca bất tận. Toni Morrison tạo ấn tượng đặc biệt từ cách khai thác các từ ngữ lặp đi lặp lại, hoặc những câu văn xuôi đọc như là thơ ca:
... it’s much, much, much too late... [175,206]
She don’t have to explain. She don’t have to say a word... She’ll be all alone.
Người kể chuyện ngôi thứ nhất (trong Mắt biếc, Người yêu dấu, Jazz) trình ra một dạng diễn ngôn mang tính chất “tự thú” đầy hư thực, bởi đó là lời kể của hồn ma kỳ ảo, hoặc của những con người chìm nổi trong trạng thái vô thức đầy biến động. Đó là một cái tôi đang nói, đang thở than rên xiết trong bi kịch đời mình. Qua diễn ngôn ta thấy được hơi thở của người nói, người kể với sự tưởng tượng và ẩn ức khuấy đảo. Vô thức được cấu trúc thành diễn ngôn, được ghi chép lại, để trình diện cho chúng ta một điều gì đó bị lãng quên, bị nghi hoặc, bị xóa bỏ.
Beloved, nó là con gái tôi. Là của tôi... [176,236]
Beloved là chị tôi... [176,242]
Tôi là Beloved và mẹ là của tôi... [176,248] Khởi đầu ba đoạn liên tiếp trong chương cuối là:
It was not a story to pass on...
It was not a story to pass on...
This is not a story to pass on. [176,223-224]
Diễn ngôn của Dorcas (với vai trò là người kể chuyện ngôi thứ nhất) luôn mở đầu đoạn bằng câu: “He is coming for me...”[171,189-191] lặp đi lặp lại xuyên suốt hơn 3 trang sách dành cho độc thoại nội tâm của cô.
Ngay cả ngôn ngữ đối thoại cũng mang tính lặp, các câu thoại ngắn lặp lại một cách cơ học, như rằng người ta không hiểu lời nói của nhau và đối thoại không thể dẫn tới cái đích cuối cùng, câu trước câu sau phi logic, khó hiểu, kiểu như cuộc nói chuyện của cặp đôi ở nhà ga trước Rặng đồi tựa đàn voi trắng (Ernest Hemingway).
Sao chị lại đặt tên mình là Beloved? - Trong bóng tối tên chị là Beloved
[176,88];
Chị không nhớ chúng ta đã chơi cùng nhau bên dòng suối – Chị ở trên cầu. Em thấy chị trên cầu ư? Không, bên dòng suối. Ồ, chị ở trong nước. Chị thấy kim cương của mẹ ở dưới đấy [176,89].
Trong tiểu thuyết Mắt biếc, diễn ngôn người kể chuyện ngôi thứ ba sử dụng lặp lại nhiều lần những câu mở đoạn mô tả hình ảnh ngôi nhà màu đỏ với cánh cửa trắng xinh đẹp. Đoạn văn mở màn được viết lặp lại nguyên văn 3 lần và nối tiếp nhau không cách đoạn. Phiên bản thứ hai, thứ ba hoàn toàn y hệt nhưng sai ngữ pháp trầm trọng (không dấu câu, không dấu cách). Ngoài ra, xuyên suốt tiểu thuyết là sự xuất hiện (với cùng một hình thức ngôn ngữ) các câu trích từ truyện tranh này như
là các lời mở đầu chương (chapterheads). Thay vì đánh số hoặc đặt tên cho mỗi chương sách, Toni Morrison lại mở đầu bằng những con chữ dính vào nhau không khoảng cách:
HEREISTHEHOUSEITISGREENANDWHITEITHASAREDDOORITISV ERYPRETYITISVERYPRETTYPRETTYPRETTYP [174,33]
Những dòng chữ như thế này xuất hiện mở đầu ở tất cả các đoạn kể của người kể chuyện ngôi thứ ba đã cắt xẻ hiện thực truyện kể. Chúng cứ song hành và tương phản ngạo nghễ với thế giới đáng thương của cô bé bị hành hạ, tủi nhục, sợ hãi. Ngôn ngữ lặp kiểu này gây một ấn tượng mạnh cho độc giả bởi cách “lạ hóa” diễn ngôn, phá vỡ những quy ước về chính tả thông thường. Rõ ràng diễn ngôn ấy thu hút sự chú ý về bản thân nó và ý muốn của nó, buộc độc giả phải tự xây dựng một cách đọc khác, phải liên văn bản để nhận ra thông điệp ẩn đằng sau. Lặp đi lặp lại một cái biểu đạt đầy phi lý như thế gần như là “trò chơi diễn ngôn” đậm cá tính Toni Morrison.
Sự điệp trùng không chỉ được khai thác trên bề mặt từ ngữ, cú pháp câu mà Toni Morrison còn tạo dựng các diễn ngôn xoay vòng trên cấp độ văn bản cao hơn là các chương và toàn bộ tác phẩm.
Cuốn Người yêu dấu chia làm 3 chương lớn và mỗi chương đều bắt đầu bằng một câu mô tả tình trạng của ngôi nhà 124: “124 WAS SPITEFUL” [176,3]; “124 WAS LOUD” [176,199]; “124 WAS QUIET” [176,281].
Mặc dù sự vận động của tiểu thuyết có vẻ khoác một dáng dấp “kịch tính” và được giải quyết theo chiều hướng mở đầu - thắt nút - mở nút, nhưng thực sự đó chỉ là kiểu xoay vòng của cốt truyện. Tác giả xác định điểm bắt đầu của truyện kể và câu chuyện tiếp theo có thể triển khai theo nhiều hướng, nhưng vòng tròn lan toả rộng đến đâu cũng xuất phát từ một tâm điểm. Khi ký ức của nhân vật dẫn dắt ta đi qua các không gian khác nhau cùng rất nhiều biến cố, nhiều giai đoạn khác nhau của từng số phận con người… thì bao giờ câu chuyện cũng bắt đầu lại tại chính ngôi nhà 124 - không gian bị con ma trẻ con quấy phá - nhưng mở thêm những xung đột, những đòi hỏi giải phóng của bao nhiêu ẩn ức và trói buộc, của sự thức tỉnh và khát khao tìm lại chính mình trong từng nhân vật. Chính kiểu vòng tròn của cốt truyện như thế tạo điều kiện cho các sự kiện, các motif được trở đi trở lại với những điểm nhấn khác nhau, nhưng luôn tạo cho người đọc cảm giác về một thế giới bưng bít cô đơn, thất lạc cõi người. Dường như nhân loại trải qua bao thăng
trầm biến cố, rốt cuộc cũng không đi ngoài mấy vấn đề muôn thuở: tình yêu, sự hy sinh, ý thức cá thể, tội lỗi...
Vậy nên, chúng ta gặp lại bóng dáng của mặc cảm tội lỗi của Cain, một câu chuyện xa xưa từ Kinh Thánh. Người ta có thể nghĩ tới motif tội ác và trừng phạt, khi xuất hiện yếu tố giết con - ám ảnh tội lỗi - ẩn ức tâm lý. Vụ án người mẹ trẻ Sethe (một nô lệ chạy trốn) cắt cổ con đứa con gái mới lên 2 của mình và đứa trẻ đã chết một lần nữa hiện diện trong đời chị với hình hài người thật, gieo rắc không khí huyễn hoặc, ám ảnh, đầy bí ẩn ngột ngạt. Các tình tiết liên quan đến sự kiện này cứ tái lặp trong mỗi chương. Mỗi mảnh đoạn của câu chuyện gợi ra một phần của quá khứ, mở ra một số thông tin liên quan đến cuộc đời nhân vật, nguyên nhân vụ giết con của Sethe, quãng đời nô lệ, tù ngục, chạy trốn gian khổ của Paul D..., rồi dừng lại lưng chừng và chuyển sang các sự kiện khác. Tính chất mảnh ghép và cách thức tự sự đa chủ thể giúp tác giả tự do chuyển mạch truyện, các sự kiện rời rạc không tiếp nối. Người đọc phải đợi qua các chương sau, sự kiện được trần thuật tiếp tục, ngược về quá khứ để lý giải nguyên nhân hoặc hướng tới phía trước để tìm kết quả.
Hai không gian trung tâm của tác phẩm là Sweet Home - một đồn điền của chủ nô da trắng trước Nội chiến và ngôi nhà 124 thực chất cũng là sự lặp lại của tình trạng nô lệ, tủi nhục, cô độc. Thời gian trong Người yêu dấu cũng di chuyển theo một đường tròn, lặp lại con đường khép kín từ hiện tại trở lại quá khứ rồi xoay vòng lại hiện tại. Ngay trong từng đoạn, từng chương của cuốn tiểu thuyết, chúng ta dễ dàng nhận ra tính chất mảnh ghép, đồng hiện thời gắn với sự thay đổi điểm nhìn liên tục. Trong dòng thời gian chuyển động dích dắc ấy, những sự kiện của quá khứ hiển hiện trong hiện tại, chẳng hạn trường đoạn tả cảnh Sethe và Paul D nằm bên nhau, cuộc tình hai người lồng trong dòng hồi tưởng về một tình yêu nữa thuộc về quá khứ: đó là tình yêu giữa Sethe với người chồng cũ Halle. Hai người đàn ông trong đời chị khiến chị nhớ đến những kỷ niệm đẹp, bao rung động đầu đời, tình chồng vợ và niềm mơ mộng của một cô gái trẻ trong chị ngày xưa. Nhà văn khéo léo di chuyển ống kính liên tục từ người này sang người kia để bắt trọn hồi ức của từng người trong cùng giây phút ấy.
Việc xây dựng một kết cấu không - thời gian trong đó có sự gặp gỡ giữa quá khứ và hiện tại, tính chất không - thời gian xoay vòng, lặp lại, lồng ghép khiến tác phẩm gia tăng độ hư ảo, nó trở thành kiểu truyện kể không ngừng tự vấn lại chính mình, gặp lại chính mình trên từng nếp suy nghĩ. Con người không thoát được vòng
xoáy luẩn quẩn của không - thời gian ấy, cho nên thân phận cũng dẫm lên những nỗi đau mòn.
Chính vì thế, chúng ta cũng nhận thấy trong hệ thống nhân vật có sự song trùng về nhiều mặt. Đó là hồn ma đứa trẻ đã chết lúc lên 2 và nhân vật Beloved; đó là Baby Suggs và Sethe. Sự trở về của đứa bé bị sát hại trong hình hài cô gái 19, 20 tuổi - Beloved - có bóng dáng motif ma - người trong các loại truyện kỳ ảo ma quái, ở đây nhà văn khoác cho nhân vật ma một cuộc đời nữa trong tác phẩm với hình hài người thực. Cả hai là hình bóng của nhau soi chiếu nửa tối nửa sáng. Đó là kiểu nhân vật song trùng, giống như các cặp đôi khác như Pauline – Pecola, Beloved – Wild...
Những cảnh cuối cùng của cuốn tiểu thuyết cho thấy một cảnh tượng lặp lại bi kịch 18 năm về trước. Sự đan cài các chi tiết và hình tượng mang tính song trùng cùng với cách thiết kế cốt truyện phản ánh một chung cục khải huyền: Beloved biến mất, Sethe sắp chết, thế giới u ám của ngôi nhà 124 sụp đổ…
Trong Jazz, một trong những cuốn sách được ngợi khen nhiều nhất của Toni Morrison, diễn ngôn người kể chuyện lạ tỏ ra bí ẩn với những câu ngắn, mang tính đối thoại vô hình, cố bày biện cảm xúc chủ quan trước câu chuyện mình đang kể. Điều này tưởng như là lối kể quá “lỗi thời”, nhưng kỳ lạ là thái độ lúc dửng dưng, lạnh nhạt, lúc sôi nổi, nhập cuộc lại khiến người đọc không rõ người kể chuyện đang đứng ở vị trí nào. Thành ra những điều rất thực lại nhuốm vẻ phi thực từ khi mới bắt đầu, giống như bầu trời của The City, một “unbelievable sky” [171,35] sâu hun hút không chạm tới được, dẫu chỉ trong cơn mơ. Với tác phẩm này, Toni Morrison luôn bắt đầu các chương truyện (không được đánh số hay đặt tên) bằng lời người kể chuyện rất ngắn, và câu mở đầu với câu cuối chương có sự kết nối như một vòng tròn.
(Chương đầu) Sth, I know that woman. [171,3]... One of whom answers back: “I love you”. [171,24]
(Chương thứ 2) Or used to. [171,27] ... From freezing to hot to cool ... [171,51] Đồng thời câu cuối chương này có thể vắt tiếp sang câu đầu chương sau. Chẳng hạn mở đầu là “Anything like that could harm you. Thirteen years after Golden Gray stiffened himself to look at that girl, the harm she could do was still alive” [171,165], nối tiếp câu cuối cùng (cách nhau gần 20 trang sách) “But where is
she?” [171,184] và tiếp tục vắt sang câu đầu tiên của chương sau: “There she is”
[171,187]... Cứ như thế, diễn ngôn mắt xích, xoay vòng nối kết bất tận:
She buttoned her coat and left the drugstore and noticed, at the same moment as that Violet did, that it was spring. In the City. [171,114] – And when spring comes to the City people notice one another in the road; notice the strangers with whom they share aisles and tables and the space where intimate garments are laundered [171,117];
I don’t know who is that woman singing but I know the words by heart. [171,193] – Sweetheart. [171,195];
It eased the pain. [171,216] – Pain. [171,219]...
Lối tự sự xoay vòng như vậy khiến tác phẩm gia tăng tính huyền ảo, đồng thời có độ ngân vang, lan toả, thấm dần những nỗi đau, sự khốc liệt, tính chân thực lịch sử trong từng sự kiện. Nó cũng gợi liên tưởng đến tính chất lãng mạn Mỹ (American romance) bay bổng trên nền câu chuyện hiện thực sâu sắc khi nhà văn cố gắng khai thác chủ đề tình yêu, thù hận, bạo lực..., những dồn nén tâm tư bao nỗi đau, tuyệt vọng, điên cuồng trong bao thân phận trên miền đất mới nhiều hứa hẹn mà cũng đầy cay đắng.