Hiệu quả thẩm mỹ huyền ảo

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) cái huyền ảo trong tiểu thuyết toni morrison luận án TS văn học 62 22 30 20 (Trang 136 - 139)

Chương 3 NHÂN VẬT HUYỀN ẢO

4.2. Người kể chuyện và diễn ngôn xoay vòng

4.2.2. Hiệu quả thẩm mỹ huyền ảo

Philip Page (1992) với bài viết Sự xoay vòng trong tiểu thuyết ‘Người yêu dấu’ của Toni Morrison [184] phân tích tính xoay vòng trong tiểu thuyết Người yêu dấu, nhấn mạnh vào tính lặp của ngôn từ, của nhịp điệu trong tác phẩm. Tác giả cho rằng: “Circles and circle metaphors dominate the novel” [184,34] và khẳng định kỹ thuật tự sự này xuất phát từ văn hóa dân gian của người Mỹ gốc Phi, từ cấu trúc truyền thống của văn học truyền miệng (oral narratives).

Chúng tôi cũng nhận thấy đặc trưng này trong lối viết của Toni Morrison, nhưng không chỉ trong Người yêu dấu mà xuyên suốt các tác phẩm được luận án khảo sát. Như đã phân tích ở mục trên, có thể thấy rõ rằng, cách thức trần thuật chủ đạo của Toni Morrison (mà chúng tôi gọi là the principal narrative strategy) là “nhỏ giọt” (to drop) những yếu tố hiện thực, những sự kiện chính mà không có giải thích đầy đủ đến với độc giả, trộn đảo các tình tiết khác nhau thuộc về thời điểm, không gian, chủ thể hành động khác nhau, sau đó lại xoay chiều, đảo lại, thêm thông tin bổ sung, rồi tiếp tục biến mất và sẽ trở lại ở một trang nào đó, một đoạn này đó trong cuốn sách (thủ pháp này còn dẫn tới diễn ngôn kiểu Jazz mà chúng tôi

sẽ đề cập ở mục tiếp theo). Chúng ta liên tưởng ngay lối viết của William Faulkner trong Âm thanh và cuồng nộ, cũng đứt đoạn, xoay vòng như thế trong lời kể của các nhân vật chính. Có lẽ vì vậy, người ta vẫn thường nhắc đến Faulkner như là người có ảnh hưởng sâu sắc nhất tới văn phong của Morrison. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy lối viết của Morrison có một định hướng khác, mang đậm tư duy văn hóa và cá tính sáng tạo của nhà văn nữ, gốc Phi. Hiệu quả thẩm mỹ đầu tiên là nhấn mạnh sự can dự của quá khứ, sự dai dẳng của ký ức và những mảnh vỡ của di sản đã mất mát luôn tồn tại song hành trong đời sống hiện tại của từng nhân vật. Tiếp đến chính việc gia tăng tính lơ lửng thực - ảo, để rồi nghiêng nhiều hơn cho ý thức sâu xa về một đời sống đa chiều, chấp nhận những điều bí ẩn, kỳ lạ, những phép nhiệm màu, những nghi lễ... như một phần hiện thực mà con người phải đối diện, đồng thời cũng như một cách để cứu rỗi niềm tin.

Mỗi khúc đoạn của cuộc đời từng nhân vật được tái hiện rất ngắn và sau đó trở lại trong một lối cấu trúc đoạn tương đối gần gũi. Nó nhấn mạnh nỗi ám ảnh khổ đau trong từng số phận, đi sâu bộc lộ cảm xúc nội tâm của những con người da đen ấy, để rồi mỗi hình ảnh sống động của quá khứ đều đánh thức trong họ bao niềm xúc động sâu xa, như tâm hồn Sethe lúc tưởng nhớ khoảnh khắc yêu đương với người chồng Halle. Tình yêu khiến chị nhận ra nỗi khao khát tự do âm thầm cháy bỏng trong tiềm thức của chính mình.

Râu ngô mượt và dễ rụng làm sao [...]. Râu ngô mượt và dễ rụng làm sao.

Thật tuyệt vời, rộng mở và tự do. [176,33]

Sự kết hợp lối cấu trúc xoay vòng từ cốt truyện đến hệ thống hình tượng và ngôn từ gợi nên một chất trữ tình sâu thẳm nhưng không kém phần đau đớn khốc liệt khi vết thương như bị trăn đi trở lại, không ngừng bị dày vò, như thể chưa bao giờ muốn lãng quên, như thể không bao giờ nguôi ngoai được. Con người bị cuốn vào một vòng xoáy từ thái độ, định kiến tàn nhẫn đối với người da đen, người nô lệ. Chính vì thế, một câu chuyện ma xen lẫn trong cốt truyện của một tiểu thuyết lịch sử và một tiểu thuyết tâm lý - tình cảm khiến tác phẩm đi đến một kết thúc kép: một mặt nó hướng về kết cục của con ma Beloved và gia đình Sethe, mặt khác câu chuyện lại hướng người đọc đến số phận của người nô lệ, của Sethe và Paul D, cùng với Denver. Có thể là kết thúc đóng khi con ma biến mất và ngôi nhà 124 trở lại bình thường trong tình cảm cộng đồng giữa những người da đen. Nhưng vẫn là

một kết thúc mở còn đọng nhiều nghĩ suy khi nhân vật nữ chính tuyệt vọng chờ chết và chỉ có bàn tay yêu thương của người đàn ông mạnh mẽ, nỗi khát khao được trở lại là chính mình, với cuộc đời mình trong tâm hồn những con người ấy mới vực dậy được sự sống. Câu chuyện ngừng lại đó và mơ hồ dẫn ra những dự cảm.

Xuôi theo con suối phía sau nhà 124, những dấu chân cô đến rồi đi, đến rồi đi. Chúng đã quá quen thuộc. Chỉ như đứa trẻ, vậy mà một người lớn đặt chân lên thì chúng sẽ vừa như in. Nhưng khi họ nhấc chân ra, những dấu chân lại biến mất như chưa từng có ai in dấu... [176,324].

Thủ pháp lặp, xoay vòng (circularity) chính là “biểu thị phương thức kết nối các yếu tố tự sự theo trật tự nhân quả của Toni Morrison” [135,417], trong đó đã hàm chứa tính chu kỳ - nhịp điệu nối tiếp muôn đời của nhân thế, của vũ trụ và sự tồn sinh. Vậy nên, đặc tính xoay vòng của diễn ngôn người kể chuyện được xem là một phương diện biểu hiện huyền tích (mytheme) về chu kỳ, một hành động tạo lập cái huyền ảo trên bình diện văn hóa (huyền thoại nghi lễ) như sự sinh thành – sáng tạo (birth), cái chết – hủy diệt (death), tái sinh (rebirth), hay cuộc phiêu lưu tìm kiếm (quest-journeys)... Yếu tố này ở diễn ngôn người kể chuyện hoàn toàn gắn bó thống nhất với kết cấu cốt truyện và cách xây dựng nhân vật, tạo nên một thể nhất quán trong tư duy và lối viết của Toni Morrison. Diễn ngôn xoay vòng cũng như một trò chơi ma thuật, phảng phất chất thần bí của sinh hoạt nghi lễ, bởi tính chất xoay lặp trong ngôn ngữ khiến người đọc liên tưởng đến các loại bùa chú, những văn bản sử dụng trong các hoạt động tôn giáo.

Lối diễn đạt trong các tiểu thuyết thường luyến láy lặp lại từ ngữ với tần suất cao, xuyên suốt, tạo thành phong cách riêng của Toni Morrison. Như một câu trong tiểu thuyết Sula: “It was a fine cry – loud and long – but it had no botttom and it had no top, just circles and circles of sorrow”. Đặc điểm này gợi nên chất thơ trong các diễn ngôn tự sự, cho thấy một văn phong đậm tính nữ, trữ tình của tác giả - người kể chuyện trá hình. Hiệu lực của diễn ngôn giờ đây không chú tâm ở hiện thực được quy chiếu, mà phải ở chính cách thức mà nó thu hút sự chú ý đến bản thân nó. Đây là lối đi riêng, một thủ pháp tạo nên cảm xúc mới, cách đọc mới mà diễn ngôn xem như sự sống còn của chính mình trên hành trình lao động nghệ thuật. Chính đặc điểm gợi chất thơ trong cách thức khai thác ngôn ngữ của Toni Morrison đã giúp cho cái huyền ảo mang dấu ấn riêng của nhà văn, mang lại cho tác phẩm một không khí trữ tình tràn đầy, tác động mạnh mẽ đến cảm xúc người đọc và qua đó tính chất huyễn

hoặc cũng được đan cài một cách tinh tế, chân thật hơn. Người đọc bối rối khi phải phân tách tính rõ ràng tính chất thể loại mà cuốn tiểu thuyết đang hướng đến. Và mọi vẻ lộ liễu nhất của hiện thực (cả hiện thực lịch sử và hiện thực tâm lý) cũng mờ đi và nhạt nhoà dần như chưa hề in dấu. Chỉ còn lại nỗi đau, niềm yêu dấu... âm thầm cháy bỏng. Tác phẩm vì thế trở thành một diễn ngôn chênh vênh về hiện thực, diễn ngôn “xoay vòng” trở lại chính nó.

Trên nền một hiện thực khốc liệt, Morrison lại mở ra một chất trữ tình âm thầm chảy giữa bao tâm tư. Tất cả đúng không phải là câu chuyện để kể, để lan truyền, nó chỉ là cõi lòng miên man lúc sục sôi tha thiết, lúc chậm chạp ủ ê, là chứng nhân của tình yêu bị tổn thương, của những mất mát không bao giờ vơi cạn.

Như thế, các diễn ngôn lặp, xoay vòng gợi cho người đọc nghĩ đến cấu trúc của thơ. Và thật vậy, một chất thơ lan toả từ kết cấu đến lối sử dụng ngôn từ biểu cảm, hình ảnh sống động hoà với cảm xúc thấm đẫm trong ký ức, trong suy tư và trong cả số phận nhân vật khiến cuốn tiểu thuyết gây xúc động sâu thẳm. Câu chuyện chứa đựng nhiều tình tiết khốc liệt, kỳ ảo vì thế lại được kể bằng lối văn tràn đầy chất thơ biểu cảm đậm nữ tính. Bên cạnh đó, một lối viết biểu cảm thiên về tâm lý, sử dụng những hình ảnh mang tính chất biểu tượng, đầy ám gợi và đặc biệt là âm hưởng nhạc Jazz ngẫu hứng, da diết, thâm trầm mà náo động bàng bạc suốt tác phẩm khiến người đọc đắm chìm trong “cảm giác từ thế giới ấy” chứ không phải là “hình dung về thế giới ấy” nữa. Từ đây, người kể chuyện với diễn ngôn xoay vòng còn có mối liên hệ gắn bó với một đặc trưng bút pháp nữa của Toni Morrison, đó là việc khai thác các diễn ngôn âm nhạc trong tiểu thuyết dưới sự dẫn dắt của người kể chuyện – nhạc trưởng của bản hòa tấu đa âm.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) cái huyền ảo trong tiểu thuyết toni morrison luận án TS văn học 62 22 30 20 (Trang 136 - 139)