7. Kết cấu của luận án
3.3. Một số hạn chế trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa
3.3.2. Nguyên nhân của những hạn chế
Những hạn chế của quá trình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày ở Thái Nguyên hiện nay xuất phát từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan sau đây:
3.3.2.1. Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất, trong bối cảnh hiện nay, do quá trình giao thoa văn hóa giữa nền văn hóa Tày ở Thái Nguyên với văn hóa Tày ở các địa phương khác trong khu vực, giữa văn hóa Tày với văn hóa các dân tộc khác trong cả nước và trên thế giới nên bản thân người Tày thiếu hoặc có sự khác biệt trong quá trình thực hành thường xuyên những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình với các điều kiện về thời gian, không gian, địa điểm.
Như đã phân tích, đồng bào Tày ở Thái Nguyên cư trú cả ở các khu vực thành thị và khu vực nông thôn. Họ có cả người Tày gốc và người Tày nhập cư vào tỉnh. Do đó, nhiều nét truyền thống trong văn hóa của họ cũng thể hiện sự khác biệt. Thêm nữa, với sự tác động của nhiều yếu tố đan xen trong quá trình đổi mới đất nước hiện nay, nó lại càng có sự phân định rõ trong quá trình giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của họ.
Đối với khu vực thành thị, đời sống cả về vật chất và tinh thần của họ tốt hơn các vùng nông thôn, miền núi. Họ được tiếp cận với những thành tựu của khoa học công nghệ, của lối sống công nghiệp nhanh và nhiều hơn. Cho nên, họ có nhiều điều kiện thuận lợi để bổ sung, làm giàu, tiếp cận với những yếu tố mới của thời đại. Song, có nhiều yếu tố thuộc về phong tục truyền thống của họ không được thực hành một cách thường xuyên và nguy cơ của sự mai một là tất yếu.
Thứ hai, những chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh ủy Thái Nguyên trong phát triển kinh tế và văn hóa chưa được chú trọng tương xứng, chưa nhận thức được đầy đủ giá trị tư tưởng của văn hóa truyền thống, xem nhẹ những phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số, dẫn tới nôn nóng muốn cải tạo văn hóa cổ truyền, ào ạt du nhập các yếu tố văn hóa ngoại
lai, hiện đại mà không xem xét, đánh giá cái được cái mất ở hiện tại và tương lai. Điều đó, đã dẫn tới tình trạng: cái cũ lạc hậu không xóa đi được, mà cái mới cũng không thâm nhập nổi. Ở một số nơi, văn hóa mới thâm nhập được nhưng lại là sự sao chép, bắt chước (ví dụ như sao chép mô hình lối sống của người Kinh từ nhà ở, trang phục, đồ dùng sinh hoạt, trong khi những giá trị văn hóa của dân tộc họ lẽ ra phải được chính họ gìn giữ và phát huy). Từ đó, dẫn đến tình trạng thiếu những chính sách phù hợp và cụ thể trong quá trình giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống hiện nay.
3.3.2.2. Nguyên nhân chủ quan
Đồng bào Tày chính là chủ thể đích thực sáng tạo ra, thực hành và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc của họ cho nên không ai có thể làm thay được. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, trước quá nhiều yếu tố tác động đến văn hóa truyền thống, bản thân họ cũng bị chi phối nhiều trong quá trình giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của mình.
Một là, sự hiện đại hóa, sự hội nhập quốc tế làm cho các thế hệ đồng bào có sự thay đổi trong nhận thức và hành động của quá trình giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của tộc người mình.
Với thế hệ trẻ, họ thích tiếp thu những yếu tố mới, mang hơi thở của sự hiện đại hơn là những yếu tố truyền thống. Cho nên, họ thờ ơ với những sự truyền đạt của các bậc cha mẹ, ông bà về văn hóa của tộc người mình. Qua sự nghiên cứu, chúng tôi thấy xu hướng này diễn ra chủ yếu ở giới trẻ, tức là những người khoảng dưới 40 tuổi, đặc biệt là những người sống ở các khu vực thành thị, những người hoạt động trong các môi trường học tập, kinh doanh, tham gia lao động tại các công ty nhất là các công ty nước ngoài. Thường thì, họ là những người có sự tiếp xúc sớm với các nền văn hoá khác nên họ hoà nhập với văn hoá phổ biến (văn hoá dân tộc Kinh) sớm hơn. Những con người này cũng có thể được gọi là những con người của sự đổi mới. Sinh ra trong điều kiện có nhiều sự thay đổi về kinh tế - xã hội, sự tiếp
cận với nhiều các tri thức nhân loại mang tính hiện đại đã được diễn ra với họ từ rất sớm.
Hai là, tâm lý mặc cảm, tự ti là người đồng bào thiểu số trong quá trình giao tiếp ứng xử đã trở thành một trong những rào cản trong quá trình thực hành các yếu tố truyền thống trong văn hóa của đồng bào.
Với tư tưởng hiếu học của đồng bào Tày, họ luôn hướng con em đến với con đường tri thức, đặc biệt, trong điều kiện đổi mới đất nước, cơ hội học tập và sự thông thương làm ăn phát triển kinh tế đã tạo ra những con người có nhanh nhẹn, năng động, hiểu biết. Cuộc sống nơi đô thị đã làm cho họ dần xa rời với những truyền thống trong bản làng của mình. Họ có thể ít có điều kiện thực hành nó, hoặc có thể không muốn thực hành nó vì có sự tự ti trong bản thân “mình là người đồng bào thiểu số”. Thêm nữa, một bộ phận không nhỏ những người trẻ tuổi ở các bản làng (đặc biệt thanh thiếu niên) không muốn tìm hiểu và thực hành thường xuyên để hiểu và thấy rõ được ý nghĩa của các yếu tố truyền thống của tộc người mình. Họ không cảm thấy hào hứng với nó mà thay bằng các yếu tố hiện đại, những sản phẩm của thời kỳ công nghệ số. Do vậy, thời gian trôi qua nhanh cùng với cuộc sống bận rộn nơi phố phường, với những thú vui mới lạ, đã làm cho họ hoàn toàn quên đi những yếu tố truyền thống của tộc người mình. Ở những con người đó đã hoàn toàn rời xa truyền thống của tộc người mình.
Ba là, mức độ quan tâm tới công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Tày của các cấp, các ngành quản lý của tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua chưa được sâu sát, chưa kịp thời và đúng mức. Dường như các dự án đầu tư của tỉnh, của huyện (bao gồm cả ngân sách nhà nước, của tỉnh và quá trình xã hội hóa) chỉ nghiêng về sự trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử. Bởi lẽ, họ quá chú trọng đến những thành tích, nặng về hình thức trong công tác bảo tồn các giá trị vật chất và tinh thần, mà thiếu đi
sự tôn trọng trong quá trình giữ gìn và phát huy những yếu tố thuộc về giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
3.4. Những vấn đề đặt ra trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc ngƣời Tày ở Thái Nguyên hiện nay
Quá trình giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Tày ở Thái Nguyên hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề:
Thứ nhất, hiện tượng ít thực hành các giá trị văn hóa truyền thống đang trở thành xu hướng phổ biến.
Sự tác động của các yếu tố công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập, mở cửa, tác động của kinh tế thị trường đến việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Tày cơ hội để tiếp thu các yếu tố tích cực từ bên ngoài trên cơ sở phù hợp với những giá trị hiện có để bổ sung, làm giàu thêm văn hoá của tộc người Tày, tức là nó làm cho các giá trị văn hoá truyền thống có sức sống trường tồn trong không gian và thời gian hiện đại, phù hợp với mọi thế hệ đương thời. Nó tác động lên về cơ bản lên các thành tố trong cấu trúc văn hoá truyền thống. Chẳng hạn, với trang phục, qua tiếp xúc các buổi chợ, họ thấy được các chất liệu vải có xuất xứ từ Trung Quốc, nhanh hơn, tiện hơn trong quá trình tự dệt vải, nên chắc chắn họ sẽ mua loại vải đó thay thế. Quá trình tự cắt, khâu một một quần áo cho bản thân hiện nay không còn, mà thay vào đó là có một bộ phận người chuyên môn hoá việc cắt, may thành các bộ trang phục. Trang sức của người phụ nữ, cũng được mua sẵn ở ngoài chợ với nhiều hoạ tiết khác nhau. Bên cạnh đó, theo nhu cầu của đồng bào, các bộ quần áo truyền thống của đồng bào Tày cũng được may sẵn và bán ở chợ với những hoa văn hoạ tiết đính kèm rất đẹp và giá cả lại rất hợp lý. Nguồn điện lưới đã về các thôn bản, nên việc tiếp cận với công nghệ thông tin và những thành tựu của thời kỳ công nghệ số đã cơ bản được đồng bào đón chờ và hiện nay, dường như nó trở thành một phần không thể thiếu trong sinh
hoạt tinh thần của đồng bào Tày nơi đây. Do đó, họ có thích lựa chọn xu hướng thời trang mới hơn là trang phục truyền thống của tộc người mình.
Song, trong quá trình tiếp biến với các nền văn hoá, có sự tác động của các yếu tố trên, nó đã làm cho nhiều yếu tố trong nền văn hoá có sự biến đổi hoàn toàn, tức là nó đã bị biến thành cái không phải của chính mình trong quá trình xuất phát, của yếu tố ban đầu. Chẳng hạn, hiện nay số lượng đồng bào Tày ở Thành phố Thái Nguyên giao tiếp bằng tiếng Tày không có nhiều, chỉ có thể xuất hiện ở một số gia đình có cả cha mẹ là người Tày và chỉ xuất hiện ở một số gia đình có ý thức giữa gìn truyền thống của tộc người mình.
Từ đó, vấn đề cần đặt ra hiện nay là: bản thân những người trong tộc người phải tự nhận thức ra những giá trị văn hoá truyền thống của bản thân tộc người mình để hoặc là bổ sung những yếu tố tích cực trên cơ sở của sự phù hợp, hoặc là loại bỏ những yếu tố nào là hạn chế, mang tính chất hủ tục, lạc hậu không phù hợp với lối sống hiện đại của tộc người mình. Cần nhận thức một cách nghiêm túc những yếu tố đó trong quá trình giữ gìn và phát triển. Mặc dầu họ ở lứa tuổi nào, sống ở địa phương nào (thành thị hay nông thôn) thì họ vẫn luôn có vai trò quan trọng trong quá trình giữ gìn và phát huy cái làm nên chất của chính họ.
Thứ hai, hiện tượng “người Kinh hóa người Tày” về mặt hình thức đang xảy ra từ nhiều năm nay, đặc biệt là những năm gần đây. Tức là, do muốn được hưởng lợi từ những chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số (đặc biệt trong các chính sách giáo dục), một số cha mẹ là người Kinh đã cho con em mình xin là con nuôi các gia đình thân thiết là người Tày. Với sự cởi mở trong giao tiếp ứng xử, với tâm lý “thêm con là thêm vui” nên đồng bào người Tày rất dễ dàng trong quá trình tiếp nhận thành viên. Vấn đề đặt ra ở chỗ, về mặt pháp lý là hoàn toàn phù hợp, nhưng những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Tày thì bản thân người được nhận con
nuôi đó thường không tìm hiểu và gia đình người Tày đó chưa có trách nhiệm trong việc giáo dục, truyền đạt lại những giá trị văn hóa truyền thống đó.
Thứ ba, số lượng người lớn tuổi lưu giữ các truyền thống của dân tộc Tày đặc biệt là những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, ngôn ngữ đang bị thu hẹp vì quy luật vô thường của vòng đời. Trong khi họ chưa truyền đạt hết cho các thế hệ sau, nên vấn đề đặt ra là: cần có những chính sách hợp lý với các đối tượng đó.
Thứ tư, mặt trái của kinh tế thị trường tác động đến giá trị văn hoá truyền thống đã làm một bộ phận đồng bào chạy theo lối sống thực dụng, coi trọng đồng tiền, thậm chí một số thanh niên còn coi đó là yếu tố vạn năng, do đó, đã làm suy giảm đạo đức, mất đi những yếu tố nề nếp, gia phong của đạo lý tộc người, của gia đình. Từ đó, vấn đề đặt ra là: cần có những cách thức tuyên truyền, vận động, giáo dục các thế hệ người khác nhau của đồng bào, để bộ phận người bị chi phối bởi mặt trái kinh tế thị trường nhận thức ra những yếu tố truyền thống của tộc người mình và phải có trách nhiệm với cộng đồng tộc người mình nói riêng và toàn thể nền văn hoá Việt Nam nói chung.
Thứ năm, chính sách trong xây dựng và phát triển nền văn hóa ở Việt Nam hiện nay của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, đặc biệt là các chương trình xây dựng mang tính tập thể, như “toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “thôn bản văn hóa”, “làng văn hóa”… đã phần nào đó mai một sự đa dạng và có tính khuôn mẫu quá mức để duy trì và phát triển nền văn hóa của đồng bào Tày ở Thái Nguyên.
Thứ sáu, chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay đang từng bước mang lại lợi ích cho đồng bào tộc người Tày nói riêng và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói chung, song sự tác động của nó cũng có tính hai mặt trong quá trình triển khai các tiêu chí tại địa phương. Cụ thể: những yếu tố quy hoạch của cơ sở vật chất đã có phần nào đó ảnh hưởng đến kiến trúc nhà ở, truyền thống làng bản…
Thứ bảy, thực trạng của quá trình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày ở Thái Nguyên hiện nay vẫn chứa đựng dáng dấp của sự “bao cấp”, dựa trên sự hỗ trợ của Nhà nước là chính mà chưa có sự khơi dậy, phát huy tính chủ động tích cực, tự giác của các chủ thể văn hóa dân tộc. Trên thực tế, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đó luôn có sự gắn bó với vai trò của các chủ thể sinh ra nó và lưu giữ nó.
Như vậy, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày ở Thái Nguyên hiện nay đặt ra nhiều vấn đề, nó vừa mang tính vĩ mô, vừa mang tính vi mô. Việc nhận thức tốt các vấn đề đó sẽ giúp định hướng tốt trong quá trình đưa ra các giải pháp mang tính hệ thống.
Tiểu kết chƣơng 3
Văn hóa là một thực thể, nó có tính lịch sử - cụ thể, mỗi giai đoạn khác nhau lại có sự đan xen các yếu tố khác nhau của quá trình phát triển. Thái Nguyên là một tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi và có sự tiếp xúc, giao thoa từ rất sớm với các nền văn hóa của các tỉnh trong cả nước và với nhiều nước trên thế giới. Thêm nữa, nơi đây thu hút một lượng lớn học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, công nhân tham gia học tập và lao động tại các cơ sở giáo dục và các nhà máy, xí nghiệp, nên họ có sự giao thoa rất mạnh về văn hóa. Do đó, những ảnh hưởng của lối sống công nghiệp tại địa phương này đã tác động không nhỏ đến văn hóa truyền thống của đồng bào Tày và nhiều yếu tố trong văn hóa truyền thống của họ xuất hiện sự biến đổi trong quá trình phát triển.
Qua khảo sát thực trạng, chúng tôi thấy có sự đan xen thành tựu và hạn chế trong quá trình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của họ trong cả hai loại hình, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Chúng đều xuất phát từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Từ đó, nhiều vấn đề đặt ra đang tồn tại đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống tộc người Tày nơi đây, đòi hỏi cần phải có những quan điểm và giải pháp phù hợp trong