Vài nét về điều kiện tự nhiên, lịch sử tỉnh Thái Nguyên

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên hiện nay (Trang 89 - 93)

7. Kết cấu của luận án

3.1. Khái quát về tỉnh Thái Nguyên

3.1.1. Vài nét về điều kiện tự nhiên, lịch sử tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên là một tỉnh ở Đông Bắc Việt Nam, tiếp giáp với thủ đô Hà Nội và là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội. Hiện nay, Thái Nguyên đang được nghiên cứu để trở thành vùng kinh tế trọng điểm Bắc thủ đô Hà Nội. Đây được coi là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Về điều kiện tự nhiên, tỉnh Thái Nguyên có diện tích 3.562,82 km² phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn, phía Tây giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, phía Đông giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và phía Nam tiếp giáp với thủ đô Hà Nội. Tỉnh Thái Nguyên cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km, cách biên giới Trung Quốc 200 km, cách trung tâm Hà Nội 75 km và cảng Hải Phòng 200 km. Với vị trí địa lý là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, giáo dục của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng Trung du miền núi phía Bắc nói chung, Thái Nguyên là cửa ngõ giao lưu kinh tế-xã hội giữa vùng Trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Thái Nguyên có nhiều dãy núi cao chạy theo hướng Bắc - Nam và thấp dần xuống phía Nam. Cấu trúc vùng núi phía Bắc chủ yếu là đa phong hóa mạnh, tạo thành nhiều hang động và thung lũng nhỏ. Đây là một tỉnh Trung du miền núi nhưng địa hình lại không phức tạp nhiều so với các tỉnh Trung du, miền núi khác, đây là một thuận lợi của Thái Nguyên cho canh tác nông lâm nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội nói chung so với các tỉnh Trung du miền núi khác.

Nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, nhưng do địa hình nên khí hậu Thái Nguyên vào mùa đông được chia thành 3 vùng rõ rệt: Vùng lạnh nhiều nằm ở phía bắc huyện Võ Nhai. Vùng lạnh vừa gồm các huyện Định Hóa, Phú Lương và phía nam huyện Võ Nhai. Vùng ấm gồm: Thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên và các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, Đại Từ. Nhiệt độ trung bình của Thái Nguyên là 25°C; chênh lệch giữa tháng nóng nhất (tháng 6: 28,9 °C) với tháng lạnh nhất (tháng 1: 15,2 °C) là 13,7 °C. Tổng số giờ nắng trong năm dao động từ 1.300 đến 1.750 giờ và phân phối tương đối đều cho các tháng trong năm. Khí hậu Thái Nguyên chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 10 đến tháng 5. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.000 đến 2.500 mm; cao nhất vào tháng 8 và thấp nhất vào tháng 1. Nhìn chung khí hậu tỉnh Thái Nguyên thuận lợi cho phát triển ngành nông, lâm nghiệp.

Với những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, khí hậu như đã đề cập, Thái Nguyên là tỉnh có nhiều tài nguyên được thiên nhiên ưu đãi. Địa hình không quá cao, sông ngòi không quá dốc, thiên nhiên thuận hoà; vị trí địa lý thuận lợi, là trung tâm của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là nơi giao lưu, hội ngộ của nhiều nền văn hoá với các yếu tố văn hoá đa dạng và phong phú. Vì thế, đồng bào các dân tộc nơi đây nói chung và đồng bào dân tộc Tày nói riêng từ ngàn xưa đã có tạo lập một bề dày lịch sử và bề dày văn hóa độc đáo, mang tính bản địa cao.

Về lịch sử, từ xa xưa, Thái Nguyên đã là nơi sinh sống của người Việt cổ. Nhiều dấu tích đã chứng tỏ Thái Nguyên là cái nôi của người Việt cổ, như: Trên địa bàn hang Ốc thuộc xã Bình Long, khu vực Mái Đá Ngườm thuộc xã Thần Sa…

Thái Nguyên xưa thuộc bộ Vũ Định, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Vào thế kỷ thứ III, Thái Nguyên thuộc huyện Vũ Định, sau đổi tên thành huyện Long Bình. Đến thế kỷ thứ VII được gọi là huyện Vũ Bình, rồi

thành châu Thái Nguyên dưới đời nhà Lý. Cuối thế kỷ XIV, châu được đổi thành trấn, năm 1407 đổi lại thành châu, sang 1408 thì trở thành phủ, năm 1677 trở thành trấn. Đến năm 1902, triều đình mới cử quan chức trấn nhiệm Thái Nguyên, đặt doanh sở ở Ngọc Hà. Kể từ khi nhà Lý định đô ở Thăng Long, Thái Nguyên đã trở thành phên giậu trực tiếp che chở phía Bắc kinh thành. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống năm 1076-1077, phần đất phía nam Thái Nguyên từng là địa đầu của phòng tuyến sông Cầu, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quan quân nhà Lý với Nhà Tống.

Đầu thế kỷ 15, nhà Minh đem quân sang Việt Nam, dân chúng Thái Nguyên lại liên tiếp đứng lên khởi nghĩa. Tiêu biểu là Lưu Nhân Chú, người huyện Đại Từ, ông cùng cha và anh rể đã tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Vào thời nhà Nguyễn, Thái Nguyên là nơi nổ ra nhiều phong trào khởi nghĩa nông dân chống lại quan lại phong kiến. Người dân Thái Nguyên từng tham gia các cuộc khởi nghĩa của Dương Đình Cúc, Nông Văn Vân.

Cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, đất Thái Nguyên là địa bàn hoạt động thường xuyên, là hậu cứ của Hoàng Hoa Thám. Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do Trịnh Văn Cấn (ông làm chức đội lính khố xanh nên còn gọi là Đội Cấn) và Lương Ngọc Quyến đã nổ ra và đêm ngày 30 tháng 8 năm 1917, nghĩa quân đã chiếm được tỉnh lị. Tuy nhiên, sau đó thực dân Pháp đem viện binh từ Hà Nội lên tấn công khiến nghĩa quân phải bỏ Thái Nguyên và rút về Vĩnh Yên rồi bị dập tắt sau đó. Tỉnh Thái Nguyên được thành lập vào năm Minh Mệnh thứ 12 (ngày mùng 1 tháng 10 âm lịch, tức ngày ngày 4 tháng 11 năm 1831), tỉnh Thái Nguyên khi đó giáp với các tỉnh: Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Sơn Tây.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiều Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ thường xuyên qua lại hoạt động, phát triển lực lượng ở Thái Nguyên. Năm 1947, Hồ Chí Minh đã

tới Thái Nguyên và lãnh đạo cuộc Kháng chiến chống Pháp từ căn cứ chính tại ATK Định Hóa. Cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định mở Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, Chiến cục đông-xuân 1953-1954 cũng như quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử và hàng loạt sự kiện quan trọng khác. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Thái Nguyên đã chung sức đồng lòng cùng nhân dân miền Nam và nhân dân cả nước để chống lại đế quốc xâm lược. Khi đất nước thống nhất (30/04/1975), Thái Nguyên đã chung tay cùng nhân dân cả nước tiến hành công cuộc khôi phục hậu quả chiến tranh và tiến hành xây dựng đất nước.

Trước đổi mới, với cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp; với quan hệ đối ngoại “dè dặt”, khép kín trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa; quá trình công nghiệp hoá đã được Đảng ta phát động từ Đại hội III (tháng 09/1960), nhưng chỉ là đẩy mạnh phát triển công nghiệp nặng… Tất cả những chính sách đó của Đảng ta dường như đã có sự phù hợp trong bối cảnh lịch sử lúc đó. Nhưng hiện nay trong xu thế phát triển chung của thế giới thì đường lối đó không còn phù hợp. Bởi lẽ, các mối quan hệ quốc tế đã có sự đổi thay quá nhiều.

Với việc lựa chọn con đường đổi mới đất nước (từ 1986 đến nay), 30 năm qua, đất nước đã có nhiều sự thay đổi trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, đến văn hoá - xã hội. Đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Con đường đổi mới đất nước được dựa trên sự đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; quá trình hội nhập, mở cửa đất nước và thực hiện nền kinh tế thị trường - công cụ, phương tiện cơ bản của sự thành công trong đổi mới. Những yếu tố đó luôn là sự tác động hai chiều trong quá trình phát triển đất nước, vừa thể hiện sự tích cực đồng thời bộc lộ những mặt hạn chế trong quá trình phát triển. Điều đó được thể hiện rõ nét trong vấn đề giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên hiện nay (Trang 89 - 93)