Khái niệm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên hiện nay (Trang 50 - 53)

7. Kết cấu của luận án

2.1.2. Khái niệm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc

Tày ở Thái Nguyên

“Giữ gìn” là làm cho sự vật đó tồn tại mà không bị mất đi, nó còn nguyên vẹn khi có những yếu tố khác tác động. Khái niệm “giữ gìn” là khái niệm có nội hàm gần với khái niệm “bảo tồn”, khái niệm “bảo vệ”. “Bảo tồn” tức là làm cho nó không bị mất đi, theo Trần Ngọc Thêm “giữ không để cho mất”. “Bảo tồn văn hoá dân tộc không có nghĩa là ôm khư khư lấy vốn cổ không cho nó thay đổi, trái lại, phải luôn làm cho nó lớn mạnh hơn, giàu có hơn, bổ sung cho nó những yếu tố mới, tức là phát triển nó” [86; tr.589]. Sự giống nhau giữa “giữ gìn” và “bảo tồn” là cùng làm cho văn hoá có sự phát triển, ở đó có sự bổ sung, có sự kế thừa. Song, sự khác biệt của chúng là ở chỗ: “bảo tồn” chỉ bổ sung, làm giàu thêm mà không có sự chắt lọc các yếu tố phù hợp với thực tại và tương lai; còn “giữ gìn” tức là vừa có sự kế thừa những yếu tố tích cực của các giai đoạn cũ, vừa có sự thay thế, loại bỏ và tiếp thu những yếu tố mới, làm cho nó càng ngày càng giàu có hơn, đa dạng hơn, phong phú hơn nhưng phải dựa trên những nền tảng của cái cũ, cái cốt yếu trong nền văn hoá đó.

Giữa “bảo vệ” và “giữ gìn” trong văn hoá cũng có sự giống nhau và khác nhau. “Bảo vệ” là giữ gìn toàn bộ những gì văn hoá có, nó không làm thay đổi bất cứ một chi tiết, một yếu tố nào trong đó, và theo như Trần Ngọc Thêm:

“giữ nguyên trạng không cho biến đổi” [93, tr. 589]. Tuy nhiên, “giữ gìn văn hoá” chỉ kế thừa những yếu tố phù hợp với thực tại của nền văn hoá. Nó không phải là một phạm trù cứng nhắc trong quá trình tồn tại, mà nó có sự linh hoạt, tức là giữ gìn những yếu tố hay, đẹp của nền văn hoá trong quá trình tồn tại và phát triển.

“Phát huy” là phạm trù chỉ những sự lan toả, nhân rộng những cái hay, cái tốt trong quá trình tồn tại của sự vật. Phát huy là phát triển những yếu tố đã có sẵn, được kế thừa, được giữ lại từ những giai đoạn trước và phát triển nó phù hợp với những giai đoạn tiếp theo. Phát huy giá trị văn hóa truyền thống nghĩa là làm cho những yếu tố tốt đẹp, tích cực, hợp lý của văn hóa truyền thống đó được phát triển trong đời sống thực tại của con người.

Như vậy, qua quá trình nghiên cứu, bước đầu chúng tôi nhận thức về “Giữ gìn và phát huy” là sự duy tồn sự vật cũ trên cơ sở giữ lại những yếu tố tích cực, tiến bộ của nó và được bổ sung, làm giàu thêm những yếu tố đó cho phù hợp với điều kiện mới, mà không làm mất đi những giá trị vốn có của nó.

Sự vận động, phát triển của sự vật trải qua những giai đoạn khác nhau, có những yếu tố trong giai đoạn này là phù hợp nhưng trong giai đoạn khác nó lại trở thành cản trở của sự phát triển của sự vật. Do đó, bản thân sự vật luôn có sự sàng lọc, sự phủ định các yếu tố bất hợp lý. Nhưng sự phủ định đó, không phải là phủ định sạch trơn những yếu tố cũ, mà ở nó sự thay đổi, sự thanh lọc, sự loại bỏ những yếu tố cũ và làm cho nó hoàn bị với những yếu tố tích cực, tiến bộ, nhưng tuyệt nhiên cái cũ không được đánh mất hoàn toàn. Tức là, phải có quan điểm phủ định biện chứng ở sự vận động đó.

Giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống là làm cho những giá trị của nền văn hoá đó không bị mai một đi trong những điều kiện và hoàn cảnh mới qua nhiều thời đoạn khác nhau nó vẫn giữ lại những giá trị tích cực, mang nét đặc trưng trong mỗi nền văn hoá đó. Từ đó, những giá trị đó không làm pha trộn nền văn hoá của dân tộc này với dân tộc khác. Tức là, bên cạnh

những cái truyền thống của nó, giá trị văn hoá của dân tộc đó còn được bổ sung cho phù hợp trong quá trình phát triển của nó. Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử nhưng vẫn chứng minh được bản sắc văn hóa của riêng mình, song cũng không ngừng tiếp thu những yếu tố tích cực, tiến bộ, văn minh của các nền văn hóa khác trong khu vực và trên thế giới mà không có sự đồng hóa khi có sự thống trị liên tiếp của các thế lực lớn trong lịch sử.

Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày ở Thái Nguyên là giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đã được hình thành từ lâu đời của tộc người Tày sinh sống ở địa phương này với những yếu tố tiêu biểu được thể hiện như: Lòng yêu nước chân thành, sự cố gắng hết mình để giữ gìn, bảo vệ non sông đất nước; tinh thần hiếu học; sự cởi mở trong giao tiếp, ứng xử; sống chan hòa, thân thiện, nhân ái; coi trọng những yếu tố truyền thống của gia đình, của dòng họ (như: lễ tết, thờ cúng tổ tiên, văn hóa ẩm thực, v.v.). Trong bối cảnh hiện nay, những giá trị đó lại càng cần thiết cho quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Thái Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Chúng ta không thể thiếu những giá trị văn hóa cơ bản và cốt lõi của văn hóa truyền thống trong sự phát triển. Thực hiện quá trình hợp tác, giao lưu với các địa phương phát triển khác trong nước và với các quốc gia trên thế giới, người Tày cũng như đồng bào các dân tộc khác ở Thái Nguyên không thể không có sự tiếp biến về văn hóa. Nếu sự tiếp biến những yếu tố tích cực để loại bỏ những yếu tố lạc hậu, kém phát triển của mình thì là điều rất nên làm. Nhưng ngược lại, nếu tiếp biến theo cách bỏ toàn bộ những gì thuộc về cái vốn có của nền văn hóa mình là điều không nên. Hoặc là, tiếp thu các yếu tố thuộc về phản giá trị, sẽ trở thành nguy hại cho nền văn hóa truyền thống. Do đó, việc xác định nội dung của sự giữ gìn và phát huy các yếu tố truyền thống của tộc người Tày ở Thái Nguyên trong bối cảnh hiện nay là điều vô cùng quan trọng và cấp bách.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên hiện nay (Trang 50 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)