Vài nét về người Tày tỉnh Thái Nguyên

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên hiện nay (Trang 93 - 97)

7. Kết cấu của luận án

3.1. Khái quát về tỉnh Thái Nguyên

3.1.2. Vài nét về người Tày tỉnh Thái Nguyên

Theo nhóm tác giả cuốn sách: “Nguồn gốc lịch sử tộc người vùng biên giới phía Bắc Việt Nam” của Nguyễn Chí Huyên, Hoàng Hoa Toàn và Lương Văn Bảo, người Tày là cư dân đã được hình thành từ cuối thiên niên kỷ thứ nhất của Công nguyên [58, tr.80] và cùng nằm trong khối Bách Việt. Nhiều ý kiến cho rằng, người Tày thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái có nguồn gốc lịch sử với người Bách Việt cổ đại [58, tr.39-40]. Trong cùng nhóm ngôn ngữ, người Tày có quan hệ mật thiết với người Nùng. Cho nên, có không ít các học giả với các công trình nghiên cứu gọi Tày - Nùng là một tộc danh. Ngày nay, trong nghiên cứu đã có sự thống nhất quan điểm cho rằng dân tộc Tày là một bộ phận của nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, có địa bàn cư trú ở khu vực Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam [58, tr.40].

Theo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, tỉnh Thái Nguyên có 46/54 dân tộc chung sống, trong đó có 8 dân tộc có số dân nhiều nhất (Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, H’Mông và Hoa). Dân tộc Tày đứng thứ 2, chiếm 11% dân số toàn tỉnh và có mặt ở hầu khắp các xã, huyện trong tỉnh. Người Tày tập trung chủ yếu ở các huyện: Định Hoá, Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai (Xem Phụ lục 2).

Người Tày là đồng bào thường sinh sống ở các khu vực thung lũng, lòng chảo, thung lũng các dòng sông, nơi đất tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho quá trình sản xuất nông nghiệp, thuận lợi cho giao thông đi lại và tương đối dễ tiếp xúc với bên ngoài. Thêm nữa, đất đai của tỉnh Thái Nguyên phần lớn là trung du và vùng núi thấp. Với đặc điểm về khu vực sinh tồn, người Tày tỉnh Thái Nguyên rất ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt trong các trận “đại hồng thuỷ” của thiên nhiên. Cũng giống như người Tày cư trú ở các tỉnh khác trong cả nước, người Tày tỉnh Thái Nguyên có đặc điểm văn hoá đặc trưng của dân tộc mình. Về đặc điểm kinh tế, cũng giống như đồng bào Tày trong cả nước, người Tày ở Thái Nguyên chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong

đó trồng trọt và chăn nuôi chiếm ưu thế. Họ chủ yếu trồng các loại cây lương thực như lúa, ngô, sắn… Địa điểm canh tác của họ thường là những cánh đồng nhỏ màu mỡ nằm hai bên bờ suối. Tên các cánh đồng đó thường được bắt đầu bằng từ “nà” như Nà Chằm, Nà Luông, Nà Phai,… Ngoài ra họ còn phát nương trồng lúa nương, ngô nương. Người Tày cư trú ở khu vực có đất đai phì nhiêu, phù hợp với nhiều loại cây trồng, nên ngoài các loại cây lương thực, địa chất Thái Nguyên còn phù hợp với trồng cây công nghiệp như cây chè (một số vùng chè đặc sản của Thái Nguyên như: Tân Cương, Trại Cài, La Bằng…); các loại cây ăn quả cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao như cây bưởi, cây nhãn, cây vải…, trong đó cây chè được coi là thế mạnh của tỉnh nói chung và của người Tày nơi đây nói riêng.

Trong quan hệ các dân tộc ở Việt Nam nói chung và ở Thái Nguyên nói riêng, người Tày và người Nùng có nhiều điểm tương đồng về mọi mặt. Do địa bàn cư trú truyền thống ở những khu vực được thiên nhiên ưu đãi, khiến cho vùng Việt Bắc trở thành tiềm năng to lớn mọi mặt để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt thuận lợi cho việc canh tác lúa nước. Do đó, trình độ canh tác lúa nước của người Tày không thua kém gì so với người Kinh ở vùng xuôi. Hoạt động sản xuất của người Tày: là cư dân nông nghiệp có truyền thống làm ruộng nước, từ lâu đời đã biết thâm canh và áp dụng rộng rãi các biện pháp thủy lợi như đào mương, bắc máng, đắp phai, làm cọn lấy nước tưới ruộng. Họ có tập quán đập lúa ở ngoài đồng trên những máng gỗ mà họ gọi là loỏng rồi mới dùng dậu gánh thóc về nhà. Ngoài lúa nước, người Tày còn trồng lúa khô, hoa màu, cây ăn quả... Chăn nuôi phát triển với nhiều loại gia súc, gia cầm, nhưng cách nuôi thả rông cho đến nay vẫn là phổ biến. Các nghề thủ công gia đình vẫn được chú ý. Đây là nghề phụ trong gia đình, không có thợ chuyên nghiệp và đồng bào chỉ làm các nghề thủ công trong thời gian nông nhàn. Nghề thủ công của người Tày ở Thái Nguyên rất đa dạng, bao gồm: dệt, đan lát, mộc, ép dầu cọ, rèn… Nghề rèn, đúc ở đồng bào

Tày nơi đây rất phát triển. Nó là một nghề gia truyền và được lưu truyền cho các thế hệ sau. Ngoài việc rèn đúc các công cụ lao động trong sản xuất nông nghiệp, đồng bào còn làm các công cụ sinh hoạt trong đời sống hàng ngày như dao, xoong, nồi. Nổi tiếng nhất là nghề dệt thổ cẩm với nhiều hoa văn và họa tiết đẹp và độc đáo. Với những điều kiện đó, đồng bào dân tộc Tày chủ yếu sản xuất nông - lâm nghiệp; phương thức sản xuất của họ chủ yếu là thủ công, truyền thống.

Vài nét về văn hóa tín ngưỡng, người Tày Thái Nguyên chủ yếu theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, trong ngôi nhà của họ bàn thờ luôn được đặt ở nơi trang trọng nhất của ngôi nhà. Trong gia đình có bất cứ công việc gì xảy ra thì gia chủ đều phải khấn báo với gia tiên. Tuy nhiên, sự tiếp biến về văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng của người Tày còn chịu ảnh hưởng của tôn giáo như Phật, Đạo, Nho.

Với Phật giáo, người Tày quan niệm Phật là đấng cứu thế luôn mang đến điều tốt lành cho con người, trong tâm thức của họ ngài Thích Ca Mâu Ni đã chuyển hóa thành Mẹ Pựt Xích Ca (Mẹ Phật Thích Ca), việc chuyển hóa này xuất hiện trong những câu chuyện kể về Pựt Luông. Phật giáo của người Tày không tồn tại rõ nét theo kiểu xây dựng chùa chiền, thắp hương đèn nến, thờ Phật và có hệ thống sư sãi phật tử cúng bái hằng ngày mà Phật giáo quyện lẫn vào trong tín ngưỡng dân gian. Những người làm Then họ phải có bát hương thờ Phật. Ngoài ra, đồng bào còn tiếp nhận các giới thuyết, đạo lý thông thường của Phật giáo như: quy luật nhân quả, nhân duyên, luân hồi… để xây dựng những phẩm chất và các mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, giữa đạo với đời. Có lẽ, do những ảnh hưởng từ trên từ Phật giáo, bản chất của người Tày ở Thái Nguyên cũng giống như người Tày ở các địa phương khác đó là sự thật thà, đôn hậu, sống chân thành, không có sự lừa lọc người khác, họ coi người khác cũng chính là mình.

Với Đạo giáo, Người Tày tiếp thu quan niệm từ Đạo giáo và cho rằng thế giới có ba cõi: thiên đình (trên trời là nơi Ngọc hoàng sinh sống), trần gian (mặt đất là nơi con người và vạn vật sinh sống) và âm phủ dưới mặt đất là cõi do Diêm Vương ngự trị. Bên cạnh sự ảnh hưởng của Thầy Tào, Thầy Then, Đạo giáo còn tồn tại dưới các dạng như cúng bái trừ tà diệt quỷ, cầu bình an chữa bệnh, bói toán… Điều đó càng chứng tỏ sự ảnh hưởng sâu đậm của Đạo giáo tới đời sống tín ngưỡng của đồng bào Tày - Nùng.

Sự ảnh hưởng của Nho giáo đối với đồng bào qua việc thờ phụng cha mẹ, cha mẹ là người có quyền quyết định mọi việc trong gia đình kể cả việc cưới xin của con cái. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, bàn thờ tổ tiên luôn được đặt nơi trang trọng nhất trong gia đình, ngoài ra đồng bào còn thờ Thành hoàng làng, thờ Thổ công. Trước đây, sự ảnh hưởng của Nho giáo đối với việc dựng vợ gả chồng cho con em trong bản là “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”, tức là cha mẹ là người sắp xếp, cưới hỏi, sinh con đẻ cái, có sự định hướng cho thế hệ sau (Tuy nhiên, ngày nay quan niệm này đã bị phê phán và dần được thay thế bởi quyền tự do lựa chọn yêu đương của các bạn nam nữ). Tư tưởng trọng nam khinh nữ ở đồng bào Tày cũng bị ảnh hưởng từ đây. Việc sinh con trai để còn nối dõi tông đường và nhờ cậy khi về già đã từng tồn tại. Con trai mới được chia của cải, con trai mới được phép thắp hương lên bàn thờ gia tiên, con trai mới được đem lễ vật đến Thổ Công cúng trong các ngày lễ như mùng 1 - 2 tết Nguyên đán, tết mùng 3 tháng 3, mùng 5 tháng 5 âm lịch… Hơn thế, do cộng đồng người Tày, người Nùng phải mượn chữ Hán ghi lại âm tiếng Tày, Nùng (Nôm Tày, Nôm Nùng) nên việc họ chịu ảnh hưởng rõ nét của Nho giáo là không thể tránh khỏi và càng góp phần làm cho đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của họ phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Ngoài ra trong mỗi bản làng do ảnh hưởng của Nho giáo nên việc học hành luôn được coi trọng, chính các Thầy Tào là những tri thức của bản làng

và được mọi người kính trọng. Ngoài ra các thuyết của Nho giáo như nhân nghĩa, trung quân ái quốc, tam tòng tứ đức… đã ăn sâu vào đời sống của đồng bào, điều này thể hiện qua việc vợ là phải theo nhà chồng, hoàn toàn phụ thuộc vào nhà chồng; thuyết trung quân ái quốc đã góp phần hun đúc lòng yêu nước và sự trung nghĩa của đồng bào góp phần vào công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Bên cạnh sự tiếp xúc với nền văn hóa Nam Á, trong tiến trình chung của sự phát triển, cộng đồng người Tày còn có sự tiếp xúc với tôn giáo phương Tây, cụ thể là Kito giáo (Trong suốt thời kỳ chống đế quốc thực dân cho đến nay, đồng bào Tày cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây trong quá trình tiếp xúc, thậm chí có nhiều yếu tố đã có sự thay đổi). Nhưng, do những vấn đề thuộc về đặc thù tộc người, cho đến nay, sự ảnh hưởng của Kito giáo vào tâm thức của đồng bào vẫn chưa có gì đáng kể.

Như vậy, với vị trí địa lý, khí hậu, nguồn gốc xuất thân, sự tiếp biến trong văn hóa của người Tày đã cho thấy rõ cơ sở sinh tồn của người Tày trong lịch sử của người Tày ở Thái Nguyên. Các yếu tố thuộc về văn hóa cũng được hình thành và phát triển mang đậm nét riêng biệt của đồng bào. Từ những vùng núi thấp, những thung lũng hẹp, những cánh rừng già, những con sông suối nhiều sản vật… tất cả chúng đã làm nên tri thức bản địa đa dạng của người Tày nơi đây.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên hiện nay (Trang 93 - 97)