Khái niệm giá trị văn hóa truyền thống

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên hiện nay (Trang 45 - 50)

7. Kết cấu của luận án

2.1.1. Khái niệm giá trị văn hóa truyền thống

2.1.1.1. Khái niệm giá trị

Thuật ngữ “giá trị” có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp là axios. Giá trị theo tiếng Anh, có hai thuật ngữ valueworth. Song, nghĩa của hai từ này có sự khác nhau: value có nghĩa là giá trị, giá cả, worth có hàm nghĩa cả giá trị và phẩm giá, phẩm chất. Hiện nay, trong các tài liệu khoa học, thuật ngữ value

được dùng bao hàm cả hai nghĩa trên. Tuy nhiên, mỗi ngành khoa học lại có cách tiếp cận khác nhau nên thuật ngữ giá trị cũng chứa đựng các nội dung khác nhau tùy theo mục đích nghiên cứu.

Giá trị là đại lượng có thể thay đổi được trong Toán học. Trong Kinh tế học, giá trị là: một khái niệm trừu tượng, là ý nghĩa của sự vật trên phương diện phù hợp với nhu cầu của con người. Tạm thời có thể xem giá trị kinh tế của sự vật liên quan mật thiết đến ba mặt chính yếu của nhu cầu là sản xuất, tiêu thụ, sở hữu, của chủ thể kinh tế ở bất kỳ cấp bậc nào (cá nhân, công ty, nhà nước, toàn thế giới).

Trong Văn hóa học:

“Giá trị là hệ thống những đánh giá mang tính chủ quan của con người về bất cứ một hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng những cái đó là cần, là tốt, là hay, là đẹp, nói theo cách của các nhà triết học phương Tây một thời, đó chính là những cái được con người cho là chân, thiện, mỹ, giúp khẳng định và nâng cao bản chất con người. Một

khi những nhận thức giá trị ấy đã hình thành và định hình thì nó chi phối cách suy nghĩ, niềm tin, hành vi, tình cảm của con người” [96, tr.22].

Trong Triết học, theo tác giả Nguyễn Trọng Chuẩn: “nói đến giá trị tức là muốn khẳng định mặt tích cực, mặt chính diện, nghĩa là đã bao hàm quan điểm coi giá trị gắn với cái đúng, cái tốt, cái hay, cái đẹp; là nói đến cái có khả năng thôi thúc con người hành động và nỗ lực vươn lên” [9].

Giá trị ở mỗi ngành khoa học khác nhau, với mỗi mục đích nghiên cứu khác nhau đều có những quan niệm khác nhau. Giá trị là yếu tố luôn tồn tại trong mối quan hệ với nhu cầu và hoạt động của con người. Mọi giá trị đều chứa đựng yếu tố nhận thức, thái độ và hành vi của chủ thể trong mối quan hệ với sự vật mang giá trị. Do đó, khi đã ý thức được giá trị của sự vật, con người sẽ có cách thức xử lý phù hợp đối với sự vật, hiện tượng đó.

Như vậy, phạm trù giá trị là phạm trù có hình thức biểu hiện rất phong phú và đa dạng tuỳ thuộc vào sự đa dạng trong nhu cầu của con người. Giá trị bao gồm cả giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Giá trị đóng vai trò quan trọng trong đời sống của con người. Nó mang đến sự định hướng, điều chỉnh các mối quan hệ trong thực tiễn của con người. Các giá trị khi được nhận thức, nó trở thành cái có ý nghĩa trong mọi hoạt động của con người, biểu thị với tư cách là mục đích và phương thức ứng xử lý tưởng được chủ thể đặt ra trong thực tiễn.

2.1.1.2. Khái niệm văn hóa và khái niệm văn hóa tộc người

Cho đến nay, khái niệm văn hoá vẫn là một khái niệm đa nghĩa, phức tạp, khó xác định, được dùng với nhiều nghĩa rộng hẹp khác nhau trong cả các lĩnh vực khoa học cho đến đời sống thường ngày của con người. Do đó, cho đến nay trên thế giới có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau về văn hóa. Ở Việt Nam, nhiều học giả nghiên cứu về văn hóa cũng đưa ra định nghĩa của

mình, như Trần Văn Giàu, Vũ Khiêu, Trần Quốc Vượng, Trần Ngọc Thêm, Hồ Sĩ Quý…

Theo Hoàng Xuân Lương: “Văn hóa là năng lực sáng tạo, là thái độ, phương thức sống, phương thức hoạt động, tính nhân đạo của con người trong quá trình sản xuất, đấu tranh làm nên các giá trị vật chất, tinh thần, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người” [70, tr. 20].

Theo Đỗ Huy: “Có thể nói, văn hóa chính là tổng thể các giá trị do con người sáng tạo ra, đó là các giá trị vật chất, các giá trị tinh thần và bản thân sự phát triển của con người” [56, tr. 17].

Trong Tuyên bố chung của UNESCO về tính đa dạng của văn hóa, năm 2002, Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) đã đưa ra định nghĩa: “Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”.

Như vậy, văn hoá là một lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội; là toàn bộ các giá trị về vật chất và tinh thần được hình thành, phát triển trong quá trình hoạt động thực tiễn và hoạt động nhận thức của loài người và được duy trì, bảo tồn phát huy qua các thế hệ nối tiếp nhau; văn hoá có chức năng như là một khuôn mẫu, chuẩn mực quy định các hành vi xã hội của con người và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.

Mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng trong quá trình sinh tồn của mình. Nó được hình thành trong những điều kiện lịch sử - cụ thể của một chủ thể văn hóa nhất định và đó là nét đặc thù phong cách sống của mỗi dân tộc đó. Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về văn hóa tộc người, chẳng hạn, theo tác giả Nguyễn Thị Song Hà:

“Văn hóa tộc người được hiểu là tổng thể những yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể giúp cho việc phân biệt tộc người này với tộc người khác, các nhóm khác. Chính văn hóa tộc người là nền tảng làm nảy sinh và phát triển của ý thức tự giác tộc người. Văn hóa tộc người là tổng thể những yếu tố văn hóa mang tính đặc trưng và đặc thù tộc người, nó thể hiện chức năng cố kết tộc người. Những truyền thống này được hình thành lâu dài trong lịch sử gắn liền với hoàn cảnh kinh tế, xã hội và môi trường địa lý tự nhiên trong đời sống của từng dân tộc, nhưng sau khi xuất hiện, chúng trở nên bền vững và được duy trì lâu bền, thậm chí, ngay cả khi hoàn cảnh sống của tộc người có những thay đổi mạnh mẽ” [42, tr.20].

Qua sự tìm hiểu về văn hóa tộc người, bước đầu chúng tôi nhận thức: Văn hóa tộc người là văn hóa riêng của tộc người đó, nó được hình thành trên cơ sở sinh tồn của họ, trải qua những quá trình lịch sử khác nhau những đặc trưng đó vẫn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

2.1.1.3. Khái niệm giá trị văn hóa truyền thống

Văn hóa được sản sinh ra trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người. Văn hóa trong mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau, nó là cái phản ánh con người trong quá trình sinh tồn và phát triển ở thời kỳ lịch sử đó. Từ những điều kiện đó, nó hình thành nên giá trị văn hóa, và khi nó đạt đến hệ giá trị văn hóa thì nó lại có vai trò khác nhau vai trò định hướng cho các mục tiêu, phương thức và hành động của con người trong các xã hội ấy. Vì vậy, khi nói bản chất của giá trị hay nói tới vai trò định hướng, chi phối, điều tiết của hệ giá trị thì về thực chất chúng ta đang nói tới mối quan hệ đa chiều của con người.

Truyền thống là những yếu tố đã ăn sâu, bám rễ vào cộng đồng người. Tác giả Nguyễn Trọng Chuẩn khẳng định: “truyền thống - đó là những yếu tố

di tồn của văn hoá, xã hội thể hiện trong chuẩn mực hành vi, tư tưởng, phong tục, tập quán, thói quen, lối sống và cách ứng xử của một cộng đồng người được hình thành trong lịch sử và đã trở nên ổn định, được truyền từ đời này sang đời khác và được lưu giữ lâu dài” [10, tr. 9].

Có thể nhiều người cho rằng: truyền thống là cái cũ, là cái thuộc về lịch sử, nó đã từng tồn tại trong quá khứ, nên thường cho rằng nó sẽ là không phù hợp với hiện thực. Tuy nhiên, bản chất của “truyền thống” luôn có hai mặt, cả mặt tốt và mặt xấu. Không phải truyền thống nào cũng là tốt vì nó vẫn chứa đựng cả những hủ tục lạc hậu, thậm chí cả các nhân tố của sự phát triển. Tức là, truyền thống cũng có tính lịch sử - cụ thể. Theo tác giả Hồ Sĩ Quý: “Bởi vậy, giá trị của truyền thống về thực chất là cái nằm trong quan hệ giữa hiện tại với quá khứ. Con người của xã hội hiện tại có thái độ như thế nào đối với quá khứ, hay nói cách khác, xã hội hiện tại cần quá khứ ở mức độ nào, chính điều này quy định giá trị của truyền thống” [85, tr. 58].

Như vậy, giá trị truyền thống là những yếu tố tích cực, những cái hay, cái đẹp, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Giá trị văn hóa truyền thống là những yếu tố cơ bản của nền văn hóa, nó được thử thách qua thời gian, trong những không gian khác nhau, nó trải qua sự chắt lọc qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, những yếu tố hợp lý là yếu tố được giữ lại và tiếp tục được nuôi dưỡng và phát triển. Nó phải được thể hiện trong sự tiếp biến của quá trình giao lưu, hội nhập với các nền văn hóa khác. Do đó, cái cốt yếu đó không bao giờ thay đổi trong mọi hoàn cảnh. Theo tác giả Ngô Đức Thịnh:

“Giá trị văn hoá của mỗi cộng đồng (tộc người, quốc gia...) bao giờ cũng tạo nên một hệ thống, với ý nghĩa là các giá trị ấy nảy sinh, tồn tại trong sự liên hệ, tác động hữu cơ với nhau. Chúng ta nói hệ giá trị (Value System) hay bảng giá trị văn hoá của mỗi cộng đồng thì thường hàm hai ý nghĩa: 1) Các giá trị riêng lẻ liên kết nhau tạo nên một hệ thống các giá trị, 2) Có sự sắp đặt trước sau, độ nhấn về tầm

quan trọng của từng nhân tố giá trị trong một bảng giá trị. Thí dụ, với người Việt Nam thì chủ nghĩa yêu nước là nhân tố hàng đầu trong bảng (hệ) giá trị dân tộc, nhưng với người Nhật Bản hay một số dân tộc khác thì có thể chủ nghĩa yêu nước lại được xếp ở các vị trí khác... Thường thì nhiều dân tộc đều có chung những giá trị, như yêu nước, cần cù, tính cộng đồng..., tuy nhiên, trong từng hệ giá trị của mỗi dân tộc thì việc xếp đặt thứ tự ưu tiên, độ nhấn của từng yếu tố giá trị ấy trong bảng giá trị thì có thể khác nhau” [96, tr. 23].

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên hiện nay (Trang 45 - 50)