Chương 3 : NỘI DUNG CỦA TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG PHÚC ÂM
4.1. nghĩa của triết lý nhân sinh trong Phúc âm đối với lối sống của tín đồ
của tín đồ Công giáo Việt Nam
Ở chương 3, tác giả đã trình bày hai khái niệm lẽ sống và lối sống của tín đồ Công giáo và có chú ý về sự khác nhau giữa chúng khi khái niệm lẽ sống được nhấn mạnh tới mục đích và nguyên tắc sống, thì lối sống lại nhấn mạnh tới cách thức sống. Hai khái niệm này có mối quan hệ nhân - quả với nhau. Lối sống của tín đồ Công giáo có nhiều nội dung, nhưng khái quát chung, đều xoay quanh cách thức của tín đồ trong "đối thần - đối nhân", "kính chúa - yêu người".
Nêu ra ý nghĩa của triết lý nhân sinh đối với tín đồ Công giáo Việt Nam, nghiên cứu sinh trong khi coi trọng cái phổ biến, thì cũng đã nhấn mạnh tới cái đặc thù và đơn nhất của tín đồ Công giáo Việt Nam ở cả hai phương diện đạo và đời.
Để tiếp cận một cách logic tới vấn đề ý nghĩa của triết lý nhân sinh trong Phúc âm đối với lối sống của tín đồ Công giáo Việt Nam, nghiên cứu sinh trước tiên khái quát một số nét cơ bản về tình hình và đặc điểm của Công giáo ở Việt Nam.
4.1.1. Tín đồ Công giáo ở Việt Nam - tình hình và đặc điểm
Công giáo bắt nguồn từ Kitô giáo và có một số đặc điểm căn bản. Đó là: Công giáo ra đời với tư cách là tôn giáo của giai cấp nô lệ và lúc đầu bị áp bức nặng nề; có hệ thống giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức thống nhất, mang tính toàn cầu; có ảnh hưởng nhiều mặt đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đến nền văn hoá, văn minh nhân loại và có khả năng thích ứng với các thời đại, các nền văn hoá khác nhau.
Ở Việt Nam, Công giáo được truyền vào từ năm 1533. Đến nay, sau gần 5 thế kỷ, Công giáo ở nước ta đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển với những thăng trầm khác nhau. Trong đó đặc biệt là việc, đến giai đoạn truyền giáo sau này, nhất là đến nửa đầu thế kỷ XIX, Công giáo ở Việt Nam đã bị chính trị thực dân Pháp lợi dụng vào âm mưu xâm lược nước ta. Với tình trạng đó, Công giáo ở Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả chính trị - xã hội kéo dài mà cho đến nay vẫn chưa được xoá nhoà.
Tín đồ của Công giáo, trong cộng đồng và trong giáo luật được gọi là giáo dân và là một trong ba bộ phận cấu thành cộng đồng dân Chúa, đó là: giáo dân, tu sỹ và giáo sỹ.
Sự phát triển tín đồ Công giáo ở Việt Nam, đến cuối thế kỷ XVI, nếu như mới ghi nhận được người giáo dân đầu tiên, là ông Đỗ Hưng Viễn (ở Vĩnh Lộc, Thanh Hoá), thì sau hơn 100 năm, đến năm 1644, đã có 100.000 tín đồ, trong đó ở Đàng Ngoài có 80.000 người, còn ở Đàng Trong có 20.000. Đến năm cuối của thế kỷ XVIII (năm 1799), tín đồ Công giáo nước ta có 357.297 người. Năm 1884-1885, cả nước có 682.611 giáo dân. Đến năm 1933, sau 04 thế kỷ truyền giáo, tín đồ Công giáo Việt Nam đã tăng vượt con số một triệu, là 1.297.228 người, trong đó ở miền Bắc có 968.777 người, chiếm 74,68% tín đồ Công giáo cả nước. Rất nhanh sau đó, năm 1938, giáo dân Công giáo nước ta lên tới 1,5 triệu người. Năm 1954-1955, cả nước đã có trên 2 triệu tín đồ Công giáo, trong đó ở miền Nam có khoảng 1,3 triệu người, do có 650.000 tín đồ, chiếm 40% giáo dân miền Bắc di cư vào Nam. Đến năm 1970, ở miền Nam có 1.820.581 tín đồ.
Đến năm 1999, theo kết quả điều tra dân số, Việt Nam có 5.111.119 tín đồ Công giáo, chiếm 6,69% dân số cả nước [156, tr.49]. Đến năm 2009, vẫn theo kết quả điều tra dân số, tín đồ đạo Công giáo cả nước có 5.677.086 người, trong đó, nam là 2.783.619 người và nữ là 2.893.167 [157].
Đến nay (năm 2016), theo Niên giám của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Công giáo có 6.756.303 tín đồ, với 45 giám mục, 3.907 linh mục triều, 1.290 linh mục dòng, hơn 3.000 giáo xứ, khoảng 9.000 giáo họ, hơn 100 dòng tu, với 23.196 tu sĩ nam, nữ; 66.624 giáo lý viên, sinh hoạt đạo tại 26 giáo phận, thuộc 3 giáo tỉnh [79, tr.481].
Tình hình tín đồ như trên gắn liền với các dấu mốc trong quá trình phát triển của Công giáo ở Việt Nam và tác giả rút ra một số đặc điểm.
Thứ nhất: cộng đồng tín đồ Công giáo Việt Nam liên tục có sự gia tăng và luôn chiếm tỷ lệ từ 6 - 7% dân số toàn quốc
Trong các thời kỳ truyền giáo và phát triển của Công giáo ở nước ta, tín đồ đều gia tăng, song tăng nhanh chóng nhất là ở thời kỳ từ năm 1885 -1945. Đây là thời kỳ Công giáo được chính quyền phong kiến và thực dân Pháp nâng đỡ nhiều mặt, thậm chí được nhiều người xem như là quốc đạo. Từ năm 1975 đến nay, giáo dân Công giáo gia tăng chủ yếu theo sự gia tăng dân số. Ngoài ra cũng có một bộ phận giáo dân vốn trước đây đã bị "khô nhạt đạo" thì đến nay xin trở lại đạo; hoặc có một bộ phận khác đã xin nhập đạo chủ yếu bởi lý do hôn nhân.
Sự gia tăng đó của tín đồ Công giáo luôn có tỷ lệ tương ứng với sự gia tăng dân số tự nhiên của Việt Nam, cả trước đây và hiện nay.
Thứ hai, trước năm 1954, tín đồ Công giáo ở miền Bắc thường chiếm tỷ lệ hơn 2/3 số tín đồ của cả nước, nhưng sau đó thì tình hình lại ngược lại.
Năm 1954 là năm có cuộc di cư rất lớn của giáo dân Công giáo từ miền Bắc vào miền Nam, xuất phát từ các nguyên nhân tôn giáo, chính trị và chính trị lợi dụng tôn giáo. Cuộc di cư với trên 600 ngàn giáo dân đã gây ra sự xáo trộn lớn, không chỉ về tôn giáo mà còn cả về kinh tế - xã hội, từ đó kéo theo việc đã làm thay đổi bản đồ phân bố giáo dân hai miền Nam - Bắc: giáo dân miền Bắc giảm, giáo dân miền Nam tăng.
Đến cuộc Tổng điều tra dân số năm 1999, đặc điểm trên càng rõ [156, tr.49-51,76] khi chúng ta thấy giáo dân Công giáo cả nước có sự phân bố như sau: vùng đồng bằng sông Hồng có 930.574 người, chiếm 18,20% giáo dân cả nước và bằng 6,28% dân số của vùng. Vùng Đông Bắc có 276.470 người, chiếm 5,40% giáo dân và bằng 2,54% dân cư; vùng Tây Bắc có 15.059 người, chiếm 0,29% giáo dân, bằng 0,67% dân cư (là vùng thấp nhất); vùng Bắc Trung Bộ có 588.338 người, bằng 11,51% giáo dân, chiếm 5,87% dân cư; vùng Nam Trung Bộ có 206.202 người, bằng 4,03% giáo dân, chiếm 3,15% dân cư; vùng Tây Nguyên có 390.291 người, bằng 7,63% giáo dân, chiếm 12,74% dân cư; vùng Đông Nam Bộ có 2.099.596 người, bằng 41,07% giáo dân, chiếm 16,52% dân số; vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 604.599 người, bằng 11,82% giáo dân và chiếm 3,74% dân số vùng.
Như vậy, từ chỗ giáo dân Công giáo ở miền Bắc trước đây luôn đông đảo hơn so với ở miền Nam, thì từ sau năm 1954 đến nay, giáo dân ở miền Nam đã chiếm gần 2/3 giáo dân của cả nước, trong đó, tập trung đông nhất là ở vùng Đông Nam bộ. Mặt khác, chúng ta cũng nhận thấy là, tín đồ Công giáo ở nước ta hiện nay đã có sự gia tăng đáng kể tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như ở Tây Nguyên, Tây Bắc và Đông Bắc.
Thứ ba, Công giáo là một tôn giáo nhất thần, gắn với văn hoá phương Tây phong kiến và tư bản, khi vào nước ta đã dần tiếp biến văn hoá phương Đông của dân tộc Việt Nam.
Là một tôn giáo nhất thần, Công giáo trong mấy thế kỷ đầu vào Việt Nam đều đã xem các tôn giáo, tín ngưỡng khác với mình là dị đoan. Nhưng rồi trong tính quy định khách quan của kinh tế - xã hội Việt Nam, tôn giáo này đã có những biến đổi nhất định. Chẳng hạn, sau một thời gian dài không được phép, thì đến nửa cuối thế kỷ XX, người Công giáo Việt Nam đã được thể hiện hành vi "tôn kính ông bà tổ tiên", không khác gì với việc "thờ cúng ông bà tổ tiên". Ngoài ra, chúng ta còn thấy có không ít các hiện tượng văn
hoá khác, thể hiện trong diễn tả đức tin, trong nghi lễ và trong kiến trúc, hội hoạ… cũng đã được Việt hoá.
Điều đó là không tránh khỏi và sẽ trở nên rõ ràng, dễ hiểu khi nhận thức vấn đề từ quan điểm của Chủ nghĩa duy vật lịch sử và của các lý thuyết: "Vùng văn hoá - lịch sử", "Đồng hoá văn hoá", "Xung đột", "Tương đối văn hoá", "Xã hội học tôn giáo".
Thứ tư, sự biến động của tín đồ Công giáo hiện nay chủ yếu từ phương diện chính sách, pháp luật về tôn giáo và của tồn tại xã hội Việt Nam, nhất là của nền kinh tế thị trường.
Sau năm 1954 ở miền Bắc và những năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng, Giáo hội Công giáo phải đối mặt với tình trạng khô, nhạt đạo và cả bỏ đạo. Nhưng từ khi Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có đổi mới về chính sách, pháp luật tôn giáo, Giáo hội Công giáo đã hoạt động sôi nổi trở lại, thu hút được nhiều tín đồ. Tín đồ hoạt động tôn giáo cũng sôi động, nhộn nhịp hơn và tất nhiên có nảy sinh nhiều vấn đề mới.
Mặt khác, sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng đã tác động mạnh đến cộng đồng Công giáo. Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, cùng với sự gia tăng dân số đã làm cho ruộng đất ở nông thôn bị thu hẹp, khiến nhiều giáo dân phải ra thành thị, vào làm tại các doanh nghiệp và cả di cư tự do theo hướng từ Bắc vào Nam, vào Tây Nguyên. Nhiều xứ, họ đạo ở nông thôn miền Bắc thưa vắng giáo dân, chỉ đông vào dịp lễ trọng, khi giáo dân đi làm ăn xa về quê chịu lễ, xong rồi lại đi xa.
Thứ năm, đồng bào Công giáo Việt Nam có mối quan hệ đạo - đời gần gũi với người Việt Nam ở nước ngoài
Tín đồ Công giáo ở nước ta đã và đang có mối quan hệ tôn giáo rất thường xuyên với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (với gần 5 triệu người, sinh sống tại gần 100 quốc gia). Trong mối quan hệ đó, tín đồ Công giáo ở trong nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đều có ảnh hưởng không nhỏ
đến nhau. Mặt khác, là một tôn giáo thế giới, do đó, tổ chức giáo hội Công giáo cùng với tín đồ Công giáo Việt Nam cũng có mối quan hệ quốc tế với đạo Công giáo trên thế giới. Mối quan hệ này cũng là tất yếu - đương nhiên, hơn nữa trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, quan hệ đó ngày càng gia tăng, đa dạng cả về nội dung và hình thức, mà ngành tôn giáo học gọi là "quan hệ đồng đạo".
Tình hình và đặc điểm trên đây của tín đồ Công giáo Việt Nam cho chúng ta suy nghĩ về các chiều ảnh hưởng giữa tín đồ Công giáo - chủ thể mang và thực hành triết lý nhân sinh Công giáo, trong mối quan hệ với môi trường xã hội - tôn giáo Việt Nam như thế nào và đã hình thành nét đặc thù đạo - đờira sao.
4.1.2. Ý nghĩa của triết lý nhân sinh trong Phúc âm đối với lối sống của tín đồ Công giáo Việt Nam từ phương diện đạo
Đây là ý nghĩa mang tính tự thân tôn giáo, cùng với bản chất của triết lý nhân sinh Công giáo. Tại đây, người viết luận giải ý nghĩa của nó tập trung vào hai phương diện: tín đồ với đấng thiêng liêng và tín đồ với cộng đồng của mình.
4.1.2.1. Ý nghĩa từ việc người Công giáo Việt Nam kính Chúa
Người Công giáo Việt Nam kính Chúa (kính Cha), từ việc đầu tiên cho đến cuối cùng là họ luôn giữ gìn đức tin đối với Chúa của mình. Kính Chúa chính là chuẩn mực - giá trị cao nhất trong lối sống Công giáo và giáo dân Việt Nam đã luôn thể hiện như vậy. Tín đồ Công giáo luôn lấy Chúa làm lý tưởng để hướng tới, từ đó họ xây dựng lối sống sao cho phù hợp với lý tưởng ấy. Vậy ở đây, triết lý nhân sinh trong Phúc âm đã có ý nghĩa là giá trị định hướng cho tín đồ Công giáo Việt Nam để họ luôn luôn phải có và phải giữ được "đức tin, đức cậy và đức mến" trước hết đối với Chúa của mình và sau đó là đối với tha nhân.
Để có đức tin vào Chúa, người Công giáo Việt Nam ghi nhận, dường như vô điều kiện, những điều răn dạy của chúa. Đức tin được coi là "ơn thiên phú" mà Thiên Chúa trao ban cho mỗi người sau khi họ lĩnh nhận phép rửa
tội. Đức tin của người Công giáo Việt Nam được tín đồ tiếp thu qua lời nói, việc làm của Chúa, có ý nghĩa không chỉ là cách thức, mà còn là nguồn sinh lực, năng lượng tinh thần vô tận để họ phát triển và vượt qua những cám dỗ, khó khăn. Đối với tín đồ, muốn trở thành con người đích thực, họ trước hết phải nhận biết được ơn cứu độ của Thiên Chúa, phải có trách nhiệm sống hết mình với Thiên Chúa, phải lo giữ gìn và sống đạo Chúa.
Tấm gương nhân sinh và sự hy sinh của Chúa Giêsu luôn là định hướng vô cùng quan trọng nên trong lối sống thường nhật, tín đồ dành nhiều thời giờ cho việc đọc kinh cầu nguyện và tu luyện để trở thành "con chiên" ngoan đạo. Ngay từ nhỏ, trẻ em Công giáo Việt Nam gần như đã thuộc lòng tất cả các tín lý cơ bản; hiểu được ý nghĩa qua các bài giảng của linh mục. Ở đây, chức sắc Công giáo có một vai trò chính, trực tiếp đưa triết lý nhân sinh trong Phúc âm vào cuộc sống tín đồ, với hiệu quả và sức thuyết phục cao.
Đức tin dẫn tới đức cậy. Theo triết lý nhân sinh trong Phúc âm, đức cậy gắn với đức tin, tạo cho tín đồ một niềm hy vọng lớn lao vào kết quả của những việc làm thiện hảo trên thế gian sẽ được Chúa thưởng cho sự sống công lý, bình an, hạnh phúc nơi Thiên đường.
Với đức cậy, tín đồ Công giáo biết nhẫn nại chịu đựng khó khăn để tin và chờ đến ngày vinh quang Thiên Chúa đem lại. Tín đồ phải thường xuyên củng cố sự trung thành với Chúa, với đạo, thể hiện ra từ tâm lý, tư tưởng cho đến hành vi. Họ thường có tâm lý sợ mắc tội, sợ bị khô, nhạt đạo và khi biết mình phạm tội, họ đến nhà thờ để xưng tội, rồi chăm chỉ cầu nguyện, ăn năn. Trong gia đình Công giáo, cha mẹ sợ con cái khô, nhạt đạo, nên thường xuyên nhắc nhở, đốc thúc con trẻ giữ đạo theo những điều Giáo hội buộc, như đọc kinh, cầu nguyện, xưng tội, chịu lễ, tham gia các ngày lễ trọng. Có người sợ con cái học cao sẽ bị khô, nhạt đạo nên không muốn, hoặc không cho chúng học lên cao.
Có đức tin, đức cậy tất nhiên dẫn tới đức mến. Đức mến, đó là lòng kính yêu Thiên Chúa bằng tất cả tấm lòng, sức lực, linh hồn. Đây là điều răn
thứ nhất và quan trọng nhất trong 10 điều răn của Chúa. Sự kính yêu Chúa được tín đồ biểu lộ qua việc tuân giữ các giới răn và các điều luật của đạo. Khi thực hiện giới răn, tín đồ thường có kèm theo lời chúc phúc cho những ai tuân giữ; hoặc một lời đe dọa, trừng phạt nếu ai bỏ qua giới răn này.
Như thế, triết lý nhân sinh đã tạo ra lối sống của người Công giáo Việt Nam đối với Chúa là phải biết kính sợ, lắng nghe, phục vụ, vâng lời và trung thành, cả trong tâm tưởng cũng như trong hành động, trên cơ sở tuân giữ các giới răn, tránh xa tội lỗi.