Chương 3 : NỘI DUNG CỦA TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG PHÚC ÂM
3.3. Một số nhận xét về triết lý nhân sinh trong Phúc âm
3.3.1. Triết lý nhân sinh trong Phúc âm đưa ra một cách tiếp cận về lẽ sống dựa trên cặp hệ chuẩn là "đối thần - đối nhân"
Đạo Công giáo quan niệm Thần (Thiên Chúa) là đấng siêu hình, toàn năng, vượt lên trên vạn vật và con người. Con người gồm hai phần: xác và hồn.
Phần hồn do Thần khí mà có. Phần xác có cuộc sống hữu hạn, sẽ phải chết. Phần hồn có thể có sự sống đời đời khi kết hợp với Thiên Chúa, khi vào "Nước Trời", ngược lại linh hồn sẽ ở "trong vùng bóng tối của tử thần" [124, tr.2131]. Vậy, "thần" và "nhân" có quan hệ theo tính quy định là: "đối thần" quyết định nội dung, tính chất thiêng liêng của "đối nhân". Ở đây thể hiện tính nhất nguyên duy tâm khách quan. Song đáng chú ý là, triết lý nhân sinh cũng không vì thế mà làm cho người ta suy diễn và vận dụng tới mức đề cao tuyệt đối "đối thần". Bởi vì Chúa chỉ ra: "Đối nhân" như "đối thần" vì tha nhân chính là Chúa và là Ta. Quan niệm đó đã dạy tín đồ trong quan hệ với tha nhân phải biết tôn trọng phẩm giá con người và đấy là điều kiện tuyệt đối và tiên quyết cho mọi hình thức biểu hiện của "đối nhân" và "đối thần".
Tính khách quan và phổ biến ở đây là, con người là sinh thể xã hội - cộng đồng, chỉ có thể tồn tại và phát huy bản thân trong quan hệ với tha nhân. Vậy để sống và tồn tại, tín đồ phải chủ động, tích cực tham gia, xây dựng quan hệ của mình với tha nhân. Trong mối quan hệ này, phẩm giá con người chỉ có thể được khẳng định và phải được in hình trong cộng đồng. Hay nói cách khác, nó phải được cộng đồng chấp nhận. Kết quả từ đây là, nếu mỗi người đều có bổn phận sống như vậy thì xã hội sẽ ổn định, đoàn kết và đó là một lẽ sống, lối sống đúng đắn nhất mà tín đồ phấn đấu. Vậy bổn phận của mỗi tín đồ là nhìn nhận cộng đồng như là hình ảnh của Thiên Chúa, là mục tiêu của bản thân, là "Nước Trời trên thế gian". Nếu ai đó sống ngược lại với lẽ sống ấy thì không thể tồn tại trong thế gian, nói gì đến nước trời, nên phải chịu kiếp sống nơi hoả ngục.
Mối quan hệ thần - nhân không thể có một chiều tốt đẹp, mà có nhiều khó khăn, thậm chí bị đổ vỡ. Khi đó, triết lý nhân sinh trong Phúc âm đã vạch ra nhiều biện pháp, chủ yếu thuộc về nhân tố chủ quan của tín đồ, để giúp con người hàn gắn lại mối quan hệ này. Những biện pháp đó, như sám hối (hồi tưởng nội tâm về những sự việc đã qua), tự xét mình qua lời nói, hành động
mình, ăn năn về những lỗi lầm đã mắc và tìm cách tránh tội lỗi, cầu nguyện (tự trở nên khiêm nhu và mở lòng đón nhận đồng loại), sống giản dị (bỏ những ham muốn vật chất, chia sẻ, thay vì chiếm đoạt cuộc sống của tha nhân), phục vụ (hạ mình, bỏ thói cao ngạo, chia sẻ cuộc sống với tha nhân, kiếm tìm ở tha nhân cái "tôi" tốt đẹp của mình, tha thứ, bỏ hận thù, lỗi lầm, đau khổ mà người khác đã gây ra cho mình, kéo kẻ phạm lỗi trở về chính đạo). Rõ ràng, triết lý nhân sinh không dừng lại là những quan điểm, lý thuyết sống, mà nó còn chỉ ra cả biện pháp, phương pháp thực hành dễ dàng và phù hợp. Điều này lý giải tại sao tôn giáo nói chung và đạo Công giáo nói riêng thu hút được đông đảo tín đồ ở mọi thành phần, lứa tuổi và mọi trình độ, khi mục đích là cao cả, còn phương pháp lại giản dị với các sinh hoạt đời thường, cứ thế bổ sung cho nhau.
Với nhận xét này, chúng ta có thể cần phải suy nghĩ thận trọng hơn trong giải thích và ứng xử đối với mối quan hệ giữa duy vật và duy tâm. Trong mối quan hệ này, chủ thể triết học - nhận thức của mặt duy vật, như người mác xít, với mặt duy tâm, phải thường xuyên đấu tranh, phản biện quyết liệt với nhau để đạt mục tiêu chân lý, thậm chí có trường hợp "dìm nhau xuống" qua hành động thực tiễn, song đó không phải (đúng ra là không thể) là triệt tiêu nhau, để rồi cả hai vẫn cùng tồn tại, phát triển trong một quy luật phổ biến của thế giới.
3.3.2. Triết lý nhân sinh trong Phúc âm xuất phát từ bản tính nhị nguyên của con người, về nguồn gốc phát sinh các cặp đôi: vật đạo - linh đạo và cái ác - cái thiện
Vật đạo là nguồn gốc của dục vọng, tham lam, và nô dịch tha nhân, bóc lột tự nhiên, xóa bỏ luật tự nhiên như cơ sở cho vạn vật cùng sống trên thế gian. Hệ quả là, con người chạy theo vật chất tầm thường, xa rời Thiên Chúa (Linh đạo), quên thần tính nơi mình. Do đó, người ta sẵn sàng chiếm đoạt của người khác, đè đầu cưỡi cổ người khác chỉ vì cái "ta" nhỏ nhen, thấp hèn. Kết quả là
con người làm đổ vỡ tiếp mối quan hệ với tha nhân. Như vậy, cả hai mối quan hệ của con người bao gồm đối thần (với Thiên Chúa), và đối nhân (với tha nhân) đều bị đổ vỡ. Việc không sợ Trời, chẳng sợ đất và đòi thống trị kẻ khác của con người khiến phần hồn thánh thiêng do Thiên Chúa thổi vào đã bị chết. Con người khi đánh mất đi đời sống linh thiêng (Linh đạo), chỉ còn đời sống thân xác, thì ý nghĩa cuộc sống của con người không còn.
Vậy, vấn đề là con người sống trước hết phải biết tạo ra sự cân bằng trong mối quan hệ giữa Linh đạo với Vật đạo. Song tuyệt đối không được dừng ở trạng thái này, mà người ta phải nỗ lực hướng tới Linh đạo như là mục tiêu cao nhất. Đây thực chất là quyết định luận duy tâm của Triết lý nhân sinh trong Phúc âm và có tính hợp lý cao khi không chủ trương bắt buộc đối với tín đồ Công giáo mà luôn mở ra sự tự nguyện cho mỗi người, vì thế nó có ưu thế cuốn hút.
Cũng như vậy, quan niệm Công giáo cho rằng con người luôn có hai mặt Thiện và Ác đòi hỏi phải được nhận thức và giải quyết theo các nguyên tắc của lối sống từ phương diện nhận thức và hành vi sống. Triết lý nhân sinh trong Phúc âm đã hướng dẫn người tín đồ "làm thiện lánh ác" và cao hơn là "lấy thiện chế ác", "lấy ân báo oán". Ở đây, những quan điểm của Chúa về thái độ đối với kẻ thù đã trở nên nổi tiếng, cả về ý nghĩa nhân văn cũng như tạo ra nhiều tranh luận. Đó là: là nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em… đã có sức thu hút mạnh.
Nhiều tôn giáo lớn trên thế giới (nổi bật như Phật giáo) cũng chủ trương "lấy đức báo oán", quan điểm sống đó đã làm cho nhân sinh quan tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng, trở nên một thái độ, hành vi nhân sinh, một cách sống có phần khác lạ và cao cả. Trên thực tế, cả về khoa học và trong thực tiễn
xã hội, quan điểm này bị không ít người tỏ ra không đồng tình bởi vì tính "khó tin", tính lý tưởng và ít khả thi của nó.
Tuy nhiên chúng tôi nhận thức vấn đề nhân sinh này bằng tính từ "cao cả", "khác lạ" bởi vì cơ sở sâu xa của niềm tin và nhận thức của đạo Công giáo là quan điểm thế giới quan khác - đối lập với chúng ta. Người duy vật đặt cơ sở niềm tin vào "cái có lý" (cái cảm tính, được chứng minh), thì trái lại, người Công giáo lại xây dựng niềm tin trên cơ sở của "cái vô lý". Chúng ta đã từng biết đến câu nói: "Tôi tin bởi vì điều đó là vô lý", của Téctuliêng, nhà sáng lập triết học Ki Tô giáo và câu: "Không có Thượng đế trong các sự vật cảm biết", của Ôguýtxtanh, nhà triết học trụ cột của tôn giáo này.
Ở đây chúng tôi chưa thể bàn về ý nghĩa triết học của những quan điểm này, mà việc dẫn nó ra chính là để tìm hiểu thấu đáo hơn về ngọn nguồn của vấn đề: tại sao triết lý nhân sinh trong Phúc âm? Hơn nữa, nội dung triết lý nhân sinh trong Phúc âm như vậy không phải duy nhất của đạo Công giáo, mà còn có những điểm chung với Phật giáo, một tôn giáo có quan điểm thế giới quan duy vật. Vậy chúng ta có thể nhận thức sâu hơn nữa và khẳng định về tính phổ biến và tính đặc thù của triết lý nhân sinh trong Phúc âm hay không. Với chúng tôi nên là như vậy.
3.3.3. Triết lý nhân sinh trong Phúc âm lấy con người, phẩm giá, hạnh phúc của con người làm trung tâm và giá trị định hướng cho lẽ sống, lối sống người Công giáo
Xuất phát điểm này ngăn cấm mọi mưu toan sử dụng con người làm đối tượng, phương tiện, công cụ cho bất kỳ mục đích xấu xa nào. Nó yêu cầu mỗi tín đồ Công giáo phải nhìn nhận mình và tha nhân là chủ thể, là nền tảng và mục đích tối cao, là lẽ sống của đời người. Đây là bài học về nhân văn quan trọng nhất mà triết lý nhân sinh trong Phúc âm đem lại cho tín đồ của mình. Nó góp phần giáo dục tinh thần vị tha, nhân văn cho tín đồ Kitô giáo.
Từ đó, có thể khẳng định con người là giá trị tối cao, có phẩm giá bất khả xâm phạm. Hơn nữa, mỗi tín đồ Kitô giáo phải luôn có thái độ sẵn sàng bảo vệ phẩm giá của mình và của tha nhân khi nó bị xâm phạm. Con người là "hình ảnh và sự tương tự của Chúa", do vậy con người có ngôi vị. Ngôi vị, phẩm giá con người thể hiện ở chỗ con người có tự ý thức, có năng lực tự chủ và có tự do. Những biểu hiện về phẩm giá này của con người cần được tôn trọng tuyệt đối.
Phẩm giá con người còn được triết lý nhân sinh trong Phúc âm khẳng định là có can hệ tới cấu trúc tồn tại của người là xác và hồn. Hồn chỉ ra bản chất thánh thiện của người, phân biệt nó với thế giới còn lại (thú và vật). Nhờ hồn con người biết phân biệt thiện ác, có tự do, nên phải biết cách nuôi dưỡng nó bằng nguồn dinh dưỡng đặc thù ("Lời Chúa"), tức là những tinh hoa văn hóa tinh thần của loài người. Quan niệm này quy định tín đồ Kitô giáo trong việc bảo vệ và phát triển phẩm giá của mình là không ngừng cầu nguyện Chúa ban cho "lương thực hằng ngày" để họ không bị cám dỗ và "cứu thoát khỏi sự dữ".
Vậy, phẩm giá con người đòi hỏi tín đồ phải vượt ra khỏi "cái ngã" của mình mà tham gia đối thoại, hiệp thông với tha nhân. Nó đòi hỏi con người liên tục phải giữ gìn phẩm giá mình, tôn trọng phẩm giá tha nhân và không ngừng hoàn thiện phẩm giá mình. Nói cách khác, tín đồ Kitô giáo được mời gọi nhìn nhận và có thái độ đối với phẩm giá mình như một quá trình, diễn ra thông qua ba chiều cạnh của thời gian hiện sinh người là "hiện tại của quá khứ, hiện tại của hiện tại và hiện tại của tương lai". Chính bài học về thời gian hiện sinh này của triết lý nhân sinh trong Phúc âm là nhân tố bảo đảm tính liên tục và nhân văn của dòng chảy lịch sử nhân loại. Thái độ của mỗi tín đồ với thế hệ đi trước ("giữ lại tinh hoa của Lề Luật cũ"), với thế hệ hiện tại ("bác ái tính thần") và với thế hệ tương lai ("phụ tử tinh thần", sống để phúc đức cho đời sau) bảo đảm nhân phẩm mở và toàn vẹn cho tín đồ, đưa họ vào "thiên đàng" là nơi "thần tính và nhân tính" hòa làm một, là vương quốc của Chân, Thiện và Mỹ.
Như vậy, nội dung này của triết lý nhân sinh được đặt trong "hoàn cảnh động" vì thế nó mở ra không chỉ cho mỗi tín đồ có khả năng thể hiện phẩm giá cá nhân một cách chủ động, mà còn là cơ sở để họ ứng xử - tác động tới tha nhân, để rồi sau đó lại quay trở về bản thân với những yêu cầu mới có được từ tha nhân để họ hoàn thiện cao hơn phẩm giá của mình, do đó đạt tới giải thoát - hạnh phúc. Nghiên cứu sinh nhận xét như vậy là dựa trên lý luận quy luật phủ định của phủ định, một quy luật phổ biến của phép biện chứng duy vật cũng như duy tâm. Vậy, vấn đề con người, phẩm giá con người trong triết lý nhân sinh của Phúc âm sẽ trở nên dễ nắm bắt hơn và được chia sẻ, khi chúng ta nhận thức đúng nó từ cơ sở triết học của Kitô giáo, đó là phép biện chứng duy tâm.
Trên vấn đề này, triết lý nhân sinh trong Phúc âm cũng tạo ra những nhận thức khác nhau. Có ý kiến cho rằng, người ta rất khó có thể tìm thấy một người "yêu thương người ta như mình ta vậy". Hoặc, nó thái quá về "duy thiện" - đạo đức, mà chưa nhìn toàn diện về tồn tại người. Những ý kiến như vậy có cơ sở và tính hợp lý nhất định. Nhưng theo chúng tôi, mỗi trường phái triết học, mỗi tư tưởng, dù là vĩ đại, thì vẫn có những hạn chế của nó. Sự hạn chế ấy không đơn giản chỉ là ở phương diện không gian và thời gian cụ thể, mà sâu xa hơn là do tính đa dạng của vũ trụ vốn là tuyệt đối. Vậy vấn đề ở đây là, trong khi vẫn chỉ ra những sự khác nhau, cái đơn nhất và những mâu thuẫn nội tại của triết lý nhân sinh trong Phúc âm, chúng ta cần tìm ra những giá trị tương đồng mang tính phổ biến và đặc thù của nó để làm giàu kiến thức cho mình.
Tiểu kết chương 3
Nội dung triết lý nhân sinh trong Phúc âm chủ yếu xoay quanh hai nội dung: Lẽ sống Công giáo và Lối sống Công giáo. Triết lý nhân sinh trong Phúc âm dựa trên quan duy tâm khách quan, ngay từ đầu đã đề cao Linh đạo như một con đường dẫn tới cội nguồn chân lý, là sự thật đích thực, vĩnh hằng - Nước trời; còn những gì thuộc về Vật đạo chỉ là sự thật nhỏ nhoi của cõi vô thường - nước
trần gian. Từ cách tiếp cận đó, chúng ta hiểu được nội dung cụ thể của triết lý nhân sinh trong Phúc âm qua "lẽ sống Công giáo" và "lối sống Công giáo". Lẽ sống và lối sống ấy rõ ràng không phải là không có ý nghĩa, là tiêu cực, như một số người nhận xét. Tự bản thân nó, trong cả nhận thức và hành vi của tín đồ Công giáo đã toát lên một lẽ sống với khát vọng mục đích sống cao cả; cùng một lối sống đạo đức, nhân văn, bác ái có khi đáng khâm phục.
Chúa Giêsu rao giảng "lẽ sống mới" nhưng không phủ định "lẽ sống cũ", mà kế thừa, phát triển "lẽ sống cũ" khi tuyên bố:Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Theo đó, quan điểm nhân sinh mới biểu hiện qua các giá trị, phẩm giá và phương thức sống của tín đồ Công giáo được Phúc âm chỉ rõ khi so sánh với "lối sống cũ" ở sách Cựu ước. Vậy, Triết lý nhân sinh trong Phúc âm là hoàn hảo hơn triết lý nhân sinh trong sách Cựu ước. Triết lý ấy, bên cạnh cái đơn nhất, đã khẳng định về cái giá trị đặc thù và phổ biến, trở thành nền tảng văn hoá Công giáo ở Châu Âu và lan toả tới các châu lục khác.
Hiện nay ở nước ta, chủ trương Phúc âm hoá (truyền bá Phúc Âm, rao giảng Tin Mừng) luôn được Giáo hội Công giáo đề cao và tiến hành thường xuyên. Vấn đề này đòi hỏi giáo dân Việt Nam cần phải lãnh nhận, kế thừa và phát huy triết lý nhân sinh ra sao, có một ý nghĩa lâu dài và cấp bách.
Chương 4
Ý NGHĨA CỦA TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG PHÚC ÂM