Quan niệm về lối sống trong Phúc âm

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) triết lý nhân sinh trong phúc âm và ý nghĩa của nó đối với lối sống của tín đồ công giáo việt nam hiện nay (Trang 94 - 109)

Chương 3 : NỘI DUNG CỦA TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG PHÚC ÂM

3.2. Quan niệm về lối sống trong Phúc âm

Ở chương 2, chúng tôi đã rút ra một định nghĩa về khái niệm "Lối sống Công giáo", đó là tổng thể các hình thái, phương thức (cách thức) tiến hành các hoạt động sống của tín đồ Công giáo trong quá trình hiện thực hoá lẽ sống Công giáo do Chúa an định, với tính phổ biến và ổn định.

Với quan niệm này, ở nội hàm khái niệm, chúng tôi đã dành quan tâm nhiều nhất đến dấu hiệu "hình thái, phương thức, hay cách thức hoạt động" để "hiện thực hoá lẽ sống Công giáo".

Nội hàm khái niệm "lối sống Công giáo" có thể khái quát như sau: (1) phải tiếp cận với Lời Chúa: đọc Thánh Kinh, nhất là sách Tân ước, ở mọi lúc, mọi nơi; (2) phải tôn kính Chúa trên hết mọi sự; (3) phải hiệp thông với Chúa trong cầu nguyện, phải xưng tội với Chúa, phải sám hối, cầu xin sự tha tội; (4) phải cầu Chúa củng cố sức mạnh nội tâm của mình; (5) nếu gặp phải trở ngại phải cầu nguyện để nhận được sự giúp đỡ của Chúa; (6) hàng ngày phải củng cố niềm tin của mình vào Chúa; (7) phải chịu nhịn, hiền lành, chân thực, có tâm hồn trong sạch, kiên nhẫn, giản dị như trẻ thơ, mong muốn hòa bình cho mọi người; (8) phải sống và hành động để biến nước thế gian thành Nước Chúa.

Với nội hàm ấy và nghiên cứu từ nội dung triết lý nhân sinh trong sách Phúc âm, chúng tôi khái quát và nhận thấy, khái niệm "lối sống Công giáo" có kết cấu chủ yếu gồm các nội dung là:

-Lối sống kính Cha

-Xây dựng lối sống mới bằng phương thức hoàn thiện lối sống cũ -Luật cũ, tất nhiên việc này do Chúa Giêsu.

-Cách thức - biện pháp sống làm cho con người trở nên toàn thiện, đạt tới lẽ sống.

3.2.1. Lối sống kính Cha

"Kính Cha" được xem xét từ cả hai phương diện: lẽ sống và lối sống Công giáo. Là "lẽ sống Công giáo", nếu "kính Cha" được xem là ý nghĩa cuộc

sống và nội dung sống; còn là "Lối sống Công giáo", khi "kính Cha" được xem hình thức, phương thức hiện thực hoá ý nghĩa cuộc sống hay lẽ sống.

Lối sống kính Cha đòi hỏi người Công giáo phải suy nghĩ, hành động và phát ngôn dựa trên những lời giảng dạy của Chúa Giêsu như hiện thân của Chúa Cha. Quan niệm về lối sống kính Cha là di sản của thời trung cổ, được trình bày trong Kinh thánh, gồm 46 cuốn sách Cựu ước và 27 sách Tân ước. Cựu ước là cam kết được Thiên Chúa tiến cử với dân Do Thái cổ (dân Israen) do Moise đại diện trên núi Sinai. Tân ước là lời ước được Thiên Chúa tiến cử với mọi người do Chúa Giêsu đại diện và tự mình giáng thế làm người để rao giảng "đạo mới". Để thực hiện lời ước này, Chúa Cha đã gửi Con Một của mình đến với mọi người. Người Con này còn được gọi là Giêsu (theo tiếng Do Thái cổ có nghĩa là Đấng Cứu thế), cũng như là Kitô (có nghĩa là người được Chúa Cha xức dầu) hay là Giêsu Kitô.

Theo sách Tân ước, Chúa Giêsu là Thần Nhân, nhằm chuộc tội cho loài người, đã chấp nhận bị chết trên cây thập tự ở núi Gotha, sau đó được phục sinh và quay về trời với Cha mình. Chúa Giêsu được coi là người sáng lập ra Kitô giáo cùng với một quan niệm về lối sống rất độc đáo, trở thành một trong các trụ cột của tòa nhà văn hóa phương Tây suốt 20 thế kỷ, từ khi Kitô giáo xuất hiện cho tới nay.

Về kính Cha, sách Phúc âm đã nhấn mạnh khi phân tích về 10 điều răn của Chúa nhằm điều chỉnh hành vi sống của tín đồ, là về việc kính thờ Thiên Chúa đã có 3 điều. Đó là : phải tôn kính Thiên Chúa trên hết mọi thứ; không được dùng danh Thiên Chúa để làm điều phàm tục: dành ngày chủ nhật để thờ Thiên Chúa.

Khi một người Pharisieu cám dỗ Chúa và hỏi Chúa: "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?", thì theo Phúc âm Mát - thêu, Chúa Giêsu đã trả lời rằng:

Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người lân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều phụ thuộc vào hai điều răn ấy [Mt 22, 36-40]. Đó chính là hai điều răn cơ bản của Chúa Giêsu cần được tính đến khi bàn về quan niệm lối sống Công giáo.

Nhằm khẳng định tư tưởng của Mát-thêu, Thánh tông đồ Phaolo kêu lên: Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được… Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến [1 Cr 13, 1-13].

Tình yêu Kitô giáo đó là ân sủng, nó được phổ biến không những vào những người yêu thương, mà còn vào cả kẻ thù của con người. Chính tình yêu Kitô giáo và sự kính Cha đã làm cho giáo dân trở nên hoàn hảo: "Hãy trở nên hoàn hảo như Cha của các bạn ở trên Trời".

Tuy nhiên cần thấy, lối sống kính Cha được sách Phúc âm chuyển tải theo tinh thần giáo lý Thần học hướng con người đến hạn phúc tuyệt đối,

hạnh phúc cuối cùng tức là được sống trên Thiên đường cùng với Thiên Chúa. Nhưng cũng ở đây, Chúa cũng khuyên người ta không bỏ qua cái thiện lành trong cuộc sống hiện tại nơi trần gian, do đó mà tín đồ đạt tới hạnh phúc tương đối. Điều này có thể nhận thấy và suy nghĩ ở một số dẫn dụ, như khi Chúa đặt hạnh phúc bên cạnh bất hạnh, được trình bày trong Phúc âm Thánh Lu ca:

Khốn khổ cho các ngươi, hỡi kẻ giàu sang vì các ngươi đã được an ủi rồi; khốn cho các ngươi bây giờ đang được no nê vì các ngươi sẽ phải đói khổ; khốn cho các ngươi bây giờ đang vui cười vì các ngươi sẽ phải âu sầu khóc lóc; khốn cho các ngươi khi được thiên hạ nịnh khen vì cha ông chúng cũng đã đối xử với tiên tri giả như vậy [Lc 6, 24 - 26]. Như vậy, lối sống kính Cha trong Phúc âm với mục đích chính là chuyển tải giáo lý thần học, hướng con người đạt tới hạnh phúc tuyệt đối, hạnh phúc cuối cùng là được sống trên thiên đường cùng với Thiên Chúa. Song có lẽ không dừng lại ở đó, quan điểm này của Phúc âm cũng là sự khuyên các tín đồ Công giáo cần phải hành xử thiện lành trong cuộc sống hiện tại nơi trần gian. Con người sống kính Cha với việc tuân thủ những lời răn dạy của Thiên Chúa sẽ đạt được hạnh phúc tương đối ngay tại cõi trần đầy đau khổ chứ không phải đợi đến khi chết đi, đến ngày phán xử cuối cùng, về bên Thiên Chúa. Giáo dân Công giáo trước đây và hiện nay đã luôn tin là như vậy.

3.2.2. Xây dựng lối sống mới bằng cách giữ lại cái tốt đẹp của lối sống cũ và hoàn thiện nó

Về phương thức này, chúng ta thấy tính hợp lý của nó, nhưng theo lập trường duy tâm khách quan, là không thể có cái mới khi không có cái cũ. Vấn đề này được viết rõ nhất là ở trong Phúc âm thánh Mat - thêu. Trong đó, Thánh Mát thêu đã nhấn mạnh vào mấy hình thức sống như sau:

Thứ nhất, phải sửa những tục lệ cũ trong đời sống xã hội

Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt [Mt 5, 21-26]. Vậy, nếu như quan niệm trước đây - Luật cũ chỉ cấm giết người và không hề nói gì tới những cách, ngoài giết người, mà làm cho người ta khổ tâm. Đến nay, Chúa Giêsu cho rằng, dù chỉ là ý định rắp tâm phạm điều ác cũng có tội rồi, hoặc làm khổ tâm người khác cũng là có tội như là đâm chém người.

Tù đó, sách Phúc âm còn cho giáo dân Công giáo những lời khuyên mỗi khi hành xử với đồng loại của mình phải rất thận trọng, cả về lương tâm và hành động đều phải trong sạch, đúng như "Đèn của thân thể tức là mắt, khi mắt ngươi sáng thì toàn thân ngưới sáng, một khi mắt mù loà thì thân ngươi cũng sầm tối" (Lc 11, 34).

Thứ hai, sửa bỏ lệ tục trong đời sống gia đình

Phúc âm viết về những điều Chúa dạy tín đồ:

Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hỏa ngục. Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình [Mt 5, 27-32].

Chúa Giêsu đã chỉnh sửa lối ứng xử đối với phụ nữ cho họ được bình đẳng hơn với nam giới, phản đối sự li hôn, chống lại cái ác tận gốc - từ tư tưởng, cũng như động cơ của nó. Với quan niệm và cách thức như trên, nếu ở thời cận hiện đại có lẽ không có gì mới, nhưng ở thời Chúa Giêsu thì đây là một cái nhìn toàn diện và rất đáng kể, khi có tính bình đẳng giới và ý nghĩa nhân văn.

Thứ ba, thái độ khoan dung đối với kẻ thù

Chúa từng nói:

Anh em đã nghe Luật dạy rằng: mắt đền mắt, răng đền răng, còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi. Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em… Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi?... Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? [Mt 5, 38-48].

Đây là cách ứng xử thường xuyên diễn ra trong đời sống mỗi người và mỗi cộng đồng và quả thực, người ta thường ứng xử theo "luật cũ", còn theo cách như Chúa dạy thì đâu có mấy ai thực hành được. Đây được không ít người ngoài Công giáo xem là một hạn chế không nhỏ, khi Phúc âm đặt trọn vẹn quyền phán xử vào sự toàn thiện của Thiên Chúa; đã khuyến khích sự tha thứ cho tội phạm: thủ tiêu quyền tự vệ, sự đáp trả, chính là thủ tiêu cái thiện, gián tiếp thoả hiệp với cái ác.

Có lẽ vì thế, chúng ta thấy đó là một "sự cao cả cần phải được hy vọng", chứ không phải là không tưởng, của lối sống này. Bởi vì, Chúa Giêsu đã thay luật "lấy oán báo oán" bằng luật "lấy ân báo oán", tức là qua đó làm người ta trở

thành người bao dung đại lượng. Về phương diện triết học tôn giáo, tiếp theo Phật giáo, vốn cũng có phương thức sống tương tự thì, Công giáo đã tiếp tục làm cho cách ứng xử như vậy dần trở nên là cái đặc thù và cái phổ biến.

Với những cách ứng xử trên trong Kinh thánh Tân ước cho thấy, Chúa Giêsu đã chỉnh lý đáng kể những lời răn của Moise và đi xa hơn, phát triển hơn. Ở đây, đối với giáo dân nổi lên là thái độ chịu nhẫn nhịn trong hy vọng vào sự được tha thứ và cuộc sống vĩnh hằng. Đồng thời, sự sửa mình của giáo dân sẽ đạt được thông qua cầu nguyện, tham gia vào việc truyền giáo, thông qua những suy ngẫm thường xuyên về các đề tài niềm tin. Đó được xem là những đặc điểm cơ bản lối sống Công giáo, một lối sống căn cứ trên thái độ tôn kính Chúa và yêu thương tha nhân đến hết mức có thể, như chính bản thân mình.

3.2.3. Cách thức - biện pháp để con người trở nên toàn thiện

Chúa Giêsu đã chỉ ra cách thức để tín đồ Công giáo hoạt động hiện thực hoá mục đích, ý nghĩa sống. Các sách Phúc âm cho biết, Chúa đã khu biệt rõ hai nhóm cách thức - biện pháp, để giúp con người trở nên toàn thiện, đạt tới lẽ sống. Đó là những biện pháp tiêu cực (tức là các biện pháp để chừa các thói hư, tật xấu) và các biện pháp tích cực (là các biện pháp vun trồng các đức tính tốt).

Những biện pháp ấy được các sách Phúc âm của Kinh Tân ước trình bày, giảng giải khá kỹ càng và chi tiết.

3.2.3.1. Những biện pháp tiêu cực Một là, phải chừa bỏ tính phô trương:

Thời ấy, đám người Pharisieu và các luật sĩ rất hay khoe mình về những việc lành (từ thiện) họ thường làm. Chúa Giêsu dạy tín đồ không nên theo gương họ, hãy tránh hết mọi cách phô trương khi làm việc thiện. Phô trương việc lành để thiên hạ biết thì coi như đã tự nhận công rồi, không còn gì để hưởng nữa. Vì vậy, Chúa căn dặn tín đồ:

Khi làm việc lành phúc đức…, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy… Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả

thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen… Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo… Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ mặt rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay… Khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay [Mt 6, 1-4, 16-17].

Để căn dặn tín đồ như vậy, Chúa đã xuất phát từ những suy nghĩ và hành động trên thực tế của nhiều người Do Thái và đặc biệt người Pharisieu bấy giờ, mà Chúa rất không bằng lòng. Bởi vì, họ hay khoe khoang mỗi khi dâng cúng phụng sự Thiên Chúa khoản tiền lớn; cầu kinh kéo dài, lải nhải; ăn chay phô trương, muốn người ta khen. Chúa dạy các tín đồ của mình phải biết làm phúc giấu tay; làm lễ đừng làm bộ phô trương; ăn chay phải kín đáo, cứ vui vẻ, lịch sự, đừng thể hiện để được khen.

Như vậy, trái ngược với phái Pharisieu và luật sĩ, theo Chúa Giêsu, phô trương việc lành để người ta khen cho thấy động cơ làm việc thiện không tốt lành.

Hai là, đừng quá lo lắng và bối rối về phần xác:

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) triết lý nhân sinh trong phúc âm và ý nghĩa của nó đối với lối sống của tín đồ công giáo việt nam hiện nay (Trang 94 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)