Những công trình tiếp cận tới ảnh hưởng của triết lý nhân sinh trong

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) triết lý nhân sinh trong phúc âm và ý nghĩa của nó đối với lối sống của tín đồ công giáo việt nam hiện nay (Trang 31 - 36)

trong Phúc âm đến lối sống của người Công giáo Việt Nam hiện nay

1.3.1. Những công trình bàn về phương pháp tiếp cận ý nghĩa của triết lý nhân sinh trong Phúc âm đến lối sống của người Công giáo Việt Nam

Xét về phương diện cách tiếp cận với vấn đề ý nghĩa của triết lý nhân sinh trong Phúc âm đối với lối sống của tín đồ Công giáo Việt Nam", trước hết cần phải kể tới những bài tham luận của Hội thảo "Phát huy giá trị tôn giáo nhằm xây dựng, nâng cao đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay: Thực trạng những vấn đề đặt ra và phương hướng, giải pháp" do Viện Nghiên cứu Tôn giáo, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức vào tháng 10 năm 2013. Đó là các bài viết "Giá trị Công giáo ở Việt Nam - tiếp cận và lý giải" của tác giả Nguyễn Hồng Dương, "Giá trị của Công giáo đối với đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay" của tác giả Ngô Quốc Đông, "Nhận thức về giá trị tôn giáo - tiếp cận từ phương diện triết học" của tác giả Chu Văn Tuấn, "Ảnh hưởng và tác động của các giá trị tôn giáo đối với đời sống xã hội vùng Nam bộ" của tác giả Ngô Văn Lệ, v.v. Các tác giả đã nỗ lực phân tích ý nghĩa của nhân sinh quan tôn giáo nói chung và của nhân sinh quan Công giáo nói riêng đối với lẽ sống và lối sống của người Việt thông qua lăng kính giá trị luận, tức là thông qua quá trình tiếp biến văn hóa, tiếp biến giá trị. Theo chúng tôi, đây là cách tiếp cận hoàn toàn xác đáng và nó sẽ được chúng tôi tiếp thu và sử dụng làm cơ sở phương pháp luận để triển khai các nội dung luận án của mình.

Cuốn sách "Tôn giáo và mối quan hệ văn hóa và phát triển ở Việt Nam" (Nxb. Khoa học Xã hội, HN, 2004) của Nguyễn Hồng Dương đã trình

bày khái quát một số vấn đề lý luận để giải quyết mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa; đặc biệt cuốn sách đã phân tích khá sâu sắc vị trí, vai trò và ý nghĩa của đạo Công giáo nói chung và những chuẩn tắc đạo đức trong Kinh thánh nói riêng đối với văn hóa và sự phát triển của đời sống xã hội Việt Nam hiện đại, cũng như vai trò của lễ hội Công giáo đến văn hóa Việt Nam và nêu lên những đề xuất về chính sách văn hóa đối với tôn giáo. Đây là một hướng nghiên cứu rất hữu hiệu xét từ góc độ cách tiếp cận phương pháp luận với chủ đề về ý nghĩa của triết lý nhân sinh trong Phúc âm đối với lối sống của tín đồ Công giáo Việt Nam, ý nghĩa và biểu hiện của triết lý nhân sinh Công giáo trong sinh hoạt của tín đồ Công giáo.

Trong cuốn sách "Nghi lễ và lối sống Công giáo trong văn hóa Việt Nam" (Nxb. Khoa học Xã hội, HN, 2001), ý nghĩa của triết lý nhân sinh Công giáo đối với lối sống của tín đồ Công giáo Việt Nam đã được tác giả Nguyễn Hồng Dương làm sáng tỏ nhờ phân tích và làm rõ mối quan hệ có tính quy luật trong hội nhập nghi lễ Công giáo với lễ hội truyền thống Việt Nam, rộng ra là văn hóa truyền thống dân tộc, đồng thời cũng nêu lên vai trò, vị trí, ý nghĩa của Công giáo đối với văn hóa Việt Nam truyền thống và đương đại. Cách tiếp cận này cho thấy con đường, cách thức mà tư tưởng triết lý nhân sinh Công giáo đi vào lẽ sống và lối sống của người Công giáo Việt Nam nói riêng và một bộ phận người Việt Nam nói chung. Nó có giá trị gợi mở về mặt phương pháp luận đối với việc triển khai nội dung luận án của chúng tôi.

Trong "Mở đầu" [146, tr.9-18] của cuốn sách "Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công giáo và văn hóa Việt Nam" (Nxb. Tôn giáo, HN, 2012), tác giả Phạm Huy Thông đã đưa ra nhận định chung song rất sâu sắc rằng: "…đạo Công giáo còn rất trẻ. Thế nhưng, tôn giáo này đã để lại một dấu ấn khá đậm nét trong văn hóa dân tộc và cũng làm xuất hiện một loạt các quan hệ phức tạp có khi xung khắc gay gắt lúc này, chỗ kia với văn hóa, xã hội ở nước ta" [146, tr.10]. Tiếp theo, tác giả đưa ra cách tiếp cận lịch sử khách quan và cụ

thể về "hành trình du nhập" của đạo Công giáo đến với văn hóa Việt: đó là "gắn liền với việc bành trướng của chủ nghĩa thực dân, đế quốc", nên đạo Công giáo bị "chống đối quyết liệt", bị coi là "tà đạo", "là kẻ thù nguy hiểm"; là "ảnh hưởng của thái độ tả khuynh" dẫn tới "tư tưởng cứng rắn muốn bài… Công giáo, phủ nhận giá trị văn hóa, đạo đức" của nó [146, tr.14 - 15). Tuy nhiên, theo tác giả, "…đạo Công giáo cũng có những bước tiến dài trên đường đồng hành cùng dân tộc… những giáo huấn thấm đẫm tinh thần yêu nước" [146, tr.14]. Tác giả kết luận: "khi đạo Công giáo đóng dấu ấn của mình lên văn hóa Việt thì văn hóa Việt cũng choàng trang phục dân tộc lên đạo Công giáo. Đây là sự tương tác biện chứng hai chiều và kết quả là làm phong phú cả hai" [146, tr.18]. Những nhận định nêu trên có một ý nghĩa phương pháp luận rất quan trọng để chúng tôi tiếp cận nghiên cứu vấn đề về ý nghĩa của triết lý nhân sinh Công giáo đối với lối sống của tín đồ Công giáo Việt Nam.

Công trình "Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam"

(Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, HN, 2012), của G.S. Đặng Nghiêm Vạn đã phân tích toàn diện về mặt lý luận tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam.Tác giả đã làm sáng tỏ đặc điểm, vai trò của Công giáo trong đời sống hiện nay, đặc biệt là đời sống văn hóa khi đất nước đang bước vào đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập vào xu thế toàn cầu hóa. Công trình này đặt cơ sở lý luận và phương pháp luận cho việc tiếp cận ý nghĩa nhân sinh quan của Công giáo đối với tín đồ Công giáo Việt Nam.

Chủ đề "Hội nhập văn hóa Công giáo với dòng chảy chung của văn hóa dân tộc" đề cập tới ý nghĩa của triết lý nhân sinh trong Phúc âm đối với lối sống của tín đồ Công giáo Việt Nam, đã được bàn luận sâu rộng tại Hội thảo "Nếp sống đạo của người Công giáo Việt Nam" (Kỷ yếu được in thành sách năm 2010 do Nguyễn Hồng Dương làm chủ biên, Nxb Khoa học Xã hội) được Viện nghiên cứu Tôn giáo,Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ

chức. Các tác giả tham gia Hội thảo đã bàn luận đến hàng loạt những giá trị tinh thần nền tảng (quan niệm về thiện và ác, hôn nhân và gia đình, v.v.) của Công giáo và ý nghĩa của chúng đối với lẽ sống và lối sống của tín đồ Công giáo Việt Nam.

Tác phẩm "The Woman's Guide to the Bible" (Nxb. John Wiley & Sons, 1993) của Lynne Bundesen, đã phân tích, chỉ ra những giá trị thuộc về sức mạnh tinh thần của phụ nữ được nói tới trong Kinh thánh, thông qua các câu chuyện của các phụ nữ trong Kinh thánh, qua đó cuốn sách phân tích những trở ngại và thuận lợi của phụ nữ trên đường đời dẫn tới Thiên Đàng. Tác phẩm khác của tác giả này "The Feminine Spirit, Recapturing the Heart of Scripture The Woman's Guide to the Bible" (Nxb. John Wiley&Sons, 2007)) đã phân tích Thiên Chúa như một hệ giá trị tinh thần nhân văn lý tưởng, chỉ ra một cách sâu sắc con đường, cách thức cho phụ nữ vượt qua định kiến, tư tưởng gia trưởng trọng nam khinh nữ đang chiếm ưu thế trong xã hội để người phụ nữ có vị trí và vai trò của mình trong xã hội chính dựa trên hệ giá trị ấy.

1.3.2. Những công trình tiếp cận về ý nghĩa của triết lý nhân sinh trong Phúc âm đối với lối sống của tín đồ Công giáo Việt Nam

Trong hợp tuyển "Những nẻo đường Phúc âm hóa của Công giáo ở Việt Nam" (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2014) tập hợp những bài viết của tác giả được đăng tải chủ yếu trên Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, một số sách, kỷ yếu, nguyệt san chuyên khảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương đã bàn về ý nghĩa của triết lý nhân sinh trong Phúc âm đối với lối sống của người Công giáo ở Việt Nam. Đó là: (1) sự du nhập Công giáo vào văn hóa Việt Nam ("Nẻo đường Công giáo với Dân tộc"; (2) sự hình thành văn hóa ở tín đồ Công giáo do tác động của Phúc âm và văn hóa bản địa ("Làng Công giáo - xứ họ đạo - Nẻo đường hình thành và đời sống đạo"); (3) những biểu hiện cụ thể của "Phúc âm hóa" trong lối sống của tín đồ Công giáo ("Nẻo

đường Công giáo với văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống Việt Nam"). Đây là một nguồn tài liệu rất bổ ích đối với chúng tôi, cả từ góc độ tiếp cận ý nghĩa của triết lý nhân sinh trong Phúc âm đối với lối sống của tín đồ Công giáo Việt Nam qua các huấn thị của Giáo hội Công giáo, sự đi vào đời sống đạo của các huấn thị ấy, cho đến những biểu hiện thực tế cụ thể của các huấn thị ấy.

Một công trình có ý nghĩa quan trọng xét trên phương diện ý nghĩa của triết lý nhân sinh trong Phúc âm đến lối sống của tín đồ Công giáo Việt Nam là cuốn "Những ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công giáo và văn hóa Việt Nam" (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012) của tác giả Phạm Huy Thông. Trong tác phẩm, tác giả đã dành trọn chương 1 để phân tích "dấu ấn của đạo Công giáo trong văn hóa Việt Nam" [146, tr.19-122] qua việc tạo ra chữ Quốc ngữ, làm phong phú lễ hội, văn học, nghệ thuật, báo chí, tinh thần yêu nước, v.v.. Chương 2 được tác giả phân tích ảnh hưởng ngược lại của văn hóa Việt Nam đến đạo Công giáo [146, tr.123-212]. Chương 3 đề cập tới xu hướng phát triển của mối quan hệ qua lại này. Từ đó, tác giả Phạm Huy Thông kết luận xác đáng rằng "Mặc dù mới có mặt ở nước ta chưa đầy 5 thế kỷ nhưng đạo Công giáo đã đóng góp cho văn hóa, xã hội Việt Nam nhiều giá trị tích cực từ nghi lễ đến lối sống, từ văn học nghệ thuật đến âm nhạc, từ chữ viết đến phong trào yêu nước của người Công giáo Việt Nam" [146, tr.288-289].

Tác giả Đỗ Thị Ngọc Anh, trong luận án tiến sĩ "Giá trị của hôn nhân và gia đình Công giáo ở Việt Nam hiện nay" (bảo vệ tại Khoa Triết học Đại học KHXH & NV Hà Nội, năm 2015), đã chỉ ra nhiều yếu tố tích cực trong quan niệm về hôn nhân và gia đình của triết lý nhân sinh Công giáo. Đó là thái độ nghiêm túc, sự thủy chung, tôn trọng sự sống, yêu thương con người, tính bền vững của gia đình, tính nhân văn, tính thánh thiêng của quan hệ nam - nữ. Đây

cũng là những biểu hiện cụ thể của triết lý nhân sinh trong Phúc âm trong lối sống của tín đồ Công giáo.

Ngoài các công trình nghiên cứu trên, có một số tài liệu cũng đề cập ít nhiều tới tư tưởng nhân học xã hội của Kinh thánh. Như: "Tìm hiểu nét đẹp văn hoá Thiên Chúa giáo" (Nxb. Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2002) của tác giả Hà Huy Tú, "Tôn giáo và đời sống hiện đại" gồm 2 tập (Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997), "Suy lời Chúa, ngẫm sự đời" (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2013) của Lm. Bosco Dương Trung Tín, "Lời Chúa và cuộc sống" gồm 3 tập (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012) của Lm. Giuse Đinh Tất Quý, "Lời Chúa và cuộc sống - Mỗi ngày một chút" (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012) của Xuân Thu, "Dấu ấn 50 năm Hàng giáo phẩm Việt Nam" (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2010) của Nguyễn Đình Đầu, "30 năm Thư chung 1980 Hội đồng Giám mục Việt Nam" (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2010) do PGS. TS. Nguyễn Hồng Dương chủ biên.v.v.. Các công trình này phần nào đã làm rõ đặc thù của triết lý nhân sinh trong Phúc âm đối với lối sống của tín đồ Công giáo Việt Nam hiện nay. Chúng tôi sẽ sử dụng những tài liệu này với sự tiếp thu có chọn lọc những kết quả của chúng để làm cơ sở nghiên cứu trong luận án của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) triết lý nhân sinh trong phúc âm và ý nghĩa của nó đối với lối sống của tín đồ công giáo việt nam hiện nay (Trang 31 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)