Phúc âm
Đứng trên lập trường duy vật lịch sử và duy vật biện chứng để tiếp cận triết lý nhân sinh trong Phúc âm, chúng ta cần phải làm sáng tỏ những điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cho sự ra đời của triết lý này.
2.2.1. Điều kiện kinh tế
Đạo Kitô và triết lý nhân sinh của nó được trình bày trong Phúc âm đã ra đời vào đầu Công nguyên ở vùng đất Palestine, thuộc địa của đế chế La Mã. Palestine, tên tiếng Do Thái là "Pelishit", nghĩa là đất của người Pelishit, là tên một thành nhỏ ở phía nam đất Canaan. Từ thế kỷ XI trước Công nguyên, đất này bị tướng Josue chinh phạt và đặt dưới quyền đô hộ của người Do Thái. Đến khi Do Thái bị người La Mã đô hộ, toàn bộ miền đó được gọi là Palestine. Đây là một miền đất nhỏ hẹp nằm bên cạnh các nước láng giềng rộng lớn là Syria ở phía Bắc, Caldea, Assyria và Ba Tư ở phía Đông, Ai Cập ở phía Nam. Diện tích Palestine khoảng 26.300 km2, dưới thời Chúa Giêsu, dân số Palestine khoảng 10 triệu người.
Đế chế Lã Mã ở đầu Công nguyên được xem là thời kỳ cực thịnh. Nền kinh tế lúc bấy giờ của đế chế La Mã khá đa dạng: nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, ngoại thương, ngân hàng và đặc biệt là buôn bán nô lệ. Kinh tế nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa mì, ép rượu nho, ép dầu ô liu, cung cấp cho nhu cầu trong nước và trao đổi với các quốc gia khác, như: Ấn Độ, Ba Tư, v.v... Các ngành thủ công nghiệp khá phát triển khi đó lúc bấy là nghề dệt vải, làm bồn chứa, đóng thuyền, v.v... Mặc dù nền kinh tế khá phát triển, nhưng do phải nuôi bộ máy chính quyền khá lớn, đặc biệt là phải nuôi quân đội - đội quân hùng mạnh bậc nhất thế giới lúc đó và phải phục vụ cho các cuộc viễn chinh, hoặc bảo vệ đế chế trước các thế lực xâm hại, người dân đã phải nộp thuế rất nặng, dẫn đến cuộc sống vô cùng khốn khổ.
Sông Jordan chạy dài trên lãnh thổ Palestine, có vô số nhánh nhỏ chia cắt Palestine thành 4 miền khác nhau. Nằm cuối lưu vực sông là miền duyên hải chỉ có vài hải cảng ít quan trọng. Xa hơn vào nội địa là những cánh đồng rộng lớn, phì nhiêu thuận lợi cho canh tác, như các đồng bằng Saron, Esdrelon. Đây là miền đồng bằng trù phú, dân cư sống chủ yếu bằng nghề nông, sung túc. Bên cạnh các cánh đồng phì nhiêu này là những đồi núi tạo thành miền cao nguyên rất rộng, đằng sau là thung lũng sông Jordan.
Lãnh thổ Palestine gồm hai bên tả và hữu sông Jordan. Miền Tả ngạn gồm 9 tỉnh đã nhượng cho thực dân Hy Lạp, dân Do Thái ít sống ở đây. Miền Hữu ngạn gồm ba miền Bắc, Trung và Nam: Bắc bộ là Galilea, Trung bộ là Samaria và Nam bộ là Judea.
Dân cư xứ Galilea gồm những người ngụ cư đến từ nhiều nơi, khác nhau về chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, v.v. (tên Galilea bắt nguồn từ galil haggiom, có nghĩa là đất của các dân). Dưới thời Chúa Giêsu, xứ này rất thịnh vượng, do có hai nguồn lợi lớn là đồn điền và biển hồ. Những cánh đồng rộng lớn trồng nhiều ngũ cốc và hoa quả. Hồ Tiberia rất nhiều loại cá là nguồn sống sung túc cho ngư dân. Galilea có nhiều thành thị nổi tiếng, như Sefourie - thủ phủ của xứ này. Dưới đời Herode Antipa, người ta xây thành Tiberia và thiên đô về đó. Phúc âm nói tới nhiều thành, như Naim, Cana, Magdala, Nazaret (quê hương của Chúa Giêsu), Capharnaum, Coroxain và Betxaida. Ba thành cuối cùng thời ấy rất phồn thịnh, song đã bị hủy diệt hoàn toàn, không để lại gì.
Miền Trung Samaria nằm giữa Galilea và Judea. Người Do Thái coi dân xứ này là khác giống nòi, do là từ thế kỷ III tr.Cn., Vua nước Asyria chinh phục đất Samaria. Vua đuổi người bản địa và đưa người Babylon, Cuma, Avoth, Emath, Sepharvaim đến định cư. Sau đó, nhiều người Do Thái kết hôn với dân ngoại, bỏ đạo tổ tiên theo tín ngưỡng của dân ngoại. Xứ này kém trù phú, dân cư ít, xung đột giữa các dân ngoại luôn diễn ra do khác biệt về đức tin.
Xứ Judea là Nam bộ của nước Palestina, là xứ nghèo nhất trong ba xứ, song có vai trò quan trọng hơn về tôn giáo, chính trị và văn hóa, vì Thánh đô đóng tại đây, ở đây có đền thờ Jerusalem, có Hội đồng Cộng tọa, có các đảng phái hoạt động tôn giáo, chính trị, v.v..
Nói tới kinh tế - xã hội nước Palestine thời Chúa Giêsu, không thể không nhắc tới Jerusalem, được gọi là hạt ngọc của Tiểu Á. Đây là một đô thị phồn hoa, xinh đẹp, thu hút rất nhiều khách du lịch đem lại một cuộc sống rất nhộn nhịp và giàu có cho người dân. Dân số của thành chỉ khoảng 4 vạn, song khách du lịch hàng năm lên tới hàng triệu người.
2.2.2. Điều kiện chính trị
Vào năm 586 tr.Cn., Vua Nabuchodonosor II của đế chế Babylon đưa quân chinh phạt Vương quốc Judah và Israel, phá hủy đền thờ Do Thái. Ông ta cho quân lính cướp bóc toàn bộ các kho báu trong đền thờ, và bắt người Do Thái đi lưu đày tại Babylon. Tương truyền rằng, vào năm 538 trước Công nguyên, vua Belshazzar khi đang dự yến tiệc ở kinh thành Babylon thì bỗng thấy có bàn tay người hiện ra viết một dòng chữ lên tường thành, nhà vua vội triệu tiên tri Daniel vào hỏi thì ông giải nghĩa rằng, Thiên Chúa đã phán quyết Đế quốc Babylon đã đến hồi diệt vong. Sau đó, vua Cyrus nước Ba Tư mang quân tinh nhuệ đánh chiếm nước Babylon, lật đổ Belshazzar.
Toàn thắng, Cyrus ban bố sắc lệnh: Yave, Đức Chúa Trời đã ban cho các nước thế gian và bảo ta xây cất cho Ngài một đền thờ tại Jerusalem trong xứ Judah. Trong các ngươi, phàm ai thuộc về dân Ngài, hãy trở về Jerusalem; nguyện Yave, Đức Chúa trời của người ấy ở cùng người ấy. Thế rồi, không những dân Do Thái mà tất cả các dân tộc bị tù đày trong đế quốc Babylon đều được vua Cyrus ban bố tự do cho trở về cố hương. Từ năm 538 tr.Cn., cho đến năm 535 tr.Cn., quan tổng đốc Zerubabbel đã dẫn dắt nhóm người Do Thái đầu tiên về quê hương. Với chính sách tự do tôn giáo, triều đình Cyrus còn lấy ngân khố quốc gia Ba Tư để giúp nhân dân Israel xây dựng lại đền thờ.
Sau bước đường hồi hương là thời kỳ mà các nhà chú giải Kinh thánh gọi là thời kỳ yên lặng về mặt tôn giáo, kéo dài 400 năm, hầu như không có một biến cố gì quan trọng được Cựu ước đề cập đến. Tuy nhiên về chính trị xã hội vẫn còn nhiều bất ổn, chiến tranh vẫn xảy ra trên vùng đất Jerusalem do sự chiếm đóng của nhiều đế quốc khác nhau. Quan trọng nhất là vào năm 336 tr.Cn., Alexandre đại đế chinh phục thế giới, đem đến miền Trung Đông ngôn ngữ phổ thông Linguafranca, lúc đó là tiếng Hy Lạp. Nhưng Alexandre chỉ cai trị một thời gian ngắn rồi qua đời, đế quốc của ông bị phân chia vào tay bốn vị tướng. Trong đó, người giữ vai trò rất quan trọng đối với lịch sử dân tộc Do Thái là Seleucus, do đã sáng lập một đế quốc tồn tại hai trăm năm. Thời kỳ Seleucus xuất hiện cuộc nổi dậy của Judas Maccabee chống lại đế quốc và giành thắng lợi. Bởi vì lúc đó, Seleucus phải đối phó với nhiều thế lực, phía Bắc là sự phản công của Parthian (cựu đế quốc Ba Tư); phía Nam phải đối phó với sự nổi dậy của Ai Cập; phía Tây phải đối phó với một đế quốc mới- La Mã.
Với sự thành công của cuộc nổi dậy do Judas Maccabee lãnh đạo, vào năm 150 tr.Cn., dân tộc Do Thái bước vào giai đoạn mới. Đó là triều đại nhà Hasmonean, còn gọi là nhà Judas Maccabe, cai trị trong vòng 100 năm. Đây là thời kỳ duy nhất dân Do Thái có một chế độ vua chúa với một nhà nước độc lập sau thời kỳ vàng son của David và Solomon. Nhưng vào cuối thời kỳ này, việc cai trị trở nên bất ổn do sự tham nhũng, bóc lột, tranh giành quyền hành giữa nhiều phe phái. Các phe phái phải nhờ một người ngoại bang làm thủ tướng để cai trị, đó là Antipater. Antipater đến từ vùng Petra, biển Chết, thuộc dòng Nabatean Arabs, và đặc biệt là một người khôn khéo. Antipater đã biến vùng Palestine thành quốc gia hậu thuẫn La Mã chống lại Nabateans Arabs ở miền Nam và đế quốc Parthians ở phía Đông. Ông rất được chính quyền La Mã tin tưởng và hầu hết dân chúng ủng hộ. Khi Antipater bị ám sát, con thứ của ông là Herode lên làm vua. Herode đầy mưu mô và xảo quyệt, nhưng rất được lòng các hoàng đế La Mã lúc bấy giờ. Vì vậy, mọi quyết định của ông đều được chính
quyền La Mã chấp thuận, kể cả vụ thảm sát hơn 200 trẻ sơ sinh ở Bethlehem và vùng phụ cận [Mt 2,16-18].
Vào những thập niên đầu Công nguyên, Đế chế La Mã đã chuyển từ chế độ thị tộc sang chế độ xã hội có giai cấp. La Mã là một đế chế chiếm hữu nô lệ và là nhà nước có quân đội hùng mạnh nhất thế giới khi đó. Nhà nước đó có nhiều nô lệ nhất, chế độ nô lệ cũng khắc nghiệt nhất. Người ta có thể mua bán nô lệ như mua bán súc vật. Nô lệ bị áp bức dã man, bị bóc lột tàn khốc. Đây là nguyên nhân khiến họ liên kết để đấu tranh chống lại tầng lớp chủ nô.
Trong các cuộc nổi dậy của nô lệ thì khởi nghĩa do Spactacus lãnh đạo vào những năm 73 - 71 tr.Cn. đã có tiếng vang rất lớn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu, anh hùng nô lệ Spartacus bị hành hình. Cuộc khởi nghĩa không thành, mâu thuẫn giữa chủ nô và nô lệ, giữa giới quý tộc với giới bình dân càng gay gắt hơn.
Ở Palestine, dưới thời Chúa Giêsu có 2 đảng chính trị là Selote và Herode.
Đảng Selote có mục đích khôi phục nền độc lập cho Palestine. Đảng này do Juda xứ Gaulanitide sáng lập năm 6 - 7 sau Cn. Ông và nhiều đồng chí không nộp thuế cho Rome, lại bài ngoại, nên đã bị xử tử hình [Cv 5, 37]. Cuộc nổi dậy năm 66 đã đưa nước Palestine đến diệt vong (năm 70) đều do đảng này tạo ra.
Đảng Herode phò tá nhà Herode, gồm những kẻ vị kỷ, hám danh nên dân chúng oán ghét. Số đảng viên rất ít, không có mấy ảnh hưởng trong xã hội. Phúc âm chỉ 3 lần nhắc tới bọn họ [Mc 3, 6; 12, 13; Mt 22, 16].
Nhà nước Palestine thời Chúa Giêsu chia thành tỉnh, quận, xã. Đại biểu của dân có hội đồng địa phương và bên trên có hội đồng Cộng tọa.
Hội đồng địa phương: quận hạt có trên 120 hộ tịch thì có quyền tổ chức một hội đồng để phân xử công việc thường ngày. Hội đồng có 23 hội viên, tuyển trong số đại biểu của dân. Giám đốc hội đồng địa phương đang tại chức làm chủ tịch. Phúc âm Mát-thêu [Mt 10, 17] có nhắc tới những hội đồng này.
Hội đồng Cộng tọa: dưới thời thuộc địa của Rome, Gabino, Tổng trấn Syria, đã chia nước Palestine ra làm năm địa phương và mỗi địa phương có một hội đồng các nghị sĩ. Đó là: Gadara, Jerico, Amathonte, Sephori và Jerusalem. Hội đồng Jerusalem dần dần lấn át quyền lợi của các hội đồng khác và chiếm được quyền cai quản toàn quốc (quyền lực giống như quốc hội hiện nay). Hội đồng Jerusalem đổi tên thành "Cộng tọa" giữ quyền tối cao trong việc xét xử những việc quan trọng cả về đời và đạo. Dưới thời thuộc địa của Rome, Hội đồng Cộng tọa không được tham dự chính trị, song có quyền kết án tử hình nếu được Tổng trấn Rome đồng thuận [Ga 19, 31].
Hội đồng Cộng tọa gồm 70 hội viên, chia làm 3 ban: trưởng tế, luật sĩ và hào mục hay kỳ lão. Ban trưởng tế phần đông là người thuộc phái Sadukeu; ban luật sĩ đa số là người thuộc phái Pharisieu. Vị thượng tế đương chức là chủ tịch hội đồng. Hội đồng Cộng tọa thường họp ở căn phòng bên cạnh đền thờ gọi là Gaxit, nằm kề bên điện Xyste. Hội đồng phải họp vào ban ngày, trừ phi có việc khẩn cấp và có đủ luận cứ thì mới được họp ở nơi khác, vào thời gian khác. Đó là trường hợp hội đồng họp tại phủ thượng tế Caipha và họp vào ban đêm để xem xét việc kết án tử hình Chúa Giêsu.
Dân Israel sống trong cảnh bị áp bức đã luôn khao khát một đấng cứu tinh, mong chờ sự ra đời của Đấng Messia vốn được các tiên tri loan báo từ bao đời nay. Họ mong Đấng Messia đến lật đổ người La Mã, chấm dứt sự khổ ải của dân tộc. Vậy nên khi Đức Giêsu sinh ra vào lúc người Do Thái đang ấp ủ một ao ước có vị lãnh tụ giải phóng cho họ như Abraham, Moise, Josua và David,... Vì vậy, Chúa Giêsu lúc đầu xuất hiện được họ chào đón và hy vọng như một anh hùng dân tộc. Nhưng về sau, giới chóp bu trong Do Thái giáo thấy ông là đấng giải thoát con người về phần linh hồn, không phải là một lãnh tụ giải phóng dân tộc Israel, thậm chí họ sợ dân chúng theo Giêsu sẽ không tin họ giảng dạy nữa, mất uy tín, tầm ảnh hưởng bị giảm sút và rồi họ tìm cách loại trừ Giêsu.
Trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu xuất hiện và rao giảng giáo lý công bằng, bình đẳng, bác ái, khoan dung; hứa hẹn một nước trời hoan lạc và vĩnh cửu. Thế nên, sự xuất hiện tư tưởng triết lý nhân sinh trong Phúc âm đã giúp những người nghèo bị áp bức tìm thấy sự an ủi, vỗ về, cùng sự hứa hẹn được giải thoát.
2.2.3. Điều kiện văn hóa, xã hội
2.2.3.1. Điều kiện văn hóa
Đời sống tôn giáo của người Do Thái lúc bấy giờ là một yếu tố văn hóa. Josephus [28, tr.10-28] (38-100 sau Cn.), sử gia nổi tiếng người Do Thái đã diễn tả ba nhóm tôn giáo chính, hoạt động khác nhau, quy định diện mạo đời sống tôn giáo của dân Do Thái thời Chúa Giêsu. Đó là giáo phái Pharisieu, Saduseo và giáo phái Essiene. SáchTân ước chỉ đề cập đến giáo phái Pharisieu và giáo phái Saduseo, mà không nói gì đến phái giáo Essiene. Ngoài ra, Josephus cũng đề cập đến những nhóm chính trị và cách mạng của người Do Thái.
Giáo phái Pharisieu được thành lập từ thời gian dân Do Thái bị lưu đầy bên Ai Cập. Trong cảnh lầm than đau khổ, nhiều người nhận thấy nguyên nhân của tai họa là người Do Thái đã bỏ quên, không tuân thủ Lời Thiên Chúa. Những người giác ngộ như vậy đã quyết tâm sống trung thành với Lời Thiên Chúa, sống một cuộc sống đạo đức hơn. Vì vậy, dân Do Thái gọi họ là Pharisieu (tức là "Biệt phái"). Ban đầu họ chưa hợp thành đoàn thể và chỉ theo đuổi mục đích tôn giáo. Về sau, sự tham tàn độc ác của đế quốc Syria đã khiến họ làm chính trị. Họ tổ chức thành đảng phái với mục đích bài ngoại và giúp nhà Macabeo khôi phục nền độc lập. Nhưng về sau, Herode lên cầm quyền, đảng này không phò vua, không làm chính trị, trở về chuyên lo việc tôn giáo.
Người Pharisieu quý trọng Thánh Kinh và tục truyền nhưng nhiều khi họ coi trọng tục truyền hơn Thánh Kinh và dựa vào tục lệ bắt người ta giữ những điều quá tỉ mỉ. Họ tin linh hồn bất tử, xác kẻ lành sẽ sống lại và thừa nhận có Thiên Chúa quan phòng. Người Pharisieu mắc phải tính đạo đức giả, kiêu ngạo, đố kỵ, hay thù oán và Chúa Giêsu đã nhiều lần mắng trách họ nặng lời. Tuy
nhiên, phái Pharisieu đã giúp ích rất nhiều cho dân Do Thái, nhờ họ mà Do Thái giáo mới tồn tại lâu dài như vậy.Vì vậy, Chúa Giêsu tuy công kích việc làm của họ, nhưng dạy người ta cứ nghe theo lời của họ khuyên răn [Mt 23, 12].
Một số người trong phái Pharisieu học đạo rất thông, được gọi là Luật sĩ hay Thông giáo. Nhóm này chia thành ba đẳng cấp: trên cùng là những người khôn ngoan, sáng suốt, có văn bằng đạo luật, được công chúng xưng là Thày