2.1.1. Khái quát về Phúc âm
Kinh thánh của đạo Công giáo nói riêng, Ki tô giáo nói chung gồm 2 phần: Kinh thánh Cựu ước và Kinh thánh Tân ước; Phúc âm nằm trong Kinh thánh Tân ước, ở phần đầu và chiếm vị trí quan trọng nhất.
Về mặt nguyên từ học, danh từ "Phúc âm" hay "Tin lành" có nguồn gốc tiếng Hy Lạp: "Eu anghelion". Trong tiếng Hy Lạp cổ, danh từ này có nghĩa là "tiền thưởng người đưa tin mừng" hay "Lễ tạ Thượng đế khi nhận được tin mừng". Sau này, người ta gọi "Eu anghelion" là Tin mừng.
Kinh thánh Tân ước sử dụng danh từ đó để gọi tin mừng trước hết dành cho tất cả dân chúng: Ngôi Hai Thiên Chúa đầu thai làm người, sinh trưởng giữa loài người. Bởi vậy, Giáo hội đặt tên cho 4 sách đầu tiên kể truyện Chúa Giêsu là "Tin lành", "Phúc âm" hay "Evan" (từ gốc tiếng Latinh).
Xét về mặt số lượng, người ta thường nói là có 4 Phúc âm. Song, đạo Công giáo cho rằng, chỉ có một Phúc âm do 4 tác giả viết. Ngay từ đầu, các giáo hội khắp nơi đều thừa nhận sự thật này. Origene (185-255) thuộc Giáo hội Hy Lạp nói: "Giáo hội chỉ có 4 Phúc âm, đạo rối có nhiều". Clemente thành Alexandria thuộc Giáo hội Ai Cập và tác giả của "Cannon Muratori" (Sổ kê các Sách Thánh) thuộc Giáo hội Rome cũng công nhận diều đó. Eusebio (265-340) thuộc Giáo hội Palestine so sánh Phúc âm với cỗ xe tứ mã để chỉ truyện về một Người do 4 người viết. Thánh Ireneo (230) thuộc Giáo hội Pháp gọi sách về Chúa Giêsu là "Phúc âm tứ diện", ông muốn nhắc tới lời tiên tri Ezekiel nói về Phúc âm từ 600 năm tr.cn. Tiên tri này được Thiên Chúa mạc khải cho xem 4 con vật kỳ lạ tượng trưng cho 4 Phúc âm. Con vật thứ nhất có bộ mặt người, tượng trưng cho Phúc âm Mát-thêu, vì Mát-thêu kể gia phả Chúa Jessus về tính
loài người trong phần Nhập đề. Con vật thứ hai là sư tử, chỉ Phúc âm Mác-cô, vì ông bắt đầu từ việc kể về Gio-an Tiền hô sinh sống nơi rừng xanh, giữa những sư tử và các loài thú khác. Con vật thứ ba có mặt bò, chỉ Phúc âm Lu-ca, vì nhập đề của ông kể về Xacaria dâng chiên bò lễ bái Chúa. Con vật thứ tư là phượng hoàng, tượng trưng cho Phúc âm Gio-an.
Có thể nói, Phúc âm Mát-thêu ra đời đầu tiên, rồi đến Mác-cô, Lu-ca và Gio-an. Giáo hội thừa nhận điều đó. Nếu trong nhiều cổ văn, chúng ta thấy chúng được sắp xếp theo thứ tự khác (như Mát-thêu rồi đến Gio-an, hoặc Gio-an rồi đến Mát-thêu, v.v.), thì đó là lối sắp xếp theo vị thứ hơn là trật tự thời gian.
Xét về mặt thời gian, lúc khởi thủy, Phúc âm được truyền bá bằng lời giảng. Việc giảng dạy do Chúa Giêsu khởi sự. Ông đã đi rao giảng "Nước Trời" và điều kiện cần thiết để lên Nước trời, sống ở trong đó, ở khắp các thành thị và thôn quê nước Palestine. Muốn cho sự nghiệp đi đến thành công, Chúa chọn các cộng sự, huấn luyện họ và sai đi rao giảng ngay từ khi ông còn sống [Mc 6, 7- 13]. Những người cộng tác với Giêsu để thành lập Nước Trời sau này được gọi là Tông đồ. Các ông đã kế nghiệp Chúa Giêsu để rao giảng Phúc âm. Khi Chúa về trời, các Tông đồ nhận biết thiên chức của mình qua ơn Thánh Thần và chia tay nhau đi truyền giáo khắp mọi nơi [Lc 1, 1; Cv 6, 4].
Truyền giáo có nghĩa là tường thuật lại đời sống của Chúa Giêsu cùng với hành vi, ngôn ngữ và đạo lý của Chúa để mọi người tin và sống theo đạo lý ấy. Song, lời nói và việc làm của Chúa Giêsu là rất nhiều, đạo lý rất sâu sắc, do vậy rao giảng Lời Chúa là một việc làm rất khó. Trong khi đó thì lời rao giảng lại phải gọn gàng, khúc chiết, do vậy các Tông đồ cần có một dàn bài chung để tường thuật cuộc đời và giáo lý của Chúa. Thế là các "bài dạy đạo" đã ra đời như "dàn bài chung" cho mọi nhà truyền giáo.
Sách Công vụ Tông đồ ghi lại mấy bài dạy đạo như vậy. Thí dụ là bài của thánh Phero, thủ lĩnh các Tông đồ, giảng cho Cornelio. Sau mấy lời nói đầu về
tình yêu của Chúa dành cho những người công chính thuộc mọi dân, Thánh Phero vào việc:
Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng. Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở Người. Còn chúng tôi xin đây làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do - Thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại [Cv 10, 37-41]. Đọc và phân tích bài dạy đạo này, chúng ta có thể chia thành 4 phần: 1. Gio-an Tiền hô rao giảng và làm phép rửa, Chúa Giêsu chịu phép rửa; 2. Chúa Giêsu giảng đạo ở Ga-li-lê;
3. Chúa Giêsu từ Ga-li-lê xuống Jerusalem truyền đạo; 4. Chúa Giêsu chịu khổ nạn, bị giết và sống lại.
Những bài giảng như vậy là hình thức phôi thai của Phúc âm. Về đại thể, các Phúc âm đều kết cấu theo bài giảng này. Thí dụ như Phúc âm Mác-cô được chia làm 4 phần: Phần 1 (1 1-13) kể chuyện Gio-an rao giảng và Chúa Giêsu chịu phép rửa; phần 2 (1, 14 - 9, 49) thuật việc Chúa Giêsu truyền đạo tại xứ Ga- li-lê; phần 3 (10, 1-52) kể chuyện Chúa từ giã Ga-li-lê xuống Jerusalem; phần 4 (11, 1 - 16, 20) kể việc Chúa chịu nạn, bị giết và sống lại.
Hai Phúc âm Mát-thêu và Lu-ca dài hơn, song cũng có bố cục như vậy, nên người ta gọi ba Phúc âm đó là các Phúc âm "Nhất lãm". Xét về lịch trình biến đổi của Phúc âm, khó xác định từ "những bài dạy đạo" (Phúc âm truyền
khẩu) đến Phúc âm thành văn đã trải qua các hình thức nào. Song, căn cứ vào truyền khẩu và bài tựa Phúc âm Lu-ca, có thể biết chắc là có nhiều người đã chép Phúc âm [Lc 1, 1-4], trong đó có Mát-thêu, Mác-cô, v.v. Những người này làm việc theo phương pháp và mục đích của riêng mình: tường thuật các phép lạ của Chúa, ghi chép các bài giảng, kể truyện Chúa thời thơ ấu, quãng đời truyền giáo hoặc những ngày chịu khổ nạn. Cuối cùng Lu-ca mới cho ra đời một sách, sắp đặt câu truyện đời Chúa theo phương pháp lịch sử cho có thứ tự mạch lạc.
Vào cuối thế kỷ 1 sau cn., phái Ngộ đạo (Gnosticism) không thừa nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Bấy giờ, vị Tông đồ còn đang sống là Gio-an mới cho ra đời một Phúc âm nữa. Mục đích của Phúc âm này là làm rõ cho mọi người nhận thấy "Thiên Chúa tính" (Divinité) của Chúa Giêsu. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể biết về nguồn gốc của Phúc âm mà Giáo hội công nhận.
2.1.2. Một số khái niệm liên quan
2.1.2.1. Khái niệm "Triết lý nhân sinh trong Phúc âm"
Trước khi tìm hiểu về nội hàm khái niệm "Triết lý nhân sinh trong Phúc âm", tác giả đưa ra quan niệm chung về "Triết lý nhân sinh".
"Triết lý nhân sinh" là một bộ phận của triết học, không chỉ phản ánh, mà còn tác động trở lại, trong sự ảnh hưởng rất to lớn đến lẽ sống và lối sống của con người. Triết học, cả duy tâm và duy vật, từ khi hình thành luôn lấy đề tài về con người là đề tài trung tâm và đã vạch ra vị trí của con người trong Vũ trụ, khẳng định lẽ sống của con người và sứ mệnh của con người trên thế gian, và đó được hiểu là triết lý nhân sinh. Tuy nhiên triết lý nhân sinh có các lập trường không giống nhau.
Triết lý nhân sinh theo quan điểm nhân học văn hóa về triết học cho rằng, con người là sinh thể văn hóa, nên chủ yếu tập trung vào văn hóa làm Người. Con người được chia thành hai bộ phận cơ bản là "xác" và "hồn". Phần xác là phần hữu hình nên định lượng được, trở thành đối tượng nghiên cứu của
khoa học. Ngược lại, phần hồn là vô hình không định lượng được (lương tâm nặng bao nhiêu, có hình gì?) và khoa học không thể nghiên cứu đầy đủ về nó.
Triết lý nhân sinh tôn giáo chủ yếu tập trung vào con người trần gian trong quan hệ với đấng siêu nhiên. Trong mối quan hệ này, đấng siêu nhiên là tính thứ nhất - quyết định, con người là tính thứ hai - bị quyết định.
Triết lý nhân sinh mác xít lại tập trung vào vấn đề con người xã hội, giai cấp có khả năng tự giải phóng bản thân, xã hội và loài người khỏi áp bức, bóc lột, xây dựng "thiên đường trên trần thế" của mình, cho mình. Chúng ta hiểu C.Mác hơn khi ông nói: "giai cấp vô sản là trái tim, triết học là khối óc" của phong trào giải phóng người lao động bị áp bức, bóc lột, mọi sự phê phán phải kết thúc ở sự phê phán chính trị, mà đỉnh cao là cách mạng chính trị, biến sự phê phán tinh thần bằng hành động thực tiễn giải phóng con người.
Vậy, triết lý nhân sinh là một bộ phận của triết học, đó là những tư tưởng, quan điểm, đạo lý của con người về các vấn đề trong cuộc sống được khái quát lên trong quá trình lịch sử lâu dài của loài người.
Triết lý nhân sinh là triết lý về con người và đời sống con người, thể hiện vô cùng phong phú và đa dạng trong mọi mặt của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực tôn giáo, triết lý nhân sinh luôn trả lời các câu hỏi như: Con người là ai? Từ đâu đến? Mục đích, lẽ sống của con người là gì? Cuộc sống con người có ý nghĩa, giá trị gì? Thế nào là cuộc sống hạnh phúc đích thực? Con người phải sống ra sao để đạt được hạnh phúc?... Trong đó quan trọng nhất là trả lời các câu hỏi về lẽ sống và lối sống của con người!
Chúng ta có thể tiếp cận tới khái niệm "Triết lý nhân sinh trong Phúc âm" theo quan niệm nêu trên về triết lý nhân sinh.
Như đã trình bày ở trên, bốn văn bản Phúc âm của các Thánh Mát-thêu Lu-ca, Mác-cô và Gio-an trong Kinh thánh Tân ước của Đạo Công giáo có nội dung chủ yếu bàn về cuộc đời, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.Triết lý nhân sinh trong Phúc âm trước hết và luôn đặt con người trong
mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa. Thánh Phaolô khẳng định: "Sống trong chân lý và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô, vì Người là Đầu" [Eph 4,15]. Vậy con người phải sống cho xứng đáng với Chúa và phải sống vì tha nhân, sống bác ái, đạo đức; phải sửa chữa tội lỗi (chuộc tội) và không ngừng hoàn thiện bản thân.
Vậy, theo NCS: Triết lý nhân sinh trong Phúc âm, đó là những vấn đề triết học, đạo đức Công giáo được viết trong sách Phúc âm, ở Kinh thánh Tân ước về mối quan hệ của con người với Thiên Chúa, Thiên Chúa răn dạy con người sống có mục đích, có ý nghĩa theo nguyên tắc kính Chúa, yêu người, cũng như có hình thức, phương thức sống phù hợp.
Ở đây, tác giả đã cố gắng gắn kết khái niệm "Triết lý nhân sinh trong Phúc âm" với khái niệm "Lẽ sống Công giáo" và "Lối sống Công giáo".
2.1.2.2. Khái niệm "lẽ sống Công giáo"
"Lẽ sống", nói chung, thường được hiểu là ý nghĩa, mục đích của cuộc sống và đây là một trong những vấn đề trung tâm của triết học và đạo đức học. Lẽ sống chi phối và liên quan mật thiết đến những định hướng sống của con người hết sức cơ bản như lý tưởng, niềm tin, thái độ sống, các quan niệm về hạnh phúc, thiện, ác... [140, tr.320-325].
"Lẽ sống" có vai trò định hướng giá trị cho mọi hoạt động sống của con người (cá nhân hay cộng đồng). Trên thực tế, các "thánh nhân" thường đóng vai trò người tạo dựng "lẽ sống" cho cộng đồng. Như: Hồ Chí Minh đặt ra cho người Việt Nam hai mục đích: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phản ánh hoài bão của dân tộc, quyết định giá trị sống, "lẽ sống" của chúng ta.
Vậy khái quát lại: Lẽ sống, hay còn gọi là ý nghĩa sống, là hệ thống tư tưởng định hướng, giải thích cho mục đích, ý nghĩa cuộc sống, từ đó hình thành ước mơ, khát vọng cần phải hoạt động vươn tới.
Lẽ sống được xem là mặt ý thức của lối sống, phản ánh nhận thức tích cực hoặc tiêu cực của con người về chính bản thân trong các mối quan hệ xã
hội. Lẽ sống là mặt tự giác của lối sống, đóng vai trò dẫn dắt, định hướng, nhằm làm cho lối sống ổn định đạt tới ý nghĩa mục đích sống của cá nhân, cộng đồng, giai cấp, dân tộc, tôn giáo.
Quan niệm về "lẽ sống" như vậy, nghiên cứu sinh có cơ sở để xây dựng nội hàm khái niệm "lẽ sống Công giáo". "Lẽ sống Công giáo" hẹp hơn, cụ thể hơn so với "lẽ sống" nói chung, theo mối quan hệ loài - giống.
Theo chúng tôi thì: Lẽ sống Công giáo, đó là hệ thống tư tưởng bắt nguồn từ Chúa Giêsu, đã định hướng, dạy bảo cho giáo dân Công giáo về mục đích, ý nghĩa cuộc sống, cao nhất, là kính Chúa - yêu người, từ đó hình thành ước mơ, khát vọng cho mọi hoạt động sống.
Nhận thức về "lẽ sống Công giáo" như vậy, chúng tôi đã có ý thức vượt qua quan niệm của một số ít nhà triết học, khi đã đánh giá "lẽ sống tôn giáo", trong đó có "lẽ sống Công giáo", rằng đó là lẽ sống không có ý nghĩa gì cả.
2.1.2.3. Khái niệm"lối sống Công giáo"
Trước tiên cũng cần tìm hiểu khái niệm "Lối sống" nói chung. "Lối sống " luôn là đối tượng nghiên cứu của triết học, tâm lí học, đạo đức học, văn hóa học... và là một phạm trù cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Vậy nên đã có không ít quan điểm - định nghĩa khác nhau về nó.
Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, từ phương diện triết học đã định nghĩa: Lối sống là dấu hiệu biểu thị sự khác biệt giữa những cộng đồng người khác nhau; tổng thể các hình thái hoạt động của con người, phản ánh điều kiện vật chất, tinh thần và xã hội của con người; là sản phẩm tất yếu của một hình thái kinh tế - xã hội và có tác động đến hình thái kinh tế - xã hội đó [17, tr.442].
Quan niệm trên được dựa trên quan điểm duy vật lịch sử, trong đó, lao động là lĩnh vực đầu tiên và là hình thái quan trọng nhất của lối sống.
Còn tác giả Phạm Hồng Tung trong bài: Nghiên cứu về lối sống: Một số vấn đề về khái niệm và cách tiếp cận, sau khi nêu ra 07 định nghĩa về lối sống của các học giả trong và ngoài nước, đã đưa ra một định nghĩa:
Lối sống của con người là các chiều cạnh chủ quan của văn hóa, là quá trình hiện thực hóa các giá trị văn hóa thông qua hoạt động sống của con người. Lối sống gồm tất cả những hoạt động sống và phương thức tiến hành các hoạt động sống được một bộ phận lớn hoặc toàn thể nhóm hay cộng đồng người chấp nhận và thực hành trong khoảng thời gian tương đối ổn định, đặt trong mối tương tác biện chứng của các điều kiện sống hiện hữu và trong các mối liên hệ lịch sử của chúng [162 tr.277].