Khái quát về đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội của khu vực nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đánh giá sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động thích ứng với Biến đổi khí hậu tại xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (Trang 28 - 32)

CHƯƠNG II : ĐỊA ĐIỂM, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, PHƯƠNG PHÁP

2.1. Địa điểm nghiên cứu

2.1.1 Khái quát về đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội của khu vực nghiên cứu

Hoài Nhơn là một huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 100km. Xã Hoài Hải có diện tích đất tự nhiên nhỏ nhất với 501 ha, trong đó 439 ha là đất nông nghiệp và nghề nghiệp chính của người dân nơi đây là đánh bắt cá và nuôi trồng thuỷ sản.

Hoài Hải là một xã vùng ven biển của thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, Việt Nam. Xã được tách ra từ thôn Kim Giao của xã Hoài Hương và thôn Diêu Quang của xã Hoài Mỹ. Xã được thành lập vào năm 1992. Xã Hoài Hải là một xã vùng ven biển của thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định dài và hẹp. Cách Quy Nhơn 100 km về phía Nam và cách tuyến đường quốc lộ 1A 14 km về phía Đông. Phía nam xã Hoài Hải là núi và rừng, phía tây tây nam giáp xã Hoài Mỹ, phía tây giáp sông Lại Giang, phía Bắc là cửa biển An Dũ, phía đông giáp biển Đông. Bên kia sông Lại Giang là xã Hoài Mỹ (phía nam) và xã Hoài Hương (phía bắc). Nhìn từ trên xuống, xã Hoài Hải có hình như mũi kiếm. Do địa thế như vậy nên xã Hoài Hải có thể được xem là một hòn đảo. Năm 2008, xã được nhà nước công nhận là xã bãi ngang. Xã Hoài Hải là một xã vùng ven biển của thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định dài và hẹp.

Xã Hoài Hải có 5 thôn với 1744 hộ (7238 người). Tổng số hộ nghèo của xã là 269 hộ, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo tương ứng là 15% và 20,4%. Tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên năm 2014 là l,33%.

Hiện tại, xã Hoài Hải có 245 tàu thuyền lớn nhỏ trong toàn xã. Năm 2012, tổng sản phẩm từ đánh bắt cá ước tính 5.100 tấn, trong đó cá ngừ chiếm 2.150 tấn. Vào năm 2012, xã có 30,2 ha nuôi tôm, tuy nhiên khu vực nuôi trồng thuỷ hải sản đã tăng lên đáng kể trong 4 năm vừa qua. Chăn nuôi gia súc và nuôi lợn cũng là nghề phụ, ngoài ra còn có một nghề thủ công nghiệp ở xã Hoài Hải là nghề đan lưới cá. Ở xã Hoài Hải, hầu hết nam giới trong tuổi lao động là ngư dân còn phụ nữ làm công việc đan, vá lưới ở nhà. Thu nhập trung bình đầu người trong năm 2012 là 1.250.000 VNĐ/người/tháng. Các hộ gia đình trong xã thuộc dân tộc Kinh. Hầu hết mọi người trong khu vực xã theo phong tục văn hoá của người Kinh. Mỗi thôn có một nhà văn hoá thôn. Đây là nơi diễn ra các cuộc họp, bàn các vấn đề quan trọng của thôn và cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hoá, chính trị của mọi người trong thôn. Nhà văn hoá thôn khá rộng rãi với bàn, ghế, hệ thống loa đài, quạt và điện. Các hoạt động truyền thông ở xã tương đối đa dạng với 2 phương tiện truyền thông hiệu quả là truyền thông qua hệ thống loa

phát thanh và truyền thông trực tiếp qua các cuộc họp thôn. Ở xã Hoài Hải, có 13 loa phát thanh ở 5 thôn, và có khoảng 70% người dân có thể nghe thông tin qua loa phát thanh.

Tại Hoài Hải, hội phụ nữ được đánh giá là hoạt động tương đối hiệu quả. Các ban ngành đoàn thể, tổ chức khác, phụ nữ có thể tham gia, tuy nhiên họ chủ yếu đóng vai trò thành viên, và số lượng phụ nữ “có tiếng nói quyết định” còn thấp. Do quan niệm cho rằng “nam giới thì khoẻ mạnh, có thời gian và năng lực để trở thành nhà lãnh đạo trong khi phụ nữ không có thời gian để tham gia vào việc ra quyết định”, phụ nữ hiếm khi được bầu làm lãnh đạo trong các tổ chức cộng đồng. Nam giới thường là chủ hộ, đứng tên trong hộ khẩu, trừ khi chồng chết, bị tàn tật hoặc phụ nữ làm mẹ đơn thân. Điều này được cho là phổ biến ở địa phương.

Khí hậu ở khu vực này được phân chia thành 2 mùa riêng biệt. Tháng 7 và tháng 8 là mùa khô, tháng 10 và tháng 11 là mùa mưa. Ở xã Hoài Hải, hầu hết đất là đất cát, và cát pha sét ở gần sông. Khu vực xã Hoài Hải có thể được phân chia thành 2 nhóm dân cư: một nhóm sống ở khu vực thấp, dọc theo bờ sông và một nhóm sống ở lưu vực sâu trong khu vực cát cao hơn. Bởi vì các khu vực khác được bao bọc bởi sông Lại Giang và biển, hầu hết nước giếng ở đây bị nhiễm mặn. Chất lượng nước giếng được đánh giá là không đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt. Tuy nhiên, một vài giếng ở khu vực bờ sông thì không bị nhiễm mặn và có thể sử dụng để giặt giũ. Ở thôn Kim Giao Nam, Kim Giao Thiện và Diêu Quang, ở độ sâu 6 – 8m, có nước nhưng bị nhiễm phèn và vôi. Chất lượng nước giếng được đánh giá là không sạch, không hợp vệ sinh và còn bị nhiễm bẩn. Chính vì vậy, người dân thường phải mua nước sinh hoạt.

Hình 2: Hệ thống xử lý nước ở xã Hoài Hải (do UNICEF tài trợ) hiện không hoạt động

Ở xã Hoài Hải, khu vực bờ sông thường bị ngập vào mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch. Điểm ngập sâu nhất vào khoảng 4m, nhiều hộ gia đình phải di chuyển đến nơi ở khác. Hệ thống thoát nước mưa được xây dựng và hoạt động tốt ở khu tái định cư thôn Diêu Quang nhưng hiện nay đang bị xuống cấp do ứ đọng nghiêm trọng.

Do khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, năm 1996, Uỷ ban nhân dân tỉnh hỗ trợ cho xã, xây dựng 02 giếng đào ở xã Hoài Mỹ, dẫn nước từ các giếng đào đến cấp nước sinh hoạt cho nhân dân xã Hoài Hải. Đây là nguồn nước chính sử dụng cho sinh hoạt của các hộ gia đình ở Hoài Hải. Quy mô xây dựng gồm 02 giếng đào (nguồn cấp), 5 bể chứa công cộng có dung tích 24 m3, mạng đường ống từ giếng đến các bể chứa. Nước không được xử lý, bơm cấp trực tiếp; Công suất thiết kế 120 m3/ngày đêm, cấp cho 918 hộ gồm các thôn Kim Giao Bắc, Kim Giao Trung, Kim Giao Nam; việc quản lý hệ thống được giao cho Ủy ban nhân dân xã quản lý; người dân có nhu cầu dùng nước thì tập trung đến các vị trí bể công cộng để lấy nước và đóng phí nước hàng tháng, một số hộ gia đình không dùng nước từ bể (do nhà ở xa bể) phải mua nước từ xe téc chở đến đầu ngõ, các hộ gia đình dùng can ra mua nước tự mang về nhà dùng. Người dân địa phương cũng thường mua nước đóng bình để uống trực tiếp. Tuy nhiên, hiện nay có 3 trên 5 bể chứa không hoạt động do chỉ còn 01 giếng hoạt động, do đường ống nước bị vỡ, biến dạng, lưu lượng nước của giếng đào không đảm bảo, bơm hỏng không đủ cột áp để bơm đẩy đến các bể xã trong xã, bể chứa bị nứt nẻ do không sử dụng làm thất thoát nước, chất lượng nước kém. Công suất thực tế hiện nay là 30 m3/ngày-đêm, thời gian cấp 3 giờ/ngày, số hộ được cấp nước 125 hộ. Rõ ràng với việc khai thác nước như trên thì chất lượng nước không đảm bảo về lượng nước sạch/người/ngày. Bên cạnh đó, thời gian đi lại để lấy nước và chi phí tốn kém, ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế từng hộ gia đình, trong khi thu nhập của người dân trong xã còn quá thấp. Việc lấy nước sinh hoạt của các hộ dân đều do phụ nữ hoặc trẻ em gái đảm nhận, vô hình chung đã tăng áp lực công việc cho nữ giới.

2.1.2. Đặc điểm khí hậu ở khu vực nghiên cứu

Bình Định là tỉnh có tổng lượng mưa lớn nhất khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, khoảng 1600 – 3000 mm. Tuy nhiên, sự phân phối mưa theo không gian và thời gian ở Bình Định rất không đồng đều, lượng mưa năm trung bình ở nơi mưa nhiều nhất và nơi mưa ít nhất chênh nhau rất lớn, đạt 242mm gây nhiều bất lợi cho sự phát triển dân sinh, kinh tế của tỉnh.

Do sự phân bố bất hợp lý đó dẫn đến mùa mưa rất dư thừa nước, thường xảy ra lũ lụt, thiệt hại về dân sinh và kinh tế ở Bình Định, ngược lại trong các tháng mùa khô ít mưa thường bị khô hạn, thiếu nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Nhiệt độ trung bình ngày ở Bình Định thuận lợi cho các hoạt động dân sinh, sinh kế. Tuy nhiên, trong những tháng gió mùa mùa hạ có từ 22 – 25 ngày nhiệt độ trung bình ngày lên trên 30 độ C lại xảy ra trong thời kỳ ít mưa

Độ ẩm tương đối trung bình năm ở Bình Định dao động từ 79 – 83%, phân bố không có quy luật chung rõ rệt theo không gian.

Hàng năm, đều có xuất hiện nhiều ngày gió Tây khô nóng, trung bình vùng ven biển như xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn có khoảng 15 – 40 ngày. Gió Tây khô nóng xuất hiện với nền nhiệt độ không khí khá cao, độ ẩm thấp và bốc hơi lớn ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và sản xuất. Thời kỳ xuất hiện gió Tây khô nóng thường trùng với lúc dòng chảy trên các sông, suối đã cạn kiệt càng làm gia tăng mức độ khô hạn, gây nhiều bất lợi với cây trồng, vật nuôi.

Trên hầu hết các vùng thuộc tỉnh Bình Định, nhất là vùng đồng bằng ven biển có số giờ nắng khá cao, trung bình hàng năm từ 2350 – 2500 giờ, phân bố tương đối đều theo thời gian.

Do vị trí địa lý của tỉnh nằm ở khu vực Nam Trung Bộ, phía Đông dãy Trường Sơn; điều kiện địa hình phức tạp, tỉnh Bình Định thường chịu ảnh hưởng kết hợp hoặc riêng lẻ của các hệ thống thời tiết lớn như bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa Đông Bắc, dải hội tụ nhiệt đới…Chính những loại hình thế trên là nguyên nhân chủ yếu gây mưa to, lũ lụt lớn, gió mạnh tàn phá…[14].

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đánh giá sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động thích ứng với Biến đổi khí hậu tại xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)