Tác động của hạn hán đối với sức khoẻ và đời sống xã hội của phụ nữ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đánh giá sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động thích ứng với Biến đổi khí hậu tại xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (Trang 26 - 28)

CHƯƠNG I : TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.3. Tác động của một số hiện tượng thời tiết cực đoan tới sức khỏe và đời sống xã

1.3.4. Tác động của hạn hán đối với sức khoẻ và đời sống xã hội của phụ nữ

Trên toàn cầu, các nguồn tài nguyên nước ngọt được phân bố không đều, và các khu vực khan hiếm nước nghiêm trọng nhất là những nơi có mật độ dân số cao nhất. Các tác động đến sức khỏe của hạn hán và khía cạnh giới của nó có thể trầm trọng thêm trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Dự kiến số lượng người sống trong lưu vực sông khan hiếm nước sẽ tăng từ khoảng 1,5 tỷ người hiện nay lên 3-6 tỷ người vào năm 2050 [29]. Gần 90% bệnh tiêu chảy là do thiếu tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường [76]; tình trạng thiếu nước do hạn hán và những tác động của BĐKH có thể khiến tình hình trầm trọng hơn. Bệnh tiêu chảy ở các nước đang phát triển là nguyên nhân hàng đầu tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi [75]. Hơn nữa, khi nước khan hiếm, các hoạt động vệ sinh thường phải nhường chỗ cho các nhu cầu dùng nước cấp bách hơn, chẳng hạn như uống và nấu ăn. Sự thiếu vệ sinh có thể dẫn đến các bệnh như đau mắt hột và bệnh

ghẻ…Gần một nửa cư dân đô thị ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latin đã là nạn nhân của bệnh liên quan đến cấp nước và vệ sinh kém [76].

Hạn hán kéo dài không chỉ liên quan đến tình trạng thiếu nước và an ninh lương thực mà còn làm tăng nguy cơ các vụ cháy, giảm nguồn nhiên liệu sẵn có, xung đột, di cư, hạn chế tiếp cận chăm sóc sức khỏe và gia tăng đói nghèo. Đã có một vài nghiên cứu về hậu quả của hạn hán đối với sức khỏe con người, nhưng tất cả các nghiên cứu để chỉ chỉ ra rằng các tác động lên nam giới và phụ nữ là khác nhau.

Trong thời gian khan hiếm nước phụ nữ có ít lựa chọn và buộc phải lấy nước từ những nguồn không an toàn, bao gồm sông suối, ao nuôi, những nguồn có thể bị ô nhiễm. Hạn hán và khô hạn có thể dẫn đến bất ổn xã hội, an ninh lương thực và các vấn đề sức khỏe lâu dài và có thể gây thiệt hại hoặc phá hủy sinh kế liên quan [76].

Ở hầu hết các nước đang phát triển, phụ nữ chịu trách nhiệm thu thập, lưu trữ, bảo vệ và phân phối nước. Với phụ nữ, hành trình dài đi bộ vào các giếng gần nhất và mang những chậu nước nặng không chỉ gây ra mệt mỏi và hại cho xương, cột sống, các cơ cổ và lưng dưới, dẫn đến lão hóa sớm của cột sống mà còn đi kèm với chi phí cơ hội, chẳng hạn như thời gian đó có thể được sử dụng hiệu quả bằng cách đi học hoặc làm việc [28,44,62,63]. Do sức khỏe không đảm bảo, lượng nước thu được thường không đủ để dùng cho các nhu cầu sinh lý cơ bản của con người. Theo một nghiên cứu về nhu cầu nước và sức khỏe của phụ nữ ở Ghana, những người phụ nữ duy trì chuẩn mực truyền thống đặc biệt dễ bị tổn thương trong tình trạng khan hiếm nước, như họ thường ưu tiên cho những người chồng của họ, đảm bảo nhu cầu nước của người chồng được đáp ứng trước khi đến lượt họ [26,30].

Một nghiên cứu về quản lý hạn hán ở Ninh Thuận, Việt Nam cho thấy 64% người được hỏi đồng ý rằng thảm họa tái diễn có ảnh hưởng khác nhau đối với phụ nữ và nam giới, và 74% số người được hỏi cho rằng phụ nữ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với nam giới bởi hạn hán, do nhu cầu nước khác nhau. Phụ nữ phải lấy nước từ những nguồn đang ngày càng xa hơn do hạn hán. Do nguồn nước ngày càng ít hơn, phụ nữ thường đi bộ xa để tìm nước. Phụ nữ còn phải nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc trẻ em và kiếm củi, vì vậy họ phải đối mặt với gánh nặng vật chất khổng lồ hàng ngày [21].

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đánh giá sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động thích ứng với Biến đổi khí hậu tại xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (Trang 26 - 28)