1. Lý do chọn đề tài
2.2. Đặc điểm tự nhiên – kinh tế xã hội huyện Hoài Đức
2.2.1. Điều kiện tự nhiên huyện Hoài Đức
a) Vị trí địa lý
Huyện Hoài Đức là huyện nằm ở ngoại thành Hà Nội, có tiếp giáp với các quận, huyện sau đây:
Phía Bắc của huyện Hoài Đức giáp với các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ và quận Bắc Từ Liêm.
Phía Tây của huyện Hoài Đức tiếp giáp các huyện Quốc Oai, Phúc Thọ của Hà Nội.
Phía Nam của huyện Hoài Đức giáp với quận Hà Đông và huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Phía Đông của huyện Hoài Đức giáp với các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm.
Hình 2.1. Sơ đồ vị trí huyện Hoài Đức
Xét về mặt kinh tế, huyện Hoài Đức có vị trí địa lý rất thuận lợi do nơi đây gần các trung tâm kinh tế và thị trường tiêu thụ lớn nội thành Hà Nội. Việc thay đổi diện mạo mới và phát triển huyện Hoài Đức bắt đầu diễn ra mạnh mẽ khi trục Đại lộ Thăng Long đi qua. Trên địa bàn huyện Hoài Đức có các tuyến giao thông lớn đi qua như Quốc lộ 32, Tỉnh lộ 423, 422, 70 là một trong những điều kiện thuận lợi về mặt giao thông vận tải cho huyện. Có thể đánh giá vị trí địa lý kinh tế của huyện Hoài Đức là yếu tố quân trọng tạo nên sự phát triển chung của Thành phố Hà Nội.
Trong những năm tới, sự phát triển mạnh mẽ của thành phố Hà Nội nói chung và huyện Hoài Đức nói riêng, cùng với hệ thống giao thông thuận tiện sẽ làm cho nền kinh tế của huyện có những bước phát triển vượt bậc.
b) Địa hình, địa mạo
Huyện Hoài Đức nằm trong khu vực châu thổ sông Hồng và sông Đáy, địa hình nghiêng từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông, có địa hình nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, gồm 3 vùng đồi núi, đồng bằng, vùng bãi. Trong khu vực huyện Hoài Đức có một số núi sót như núi Voi, vua Bà, núi Thầy, Hoàng Xá (núi đá vôi). Ngoài ra, sông Tích và sông Đáy chảy qua khu vực địa giới hành chính của huyện. Huyện có khu vực là đồng bằng
châu thổ, bằng phẳng, độ cao trung bình khoảng 5m. Về mặt không gian, địa giới của huyện Hoài Đức có thể chia làm 2 vùng rõ rệt là vùng bãi ven sông Đáy và vùng nội đồng phân bởi đê Tả sông Đáy.
- Vùng bãi: Bao gồm chủ yếu diện tích của 10 xã: Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quê, Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Song Phương, An Thượng, Đông La, Vân Côn. Địa hình của vùng này do ảnh hưởng của sự bồi lắng phù sa sông Đáy nên có những vùng trũng xen lần vùng cao, thường gây úng, hạn cục bộ. Độ cao mặt ruộng trung bình từ 6,5 – 9,0m và có xu hướng dốc từ đê ra sông.
- Vùng nội đồng: Bao gồm một phần diện tích của các xã ven sông Đáy và toàn bộ diện tích của 10 xã, thị trấn: Thị trấn Trạm Trôi, Đức Thượng, Đức Giang, Kim Chung, Di Trạch, Vân Canh, Sơn Đồng, Lại Yên, Yên Khánh, La Phù. Khu vực này có địa hình tương đối bằng phẳng. Độ cao mặt ruộng trung bình chỉ từ 4 – 8m, vùng trũng xem lẫn vùng cao.
Đặc điểm địa hình của huyện Hoài Đức có thể cho phép huyện xây dựng cơ cấu kinh tế đa dạng bao gồm cả sản xuất nông nghiệp kết hợp với sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ.
c) Khí hậu
Huyện Hoài Đức nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia thành 4 mùa khá rõ rệt trong năm với các đặc trung khí hậu chính như sau:
Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình năm từ 23,1 – 23,5 °C được chia làm hai mùa. Mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 10. Mùa đông lạnh kéo dài từ tháng 11 đến thàng 3 năm sau, nhiệt độ trung bình tháng từ 15,7- 21,4 °C. Tháng 1 có nhiệt độ trung bình thấp nhất là 15,7 °C.
Lượng mưa: Lượng mưa trung bình năm của huyện Hoài Đức từ 1.600 – 1.800 mm, phân bố không đều trong năm, mưa tập trung từ tháng 4 đến thàng 10, chiếm 80 – 86% tổng lượng mưa cả năm (chủ yếu các tháng 7,8,9, lượng mưa ngày lớn nhất có thể tới 336,1mm). Mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau với tháng ít mưa nhất là tháng 12, tháng 1 và tháng 2 chỉ có 17,5 – 23,2mm.
Độ ẩm không khí: Độ ẩm không khí trung bình năm của huyện Hoài Đức là trong khoảng 83% - 85%. Độ ẩm không khí thấp nhất trong năm vào các tháng 11, tháng 12, nhiều nhất vào tháng 3, tháng 4, tuy nhiên độ ẩm chênh lệch giữa các tháng trong năm không nhiều.
Gió: Gió mùa Đông Bắc thường xuất hiện về mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Còn lại các tháng khác trong năm chủ yếu là gió Nam, gió Tây Nam và gió Đông Nam.
Sương muối: Ở khu vực hầu như hông có sương muối; mưa đá rất hiếm khi xảy ra. Thông thường cứ 10 năm mới thấy có mưa đá 1 lần.
Điều kiện khí hậu của huyện Hoài Đức khá thích hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Cây trồng nơi đây có nguồn gốc du nhập từ nhiều miền địa lý khác nhau, mang các loại cây trồng đặc trưng của cả miền nhiệt đới, á nhiệt đới, thuận lợi cho việc sử dụng đất đa dạng. Mùa đông của huyện có khí hậu khô và lạnh, vụ đông trở thành vụ chính gieo trồng được nhiều loại cây rau màu thực phẩm cho giá tị kinh tế cao.
Yếu tố hạn chế của điều kiện tự nhiên khu vực là có mùa khô, các cây trồng trên vùng vàn cao thiếu nước, phải thực hiện chế độ canh tác phòng chống hạn. Điểm hạn chế thứ hai là vào mùa mưa thường bị mưa, bão, gây úng nội đồng ở những vùng trũng.
d) Thủy văn
Trên địa bàn huyện Hoài Đức có sông Đáy chảy qua với lưu đoạn dài 23km, đây là một trong những nhánh phân lưu của sông Hồng. Lòng dẫn chảy tràn giữa hai đê Tả Đáy và Hữu Đáy. Khoảng cách từ lòng sông Đáy vào đê trung bình khoảng 1,8km. đoạn sông rộng nhất nằm trên địa phận xã Vân Côn dài khoảng 3,9km.
Vào mùa kiệt, đoạn sông Đáy chảy qua huyện Hoài Đức có dòng chảy rất nhỏ, chỉ có nước hồi quy từ các lưu vực Đan Hoài, Đồng Mô. Vào mùa mưa, với tần suất xuất hiện đỉnh lũ của sông Đáy tại vùng Hoài Đức chỉ ngập lòng sông, còn trên bãi ảnh hưởng không đáng kể.
Với hệ thống sông ngòi như trên đã góp phần giúp huyện có một nguồn cung cấp phù sa hàng năm cho vùng bãi bồi ven sông. Cùng với tiềm năng đất bãi bồi ven sông Đáy, trong tương lai, huyện sẽ được đầu tư cải tạo khai thác nguồn nước ngầm để có thể phát triển nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi cơ cấu trong nội bộ đất nông nghiệp.
Ngoài ra, huyện Hoài Đức còn có các hệ thống hồ đập lớn nhỏ, có thể đảm bảo việc tưới tiêu cho diện tích đất canh tác, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
2.2.2. Kinh tế - xã hội huyện Hoài Đức
Hoài Đức là một trong những huyện nằm trong quy hoạch phát triển của thành phố Hà Nội. Từ xưa đến nay, huyện Hoài Đức đã nổi danh với những làng nghề truyền thống đa dạng và phong phú như ghề tạc tượng Sơn Đồng, nghề làm bánh kẹo, dệt len ở La Phù, nhiếp ảnh ở Kim Chung…Đây là những điều kiện cơ bản tiền để để Hoài Đức có thể phát triển mạnh trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Bên cạnh đó, với lợi thế huyện nằm trong khu tam giác trọng điểm phía Bắc, lại có hệ thống đường giao thông thuận lợi, hiện đại nối với vùng trung tâm Hà Nội cũng như giao thương thuận lợi với các tỉnh phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung nên Hoài Đức là một trong những địa phương được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt chú trọng.
Huyện Hoài Đức là khu vực ven đô nằm sát cạnh khu vực trung tâm của thủ đô Hà Nội về phía Đông và sát quận Hà Đông ở phía Nam, có đường cao tốc Láng - Hoà Lạc và quốc lộ 32 đi qua. Sông Đáy chảy ở phía Tây của huyện. Tận dụng lợi thế “nhật cận thị, nhị cận giang”, huyện Hoài Đức những năm gần đây đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp của huyện Hoài Đức bình quân đạt 15,2%/năm. Sự thay đổi về cơ cấu ngành kinh tế của huyện đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đem lại mức thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Bên cạnh sự phát triển của ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thì hoạt động thương mại, dịch vụ của huyện cũng phát triển khá đồng bộ. Trong những năm qua, ngành thương mại dịch vụ đã có mức tăng trưởng khá cao, có thể đáp ứng nhu cầu về đầu ra, đầu vào của các ngành sản xuất công nghiệp - xây dựng cơ bản và nhu cầu của thị trường Hà Nội. Hàng năm, huyện Hoài Đức cung cấp khoảng 10% nhu cầu về rau quả, các sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến cho vùng nội thành Hà Nội.
Xác định rõ lợi thế và vị trí của mình nên trong thời gian tới, huyện Hoài Đức đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, để từng bước đưa huyện trở thành một trung tâm kinh tế của Hà Nội.
Về lĩnh vực công nghiệp, huyện Hoài Đức xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn nên huyện đã chủ trương khai thác tiềm năng của từng cơ sở, từng ngành, từng vùng, từng thành phần kinh tế để có thể phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng kinh tế đa dạng hàng hoá đáp ứng nhu cầu đời sống, phục vụ nguồn lực xuất khẩu, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của người dân địa phương... Để phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu trên, huyện Hoài Đức đã tiến hành quy hoạch 15 cụm điểm công nghiệp và xây dựng các vùng công nghiệp tập trung.
Về thương mại và dịch vụ, huyện đã chủ trương tổ chức lại hệ thống lưu thông hàng hoá và các tổ chức thương mại - dịch vụ, xây dựng các chợ nông thôn, các trung tâm mua bán và cải tạo sông Đáy để phát triển các loại hình du lịch.
Về nông nghiệp, huyện Hoài Đức đã có những chủ trương phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá hiệu quả và bền vững trên cơ sở giải quyết tốt các nhu cầu về lương thực, thực phẩm của người dân địa phương. Theo đó, huyện đã tiến hành chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng như vùng trồng cây ăn quả ở ven sông Đáy và dọc theo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, vùng rau sạch ở Vân Côn …
Để góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện địa hoá của địa phương, huyện Hoài Đức sẽ triển khai các dự án đường vành đai số 4 của Hà
Nội đi qua 6 xã trong huyện trong thời gian tới, đồng thời giúp Hoài Đức có sẽ trở thành một khu đô thị mới của thủ đô trong tương lai.
Về mặt hành chính, huyện Hoài Đức có một thị trấn là thị trấn Trạm Trôi và 19 xã, bao gồm: An Khánh, An Thượng, Cát Quế, Di Trạch, Dương Liễu, Đắc Sở, Đông La, Đức Giang, Đức Thượng, Kim Chung, La Phù, Lại Yên, Minh Khai, Song Phương, Sơn Đồng, Tiền Yên, Vân Canh, Vân Côn, Yên Sở.
Tổng giá trị sản xuất năm 2019 của huyện Hoài Đức đạt 21.239 tỷ đồng, tăng 11,02% so với năm 2018, trong đó: GTSX Nông nghiệp 1.193 tỷ đồng, đạt 95,75% so kế hoạch năm, bằng 97,23% so với năm 2018; GTSX Công nghiệp – Xây dựng: 9.697 tỷ đồng, tăng 9,35% so với năm 2018, đạt 100.76% kế hoạch năm; GTSX Thương mại – Dịch vụ 10.349 tỷ đồng, tăng 14,53%, đạt 100,77% so với năm 2018.
Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp 2019 của huyện Hoài Đức thực hiện 1.193 tỷ đồng, trong đó: trông trọt 621 tỷ đồng, tăng 1,47% so cùng kỳ 2018, đạt 98,88% kế hoạch năm; chăn nuôi, thủy sản đạt 572 tỷ đồng, bằng 93% so cùng kỳ 2018, đạt 93% kế hoạch năm. Tổng sản lượng lương thực đạt 20.691,9 tấn, đạt 98% kế hoạch năm. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt: 14.610,1 tấn, bằng 77,2% so cùng kỳ 2018, đạt 81,4% kế hoạch năm.
2.2.3. Tài nguyên đất của huyện Hoài Đức
Huyện Hoài Đức có nguồn tài nguyên đất đai được bồi lắng bởi phù sa vùng châu thổ Sông Hồng, nên đất ít chua ở tầng mặt, càng xuống sâu độ pHKCL càng tăng. Xét về mặt tổng thể thì đất nông nghiệp của huyện Hoài Đức có độ phì cao, tầng đất dày nên có thể phân bổ trồng nhiều loại cây ngắn ngày, dài ngày, cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp và cây ăn quả. Việc nâng cao hiệu quả của hệ thống tưới tiêu sẽ tạo khả năng suất, thâm canh tăng vụ.
Nhóm đất phù sa bồi đắp hàng năm chủ yếu nằm trong vùng bãi ngoài đê Sông Đáy, có tổng diện tích 2.076ha chiếm 31,9% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn huyện, nằm trên địa bàn thuộc các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Đắc Sở, Yên Sở, Tiền Yên, Song Phương, Vân Côn, Đông La, An Thượng.
Nhóm đất phù sa châu thổ phì nhiêu này được hình thành do phù sa cổ của hệ thống Sông Hồng, phẫu diện mới hình thành có màu đỏ tươi, được phân lớp theo thành phần cơ giới, đất tơi xốp và có thành phần dinh dưỡng khá cân đối. Thành phần cơ giới từ cát pha đến thịt nhẹ, tỷ lệ cấp hạt sét trung bình từ 15%, pH trung bình 7 – 7.5. Hàm lượng mùn ở mức trung bình đến giàu (<1,2%) ở tầng canh tác và giảm dần theo chiều sâu; hàm lượng đạm và lân tổng số ở mức thấp (N< 0,07%; P205); Kali ở mức độ trung bình 1,23%.
Nhìn chung, đất phù sa là loại đất thích nghi được với nhiều loại cây trông khác nhau đặc biệt là cây ăn quả. Tuy nhiên, khi thâm canh với cây trồng nhiều vụ trong năm thì vẫn cần phải bón thêm phân chuồng và phân vô cơ để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng trong đất.
Vùng nội đồng gồm một phần hoặc toàn bộ diện tích 20 xã và thị trấn trừ Vân Côn, vùng này chủ yếu được bơm tưới bằng nước Sông Hồng nên cũng được bổ sung phù sa hàng năm, mùn và lân tổng số trung bình, Nitơ nghèo, hàm lượng các chất trao đổi trung bình. Thành phần cơ giới đất thịt trung bình, có hiện tượng chặt ở dưới tầng canh tác.
2.3. Nhận xét cuối chương 2
Chương hai là chương tổng hợp được các nội dung nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu quan trọng của luận văn.
Các số liệu thống kê về tình hình sử dụng đất sản xuất nông nghiệp cho thấy tác động trực tiếp của quá trình đô thị hóa. Hoài Đức là một huyện nằm ở ngoại thành Hà Nội và nằm trong khu vực châu thổ sông Hồng và sông Đáy, có điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi với đa dạng địa hình: địa hình nghiêng từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông được phân làm 2 vùng rõ rệt là vùng bãi ven sông Đáy và vùng nội đồng bởi đê Tả sông Đáy, phù hợp cho phát triển kinh tế nông nghiệp như trồng trọt, lâm nghiệp. Với mật độ dân số là 3.096 người/km² là nguồn lao động dồi dào cho phát triển nông nghiệp, đồng thời, người dân có kinh nghiệm sản xuất là thế mạnh cho huyện Hoài Đức trong tương lai phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất.
Huyện Hoài Đức có tổng diện tích tự nhiên là 8.246,77 ha, dân số là 262.943 người. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 7.883 ha chiếm đa phần diện tích tự nhiên của huyện. Do đó, trong bối cảnh đô thị hóa làm giảm diện tích đất nông nghiệp thì việc sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp là vấn đề rất cần