Khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khu vực nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển ngành nuôi trồng thủy sản khu vực thị xã quảng yên, tỉnh quảng ninh trong bối cảnh biến đổi khí hậu (Trang 37 - 42)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.4. Khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khu vực nghiên cứu

1.4.1. Vị trí địa lý

Quảng Yên là thị xã ven biển, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Quảng Ninh, có diện tích tự nhiên: 31.919,34 ha. Dân số năm tính đến ngày 30/6/2016 là 138.272 người. Thị xã Quảng Yên có 19 đơn vị hành chính gồm: 11 phường và 8 xã. Cách thành phố Hạ Long 40 km về phía Tây Nam, cách thành phố Uông Bí 18 km về phía Đông Nam và cách thành phố cảng Hải Phòng khoảng 20 km về phía Đông.

- Vị trí tọa độ:

+ 20º 45’ 06’’ - 21º 02’ 09’’ độ vĩ Bắc. + 106º 45’ 30’’ - 106º 0’ 59’’ độ kinh Đông.

- Ranh giới: Phía Bắc giáp thành phố Uông Bí và huyện Hoành Bồ, phía Nam giáp đảo Cát Hải và cửa Nam Triệu, phía Đông giáp thành phố Hạ Long và Vịnh Hạ Long, phía Tây giáp huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Thị xã Quảng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (KTTĐBB); trên tuyến vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ và nằm ở giữa hai thành phố

lớn là Hạ Long và Hải Phòng; sau khi tuyến đường đấu nối Hạ Long - Hải Phòng với đường cao tốc 5B Hải Phòng - Hà Nội (dài 25 km, 4 làn xe chạy) được hoàn thành thì từ TX Quảng Yên đến sân bay Cát Bi (Hải Phòng) chỉ mất khoảng 15 phút bằng phương tiện cơ giới nên rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu thương mại cũng như quốc phòng - an ninh [27].

1.4.2. Đặc điểm tự nhiên

Thị xã Quảng Yên có diện tích tự nhiên là 31.191,34 ha, chiếm 5,3% diện tích toàn tỉnh. Quảng Yên nằm giáp ranh giữa vùng núi cánh cung Đông Triều – Móng Cái và vùng đồng bằng ven biển có nhiều sông lạch nên địa hình đa dạng, phức tạp, địa hình đồi – núi thấp và đồng bằng thấp trũng chiếm ưu thế.

Quảng Yên có đặc trưng khí hậu của vùng ven biển miền Bắc Việt Nam, khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh. Nhiệt độ trung bình hàng năm 23 – 24ºC, biên độ nhiệt theo mùa trung bình 6 - 7ºC, biên độ nhiệt ngày đêm khá lớn, trung bình 9 - 11ºC. Số giờ nắng khá dồi dào, trung bình 1700 - 1800 h/năm, số ngày nắng tập trung nhiều vào tháng 5 đến tháng 12, tháng có số giờ nắng cao nhất là tháng 2, tháng 3. Lượng mưa trung bình hàng năm gần 2000 mm, cao nhất có thể lên đến 2600 mm. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 tập trung 88% tổng lượng mưa cả năm, số ngày mưa trung bình hàng năm 160 - 170 ngày. Độ ẩm không khí hàng năm khá cao, trung bình 81%, cao nhất vào tháng 3, 4 lên tới 86%, và thấp nhất 70% vào tháng 10, tháng 11.

Khí hậu ở Quảng Yên phân hoá theo hai mùa rõ rệt, mùa hè nóng ẩm và mưa nhiều, mùa đông lạnh và khô: mùa hè từ tháng 5 đến tháng 10, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao nhất vào tháng 7 trung bình 28 - 29ºC, cao nhất có thể lên đến 38ºC, gió Nam và Đông Nam thổi mạnh tốc độ trung bình 2 - 4m/s gây mưa nhiều, độ ẩm lớn.

Nhìn chung, chế độ khí hậu và thời tiết ở Quảng Yên có đặc điểm chung của khí hậu miền bắc Việt Nam nhưng do nằm ven biển nên ôn hoà hơn, thuận lợi cho sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn nhất về điều kiện thời tiết là chịu ảnh hưởng mạnh của bão. Bão xuất hiện từ tháng 5 - 10, nhiều nhất vào tháng 7 - 8, gây ra mưa lớn tác động xấu đến sản xuất. Thời tiết

mùa đông lạnh gây ảnh hưởng phần nào đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt nhưng cũng tạo điều kiện cho sản xuất vụ đông, đa dạng hoá sản phẩm.

Sự đa dạng về địa hình đã tạo cho Quảng Yên có nhiều loại đất tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Theo đặc tính phân loại, Quảng Yên có các nhóm đất chính sau:

- Đất đồi núi có diện tích 6100 ha chiếm 18,3% diện tích, phân bố ở khu vực phía Bắc huyện tập trung ở các địa phương Minh Thành, Đông Mai và một phần ở Sông Khoai, Cộng Hòa, Tân An, Tiền An, Hoàng Tân. Đất bao gồm chủ yếu là các loại đất feralit vàng đỏ trên đá macma axit và đất feralit nâu vàng, xám vàng trên các đá trầm tích phiến thạch, sa thạch, đá vôi. Đất có tầng dày trung bình 60 - 80 cm, thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến trung bình, độ pH từ 4 - 4,5; hiện chủ yếu là đất rừng và đất trồng cây ăn quả [27].

- Đất đồng bằng có diện tích gần 13.528 ha chiếm 44,% diện tích đất đai, gồm chủ yếu là đất phù sa cổ và đất phù sa cũ nằm trong đê, phân bố ở hầu hết các xã trong huyện nhưng tập trung ở khu vực Hà Nam. Đất có thành phần cơ giới trung bình đến nặng, độ PH dưới 4,5 hàm lượng mùn trung bình. Một số điểm nội đồng đất trũng bị ngập nước mùa mưa nên glây mạnh, đất chua hàm lượng mùn thấp. Hiện đất được sử dụng chủ yếu để trồng cây lương thực thực phẩm, trồng lúa cho năng suất khá cao.

- Đất bãi bồi cửa sông, ven biển gồm các loại đất mặn và đất cát có diện tích gần 12.300 ha chiếm 37,1% diện tích, phân bố ở các khu vực ven biển và cửa sông, tập trung nhiều các khu đầm Nhà Mạc, đầm Soài, Cái Tráp, Yên Giang. Phần lớn đất đang được sử dụng để nuôi trồng thuỷ sản, phần còn lại là đất rừng ngập mặn sú, vẹt và đất hoang hóa.

Hệ thống sông ở Quảng Yên phần lớn là sông nhỏ, diện tích lưu vực khoảng 300km². Bạch Đằng là sông lớn nhất, là chi lưu của sông Thái Bình, ngăn cách TX với Hải Phòng. Bờ biển thị xã Quảng Yên nằm trong vịnh Hạ Long, đáy biển nông và thoải. Độ sâu trung bình từ 4-6m, sâu nhất 25m. Thủy triều lên xuống hàng ngày là nhật triều, biên độ thủy triều từ 3-4m.

1.4.3. Tài nguyên thiên nhiên phục vụ nuôi trồng thủy sản

Quảng Yên có bờ biển chạy dài hơn 30 km với nhiều cửa sông và bãi triều; vùng biển nằm trong vịnh kín là nơi trú ngụ của nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, tạo cho Quảng Yên có nguồn lợi thủy sản phong phú. Khả năng khai thác thuỷ sản các loại có thể đạt hơn 10 nghìn tấn/năm, trong đó riêng vùng triều có thể khai thác được 3.000 tấn. Ngoài ra Quảng Yên còn có điều kiện vươn ra để khai thác ở các ngư trường thuộc vịnh Bắc Bộ như Cô Tô, Bạch Long Vĩ... là những ngư trường lớn, với khả năng khai thác từ 40.000 - 50.000 tấn/năm [25].

Diện tích bãi triều, đầm phá rộng lớn trên 12.000 ha tập trung ở khu vực cửa sông Bạch Đằng như Đầm Nhà Mạc, Cái Tráp, Đầm Soài và các khu vực Hà An, Hoàng Tân... gần 1.000 ha diện tích vùng nước ngọt nội địa tạo điều kiện rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản hình thành các khu vực tập trung, hiện nay mới khai thác gần 8 nghìn ha nhưng chủ yếu ở dạng quảng canh nên tiềm năng phát triển nuôi trồng thuỷ sản công nghiệp còn rất lớn.

1.4.4. Hiện trạng kinh tế - xã hội

1.4.4.1. Sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp:

UBND huyện đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Đề án phát triển nông nghiệp và thủy sản giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020; ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất. Tuy dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng do làm tốt công tác dự thính, dự báo, áp dụng kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu giống, phòng trừ dịch bệnh và tăng cường công tác kiểm tra nên đã giảm đáng kể các thiệt hại trong sản xuất.

Dưới đây là các số liệu phân tích hiện trạng sản suất nông – lâm – ngư nghiệp của TX Quảng Yên năm 2017 [26].

Trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt 14.259,6 ha, bằng 101,1% kế hoạch và bằng 99,3% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích lúa là 10.088,8 ha, đạt 99,5% kế hoạch, bằng 99,2% so với cùng kỳ; diện tích lúa năng suất cao đạt 93,9% diện tích cấy lúa, bằng 101,6% so với cùng kỳ. Hệ số quay vòng đất đạt 2,37 lần, bằng 100% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt ước đạt 120 tỷ, bằng 72,3% so với kế hoạch, bằng 100% so với cùng kỳ.

Chăn nuôi: Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm, phòng chống, dập dịch bệnh được tăng cường. Toàn huyện đã tiêm 507,6 ngàn liều văc xin các loại cho đàn gia súc, gia cầm và đàn chó. Tuy nhiên, dịch lợn tai xanh đã xẩy ra tại 12 xã với 474 hộ bị ảnh hưởng, cúm gia cầm xuất hiện tại 4 xã với 9 hộ bị ảnh hưởng phải tiêu hủy 3.457 con gia cầm và 1127 con lợn mắc bệnh .

Lâm nghiệp: Công tác quản lý bảo vệ rừng được tăng cường nên trên địa bàn huyện không có cháy rừng xảy ra. Tiếp nhận và đưa vào sử dụng 70 biển báo, cấm lửa rừng; đề nghị cấp giấy phép cho 72 hộ nuôi động vật hoang dã. Kiểm tra, xử phạt hành chính và phát mại tài sản 5 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật quý hiếm trái phép với số tiền 67,5 triệu đồng.

1.4.4.2. Xây dựng giao thông vận tải – dịch vụ thương mại - bưu điện:

Thương mại: Phát triển khá, hàng hóa phong phú và đa dạng. Công tác quản lý nhà nước về thương mại được tăng cường. Năm 2017 doanh thu ngành thương mại ước đạt 735 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất kinh doanh ước đạt 306 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ [26].

Dịch vụ vận tải: Vận tải hành khách tiếp tục có sự đầu tư, phát triển về chất lượng phương tiện. Lượng hành khách vận chuyển năm 2017 đạt 4.056 ngàn người, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Vận tải đường thủy có nguồn hàng vận chuyển ổn định, doanh thu đạt khá, khối lượng vận chuyển năm 2017 đạt 1.140 ngàn tấn, tăng 30,1 % so với cùng kỳ. Tổng doanh thu đạt 135,7 tỷ đồng, tăng 33 % so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất kinh doanh đạt 42,8 tỷ đồng, tăng 25,9 % so với cùng kỳ.

Dịch vụ bưu chính - viễn thông: Hoạt động bưu chính cơ bản ổn định. Dịch vụ bưu chính viễn thông được đầu tư mở rộng và hiện đại hoá, đa dạng hóa loại hình dịch vụ. Tổng doanh thu năm 2017 đạt 37,4 tỷ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất kinh doanh ước đạt 29,9 tỷ đồng, tăng 49,5 % so với cùng kỳ.

Dịch vụ điện: Ngành điện đã đầu tư 8,7 tỷ đồng để nâng cấp đường dây và trạm biến áp điện đảm bảo an toàn, chống thất thoát điện năng. Tuy nhiên, hệ thống điện hoạt động chưa ổn định, còn xẩy ra mất điện cục bộ tại một số tuyến trên địa bàn huyện [26].

CHƯƠNG 2. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển ngành nuôi trồng thủy sản khu vực thị xã quảng yên, tỉnh quảng ninh trong bối cảnh biến đổi khí hậu (Trang 37 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)