Từ số liệu ở bảng 4.1 và bản đồ ở hình 4.1 có thể thấy, diện tích đất có rừng thuộc huyện Hà Trung chiếm tỷ trọng không lớn (21,84%) so với tổng diện tích tự nhiên. Trong diện tích đất có rừng, rừng tự nhiên chỉ chiếm 600,7 ha (11,28%), còn lại là rừng trồng (88,72%). Phần lớn rừng trồng hiện đã có trữ lượng với 4.293,78 ha (90,89%). Hàng năm nguy cơ cháy rừng trồng, đặc biệt là rừng Thông nhựa luôn ở mức báo động. Trong thực tế, rừng trồng Thông nhựa, Keo lai, cây đặc sản và đặc biệt rừng Thông cấp tuổi V đang khai thác nhựa với diện tích 1.340,17 ha luôn được coi là đối tượng được quan tâm trong công tác quản lý lửa rừng hàng năm của huyện Hà Trung.
Hiện nay, diện tích rừng tại khu vực nghiên cứu thuộc quản lý của một số chủ rừng như: Ban Quản lý KBT loài Sến Tam Quy, Ban QLRPH Thạch Thành, các hộ gia đình và một số UBND xã. Trong đó, rừng do các hộ gia đình quản lý chiếm diện tích lớn nhất với 40,08% và là rừng trồng, tiếp đến là diện tích rừng do UBND các xã quản lý (29,12%). Diện tích rừng do Ban quản lý rừng đặc dụng quản lý cũng khá lớn với 24,05%.
4.1.2. Đặc điểm phân bố của các trạng thái rừng chủ yếu
Qua điều tra kết hợp với tham khảo tài liệu và bản đồ hiện trạng của khu vực nghiên cứu cho thấy, nhìn chung các trạng thái rừng này phân bố ở vùng núi thấp, độ cao 50 m đến 300 m so với mặt nước biển, với những đặc điểm cơ bản như sau:
-Trạng thái rừng tự nhiên phục hồi:
Theo số liệu lưu trữ của Hạt Kiểm lâm Hà Trung, trạng thái rừng phục hồi còn 258,93 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Hà Long, Hà Lĩnh, Hà Tân. Những diện tích rừng này đang được khoanh nuôi để duy trì diễn thế tự nhiên. Hiện có một số loài cây có giá trị kinh tế như Sến Mật, Lim xanh, Lát hoa, Muồng, Dẻ… có khả năng tái sinh tốt. Do hạn chế tác động của con người nên tầng thảm tươi, cây bụi, dây leo, phát triển khá mạnh, khối lượng vật liệu cháy ở các trạng thái này khá cao.