CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
1.4. THỰC TRẠNG CỦA VIỆC BỒI DƯỠNG HSG HÓA HỌ CỞ TRƯỜNG
THPT [31]
Theo kết quả điều tra của tác giả Nguyễn Thị Lan Phương [30] việc bồi dưỡng HSG hóa học ở trường THPT có những thuận lợi và khó khăn sau đây:
1.4.1. Thuận lợi
1.4.1.1. Xuất phát từ việc đổi mới chương trình sách giáo khoa hoá học
- Chương trình mới đã được bổ sung, cập nhật khá nhiều kiến thức, đặc biệt là các kiến thức lý thuyết chủ đạo đã tạo điều kiện cho HS nghiên cứu hoá học sâu hơn, rộng hơn và hạn chế được việc xem xét các hiện tượng tự nhiên một cách chung chung, phiến diện.
- Chương trình hoá học mới được cập nhật nhiều kiến thức thực tế, gần gũi với cuộc sống thông qua các bài tập, bài đọc thêm hay các giờ học bắt buộc.
- Tăng thời gian thực hành. Thông qua việc trực tiếp làm thí nghiệm giúp cho HS thấy được sự đa dạng, muôn màu, muôn vẻ của hoá học. Hoá học có mặt ở mọi lúc, mọi nơi.
Như vậy, với những thuận lợi mà việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa mang lại chẳng những tạo điều kiện tốt cho HS có cơ hội nghiên cứu sâu hơn về hoá học mà còn có tác dụng kích thích động cơ học tập và phát huy khả năng tự học của HS.
1.4.1.2. Xuất phát từ chính sách ưu tiên đầu tư cho giáo dục của nhà nước
- Với việc coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, cơ sở vật chất trong trường học từng bước được nâng lên. Thêm vào đó, internet xuất hiện trong trường học đã
phục vụ đắc lực cho việc dạy, việc học của GV và HS nói chung và công tác bồi dưỡng HSG nói riêng.
- Bộ giáo dục và đào tạo đã thành lập “Chương trình quốc gia bồi dưỡng nhân tài” giai đoạn 2008 – 2020 với những bước đi và mục tiêu cụ thể do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng làm trưởng ban. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc bồi dưỡng, đào tạo nhân tài cho đất nước.
1.4.2. Khó khăn
Mặc dù có khá nhiều thuận lợi nhưng công tác bồi dưỡng HSG hiện nay ở THPT còn gặp rất nhiều khó khăn và khó khăn xuất phát từ nhiều phía.
1.4.2.1. Khó khăn từ phía gia đình và bản thân HS
- Từ phía gia đình: Đa số phụ huynh HS đều muốn con em mình thi đậu đại học nên không khuyến khích hoặc không muốn cho con em mình tham gia đội tuyển HSG.
- Từ phía bản thân HS: Tham gia học đội tuyển HSG thường rất vất vả, các em phải dốc toàn tâm, toàn lực để học môn chuyên. Hơn thế nữa, đoạt giải HSG cấp tỉnh, lọt vào đội tuyển HSG cấp quốc gia, đi thi và đoạt giải cấp quốc gia là điều không dễ dàng. Thêm vào đó, quy định mới đây của bộ GD - ĐT: “HSG quốc gia không được tuyển thẳng vào đại học” thì động lực để các em tham gia học đội tuyển giảm sút trầm trọng. Các em hầu như không muốn tham gia vào đội tuyển HSG vì lo sợ thi trượt đại học.
1.4.2.2. Khó khăn từ phía GV
- GV phải dạy nhiều giờ nên thời gian dành cho việc nghiên cứu tài liệu để bồi dưỡng HSG không nhiều. Mặt khác, cũng chưa có tiêu chí cụ thể định mức về giờ dạy cho GV trực tiếp bồi dưỡng HSG cũng là một trở ngại không nhỏ.
- Nhiều GV vẫn quen lối truyền thụ cũ, cách ra bài tập còn mang nặng tính lý thuyết nên chưa phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo và khả năng tự học của HS.
- Chế độ chính sách hiện nay cho GV bồi dưỡng HSG còn thấp, không đủ bù đắp công sức bỏ ra và không đủ sức thu hút GV giỏi đầu tư nghiên cứu để bồi dưỡng HSG.
1.4.2.3. Khó khăn về tài liệu tham khảo
- Chưa có sách giáo khoa chuyên hoá cho chương trình mới, dựa theo tài liệu giáo khoa chuyên hoá cũ thì kiến thức không cập nhật và lượng bài tập còn quá ít.
- Thiếu tài liệu tham khảo. Một số nội dung được đề cập đến trong các kỳ thi HSG quốc gia, quốc tế như phần tinh thể, phức chất vô cơ, ... hầu như rất ít tài liệu đề cập đến.
- Sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo vẫn có những điểm không khớp nhau về kiến thức, gây khó khăn cho GV và HS khi nghiên cứu.
Như vậy có thể thấy rằng việc bồi dưỡng HSG ở THPT hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn khi mà không nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ phía gia đình và bản thân HS, thêm vào đó, một số GV cũng không thiết tha với công tác này. Khó khăn lại càng được nhân lên gấp bội đối với các GV, HS vùng trung du, miền núi – bởi chính việc đi học hàng ngày của các em cũng đã cần một sự cố gắng, nỗ lực rất lớn – thì vấn đề tham gia học đội tuyển HSG, bồi dưỡng HSG lại càng chưa được chú trọng đúng mức. Nhưng dù có khó khăn thế nào thì việc bồi dưỡng HSG – với ý nghĩa và tầm quan trọng của nó – cũng cần được phát triển. Hiện nay, công việc ấy đang được thực hiện bởi những GV đầy tâm huyết, những HS có năng khiếu và có niềm đam mê thực sự, rất cần được sự cổ vũ mạnh mẽ từ phía gia đình, nhà trường và cộng đồng.
TÓM TẮT CHƯƠNG 1
Trong chương này chúng tôi đã trình bày một số vấn đề sau :
1. Tìm hiểu tầm quan trọng của việc bồi dưỡng HSG. Vấn đề đào tạo tài năng và sử dụng người tài là một việc hết sức quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của đất nước. Do đó, cần phải xây dựng một chiến lược cho việc tuyển chọn
và bồi dưỡng nhân tài mà điểm khởi đầu là việc phát hiện và bồi dưỡng HSG ở các cấp học, đặc biệt là các bậc học phổ thông.
2. Làm rõ một số vấn đề có liên quan đến bồi dưỡng HSG. HSG là những HS có những năng lực đặc biệt, có khả năng sáng tạo, động cơ học tập mãnh liệt, tốc độ nắm kiến thức nhanh hơn so với các bạn cùng lớp, vì thế cần có một chương trình riêng để phát triển và đáp ứng được tài năng của họ.
3. Tìm hiểu về BTHH và tác dụng của nó trong việc góp phần phát triển tư duy cho HS, một số dạng BT giúp phát triển tư duy cho HSG hóa học, phương pháp xây dựng BTHH. Để giải được BTHH HS cần phải vận dụng nhiều kiến thức cơ bản, sử dụng các thao tác tư duy nên thông qua hoạt động giải bài tập sẽ giúp cho tư duy được rèn luyện và phát triển.
4. Tìm hiểu kết quả điều tra thực trạng bồi dưỡng HSG ở các trường phổ thông. Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy việc bồi dưỡng HSG có một số thuận lợi như: Việc đổi mới chương trình SGK đã tạo điều kiện tốt cho HS có cơ hội nghiên cứu sâu hơn về hóa học; chính sách ưu tiên đầu tư cho GD của nhà nước cũng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc bồi dưỡng HSG. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng HSG hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn xuất phát từ nhiều phía như: từ gia đình và bản thân HS, từ GV tham gia dạy bồi dưỡng HSG, và khó khăn về tài liệu tham khảo. Để góp phần giảm bớt khó khăn cho việc bồi dưỡng HSG,chúng tôi mạnh dạn nghiên cứu xây dựng một hệ thống bài tập bồi dưỡng HSG lớp 10 và các biện pháp sử dụng hệ thống này sao cho có hiệu quả nhất (được trình bày ở chương 2) nhằm góp chút công sức vào việc nâng cao chất lượng dạy học hóa học ở trường THPT.
Chương 2. XÂY DỰNG VÀ SỬ DỤNG HỆ THỐNG BÀI TẬP HÓA HỌC BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LỚP 10 THPT