Để định hướng cho việc xây dựng hệ thống bài tập, chúng tôi đã đề xuất các nguyên tắc sau :
2.1.1.1. Đảm bảo tính chính xác, khoa học
Đảm bảo tính chính xác, khoa học là nguyên tắc quan trọng khi xây dựng hệ thống bài tập. Theo nguyên tắc này thì nội dung bài tập hóa học phải thể hiện được những kiến thức cơ bản của hóa học, những quan điểm của kiến thức hóa học hiện đại (ngôn ngữ hóa học, các định luật, các thuyết, quá trình hóa học,…) và phải phù hợp với sách giáo khoa. Ngoài ra, hệ thống bài tập phải được trình bày một cách gọn gàng, dễ hiểu, cấu trúc rõ ràng.
2.1.1.2. Đảm bảo tính sư phạm
Nguyên tắc này đặt ra việc lựa chọn nội dung truyền đạt phải phù hợp với đặc điểm tâm lí và khả năng nhận thức của HS. Theo nguyên tắc này, mức độ khó khăn của nội dung kiến thức cần được phân tán và sắp xếp theo thứ tự từ đơn giản đến phức tạp; từ cái quen biết, gần gũi đến cái ít quen biết; từ cái cụ thể đến cái khái quát, tổng quát hơn.
HSG là những HS có khả năng tiếp thu nhanh, có khả năng phát hiện vấn đề và khả năng sáng tạo, tuy nhiên không nên nhầm tưởng là HSG cái gì cũng biết, cái gì các em cũng tiếp thu dễ dàng để rồi tạo áp lực cho các em. Do đó, khi xây dựng hệ thống bài tập cần chú ý lựa chọn những nội dung vừa sức với HS và theo hướng nâng dần lên, nhằm phát huy khả năng tư duy, sáng tạo cho HS.
2.1.1.3. Đảm bảo đặc trưng của bộ môn hóa học
Hóa học là một bộ môn của thực nghiệm, do đó trong dạy học hóa học phải coi trọng thí nghiệm hóa học và một số kĩ năng cơ bản về thí nghiệm hóa học.
Mặt khác, hóa học là một môn học có mối liên hệ mật thiết với thực tiễn và đời sống. Dạy HS dùng kiến thức hóa học để tìm hiểu nguyên nhân, giải thích các hiện tượng tự nhiên và ứng dụng vào cuộc sống là việc rất cần thiết. Điều đó khiến các em cảm thấy hóa học thật gần gũi và thêm yêu mến môn học.
2.1.1.4. Đảm bảo mục tiêu của môn học
Do yêu cầu phát triển xã hội hướng tới một xã hội tri thức nên mục tiêu dạy học cũng cần phải được thay đổi để đào tạo ra những con người đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường lao động và nghề nghiệp cũng như cuộc sống. Có khả năng hòa nhập và cạnh tranh quốc tế, đặc biệt là có năng lực hành động, tính sáng tạo, năng động, tính tự lực và trách nhiệm, năng lực cộng tác làm việc, năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp và khả năng học tập suốt đời.
Mục tiêu của việc dạy và học Hóa học tập trung nhiều hơn tới việc hình thành năng lực hành động cho học sinh. Ngoài những kiến thức, kĩ năng cơ bản mà học sinh cần đạt được ta cần chú ý nhiều hơn tới việc hình thành các kĩ năng vận dụng kiến thức, tiến hành nghiên cứu khoa học như: Biết vận dụng kiến thức để giải quyết một số vấn đề đơn giản của cuộc sống có liên quan tới hóa học; biết quan sát thí nghiệm, phân tích, dự đoán, kết luận, kiểm tra kết quả và mô tả,…
2.1.1.5. Đảm tính cơ bản gắn liền với tính tổng hợp
Hệ thống bài tập của phải khái quát hết những thông tin cơ bản nhất của chương trình bộ môn. Nó buộc HS khi giải hệ thống bài tập đó phải huy động tổng hợp những kiến thức cơ bản của toàn bộ chương trình và những kiến thức hỗ trợ liên môn.
2.1.1.6. Bảo đảm tính hệ thống và tính kế thừa
Giải bài tập hóa học thực chất là vận dụng các quy luật của hóa học và việc biến đổi bài tập ban đầu thành những bài tập trung gian, sơ đẳng hơn, cơ bản hơn. Những bài tập cơ bản điển hình (đơn giản nhất của một kiểu nhất định) giữ vai trò rất quan trọng trong học vấn của HS vì chúng sẽ là kiến thức công cụ để giúp HS giải được những bài tập tổng hợp. Do đó GV phải quy hoạch toàn bộ hệ thống những bài tập ra cho HS trong toàn bộ chương trình của môn học, sao cho chúng sẽ kế thừa nhau,
bổ sung nhau, cái trước chuẩn bị cho cái sau, cái sau phát triển cái trước tất cả tạo nên (cùng với nội dung các lý thuyết khác) một hệ thống toàn vẹn những kiến thức, kĩ năng và kĩ xảo.
2.1.1.7. Bảo đảm tính kĩ thuật tổng hợp
Bài tập phải đóng vai trò cầu nối giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa nhà trường và đời sống sản xuất. Nó phải là phương tiện rèn cho HS những kĩ năng chung nhất của việc tự học, của việc giải quyết các vấn đề nhận thức. Nó cũng góp phần vào việc hình thành ở HS những phẩm chất và những nét của văn hóa lao động (trí óc và chân tay).
2.1.1.8. Phát huy tính tích cực nhận thức, năng lực sáng tạo của HS
Khi bồi dưỡng HSG hóa học qua hệ thống bài tập, ngoài mức độ luyện tập thông thường, giáo viên phải yêu cầu ở mức cao hơn đối với HS là biết vận dụng kiến thức một cách linh hoạt, sáng tạo để giải quyết bài tập trong những tình huống mới; biết đề xuất đánh giá theo ý kiến riêng của HS, biết đề xuất các giải pháp khác nhau khi phải xử lí một tình huống.