NHỮNG CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA VIỆC XÂY DỰNG HỆ THỐNG BÀ

Một phần của tài liệu tuyển chọn, xây dựng và sử dụng hệ thống bài tập bồi dưỡng học sinh giỏi hóa học lớp 10 trung học phổ thông (Trang 36 - 40)

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

2.1. NHỮNG CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA VIỆC XÂY DỰNG HỆ THỐNG BÀ

TẬP BỒI DƯỠNG HSG

2.1.1. Một số nguyên tắc khi xây dựng hệ thống bài tập bồi dưỡng HSG

Để định hướng cho việc xây dựng hệ thống bài tập, chúng tôi đã đề xuất các nguyên tắc sau :

2.1.1.1. Đảm bảo tính chính xác, khoa học

Đảm bảo tính chính xác, khoa học là nguyên tắc quan trọng khi xây dựng hệ thống bài tập. Theo nguyên tắc này thì nội dung bài tập hóa học phải thể hiện được những kiến thức cơ bản của hóa học, những quan điểm của kiến thức hóa học hiện đại (ngôn ngữ hóa học, các định luật, các thuyết, quá trình hóa học,…) và phải phù hợp với sách giáo khoa. Ngoài ra, hệ thống bài tập phải được trình bày một cách gọn gàng, dễ hiểu, cấu trúc rõ ràng.

2.1.1.2. Đảm bảo tính sư phạm

Nguyên tắc này đặt ra việc lựa chọn nội dung truyền đạt phải phù hợp với đặc điểm tâm lí và khả năng nhận thức của HS. Theo nguyên tắc này, mức độ khó khăn của nội dung kiến thức cần được phân tán và sắp xếp theo thứ tự từ đơn giản đến phức tạp; từ cái quen biết, gần gũi đến cái ít quen biết; từ cái cụ thể đến cái khái quát, tổng quát hơn.

HSG là những HS có khả năng tiếp thu nhanh, có khả năng phát hiện vấn đề và khả năng sáng tạo, tuy nhiên không nên nhầm tưởng là HSG cái gì cũng biết, cái gì các em cũng tiếp thu dễ dàng để rồi tạo áp lực cho các em. Do đó, khi xây dựng hệ thống bài tập cần chú ý lựa chọn những nội dung vừa sức với HS và theo hướng nâng dần lên, nhằm phát huy khả năng tư duy, sáng tạo cho HS.

2.1.1.3. Đảm bảo đặc trưng của bộ môn hóa học

Hóa học là một bộ môn của thực nghiệm, do đó trong dạy học hóa học phải coi trọng thí nghiệm hóa học và một số kĩ năng cơ bản về thí nghiệm hóa học.

Mặt khác, hóa học là một môn học có mối liên hệ mật thiết với thực tiễn và đời sống. Dạy HS dùng kiến thức hóa học để tìm hiểu nguyên nhân, giải thích các hiện tượng tự nhiên và ứng dụng vào cuộc sống là việc rất cần thiết. Điều đó khiến các em cảm thấy hóa học thật gần gũi và thêm yêu mến môn học.

2.1.1.4. Đảm bảo mục tiêu của môn học

Do yêu cầu phát triển xã hội hướng tới một xã hội tri thức nên mục tiêu dạy học cũng cần phải được thay đổi để đào tạo ra những con người đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường lao động và nghề nghiệp cũng như cuộc sống. Có khả năng hòa nhập và cạnh tranh quốc tế, đặc biệt là có năng lực hành động, tính sáng tạo, năng động, tính tự lực và trách nhiệm, năng lực cộng tác làm việc, năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp và khả năng học tập suốt đời.

Mục tiêu của việc dạy và học Hóa học tập trung nhiều hơn tới việc hình thành năng lực hành động cho học sinh. Ngoài những kiến thức, kĩ năng cơ bản mà học sinh cần đạt được ta cần chú ý nhiều hơn tới việc hình thành các kĩ năng vận dụng kiến thức, tiến hành nghiên cứu khoa học như: Biết vận dụng kiến thức để giải quyết một số vấn đề đơn giản của cuộc sống có liên quan tới hóa học; biết quan sát thí nghiệm, phân tích, dự đoán, kết luận, kiểm tra kết quả và mô tả,…

2.1.1.5. Đảm tính cơ bản gắn liền với tính tổng hợp

Hệ thống bài tập của phải khái quát hết những thông tin cơ bản nhất của chương trình bộ môn. Nó buộc HS khi giải hệ thống bài tập đó phải huy động tổng hợp những kiến thức cơ bản của toàn bộ chương trình và những kiến thức hỗ trợ liên môn.

2.1.1.6. Bảo đảm tính hệ thống và tính kế thừa

Giải bài tập hóa học thực chất là vận dụng các quy luật của hóa học và việc biến đổi bài tập ban đầu thành những bài tập trung gian, sơ đẳng hơn, cơ bản hơn. Những bài tập cơ bản điển hình (đơn giản nhất của một kiểu nhất định) giữ vai trò rất quan trọng trong học vấn của HS vì chúng sẽ là kiến thức công cụ để giúp HS giải được những bài tập tổng hợp. Do đó GV phải quy hoạch toàn bộ hệ thống những bài tập ra cho HS trong toàn bộ chương trình của môn học, sao cho chúng sẽ kế thừa nhau,

bổ sung nhau, cái trước chuẩn bị cho cái sau, cái sau phát triển cái trước tất cả tạo nên (cùng với nội dung các lý thuyết khác) một hệ thống toàn vẹn những kiến thức, kĩ năng và kĩ xảo.

2.1.1.7. Bảo đảm tính kĩ thuật tổng hợp

Bài tập phải đóng vai trò cầu nối giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa nhà trường và đời sống sản xuất. Nó phải là phương tiện rèn cho HS những kĩ năng chung nhất của việc tự học, của việc giải quyết các vấn đề nhận thức. Nó cũng góp phần vào việc hình thành ở HS những phẩm chất và những nét của văn hóa lao động (trí óc và chân tay).

2.1.1.8. Phát huy tính tích cực nhận thức, năng lực sáng tạo của HS

Khi bồi dưỡng HSG hóa học qua hệ thống bài tập, ngoài mức độ luyện tập thông thường, giáo viên phải yêu cầu ở mức cao hơn đối với HS là biết vận dụng kiến thức một cách linh hoạt, sáng tạo để giải quyết bài tập trong những tình huống mới; biết đề xuất đánh giá theo ý kiến riêng của HS, biết đề xuất các giải pháp khác nhau khi phải xử lí một tình huống.

2.1.2. Quy trình xây dựng hệ thống bài tập bồi dưỡng HSG

Bước 1: Nghiên cứu nội dung kiến thức hóa học lớp 10. Để xác định được vùng kiến thức mà HS tham dự các kì thi HSG chúng tôi đã tiến hành sưu tầm, phân tích các đề thi HSG của một số tỉnh/ thành phố (Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, …), một số đề thi Olympic 30/4,… đồng thời căn cứ vào tài liệu hướng dẫn nội dung dạy học cho trường THPT chuyên.

Bước 2: Xác định kiến thức trọng tâm, đi sâu vào những nội dung có tác dụng rèn tư duy cho HS và có nhiều vận dụng trong các đề thi HSG. Tùy thuộc vào tầm quan trọng của từng nội dung để lựa chọn số lượng bài tập cho phù hợp.

Bước 3: Xác định loại bài tập, các dạng bài tập. HSG là những HS có khả năng sáng tạo và có tư duy tốt, vì vậy khi xây dựng hệ thống bài tập cần lựa chọn những dạng bài giúp phát triển tư duy cho HS (như đã nêu ở phần 1.3.5).

Bước 4: Tiến hành soạn thảo hệ thống bài tập. Có thể soạn thảo bài tập bằng cách xây dựng bài tập mới, hoặc sưu tầm các dạng bài tập từ các nguồn khác nhau,

nhưng cách phổ biến nhất là kết hợp sưu tầm và biến đổi bài tập cho phù hợp với mục đích của người soạn (như đã nêu ở phần 1.3.6).

Bước 5: Lược giải tất cả các bài tập để đảm bảo độ tin cậy, đối với những bài khó và phức tạp thì giải chi tiết theo cách dễ hiểu nhất để giúp HS có thể tự học.

Bước 6: Tham khảo, trao đổi ý kiến với đồng nghiệp, tiếp thu những góp ý.

Bước 7: Biên tập lại cho hoàn chỉnh và bước đầu đưa vào sử dụng.

Bước 8: Thực nghiệm, chỉnh sửa và bổ sung.

2.1.3. Hệ thống kiến thức bồi dưỡng HSG hóa học lớp 10 THPT

2.1.3.1. Nội dung kiến thức cơ bản

Nội dung kiến thức cơ bản là toàn bộ nội dung kiến thức trong chương trình sách giáo khoa hóa học 10 ban nâng cao, bao gồm:

(1)Hóa đại cương: Bao gồm hệ thống lí thuyết chủ đạo làm cơ sở để nghiên cứu các chất hóa học cụ thể, VD: cấu tạo nguyên tử, bảng tuần hoàn và định luật tuần hoàn, liên kết hóa học, phản ứng oxi hóa-khử, nhiệt của phản ứng, tốc độ phản ứng.

(2)Hóa vô cơ: Vận dụng lí thuyết chủ đạo nghiên cứu các đối tượng cụ thể: các nhóm nguyên tố (nhóm halogen, nhóm oxi), những nguyên tố điển hình và các hợp chất có nhiều ứng dụng quan trọng, gần gũi trong thực tế đời sống, sản xuất hóa học.

Với đối tượng HSG, cần yêu cầu HS nắm vững những phần này đồng thời để chuẩn bị cho HS tham gia các kì thi HSG ta cần phải mở rộng, phát triển một số nội dung kiến thức và lựa chọn một số bài tập nâng cao.

2.1.3.2. Nội dung kiến thức cần mở rộng và bồi dưỡng cho HSG lớp 10 THPT

Khi phân tích một số đề thi HSG (tỉnh, thành phố, olympic 30/4,…) chúng tôi nhận thấy cần phải bồi dưỡng cho HS một số kiến thức hóa học mang tính phát triển, mở rộng so với chương trình ban nâng cao bao gồm:

(1)Nguyên tử: Sơ lược về hóa học hạt nhân, 4 số lượng tử

(2)Liên kết hóa học: Độ dài liên kết, năng lượng liên kết, một số loại liên kết hóa học, sự lai hóa obitan nguyên tử, thuyết Lewis

(3)Lí thuyết sự điện li: Chất điện li, phản ứng trong dd các chất điện li, dd đệm, tích số tan, pH

(4)Phản ứng oxi hóa – khử: cân bằng phản ứng theo phương pháp thăng bằng ion-electron, định luật bảo toàn electron, điện hóa học.

(5)Lí thuyết về phản ứng hóa học: Nhiệt hóa học, chiều và giới hạn tự diễn biến của các quá trình, cân bằng hoá học và các yếu tố ảnh hưởng, hằng số cân bằng Kc, tốc độ phản ứng hoá học và các yếu tố ảnh hưởng.

Với giới hạn của đề tài chúng tôi chỉ xin trình bày hệ thống bài tập mở rộng của các nội dung (1), (2), (4).

Một phần của tài liệu tuyển chọn, xây dựng và sử dụng hệ thống bài tập bồi dưỡng học sinh giỏi hóa học lớp 10 trung học phổ thông (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)