1.1.2 .Quản lý nhà nước đối với các hợp tác xã nông nghiệp
2.1. Khái quát về đặc điểm địa bàn tỉnh Phú Thọ
2.1.1. Điều kiện tự nhiên
2.1.1.1. Vị trí địa lý
Phú Thọ thuộc khu vực miền núi, Trung du phía Bắc, đây là tỉnh nằm trong khu vực giao lưu giữa vùng Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng và Tây Bắc. Phía Đông giáp huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, phía Đông Bắc giáp tỉnh Vĩnh Phúc, phía Tây giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp tỉnh Yên Bái, phía Nam giáp tỉnh Hoà Bình, phía Bắc giáp Tuyên Quang. Với vị trí “ngã ba sông” cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, Phú Thọ cách Hà Nội 80 km, cách sân bay Nội Bài 60 km, cách cửa khẩu Lào Cai, cửa khẩu Thanh Thuỷ hơn 200 km. “Thành phố Việt Trì là trung tâm hành chính của tỉnh, cách thủ đô Hà Nội 80 km và sân bay quốc tế Nội Bài 50 km về phía Tây Bắc, thời gian di chuyển bằng đường bộ chỉ mất khoảng 45 phút”. Đây là những nhận định và đánh giá khách quan về ưu thế vị trí địa lý của tỉnh Phú Thọ từ các chuyên gia kinh tế và địa lý.
Phú Thọ nằm ở trung tâm các Hệ thống giao thông đường bộ (quốc lộ 70, quốc lộ 32, quốc lộ 2), đường sắt (Hà Nội - Phú Thọ - Lào Cai) và đường sông từ các tỉnh đi thành phố Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh,.... Phú Thọ cũng là cầu nối giao lưu kinh tế - văn hoá – xã hội, khoa học và kỹ thuật giữa các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh vùng Trung Du và miền núi Bắc Bộ.
Vị trí địa lý thuận lợi là điều kiện tốt để nghiên cứu về hoạt động QLNN đối với các HTX Nông nghiệp từ kinh nghiệm thành công và thất bại của các địa phương lân cận trong vùng. Bên cạnh đó, xuất phát từ vị trí là cửa ngõ của vùng thì các HTX nông nghiệp của tỉnh có lợi thế lớn trong việc liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gắn với các chuỗi giá trị nông sản an toàn và hướng tới tham gia cung ứng sản phẩm cho các thành phố lớn và tham gia vào thị trường xuất khẩu nông sản.
2.1.1.2. Địa hình, địa mạo
Phú Thọ là tỉnh trung du, miền núi do đó địa hình bị chia cắt, thành 2 tiểu vùng chủ yếu: “Tiểu vùng núi cao phía Tây và phía Nam của Phú Thọ, tuy gặp một số khó khăn về việc đi lại, song ở vùng này lại có nhiều tiềm năng phát triển lâm nghiệp, khai thác khoáng sản và phát triển kinh tế trang trại. Tiểu vùng gò, đồi thấp bị chia cắt nhiều, xen kẽ là đồng ruộng và dải đồng bằng ven sông Hồng, hữu sông Lô, tả sông Đáy”. Vùng đất này thuận lợi cho việc trồng các loại cây công nghiệp, phát triển cây lương thực và thức ăn cho chăn nuôi. Đặc điểm này quy định sự hình thành và phát triển của các HTX Nông nghiệp, trong đó các HTX trồng trọt chiếm tỷ trọng chủ yếu. Tuy nhiên, với địa hình nhiều đồi núi, sông suối nên đây cũng là địa phương chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như sự thay đổi về lượng mưa, lũ quét và sạt lở đất. Cũng do địa hình phân bố không đồng đều, nên hoạt động QLNN đối với các HTX nông nghiệp nhiều nơi, nhiều lúc chưa thực sự đồng bộ và có chất lượng tương đồng. Thông thường, các HTX nông nghiệp ở vùng đồng bằng và trung du hoạt động hiệu quả tốt hơn so với các HTX nông nghiệp ở vùng sâu, vùng xa. Ở một số khu vực miền núi có một số HTX hoạt động hiệu quả gắn với các sản phẩm đặc sản.
2.1.1.3. Khí hậu
“Phú Thọ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có một mùa đông lạnh. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 230C, lượng mưa trung bình trong năm khoảng 1.600 đến 1.800mm. Độ ẩm trung bình trong năm tương đối lớn, khoảng 85 – 87%. Nhìn chung khí hậu của tỉnh Phú Thọ thuận lợi cho việc phát triển cây trồng, vật nuôi đa dạng” (Cục thống kê tỉnh Phú Thọ, 2018).
Tuy tỉnh thuộc vùng Đông Bắc nhưng do độ cao không lớn nên ngay trong mùa Đông thì khí hậu cũng không quá lạnh. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 230C. Số giờ nắng trên địa bàn tỉnh trong năm khá cao (1.300 – 1.400 giờ/năm). Lượng mưa trung bình khoảng 1.500mm/năm, tập trung vào các tháng 5 đến tháng 9. Đánh giá chung, chế độ nhiệt và độ ẩm của tỉnh Phú Thọ là điều kiện thuận lợi để thực hiện đa dạng hoá nông nghiệp và tăng hệ số sử dụng đất, giúp các HTX nông nghiệp sản xuất hàng hóa đa dạng, tập trung vào các sản phẩm chủ lực: chè, cây ăn quả, lúa gạo đặc sản và các sản phẩm chăn nuôi.