Sản phẩm trong marketing
1.1 Mục tiêu định giá
Các doanh nghiệp phải xác định chiến lược Marketing của mình trước khi định giá sản phẩm. Nếu doanh nghiệp đã lựa chọn thị trường mục tiêu và định vị tốt thì chiến lược Marketing hỗn hợp, trong đó có giá, sẽ rất đơn giản. Doanh nghiệp càng xác định rõ mục tiêu thì càng dễ định giá.
Sống còn:
Các doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu này khi họ gặp khó khăn lớn trong kinh doanh do cạnh tranh gay gắt hoặc do nhu cầu, sở thích của người tiêu thụ thay đổi. Để đảm bảo cho sự hoạt động của doanh nghiệp cũng như bán được sản phẩm, các doanh nghiệp này thường cắt giảm giá với hy vọng rằng thị trường sẽ nhạy cảm với giá cả.
Giá xấu trời là giá nhằm để gỡ chi phí trực tiếp và phần nào chi phí gián tiếp trong thời kỳ khó khăn.
Ngoài ra ta còn có thể ấn định nhiều mức giá tín dụng khác nhau đáp ứng cho khách hàng để kích thích sự tiêu thụ của họ. Điều này đặc biệt cần thiết nhất là trong các thời kỳ suy thoái.
Tối đa hoá lợi nhuận hiện tại.
Nhiều doanh nghiệp muốn đề ra một mức giá để có thể tối đa hoá lợi nhuận trước mắt. Họ ước đoán nhu cầu và chi phí theo các mức giá bán khác nhau, sau đó chọn giá nào mà nó cho lợi nhuận cao nhất hoặc tỷ lệ doanh thu trên vốn
đầu tư tối đa. Nói chung đối với mục tiêu này doanh nghiệp chú trọng đến lợi nhuận trước mắt hơn là lâu dài.
Tối đa doanh số hiện tại.
Ước đoán hàm số cầu rồi lập giá để tối đa hoá doanh số hiện tại. Các doanh nghiệp này cho rằng khi tối đa hoá doanh số sẽ dẫn đến tối đa hoá lợi nhuận dài hạn và tăng trưởng thị phần.
Mục tiêu này được thực hiện khi doanh nghiệp cần một số lượng tiền lớn để đầu tư vào mục tiêu nào đó có thể tăng doanh số bằng cách hạ giá, tăng quảng cáo…
Tối đa tăng trưởng lượng bán.
Đây là mục tiêu thường xuyên và quan trọng của hầu hết các doanh nghiệp nhằm chiếm được một thị phần lớn hay dẫn đầu thị phần. Các doanh nghiệp tin rằng dẫn đầu thị phần thì khả năng giảm chi phí sẽ cao và lợi nhuận lâu dài sẽ tăng.
Việc tăng tối đa khối lượng bán hay ít ra đạt mộ khối lượng bán đáng kể luôn là mục tiêu quan trọng.
Giá cả là nhân tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng mạnh mẽ đến khối lượng bán. Giá bán có ảnh hưởng hai mặt đến doanh thu: trực tiếp dưới dạng giá đơn vị, và gián tiếp vì nó có ảnh hưởng đến số lượng bán thông qua độ đàn hồi của cầu. Thông qua ảnh hưởng của giá đến cầu mà giá cả thực sự tác động đến chi phí: khi chi phí tăng thông thường sẽ làm cho doanh thu giảm và rồi chi phí cũng giảm theo, nhưng chi phí giảm không cùng tỉ lệ với doanh thu vì trong chi phí có bộ phận chi phí bất biến.
Phương pháp này được áp dụng khi:
Chi phí sản xuất giảm do việc tăng khối lượng bán.
Vị trí thế lực, sự an toàn, và lợi nhuận củ công ty phụ thuộc khối lượng bán.
Tối đa hớt váng thị trường.
Định giá trên hẳn giá phí hay giá cạnh tranh. Phương pháp này được áp dụng khi:
Có đủ lượng người mua có nhu cầu hiện tại cao
Khai thác một nhóm khách hàng chấp nhận sớm. Người ta thường định một mức giá bán cao cho những sản phẩm có ưu thế. Mục tiêu của công ty là chỉ nhằm vào những phân khúc thị trường nào có thể chấp nhận một giá cao để có được một sản phẩm độc đáo.
Giá cơ hội: tăng giá trong thời gian thiếu sản phẩm mà sức cầu vẫn tăng, cách này chỉ áp dụng trong thời gian ngắn mà thôi.
Mục tiêu dẫn đầu về chất lượng sản phẩm.
Mục tiêu này có nghĩa là doanh nghiệp làm sao để hàng hoá của mình có chất lượng cao nhất so với các hàng hoá tương tự trên thị trường. Do đó chi phí cao nên thông thường doanh nghiệp phải định giá cả sản phẩm cao để bù đắp các chi phí đó.