Kinh nghiệm phân bổ ngân sách và chính sách học phí của Trung Quốc

Một phần của tài liệu Cơ chế quản lý tài chính đối với giáo dục đại học công lập ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển. (Trang 69 - 71)

Chương 1 : TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

2.5. Kinh nghiệm một số nước đối với giáo dục đại học công lập và bài học

2.5.4. Kinh nghiệm phân bổ ngân sách và chính sách học phí của Trung Quốc

2.5.4.1. Khái quát hệ thống giáo dục đại học ở Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những quốc gia có hệ thống GDĐH lớn nhất thế giới. Theo số liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc, tính tới tháng 5 năm 2013, Trung Quốc có 879 trường CĐ và ĐH chính quy, 1.266 trường CĐ sơ cấp và 287 CĐ độc lập. Các loại hình GDĐH tại Trung Quốc bao gồm CĐ và ĐH chính quy, CĐ sơ cấp và CĐ độc lập [98].

Có nhiều cơ quan tham gia vào việc quản lý GDĐH tại Trung Quốc như Bộ Giáo dục (ví dụ ĐH Bắc Kinh), chính quyền địa phương (ví dụ ĐH Thượng Hải), các Bộ ngành (ví dụ ĐH Hàng không vũ trụ Bắc Kinh) và sự đồng giám sát bởi Chính phủ trung ương và địa phương (một vài trường ĐH ở Thượng Hải).

2.6.4.2. Phân bổ ngân sách cho giáo dục đại học ở Trung Quốc

Tỷ lệ NSNN trong tổng chi tiêu của GDĐH giảm từ khoảng 92% vào năm 1993 xuống khoảng 61% vào năm 1999, sau đó là khoảng 43% trong năm 2005. Trong thời gian đó, tỷ lệ của học phí và lệ phí trong tổng chi tiêu của GDĐH tăng từ khoảng 6% trong năm 1993 lên 17% vào năm 1999 và 32% vào năm 2004. Theo thống kê mới nhất, nguồn NSNN cấp chiếm 47,17% tổng nguồn thu của các trường ĐH năm 2009 [86].

Trung Quốc sử dụng các công thức tính toán để phân bổ ngân sách, tuy vậy phân bổ thực tế vẫn dựa trên đàm phán và dựa trên dữ liệu lịch sử, với một vài thay đổi nhỏ hàng năm tuỳ thuộc vào công thức đầu ra và đàm phán. Ngân sách nhận được từ Chính phủ bao gồm ngân sách chung được phân bổ theo số lượng sinh viên và những khoản trợ cấp bổ sung cho các trường ĐH hàng đầu trong khuôn khổ các Dự án 211 và 985, ngoài ra còn có các khoản trợ cấp nghiên cứu cho các trường ĐH thông qua cơ chế cạnh tranh. Trong đó, Dự án 211 được tiến hành từ năm 1995 nhằm hỗ trợ 100 trường ĐH hàng đầu được chọn lọc dựa trên tiêu chí chất lượng và định hướng đào tạo phù hợp. Các nguồn hỗ trợ đặc biệt của dự án này được cấp cho

các trường nhằm đẩy mạnh các ngành đào tạo mũi nhọn, nâng cấp cơ sở vật chất, hỗ trợ nghiên cứu… Dự án 985, tiến hành từ năm 1998, tập trung vào hỗ trợ sự phát triển 10 trường ĐH hàng đầu, biến các trường này thành trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới [84].

Vào tháng Bảy năm 2010, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành "Hướng dẫn quốc gia về Cải cách và phát triển giáo dục trung và dài hạn (2010-2020)" để cung cấp một hướng dẫn toàn diện cho cải cách và phát triển của ngành giáo dục trong thập kỷ tới, dựa trên phân tích các vấn đề chính đã được xác định từ quan điểm của Chính phủ và các hành động của Trung Quốc dự kiến sẽ được thực hiện trong tương lai gần đây. Theo đó, ngân sách Chính phủ cho GDĐH vẫn được duy trì như hiện tại.

2.5.4.3. Chính sách học phí của Trung Quốc

Theo Shen và Li (2004) [103], lý do khiến Chính phủ Trung Quốc quyết định chuyển từ cơ chế học phí do Chính phủ tài trợ sang cơ chế chia sẻ học phí là: nhằm giải quyết những khó khăn về tài chính trong hệ thống GDĐH và nhằm đáp ứng nhu cầu cho GDĐH tư thục. Vào năm 1985, chính sách học phí kép (dual track tuition fee policy) được ban hành trong Quyết định về cải cách cấu trúc giáo dục (Decision on Reform of the Educational Structure). Theo đó, tổ chức đào tạo có thể tuyển sinh một số lượng nhỏ các sinh viên có khả năng tự chi trả học phí và tiền ở (sinh viên tự túc, có điểm thấp hơn mức điểm số quy định của những sinh viên được Chính phủ hỗ trợ) bên cạnh các sinh viên được Chính phủ hỗ trợ, đồng thời ấn định mức học phí cho các sinh viên tự túc. Từ năm 1989, Chính phủ đã khuyến khích các cơ sở GDĐH tự tạo nguồn doanh thu từ học phí.Vào năm 1993, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố chính sách học phí đồng nhất (one-track policy), theo đó tất cả sinh viên đều phải nộp học phí. Mức học phí cao hơn được áp dụng từ năm 1994, cùng với việc xoá bỏ sự chênh lệch học phí giữa các sinh viên được chính phủ, doanh nghiệp tài trợ các sinh viên tự túc. Vào năm 2005, khoảng 27% tổng chi tiêu thường xuyên cho GDĐH đến từ học phí của sinh viên [88]. Mức học phí được quy định hiện nay là khoảng 25% mức chi phí thực tế ("mức chi phí" được xác định bởi một hàm số do MOE đặt ra). Từ năm 2006-2011, học phí không thay đổi và giữ nguyên ở mức từ 4.200 đến 10.000 Nhân dân tệ (1.163 đến 2.770 USD) [91].

Giữa các cơ sở giáo dục công lập và tư thục cũng có sự chênh lệch về mức học phí. Theo OECD (2009), học phí trung bình hàng năm tại các cơ sở GDĐHCL của Trung Quốc dao động từ 2.000 Nhân dân tệ đến 6.000 Nhân dân tệ. Tại các cơ sở GDĐHCL, học phí nằm trong khoảng 8.000 Nhân dân tệ đến 13.000 Nhân dân tệ [99]. Tại Trung Quốc, các chính sách hỗ trợ sinh viên bao gồm: trợ cấp, học bổng, cho vay sinh viên và một số chính sách khác. Đối với trợ cấp dành cho sinh viên, Quỹ trợ cấp nhà nước được thành lập tháng 4 năm 2002 bởi BTC và Bộ Giáo dục. Những khoản trợ cấp của nhà nước sẽ được trao cho những sinh viên có thành tích học tập tốt trong các tổ chức giáo dục thường xuyên. Cho đến năm 2005, mỗi năm có 45.000 sinh viên nhận được trợ cấp ở hai cấp độ, cụ thể là, 10.000 sinh viên nhận được 6.000 Nhân dân tệ mỗi năm và 35.000 sinh viên nhận được 40.000 Nhân dân tệ mỗi năm. Các sinh viên này cũng sẽ được giảm trừ học phí cùng với việc được nhận học bổng. Đối với học bổng, vào tháng 7 năm 1983, Chính phủ Trung Quốc đã thông qua "Báo cáo về cải cách hệ thống trợ cấp trong các Cơ sở GDĐH thường xuyên". Kể từ đó, học bổng trở thành nguồn hỗ trợ chính quan trọng đối với sinh viên. Tuy nhiên, học bổng trao trên cơ sở thành tích học tập, chứ không dựa trên hoàn cảnh của sinh viên, vì vậy tỉ lệ sinh viên từ những gia đình có thu nhập trung bình và cao nhận được học bổng này cao hơn so với những sinh viên từ các gia đình có thu nhập thấp. Vì vậy, học bổng này không giải quyết được triệt để vấn đề khó khăn về tài chính của sinh viên nghèo. Chương trình cho vay sinh viên được đổi mới vào năm 1999, chương trình cho vay sinh viên có sự tham gia của các ngân hàng thương mại và đảm bảo sinh viên nhận được số tiền đủ để trang trải cho chi phí học tập.

Một phần của tài liệu Cơ chế quản lý tài chính đối với giáo dục đại học công lập ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển. (Trang 69 - 71)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(179 trang)
w