Chương 1 : TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
4.4. Giải pháp đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với giáo dục đại học
4.4.7. Nhóm giải pháp về chính sách huy động vốn và vay vốn
Mục tiêu của nhóm giải pháp này là nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục, tăng cường quan hệ hợp tác, phục vụ phát triển KT - XH, nhằm tăng cường thu hút các nguồn tài chính từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, chính phủ các nước phát triển đầu tư cho phát triển GDĐH.
Giáo dục là sự nghiệp chung của quốc gia. Mọi người đều có thể tham gia vào hoạt động giáo dục ở mức độ nhất định. Với quyền tự chủ nhất định, các cơ sở giáo dục có thể tạo ra nguồn thu chính từ các hoạt động của mình, như liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung ứng các loại hình dịch vụ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có thể tiếp nhận các khoản quả tặng, quà biếu, các khoản đóng góp từ thiện từ
các tổ chức hay cá nhân hoặc học bổng từ các quỹ giáo dục, các doanh nghiệp... Các khoản thu trên tuy không phải là khoản thu chính, nhưng góp phần không nhỏ giúp nhà trường gia tăng tài sản, tăng nguồn lực vật chất, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng của quá trình đào tạo. Các giải pháp cần tập trung thực hiện gồm:
Thứ nhất: Bộ GD&ĐT cần phối hợp với BTC xây dựng các quy định, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ nhằm khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia đóng góp, hỗ trợ tài chính của cho hoạt động của các trường ĐH cộng lập. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để các trường cũng có thể tiếp nhận các khoản quà tặng, quà biếu, các khoản đóng góp từ thiện từ các tổ chức hay cá nhân hoặc học bổng từ các quỹ giáo dục, các doanh nghiệp…
Thứ hai: Khuyến khích các cá nhân, tổ chức đóng góp từ thiện cho phát triển giáo dục đại học
Ở Việt Nam hiện nay, việc khuyến khích và đưa ra ý tưởng khuyến khích đóng góp từ thiện từ các cá nhân, tổ chức, các nhà hảo tâm cho các trường; ĐH chưa được chú trọng. Thông thường, các hoạt động đóng góp, ủng hộ cho sự phát triển của trường chỉ thực sự rầm rộ khí các trường tổ chức các sự kiện lớn, do vậy chưa thu hút được nhiều và thường xuyên.
Về phía nhà nước, cần có quy định cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân tài trợ, biếu, tặng đóng góp cho các trường. Ví dụ như cho phép doanh nghiệp, cá nhân được hạch toán giá trị các khoản biếu tặng đóng góp vào chi phí hoặc trích từ lợi nhuận trước thuế.
Thứ ba: Tăng cường nguồn vốn ODA cho các trường ĐHCL
Tiếp tục quán triệt quan điểm coi GDĐH là lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, từ đó gia tăng vốn ODA dành cho GDĐH. Trong số các lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng được xem như là phương thức tiếp cận có hiệu quả và thường được các nhà tài trợ sử dụng để đạt mục tiêu xoá đói, giảm nghèo và thúc đẩy KT - XH phát triển một cách bền vững. Chính vì thế, giáo dục là một trong số không nhiều lĩnh vực được xếp vào danh mục các lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, bao gồm cả ODA không hoàn lại và vay ưu đãi. Tuy
nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, vốn ODA dành cho GDĐH chiếm một tỷ trọng khá nhỏ bé trong tổng vốn ODA của Việt Nam. Do vậy, trong thời gian tới, để giáo dục thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, là lĩnh vực hạt nhân có đóng góp quan trọng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững thì chiến lược vận động ODA cần xác định tỷ lệ hợp lý vốn ODA dành cho GDĐH trong tổng vốn ODA ký kết làm định hướng điều tiết nguồn lực này.
Hình thành quỹ cho sinh viên vay học ĐH từ nguồn vốn ODA, Nhà nước sẽ quy định ưu tiên cho vay và quy định trần cho vay khác nhau, đối với sinh viên học các ngành khác nhau. Đặc biệt cần cho sinh viên vay để học các ngành quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Qua đó thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Quỹ cho vay này khác với quỹ cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Việc cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội chủ yếu chỉ đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu cho sinh viên. Mức cho vay từ Quỹ ODA cần đảm bảo cho việc học tập, sinh hoạt và nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Dùng vốn ODA để hỗ trợ các trường đầu tư trang thiết bị phụ vụ các ngành đào tạo trọng điểm, mà NSNN chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu hoạt động.
Xây dựng chiến lược thu hút và sử dụng vốn ODA giáo dục trong trong giai đoạn, phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục và chiến lược phát triển KT - XH đã được phê duyệt. Bộ GD&ĐT sớm kết hợp với Bộ KH&ĐT và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan nhanh chóng xây dựng chiến lược thu hút, sử dụng vốn ODA giáo dục trong những khoảng thời gian nhất định (3 năm, 5 năm…) làm định hướng cho hoạt động thu hút và quản lý nguồn ngoại lực quan trọng này. Trong đó, duy trì tỷ trọng vốn ODA dành cho GDĐH trong tổng vốn ODA giáo dục ở mức độ hợp lý. Bên cạnh đó, hướng ODA GDĐH vào một số trường trọng điểm nhằm mục tiêu xây dựng các trường ĐH tầm cỡ khu vực và thế giới, tránh hiện tượng sử dụng dàn trải như hiện nay.