Chương 1 CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI
1.2. Cơ sở thực tiễn về giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên
1.2.1. Trên thế giới
1.2.1.1. Trung Quốc
Trung Quốc là một nước láng giềng có nhiều nét văn hóa và xã hội tương đương với Việt Nam. Các chính sách tạo việc làm của Trung Quốc đã được triển khai từ những năm cải cách và mở cửa kinh tế cuối thập kỷ 70. Điển hình là các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hương trấn nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động ở nông thôn, rút ngắn chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, coi phát triển công nghiệp nông thôn là giải pháp để tạo việc làm. Kết quả là trong vòng 12 năm, từ 1978 đến 1990 số lượng doanh nghiệp hương trấn ở Trung Quốc tăng 12
lần từ 1,5 triệu lên 18,5 triệu doanh nghiệp. Qui mô và giá trị sản lượng doanh nghiệp cũng tăng nhanh chóng. Nhờ đó số lao động nông thôn tạo được việc làm đã tăng từ 28,3 triệu người (1978) lên 92,6 triệu người (1990). Bình quân mỗi năm các doanh nghiệp hương trấn này đã thu hút khoảng 12 triệu lao động từ nông nghiệp chuyển sang (Chu Tiến Quang, 2001).
Trong hơn hai thập kỷ gần đây, Trung Quốc là nước thực hiện công cuộc CNH-HĐH khá thành công. Tuy nhiên chính quá trình CNH - HĐH và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại nhiều vùng nông thôn đã làm cho diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, dẫn tới hàng năm có khoảng 100 - 120 triệu lao động nông thôn mất việc làm nông nghiệp. Dòng lao động nông thôn nhập cư vào các thành phố lớn ngày càng tăng khiến nhu cầu việc làm ở cả khu vực nông thôn và thành thị trở nên gay gắt. Bên cạnh đó Trung Quốc thực hiện chính sách giảm biên chế trong các doanh nghiệp quốc doanh đã làm cho khoảng khoảng 7 triệu người mất việc tính đến tháng 12/2001.
1.2.1.2. Nhật Bản
Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc đã để lại hậu quả nặng nề về người và của cho Nhật Bản, đất nước bị tàn phá kiệt quệ do đó Nhật Bản phải tìm hướng đi lên từ “đôi bàn tay trắng”. Trước tình hình tụt hậu quá xa về kinh tế và công nghệ so với phương Tây, Nhật Bản đã lựa chọn con đường phát triển từ “đầu tư cho giáo dục”. Hệ thống giáo dục được ưu tiên đặc biệt: “Từ năm 1960 đến nay đầu tư cho giáo dục công cộng chiếm trên 5% GNP” (Nguyễn Thông, 2000). Giáo dục phổ cập miễn phí cho tất cả trẻ em từ 6 đến 15 tuổi, do đặt giáo dục là nhiệm vụ trên hết nên Nhật Bản đã tạo được nguồn lực lao động có trình độ tay cao - động lực quyết định làm nên kỳ tích sự tăng trưởng “thần kỳ” của kinh tế từ đó đưa nước Nhật trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Nhật Bản đã biết kết hợp tài tình những yếu tố ‘tâm lý và kinh tế” để khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực lao động, tạo nên đội ngũ những người lao động toàn tâm toàn ý vì sự phồn vinh của doanh nghiệp (hãng, công
ty, xí nghiệp). Ngoài tiền lương, công chức còn được lĩnh tiền thưởng. Mỗi khi có sáng kiến mang lại lợi ích cho doanh nghiệp thì người lao động có tiền thưởng. Mức thưởng nhiều hay ít phụ thuộc vào hiệu quả của sáng kiến và kết quả hoạt động của doanh nghiệp, nhờ đó đã kích thích người lao động có ý thức cải tiến kỹ thuật tăng năng suất lao động.
Một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề việc làm là: Nhật Bản đã duy trì “cơ cấu kinh tế hai tầng” với sự tồn tại song song của hai khu vực kinh tế truyền thống (gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ) và khu vực kinh tế hiện đại. Vì vậy, Nhật Bản không những đã thu hút đông đảo lực lượng lao động có tay nghề thấp mà còn cho phép sử dụng cả lao động nhàn rỗi ở mọi lứa tuổi phục vụ cho các doanh nghiệp nhỏ - là nơi tiếp nhận lao động của các doanh nghiệp lớn khi thiếu việc làm.
1.2.1.3. Đài Loan
Đài Loan là một nước có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, diện tích tự nhiên là 35981 km2 với dân số hơn 20 triệu người, là nước có mật độ dân số rất cao, diện tích canh tác bình quân đầu người vào loại thấp nhất thế giới.
Kinh nghiệm của Đài Loan có hai điểm đáng chú ý:
- Thứ nhất là thực hiện cải cách ruộng đất và phát triển mạnh các trang trại nông nghiệp, đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp và công nghiệp hoá nông thôn
- Thứ hai là phát triển các xí nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ trong nông thôn.
Cuộc cải cách ruộng đất thời kỳ 1949 - 1953 đã tạo điều kiện cho các trang trại phát triển mạnh mẽ, giải phóng sức lao động trong nông thôn. Năm 1953 Đài Loan có 679.000 trang trại, quy mô mỗi trang trại bình quân là 1,29 ha. Năm 1991 có 823.256 trang trại với quy mô bình quân 1,08 ha. Nông nghiệp Đài Loan phát triển mạnh mẽ ở mức 5,2% suốt từ 1953 đến 1968.
Nông nghiệp Đài Loan đã phát triển theo hướng đa dạng hoá và có hiệu quả cao. Đặc biệt các trang trại ở Đài Loan đã đẩy mạnh phát triển các ngành phi nông nghiệp. Đến năm 1994 số trang trại sản xuất thuần nông chỉ còn chiếm 9% tổng số trang trại cả nước. Từ 1953 đến 1970 đã có 800.000 lao đông chuyển từ nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp. Điều đó có ý nghĩa to lớn đối với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn Đài Loan.
- Một vấn đề hết sức quan trọng đối với giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn Đài Loan là xây dựng các xí nghiệp vừa và nhỏ mang tính gia tộc. Đài Loan đã phát triển các xí nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn phần nhiều là sự kết hợp giữa các thành viên trong gia đình và gia tộc, vì vậy có tính hỗ trợ rất cao. Điều đó ảnh hưởng to lớn đến việc làm và thu nhập của lao động nông thôn Đài Loan (Lê Xuân Đình, 2018).
1.2.1.4. Thái Lan
Kinh nghiệm quan trọng trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn Thái Lan là sự liên kết theo mô hình tam giác giữa nhà nước, công ty và hộ gia đình. Trong đó công ty giao nguyên liệu cho hộ gia đình gia công những công đoạn phù hợp. Nhà nước hỗ trợ vốn và kỹ thuật, bồi dưỡng tay nghề cho nông dân cũng như tạo quan hệ hợp đồng gia công giữa các hộ gia đình, các doanh nghiệp nhỏ với các doanh nghiệp lớn. Do vây, các ngành nghề truyền thống, các ngành phi nông nghiệp đều phát triển mạnh, góp phần to lớn vào giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn (Trần Xuân Cầu, 2017).