Qua thực tế khảo sát, các cơ sở sửa chữa trong Tổng cục Kỹ thuật phần lớn được xây dựng trước những năm 80, một số được tiếp quản từ chế độ cũ, diện tích nhà xưởng nhỏ, hẹp, đặc biệt là dây chuyền công nghệ được viện trợ từ các nước XHCN (Liên Xô, CHDC Đức, Tiệp Khắc vv...) và các máy công cụ thu hồi từ chế độ cũ qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, lạc hậu. Mặc dù đã được đầu tư nâng cấp đổi mới một số máy công cụ làm giảm cường độ lao động, giảm ô nhiễm song không đồng bộ, phần lớn vẫn phải tận dụng các dây chuyền công nghệ cũ như: Phân xưởng vũ khí vẫn sử dụng các trang bị nhuộm đen súng bộ binh theo công nghệ đốt dầu DO; phân xưởng sửa chữa vỏ liều, bảo quản đạn, công nghệ tẩy rỉ vẫn sử dụng công nghệ phun cát. Theo thống kê chưa đầy đủ, số máy móc sản xuất từ năm 2000 trở lại đây chỉ đạt 35%, phần lớn là thiết bị nhập của Trung Quốc. Số máy móc thiết bị sản xuất từ trước năm 2000 là 65%, đa số được chế tạo từ những năm 60 đến 80 của thế kỷ trước.
Thông qua khảo sát thực tế tại có sở, hệ thống máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất đều phát sinh các tác nhân gây hại đến sức khỏe công nhân. Có 100% máy móc thiết bị phát sinh một hoặc nhiều yếu tố như tiếng ồn, độ rung lớn, nhiệt độ cao, bụi và khí độc. Trong đó, số máy móc, thiết bị phát ra tiếng ồn lớn là 48,3%; tạo rung chấn lớn là 28,3%; phát sinh nhiệt độ cao là 38,3%; phát sinh khí độc là 45%. Một số loại phát sinh nhiều tác nhân gây hại như máy dập ma sát, máy búa, máy cắt, máy phun bi, lò tôi, lò nấu, lò thấm vv (Phụ lục 9).
Bên cạnh việc khảo sát thực trạng môi trường và các yếu tố sinh hóa, hệ thống máy móc phục vụ sản xuất, tác giả đề tài cũng đã tiến hành khảo sát thực tế về việc bảo đảm trang thiết bị bảo hộ lao động tập thể và cá nhân tại các cơ sở sửa chữa của Tổng cục Kỹ thuật. Kết quả khảo sát (bảng 1, 2, 3 Phụ lục 7)
cho thấy: Nhìn chung tại các cơ sở sửa chữa của Tổng cục Kỹ thuật trang thiết bị BHLĐ tập thể như hệ thống thông gió, hút bụi tại các phân xưởng là khá đầy đủ (tỷ lệ hư hỏng vẫn chưa được thay thế là 1/16 = 6,25%) nhưng không được lắp đặt điều hòa không khí. Tuy nhiên, công suất các hệ thống này chưa đủ mạnh, mật độ các hệ thống thông gió, hút bụi còn thưa nên khả năng hút bụi và hơi độc còn hạn chế, tác dụng làm giảm nồng độ bụi và hơi độc tại các công đoạn của quy trình sản xuất còn thấp. Vì vậy, nồng độ trung bình bụi, tiếng ồn vẫn rất cao (2,1mg/m3 không khí). Nồng độ này cao gấp 21 lần tiêu chuẩn vệ sinh cho phép. Đặc biệt là tại các công đoạn nấu đổ sơn. Trên 80% các mẫu đo vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép. Chính vì vậy nguy cơ gây bệnh bụi phổi, nhiễm độc TNT là đáng lo ngại. Tại Z151, hệ thống phun tẩy rỉ xe thiếu biện pháp làm giảm bụi (hệ thống phun nước áp suất thấp). Việc sắp xếp bố trí mật độ máy tại các cơ sở khá dày, nên khả nâng gây ồn lớn, khiến cho tỷ lệ điếc nghề nghiệp phát triển (40%).
Biện pháp quan trọng nhất để phòng ngừa nhiễm độc bụi, tiếng ồn nghề nghiệp là phải làm giảm nồng độ bụi, tiếng ồn tại môi trường lao động xuống dưới mức quy định. Biện pháp này được coi là quan trọng hàng đầu hiện nay. Để làm được như vậy, bên cạnh việc nâng cao công suất, hiệu quả làm việc của hệ thống thông gió, các cơ sở sửa chữa phải mạnh dạn đổi mới công nghệ bằng quy trình sản xuất cơ giới hóa, tự động hóa. Tổ chức sản xuất khép kín, hạn chế sử dụng lao động thủ công.
Trong quá trình sản xuất, các loại hóa chất như dầu mỡ, sơn, bụi thuốc phóng, thuốc nổ và các chất tẩy rửa có khả năng xâm nhập vào cơ thể qua quá trình hô hấp, tiêu hóa và thẩm thấu qua da. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã chứng minh rằng sơn, bụi thuốc phóng, thuốc nổ, các hóa chất tẩy rửa xâm nhập qua da là lớn nhất vì nó có khả năng hòa tan tốt trong lipit. Hệ thống tuyến bã, tuyến mồ hôi có chứa các chất acid béo, chất nhờn có thể hòa tan được sơn, thuốc nổ TNT, chất tẩy rửa. Trong quá trình lao động, dầu mỡ, sơn, thuốc nổ TNT và các chất tẩy dễ bám dính
vào bề mặt da, từ đó xâm nhập vào máu. Vì vậy, ngay sau ca lao động, công nhân phải được tắm nước nóng để làm sạch da. Đây cũng là một trong các biện pháp phòng ngừa nhiễm độc có hiệu quả. Tuy nhiên, tại các phân xưởng hiện nay nhà tắm còn thiếu.
Về trang thiết bị bảo hiểm lao động cá nhân thông thường như quần áo BHLĐ, giầy vải, mũ, khẩu trang thường đã được các nhà máy cung cấp đầy đủ cho mọi người lao động. Tuy nhiên, trang bị quan trọng đối với công nhân tiếp xúc với hóa chất độc hại là mặt nạ phòng độc (ở những công đoạn có nồng độ hóa chất cao) chưa được trang bị. Đối với công nhân làm việc tiếp xúc với thủy ngân thì mặt nạ phòng độc phải là ưu tiên số một vì thủy ngân rất độc mà khẩu trang vải thông thường không có khả năng ngăn cản được quá trình thủy ngân xâm nhập qua đường hô hấp. Bên cạnh đó, việc trang bị ủng cao su, găng tay cao su thay cho giầy vải, găng tay vải cho các đối tượng công nhân lao động phải tiếp xúc với hóa chất; kính bảo vệ mắt cho các thợ hàn, sản xuất đá vv... là hết sức cần thiết. Một thực tế nữa đó là nút tai chống ồn cho công nhân vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, công nhân ở tất cả các nhà máy vẫn chưa được trang bị nút tai chống ồn.
Thông qua kết quả khảo sát thực tế, ý thức tự bảo vệ của công nhân còn hạn chế do chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa của việc sử dụng các trang thiết bảo hộ. Vẫn còn tỷ lệ khá cao không đội mũ và đeo khẩu trang trong lao động hoặc đeo không thường xuyên. Tỷ lệ không sử dụng nút tai chống ồn vẫn cao (100%); đây là nguy cơ phát sinh và làm tăng bệnh bụi phổi và điếc nghề nghiệp.
Tùy theo tính chất, đặc điểm, quy mô của dây chuyền sản xuất và nguyên vật liệu sử dụng trong quá trình sản xuất, mức độ ô nhiễm môi trường lao động cũng khác nhau khi hóa chất và các yếu tố về môi trường tác động, xâm nhập vào cơ thể vượt quá mức bình thường mà cơ thể không thích nghi được thì xảy ra tình trạng nhiễm độc cấp hoặc mãn tính. Tuy nhiên, trong lao động nghề nghiệp hiện nay nhiễm độc mãn là dạng nhiễm độc chủ yếu mang tính phổ biến.
Theo số liệu khảo sát và nghiên cứu, tác giả nhận thấy ô nhiễm hóa chất môi trường lao động là yếu tố cơ bản nhất của nhiễm độc nghề nghiệp. Các tổn thương cơ thể do nhiễm độc nghề nghiệp thường là đa tổn thương, ví dụ nhiễm độc các kim loại nặng như thủy ngân, chì thường thấy nhiều loại tổn thương trên cơ thể như tổn thường hệ thần kinh trung ương và thần kinh ngoại vi, tổn thương thận, hệ tiêu hóa, gan hoặc nhiễm độc TNT đã gây tổn thương đa tạng như gan (viêm gan mãn, xơ gan), tổn thương tủy, thị giác, rối loạn hệ thần kinh trung ương, các hợp chất nitrobenzen gây tổn thương hệ thống tạo máu, cơ quan sinh dục, hô hấp và đặc biệt là có thể gây ung thư.