Thực trạng về sức khỏe công nhân làm việc trong các cơ sở sửa chữa trang bị kỹ thuật trong Tổng cục Kỹ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số giải pháp bảo đảm an ninh sức khỏe cho công nhân tại các cơ sở sửa chữa trang, thiết bị kỹ thuật thuộc Tổng cục Kỹ thuật (Trang 35 - 41)

sửa chữa trang bị kỹ thuật trong Tổng cục Kỹ thuật

Để chứng minh cho luận chứng khoa học, tác giả đã sử dụng phương pháp tổng hợp, thu thập nghiên cứu các số liệu khám sức khỏe của cán bộ và công nhân trực tiếp lao động trong các cơ sở sửa chữa của TCKT do cơ quan quân y tổ chức qua quá trình tham gia khám sức khỏe định kỳ hàng năm và số liệu điều trị thực tế tại Khoa A7, Bệnh viện Quân y 103. Từ kết quả trực tiếp khảo sát, lấy phiếu điều tra để làm cơ sở tổng hợp và chứng minh luận chứng khoa học. Trong khuôn khổ của đề tài, tác giả quan tâm nghiên cứu và tổng kết 2 bệnh chính có tần số xuất hiện cao hơn bình thường trong số cán bộ, công nhân làm việc trong các cơ sở sửa chữa của TCKT là các bệnh có liên quan đến nhiễm độc thuốc nổ TNT và bệnh giảm sức nghe (điếc nghề nghiệp).

Các chỉ tiêu nghiên cứu về bệnh nhiễm độc TNT bao gồm: Khám thực thể; Siêu âm ổ bụng; Xét nghiệm máu thường quy; HC, HST, HCT, MCV, MCH, MCHC; BC, CTBC, TC; Sinh hóa gan (AST, ALT, GGT cho một số đối tượng tiếp xúc với hóa chất có các biểu hiện bất thường hoặc nghi ngờ có viêm gan sử dụng máy EXPRESS PLUS); HbsAg bằng test thử nhanh; Xét nghiệm TNT máu (Xác định nồng độ TNT hoặc sản phẩm phân hủy TNT máu

trên máy sắc ký lỏng);... Thời gian từ 2011 đến 2015 sau đó dùng phương pháp thống kê để sử lý số liệu. Kết quả cụ thể như sau (Phụ lục 8).

Kết quả khám sàng lọc bệnh nhiễm TNT trong 05 năm trên 2331 người được khám đã phát hiện 183 trường hợp nhiễm TNT, chiếm tỷ lệ 7,85%. Số người nhiễm ở các năm không dao động nhiều. (Bảng 8.1, Phụ lục 8)

Kết quả khám lâm sàng trên đối tượng nghiên cứu có 183 trường hợp có Hội chứng suy nhược thần kinh cộng với giảm thị lực; ngoài ra các bệnh lý thường gặp chủ yếu là bệnh lý dạ dày, tá tràng; thoái hóa cột sống và viêm đường tiết niệu. Chủ yếu các bệnh lý trên thường gặp ở các đơn vị đóng quân vùng núi đá vôi. Ngoài ra do thường xuyên tiếp xúc dầu mỡ trong quá trình lao động nên cũng dễ gặp các bệnh lý về viêm mũi xoang. (Bảng 8.2, Phụ lục 8)

Kết quả siêu âm ổ bụng, có 183 trường hợp nhu mô gan hơi thô, biểu hiện của viêm gan mạn tính. Tỷ lệ gan nhiễm mỡ ở các đối tượng khảo sát chiếm tỷ lệ tương đối cao so với các mặt bệnh khác; ngoài ra các bệnh lý thận tiết niệu mà chủ yếu là cặn thận và sỏi tiết niệu cũng khá cao ở hầu hết các đơn vị được khám sàng lọc. Kết quả xét nghiệm nước tiểu cho thấy tỷ lệ viêm đường tiết niệu các đơn vị không cao, các trường hợp có protein và hồng cầu trong nước tiểu đều phù hợp với kết quả khám lâm sàng có các triệu chứng của viêm đường tiết niệu. (Bảng 8.3, Phụ lục 8)

Kết quả xét nghiệm công thức máu thường quy cho thấy, sự ảnh hưởng của TNT chưa có tác động gì lớn tới các cơ quan tạo máu của tủy xương. Tỷ lệ rất thấp có biểu hiện của nhiểm khuẩn đường hô hấp và tiết niệu, đồng thời có 41 trường hợp có thiếu máu ở mức độ vừa và nhẹ.(Bảng 8.4, 8.5, Phụ lục 8)

Kết quả xét nghiệm chức năng gan phù hợp với kết quả siêu âm ổ bụng, ở các trường hợp nhu mô gan hơi thô, trên kết quả xét nghiệm đều có tăng SGOT, SGPT, GGT và Bilirubin TP. Điều đó phản ánh tình trạng viêm gan ở các mức độ khác nhau. Xét nghiệm TNT máu có 183 trường hợp phát hiện máu bị nhiễm TNT. (Bảng 8.6, 8.7, Phụ lục 8)

Kết quả xét nghiệm MetHb của các trường hợp khám sàng lọc đều cho kết quả bình thường. Xét nghiệm Test HbsAg với tổng số 2331 trường hợp, có 62 trường hợp xét nghiệm nhanh có HbsAg dương tính chiếm tỷ lệ 2,99%, tỷ lệ này thấp hơn so với tỷ lệ HbsAg dương tính trong cộng đồng dân cư (21%). Điều đó phản ánh các trường hợp viêm gan mạn gặp qua sàng lọc đều do nguyên nhân nhiễm độc TNT. Qua khảo sát, tác giả phát hiện có mối liên quan giữa tỷ lệ viêm gan mạn với tuổi nghề. Tiếp xúc với TNT càng lâu, tỷ lệ bị viêm gan nhiễm độc càng tăng. Gan là cơ quan chống độc chính của cơ thể. Mọi hóa chất, chất độc khi vào máu đầu tiên đều được lưu giữ ở gan. Tại đây, gan thực hiện quá trình giải độc làm giảm hoặc mất độc tính của chất độc. Quá trình đó xảy ra rất phức tạp. Chính vì vậy gan được coi là đích tác động của mọi chất ngoại sinh và nội sinh. Nếu chất độc vào nhiều trong một thời gian ngắn, gan bị tác động mạnh không thể thích ứng được và dễ bị tổn thương cấp tính. Trong lao động nghề nghiệp, sự thâm nhập của hóa chất tuy ít nhưng từ từ và thường xuyên, gan phải chịu sự tương tác kéo dài đến mức độ nhất định nào đó sẽ dẫn tới tổn thương. Có thể nói kết quả nghiên cứu mà chúng tôi thu được hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước.

Tỷ lệ công nhân có tổn thương đục thủy tinh thể do tiếp xúc nghề nghiệp với TNT là khá cao (7,85%). Trong đó đục cả cả hai mắt chiếm tỷ lệ cao hơn đục một mắt. Có nhiều hình thái đục thủy tinh thể, nhưng dạng đục chấm chu biên chiếm tỷ lệ cao nhất (56,83%). Tỷ lệ đục thủy tinh thể có tương quan tỷ lệ thuận với tuổi nghề cho thấy có mối liên hệ giữa đục thủy tinh thể với thời gian tiếp xúc với TNT. Ở các cơ sở sửa chữa trang bị kỹ thật (xưởng vũ khí đạn) của Tổng cục Kỹ thuật người lao động có tiếp xúc trực tiếp với TNT ở các mức độ khác nhau, người có thời gian tiếp xúc càng dài tỷ lệ nhiễm TNT càng cao; tình trạng bệnh lý cũng như các kết quả khám lâm sàng, siêu âm và xét nghiệm đều phản ánh tình trạng viêm gan mạn, suy nhược thần kinh và đục thủy tinh thể. (Bảng 8.1, Phụ lục 8)

Để khẳng định yếu tố bệnh lý sau khi khám sàng lọc nhiễm độc TNT trong đối tượng là cán bộ ở các cơ sở sửa chữa trang bị kỹ thuật (xưởng vũ khí đạn) của TCKT về các cơ cấu bệnh tác giả cũng đã tiến hành khảo sát các bệnh nhân điều trị tại Khoa A7, Bệnh viện Quân y 103 từ 2013 đến 2015. Kết quả cho thấy, đến tháng 8 năm 2016 có 40 người đã điều trị tại Khoa A7 viện Quân y 103 và sau đó đã được giám định bệnh nghề nghiệp. Tổng kết các kết quả theo dõi trong 3 năm 2013, 2014, 2015, có thể khẳng định công nhân làm việc trong các cơ sở sửa chữa bị ô nhiễm TNT có nguy cơ đặc biệt tác động xấu đến sức khỏe. Tần xuất xuất hiện các bệnh nguy hiểm cao bất thường có liên quan đến nhiễm độc TNT (Bảng 3.1, Phụ lục 3).

Đặc điểm chung của các bệnh nhân là số lượng bệnh nhân có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2013 có 09 bệnh nhân, năm 2014 có 15 bệnh nhân, năm 2015 có 16 bệnh nhân. Độ tuổi bệnh nhân tập trung nhiều nhất là từ 35 ÷ 50 (có 30 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 75%). Điều này khẳng định quy luật tự nhiên của con người về mặt sức khỏe và sức đề kháng cũng như khả năng rèn luyện sức khỏe. Nhóm 20 ÷ 30 năm tuổi quân chiếm tỷ lệ cao nhất có 33 bệnh nhân chiếm 82,5%; Đa số bệnh nhân nhập viện đều có thời gian tiếp xúc với TNT từ 10 năm trở lên, chiếm tỷ lệ 92,5%; Thời gian tiếp xúc càng lâu các triệu chứng do nhiễm độc TNT càng đa dạng và nặng nề hơn; Tỷ lệ Quân nhân chuyên nghiệp người làm việc trực tiếp tiếp xúc với TNT hàng ngày tỷ lệ mắc bệnh càng cao, chiếm 95%. Đây là đội ngũ lao động trực tiếp hàng ngày phải tiếp xúc với các yếu tố độc hại. Tỷ lệ phân bố của bệnh nhân đồng đều ở tất cả các Kho đạn, Xưởng bảo quản, sửa chữa (dao động từ 25% ÷ 30% ở các đơn vị), không phân biệt vị trí địa lý.

Tất cả các bệnh nhân trong diện điều tra nguyên nhân nhập viện đều do suy nhược cơ thể do tiếp xúc với TNT nghề nghiệp. Trong đó bệnh chính chủ yếu là viêm gan mạn. Các triệu chứng chủ yếu của bệnh nhân khi vào viện là suy nhược cơ thể, đau tức hạ sườn F, giảm thị lực một mắt hay hai mắt. Ngoài

ra có 14 bệnh nhân có triệu chứng vàng da, vàng mắt (viêm gan mạn đợt tiến triển); 22 bệnh nhân có triệu chứng dạ dày, tá tràng.

Tỷ lệ viêm nhiễm dao động từ 17,5% ÷ 27,5% trong đó tăng bạch cầu hay gặp viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm họng. Có 25% bệnh nhân có triệu chứng thiếu máu mức độ vừa và nhẹ. Các chỉ số sinh hóa gan (SGOT, SGPT) đều tăng ở 40 bệnh nhân, Bilirubin toàn phần nằm trong giới hạn bình thường 21 trường hợp. Các đối tượng này phần lớn có gan to, mật độ chắc, một số gan tuy không to nhưng nghi ngờ bệnh lý gan, tất cả thuộc nhóm tiếp xúc hóa chất. Các xét nghiệm về quá trình chuyển hóa của 40 bệnh nhân cơ bản đều ở ngưỡng cho phép, chỉ có 12 bệnh nhân chiếm 30% có biểu hiện rối loạn chuyển hóa Lipid, 09 bệnh nhân chiếm 22,5% có triệu chứng tăng Acid uric, những bệnh nhân này trên lâm sàng các triệu chứng đều chưa rõ ràng. Các xét nghiệm về sinh thiết gan cho thấy, kết quả trên các đối tượng có gan to chủ yếu là viêm gan mãn thể tồn tại, phù hợp với kết quả mô bệnh học gan ở 40 người được sinh thiết. Đặc điểm mô bệnh học của gan biểu hiện hình ảnh điển hình của viêm gan mãn tồn tại ở 100% các đối tượng được xét nghiệm. Trong các tổn thương trên, tình trạng tế bào nhu mô gan bị thoái hóa hạt, thoái hóa mỡ là chủ yếu. Các dạng thoái hóa khác gặp ít hơn. Không gặp hoại tử tế bào gan. Hình ảnh mô bệnh học cũng cho thấy rằng, tuy có bị tổn thương, nhưng mức độ là không nặng nề. Điều này phù hợp với kết quả sinh thiết gan phần lớn trong giới hạn bình thường. (Bảng 3.5÷3.10, Phụ lục 3)

Các tổn thương khác như tỷ lệ đục thủy tinh thể chiếm 100%, ngoài ra các triệu chứng của rối loạn đông máu và viêm da đều ở mức bình thường. Tỷ lệ bộ đội nhiễm kháng nguyên virus viêm gan B là 17,5%. Tỷ lệ có kháng thể kháng virus viêm gan C là 5%. Kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở các bệnh nhân nằm tại Khoa A7 là thấp hơn tỷ lệ chung của cộng đồng dân cư khu vực phía Bắc. Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan C nằm trong tỷ lệ mắc chung của cộng đồng. Số liệu thu được trên đây đã gợi ý rằng, tỷ lệ cao viêm gan mạn được phát hiện trong số bệnh nhân (100% đối

với TNT) có ảnh hưởng không nhỏ của tác nhân hóa chất mà không phải là do tác nhân virus viêm gan. Trong khi đó, theo nhận xét của các nhà y học Việt Nam, nguyên nhân hàng đầu gây viêm gan cho cộng đồng dân cư hiện nay ở nước ta là virus viêm gan B chứ không phải yếu tố nào khác. Tỷ lệ bệnh nhân có nhiễm TNT trong quá trình làm việc là 100% vì MTLĐ có nồng độ nhất định TNT thì tất yếu có sự thâm nhập vào cơ thể. Sự thấm nhiễm liên tục và kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên TNT có thể thải trừ nhanh ra khỏi cơ thể nếu ngừng tiếp xúc, vì vậy TNT máu không nói lên ảnh hưởng của TNT đối với cơ thể mà chỉ là test tiếp xúc có giá trị tham khảo. (Bảng 3.11÷3.12, Phụ lục 3)

Qua nghiên cứu hồ sơ của 40 bệnh nhân có thể kết luận là 100% các bệnh nhân đều nhập viện với lý do suy nhược cơ thể do tiếp xúc với TNT nghề nghiệp. Tỷ lệ viêm gan mạn tính do nhiễm độc TNT nghề nghiệp là 100%; đục thủy tinh thể là 40/40 bệnh nhân; 100% các bệnh nhân đều bị viêm gan mãn tồn tại.

Bên cạnh việc nghiên cứu ảnh hưởng của nhiễm độc TNT đối với sức khỏe công nhân, đề tài cũng tiến hành đánh giá tình trạng giảm sức nghe ở 505 cán bộ, công nhân các cơ sở sửa chữa trang bị kỹ thuật trong Tổng cục Kỹ thuật (Phụ lục 10). Kết quả như sau: Kết quả khảo sát có 61/505 người mắc các bệnh về tai (màng nhĩ), chiếm 12,1% (thủng màng nhĩ chiếm 3,6%; thủng dầy dục màng nhĩ chiếm 6,5%; vôi hóa màng nhĩ chiếm 2%).

Tuy nhiên, để bảo đảm tính chính xác, đề tài đã loại bỏ kết quả của 20 đối tượng là lao động gián tiếp như văn thư, tài chính. Như vậy khi đánh giá về tình trạng giảm sức nghe chỉ tính 485 người trực tiếp lao động ở các xưởng cơ khí, rèn, vũ khí trong đó độ tuổi 40 ÷ 49 chiếm tỷ lệ cao nhất là 61,4%; tuổi 19÷29 chiếm tỷ lệ 3,9%; tuổi 30 ÷ 39 chiếm tỷ lệ 13,2%; hơn 50 tuổi chiếm tỷ lệ 21,4%.

Kết quả có 194/485 người có thính lực đồ kém, khả năng tiếp âm kém (đối xứng 2 tai) chiếm 40%. Trong đó, mức độ nhẹ chiếm tỷ lệ 48,5% (94/194), tổn thương nặng và rất nặng chiếm tỷ lệ 17,5% (34/194

người). Tỷ lệ GSN cao nhất là độ tuổi 40÷49 (130/250 = 55,2%); thấp nhất là độ tuổi 19÷29 = 13,3%. Tỷ lệ GSN ở nam cao hơn so với nữ (155/319 = 40,9%).

Chỉ số GSN theo lứa tuổi đã chứng minh, thời gian tiếp xúc với tiếng ồn càng cao thì tỷ lệ GSN càng tăng. Đặc biệt ở khu vực lao động có tiếng ồn lớn hơn 100dBA. Cán bộ, công nhân lao động trong các xưởng cơ khí, rèn có nguy cơ cao về bệnh điếc nghề nghiệp. Những công việc nặng nhọc nhất chủ yếu cho nam giới đảm nhiệm nên tỷ lệ bệnh nghề nghiệp ở nam giới cao hơn nữ giới.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số giải pháp bảo đảm an ninh sức khỏe cho công nhân tại các cơ sở sửa chữa trang, thiết bị kỹ thuật thuộc Tổng cục Kỹ thuật (Trang 35 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)