Các nhân tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty Chứng khoán

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân tích lợi nhuận công ty cổ phần chứng khoán sài gòn hà nội (Trang 33 - 39)

1.3. Khái quát về lợi nhuận của Công ty Chứng khoán

1.3.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty Chứng khoán

Lợi nhuận của một doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, những yếu tố này bao gồm những thành phần nằm bên trong nội tại mỗi doanh nghiệp và những ảnh hưởng quan trọng bên ngoài từ môi trường vĩ mô. Các nhà quản lý doanh nghiệp không thể kiểm soát được nhóm yếu tố từ bên ngoài, mà chỉ có thể dự báo những biến đổi trong tương lai để có thể lựa chọn chính sách kinh doanh tối ưu nhằm đạt được các

mục tiêu của mình. Khi gặp khó khăn trước áp lực từ bên ngoài đối với lợi nhuận, nhà quản lý có thể thay đổi các yếu tố bên trong để thích ứng với môi trường và hướng doanh nghiệp bám sát các mục tiêu chiến lược đã đề ra.

1.3.4.1. Nhóm nhân tố chủ quan

a. Điều kiện hoạt động kinh doanh của CTCK

Để cho hoạt động kinh doanh của các CTCK đạt tới lợi nhuận nhiều và hiệu quả kinh tế cao, các CTCK cần phải chuẩn bị tốt các điều kiện, các yếu tố với chi phí thấp nhất. Các đầu vào được lựa chọn tối ưu sẽ giúp tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí hoạt động, có thể kể đến là các yếu tố sau:

- Mạng lưới giao dịch: Nếu một CTCK có mạng lưới giao dịch rộng khắp, phong

phú, đa dạng sẽ mang lại được nhiều tiện ích cho khách hàng: thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại… từ đó có thể thu hút được nhiều khách hàng giao dịch tại CTCK đó.

- Yếu tố công nghệ: Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển liên tục và không

ngừng của khoa học kỹ thuật, yếu tố công nghệ đối với tất cả các ngành nghề đều rất quan trọng, nhưng riêng với ngành kinh doanh chứng khoán thì thời gian gắn liền với tiền bạc, nếu thông tin không nhanh chóng, chính xác sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc không chỉ đối với bản thân CTCK mà còn đối với các nhà đầu tư. CTCK là cầu nối giữa các chủ thể của thị trường: giữa các công ty đang niêm yết trên TTCK – Nhà đầu tư – Sở giao dịch – các cơ quan quản lý, các nhà đầu tư phải thông qua CTCK mới có thể thực hiện được các giao dịch mua bán chứng khoán của mình, còn CTCK thông qua các phần mềm giao dịch để chuyển lệnh của nhà đầu tư lên các trung tâm giao dịch mới có thể thực hiện thành công, cũng thông qua phần mềm này CTCK mới có thể quản lý và phân bổ chứng khoán, tiền cũng như quyền phát sinh từ các chứng khoán của nhà đầu tư một cách chính xác và nhanh chóng, đảm bảo được lợi ích cho các khách hàng của mình. Trên TTCK có hàng triệu nhà đầu tư, hàng trăm mã chứng khoán, mỗi một giây trôi qua tình trạng mua bán các mã chứng khoán đã thay đổi, nếu

không chớp được cơ hội một cách nhanh chóng thì khả năng kiếm lời từ giao dịch chứng khoán là rất khó. Ngoài ra, khi thực hiện một số nghiệp vụ phụ trợ hay hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư, điển hình như hình thức giao dịch ký quỹ buộc các CTCK phải có phần mềm hiện đại mới có thể quản lý được tình trạng khoản vay của khách hàng, tỷ lệ duy trì tài khoản hay cảnh báo rủi ro nếu không rất dễ dẫn đến nợ xấu gia tăng. Vì vậy, có thể nói trong hoạt động kinh doanh chứng khoán, yếu tố công nghệ là điều kiện có ý nghĩa sống còn. Những CTCK có công nghệ hiện đại sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn từ đó có cơ hội tăng doanh thu và lợi nhuận nhiều hơn.

- Yếu tố con người: Trong bất cứ một hoạt động kinh doanh nào cũng cần những

người có chuyên môn nghiệp vụ, nhưng đặc thù kinh doanh chứng khoán lại càng đòi hỏi cao hơn với yếu tố này. Kinh doanh chứng khoán, lợi ích của nhà đầu tư với lợi ích của CTCK luôn song hành, nếu như không quản lý minh bạch sẽ dẫn tới những vụ kiện tụng đáng tiếc, tranh chấp giữa chính CTCK và khách hàng, giữa nhân viên của công ty với khách hàng, do vậy đòi hỏi mỗi CTCK phải sỡ hữu đội ngũ nhân viên có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có khả năng phân tích đánh giá cũng như khả năng nhạy bén đối với các thông tin của thị trường và có đạo đức nghề nghiệp tốt. Họ là những người trực tiếp triển khai các chiến lược kinh doanh của công ty, trực tiếp phục vụ khách hàng, nếu như không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp tốt, các khách hàng sẽ không còn tin tưởng vào công ty và đương nhiên sẽ không chọn công ty là nơi gửi gắm tài sản của họ, doanh thu của CTCK từ đó bị ảnh hưởng đáng kể làm cho lợi nhuận có thể giảm tương ứng.

- Yếu tố tài chính: Đối với bất kỳ một công ty nào thì vấn đề tài chính cũng là vấn

đề rất quan trọng. Tình hình tài chính của công ty tốt nghĩa là công ty làm ăn hiệu quả, có lãi. Nó sẽ quyết định định hướng cũng như quy mô hoạt động kinh doanh của công ty trong giai đoạn tiếp theo. Nếu tài chính không tốt, không những hoạt động kinh doanh của công ty không thể mở rộng được mà còn làm giảm sút uy tín và lòng tin của khách hàng đối với công ty. Ở Việt Nam, số vốn điều lệ ban đầu quyết định các nghiệp

vụ mà CTCK được phép thực hiện theo quy định về Vốn pháp định cho các nghiệp vụ kinh doanh của CTCK, CTCK có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh CTCK nước ngoài tại Việt Nam là:

o Môi giới chứng khoán: 25 tỷ đồng;

o Tự doanh chứng khoán: 100 tỷ đồng;

o Bảo lãnh phát hành chứng khoán: 165 tỷ đồng;

o Tư vấn đầu tư chứng khoán: 10 tỷ đồng.

Trong kinh doanh chứng khoán, ngoài quản lý tài sản của mình, CTCK còn quản lý tài sản của nhà đầu tư (tiền, chứng khoán), do đó tiềm lực tài chính của công ty là yếu tố các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, nếu tài chính của công ty có vấn đề sẽ không còn nhà đầu tư nào muốn hợp tác với công ty nữa, doanh thu của công ty từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng và khả năng phá sản là rất cao.

b. Trình độ tổ chức và quản lý quá trình kinh doanh

Quá trình kinh doanh tiến hành tốt hay xấu ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng, chất lượng sản phẩm dịch vụ và chi phí sử dụng các yếu tố để tạo ra những sản phẩm dịch vụ đó, mà các nhân tố này lại trực tiếp xác định lợi nhuận của CTCK. Do đó, muốn tạo ra lợi nhuận cao CTCK cần phải có trình độ tổ chức sản xuất tốt sao cho tiết kiệm được chi phí ở mức tối đa mà không ảnh hưởng đến chất lượng của dịch vụ.

- Số lượng sản phẩm, dịch vụ: trong điều kiện các nhân tố khác không thay đổi,

khi số lượng sản phẩm, dịch vụ tiêu thụ tăng lên hoặc giảm đi bao nhiêu lần thì lợi nhuận cũng tăng lên (giảm đi) bấy nhiêu lần. Việc tăng, giảm khối lượng sản phẩm, dịch vụ phản ánh kết quả kinh doanh của CTCK cả về khối lượng, chất lượng và chủng loại sản phẩm. Số lượng này có thể hiểu là số lượng nhà đầu tư giao dịch tại công ty, số hợp đồng tư vấn, số hợp đồng giao dịch ký quỹ công ty ký với khách hàng mà qua đó có thể thu được phí dịch vụ…

- Chất lượng của sản phẩm và dịch vụ cung cấp: Chất lượng sản phẩm, dịch vụ của CTCK thường thể hiện ở độ đa dạng, khả năng thỏa mãn khách hàng…Chất lượng sản phẩm dịch vụ có ảnh hưởng trực tiếp đến mức phí dịch vụ, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của CTCK, nếu dịch vụ có chất lượng cao mức phí sẽ cao hơn và ngược lại, chất lượng thấp phí sẽ hạ. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ còn là một trong những điều kiện quyết định mức độ tín nhiệm của khách hàng đối với công ty, nó là một trong ba yếu tố cơ bản tạo ra lợi thế cạnh tranh, là điều kiện cho sự tồn tại và phát triển CTCK. Mặt khác, với những dịch vụ có chất lượng cao sẽ thu hút được nhiều khách hàng hơn và ngược lại.

- Chi phí sử dụng các yếu tố để tạo ra dịch vụ: nhân tố này có mối quan hệ nghịch

chiều với lợi nhuận. Do đó mỗi CTCK luôn phải nỗ lực sao cho chi phí sản xuất kinh doanh càng thấp càng tốt mà vẫn đảm bảo chất lượng của dịch vụ. Nếu tổ chức quá trình sản xuất kinh doanh tốt CTCK có thể xác định được hạn mức tối ưu cho mỗi dịch vụ, phương án kinh doanh tối ưu, qua đó bố trí nguồn lực hợp lý tránh được những lãng phí không cần thiết như: quá nhiều nhân viên hay nguồn tiền nhàn rỗi dư thừa…

1.3.4.2. Nhóm nhân tố khách quan

a. Chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước

Mỗi CTCK trong nền kinh tế được coi là một doanh nghiệp, mà doanh nghiệp là một tế bào của hệ thống kinh tế quốc dân, hoạt động của nó ngoài việc bị chi phối bởi các quy luật của thị trường, nó còn bị chi phối bởi những chính sách kinh tế của nhà nước như chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá hối đoái… Trong điều kiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa như nước ta hiện nay thì các nhân tố này càng ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc.

- Lạm phát: Lạm phát có mối quan hệ nghịch chiều với TTCK, vì xu hướng của

lạm phát xác định tính chất tăng trưởng: lạm phát tăng cao là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang nóng, báo hiệu sự tăng trưởng kém bền vững, còn TTCK như chiếc nhiệt kế đo sức khỏe của nền kinh tế. Khi lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá, tâm lý chung

của người dân là không muốn giữ tiền mặt hoặc gửi tiền trong ngân hàng mà chuyển sang vàng, bất động sản, ngoại tệ mạnh… điều này khiến một lượng vốn nhàn rỗi đáng kể của xã hội nằm im dưới dạng tài sản chết. Thiếu vốn đầu tư, không tích lũy để mở rộng sản xuất, sự tăng trưởng của công ty nói riêng và cả nền kinh tế nói chung sẽ chậm lại. Lạm phát tăng cao còn ảnh hưởng trực tiếp tới các công ty, dù hoạt động kinh doanh có lãi, chia cổ tức ở mức cao nhưng tỷ lệ cổ tức cũng không hấp dẫn khi lạm phát cao, dẫn đến đầu tư chứng khoán không còn là kênh sinh lời.

- Chính sách tiền tệ: Khi chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng làm cho

cung tiền tăng, tiêu dùng hàng hóa cũng như việc sử dụng các tài sản tài chính theo đó cũng tăng theo. Khi lượng cung tiền tăng, thanh khoản vượt trội sẽ ảnh hưởng đến TTCK khá mạnh do tác động của chính sách tiền tệ tương đối nhanh và trực tiếp, ngoài ra còn làm giảm lãi suất của nền kinh tế, giảm lãi suất chiết khấu của chứng khoán, qua đó làm tăng giá kỳ vọng và tăng thu nhập. Khi chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ có tác động xấu đến TTCK, giảm giá chứng khoán do làm tăng lãi suất chiết khấu trong các mô hình định giá; làm cho các chứng khoán thu nhập cố định trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn, làm giảm thanh khoản vào cổ phiếu; làm giảm xu hướng vay mượn để đầu tư vào chứng khoán; làm tăng chi phí vận hành công ty do ảnh hưởng đến lợi nhuận công ty.

b. Sự cạnh tranh giữa các CTCK

Nền kinh tế nước ta đang vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, do vậy các CTCK tham gia hoạt động tìm kiếm lợi nhuận theo cơ chế này đương nhiên bị ảnh hưởng trực tiếp của nhân tố quan hệ cung – cầu hàng hóa, dịch vụ. Sự biến động này có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của CTCK, đòi hỏi mỗi CTCK phải có sự ứng xử thích hợp để thu được lợi nhuận. Cầu về dịch vụ lớn trên thị trường sẽ cho phép các CTCK mở rộng hoạt động kinh doanh để đảm bảo cung lớn, tạo khả năng tăng lợi nhuận của từng dịch vụ, đặc biệt quan trọng là tăng tổng số lợi nhuận. Cung cao hơn cầu thì phí dịch vụ sẽ thấp điều này ảnh hưởng đến lợi nhuận

của từng dịch vụ hay tổng số lợi nhuận thu được. Trong kinh doanh, các CTCK thường coi trọng số lượng dịch vụ cung cấp được cho khách hàng, giá trị giao dịch còn giá cả (phí) có thể chấp nhận ở mức hợp lý để có lãi. Do đó CTCK có thể khuyến khích khách hàng giao dịch với khối lượng lớn nhất để có tổng mức lợi nhuận cao nhất. Muốn vậy, các CTCK phải tìm các biện pháp kích thích cầu dịch vụ của mình, nhất là cầu có khả năng thanh toán bằng cách nâng cao chất lượng, dịch vụ, cải tiến phương thức giao dịch…

Bên cạnh đó, một trong những hoạt động chủ yếu của các CTCK là hoạt động môi giới chứng khoán. Trong điều kiện số lượng nhà đầu tư trên TTCK không thay đối, càng nhiều CTCK thì thị phần cho từng công ty càng bị thu hẹp, các CTCK ngày càng phải cạnh tranh gay gắt hơn để tranh giành khách hàng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của từng công ty: trong điều kiện các nhân tố khác không đổi, nếu số

lượng khách hàng giao dịch tăng  giá trị giao dịch tăng  doanh thu hoạt động môi

giới tăng  Tổng doanh thu tăng  Lợi nhuận tăng và ngược lại. Do đó mà các CTCK

thường thực hiện nhiều biện pháp để có thể thu hút được càng nhiều khách hàng giao dịch tại công ty mình càng tốt.

Trên đây là những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến lợi nhuận của các CTCK. Các nhân tố này được tiếp cận theo quá trình kinh doanh của CTCK, chúng có quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Việc nghiên cứu các nhân tố này cho phép xác định các biện pháp nâng cao lợi nhuận của CTCK trong điều kiện cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân tích lợi nhuận công ty cổ phần chứng khoán sài gòn hà nội (Trang 33 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)